Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

'Thành phố ngầm' ở NewYork

Steve Duncan dẫn chúng tôi khám phá "vương quốc bí ẩn" nằm dưới những con phố ở Manhattan. Anh tự đặt cho mình biệt hiệu là "nhà sử học du kích".

`Thành phố ngầm` ở NewYork
"Nhà sử học du kích" Steve Duncan


Vương quốc của "người chuột“
Lạ hơn lên mặt trăng
"Khốn nạn rồi" - Steve buột miệng khi chúng tôi bị một xe tuần tra chặn lại. Hai viên cảnh sát nhìn chúng tôi chằm chằm đầy ngờ vực. Tôi và Steve nhìn lại ngây ngô, như thể việc đang đêm hôm mưa gió có hai người cầm đèn pin, đeo balô mang theo xẻng và dây thừng làm một cuộc du ngoạn trong công viên Riverside ở New York là một việc bình thường nhất thế gian.
Du ngoạn ư? Thế thì nói hơi giảm đi. Hai chúng tôi bò lổm ngổm qua các bụi cây, chui qua một rừng dương xỉ, cho tới khi đụng phải một hàng rào. Tôi và Steve trèo qua hàng rào ấy, rồi chui xuống đường ray ngầm phía dưới. "Nhanh lên! Không họ phát hiện ra bây giờ!“ - Steve giục. Nhưng thực ra, hai viên cảnh sát không đi theo chúng tôi nữa. Hai thằng chạy khom lưng trong đường hầm rồi đến nấp sau một tấm tôn chờ đoàn tàu đang đến.
Steve không tìm kiếm sự phiêu lưu ở những nơi xa xôi, mà ở ngay trong thế giới bí ẩn dưới lòng thành phố của anh. Anh bảo, chúng ta đang sống trong một thế giới nhàm chán, mọi đất nước đều đã được khám phá, các ngọn núi đều đã bị chinh phục, các đại dương đều đã bị vượt qua.
"Phải còn gì đó cho chúng ta chứ?“ - anh nói rồi chỉ tay về phía lối đi bí mật dẫn vào "vương quốc ngầm" dưới lòng New York hoa lệ. "Chúng ta có thể đi dạo qua một nửa Manhattan bằng đường hầm này“ - anh khoe. Đó là một thế giới mà cư dân phía trên không hay biết gì về nó. Còn lạ lẫm hơn một chuyến đi trên mặt trăng.

`Thành phố ngầm` ở NewYork
Từ hơn một năm nay, người vô gia cư này đã sống trong một đoạn đường tàu điện ngầm dưới lòng phố 39 phía tây Manhattan


"Kho báu" dưới lòng đất
New York nằm trên một lớp phún thạch 500 triệu năm tuổi. Từ thế kỉ 17, lớp đá này đã bị khoan xuyên, đục thủng, đào bới. Nhưng đa số người New York không hề biết gì về điều đó, về thế giới dưới chân họ. Nhiều đoạn trong tổng số hơn 1.000 km đường hầm có thể đi lại được đã bị bỏ quên từ nhiều thế kỷ nay.
Từ hơn một năm nay, người vô gia cư này đã sống trong một đoạn đường tàu điện ngầm dưới lòng phố 39 phía tây Manhattan
Họ cũng không hề biết đến sự tồn tại của 750.000 hố ngầm, mà lượng dây điện xếp trong đó nếu nối lại có thể kéo dài đến... mặt trời.
Hệ thống ngầm phân nhánh chằng chịt và đan xen nhau dưới lòng New York chính là chốn khám phá bất tận của "nhà nghiên cứu lòng đất" Steve Duncan.
Chúng tôi trèo xuống một cái cống ngầm tối thăm thẳm, như bao cái khác. Một nơi khuấy động nỗi sợ. Ở đây, không bắt được tín hiệu di động, do đó trở thành nơi cánh gà của các loại "sân khấu tội ác": Các tên giết người hàng loạt và đám thần kinh biến thái trốn ở đâu, nếu không phải nơi này? Sẽ chẳng ai nghe thấy tiếng hét của chúng tôi cả. Ngoài kia, tiếng còi xe cảnh sát văng vẳng len lỏi qua các khe thoát nước.
Chúng tôi bước qua những chiếc giầy lẻ, những miếng da lộn, chăn, ví rỗng. Mùi nước tiểu khăm khẳm khắp nơi.
Rồi dưới ánh đèn pin, các tác phẩm graffiti đầy nghệ thuật hiện ra. Những người vẽ tranh đã chui xuống đường hầm này và trang trí cho những bức tường, mặc dù họ biết rằng các tác phẩm này có lẽ sẽ chẳng có lấy một khán giả. Từ trong những chiếc tàu điện ngầm đang chạy với tốc độ cao, đảm bảo sẽ không ai nhìn thấy những bức tường đầy màu sắc, nhưng nằm trong bóng tối này. Chúng giống như là kho báu trong các hầm mộ kim tự tháp.
Đột nhiên, ngay giữa đường hầm, chúng tôi bắt gặp... một người đi xe đạp. Một người da đen, khoảng 40 tuổi, với đôi mắt sưng mọng, một trong những "người chuột" huyền thoại. Anh ta tỏ ra sợ hãi, y như chúng tôi. "Chúng mày muốn gì ở đây?“ - anh ta gào lên hung tợn. "Chúng tôi khám phá đường hầm“ - chúng tôi đáp, và thêm: "Chúng tôi không phải cớm đâu, đừng sợ“.
Tôi mời anh một điếu thuốc. "Tôi tên là Chuck“ - anh ta nói ngắn gọn. Chuck run rẩy. Sự run rẩy thường thấy của dân nghiện cocain. Chuck làm nghề thu lượm vỏ lon lấy tiền. Số vỏ anh ta có trong bao tải tính ra khoảng 3 đôla, đủ cho một liều crack. Không có đủ tiền thuê nhà, thế nên từ bốn năm nay, hai vợ chồng Chuck sống trong đường hầm.
Chuck chỉ cho tôi "căn hộ“ của anh. Trong một khoang thụt vào của đường hầm, anh dùng bìa carton quây lại thành một cái hang nhỏ. Mấy cái chăn bụi bặm, kem Nivea, dầu gội đầu, nến, một cái túi giữ lạnh với một ít đồ ăn. Đó là tài sản của anh.
Trên đệm đặt một cái bẫy chuột. "Cậu mà không chú ý là chúng ăn thịt cậu ngay“ - Chuck giải thích. "Thỏ đường hầm“ là tên anh gọi lũ chuột cống ở đây. Và có những con có lẽ to bằng con chó.

`Thành phố ngầm` ở NewYork
Bẫy chuột đặt trên đệm ngủ


"Thuộc địa" dưới lòng đất của dân vô gia cư
Đoạn hầm mà Chuck ở đã có hơn 20 năm không được sử dụng. Tới năm 1991, khi Công ty tàu điện tư nhân Amtrak tiếp tục khai thác đoạn hầm trở lại, họ phát hiện 150 người vô gia cư “định cư” dưới lòng thành phố, xây lều, cắt trộm dây điện và đường ống nước. Một thành phố trong bóng tối vĩnh cửu dưới lòng những đại lộ rực rỡ ánh đèn. Năm ấy, các công nhân xây dựng đã dùng máy ủi dẹp hết tất cả.
Nhưng rồi, những “người chuột” lại quay trở lại chốn cũ, tuy có dè dặt hơn trước. Họ lẩn trốn sâu hơn trong "thành phố ngầm". Dấu vết của họ biến mất như ánh sáng nơi đây. Chỉ có Steve thỉnh thoảng mới gặp lại họ, trong những khúc ruột thành phố.
Không ai biết được chính xác có bao nhiêu người đang sống dưới lòng New York. Số liệu thống kê duy nhất tôi có trong tay cũng đủ gây sốc: từ năm 1990, có tất cả 350 người chết trong đường ngầm, không tính số người tự tử. Họ bị giết, chết vì sốc thuốc hay bị tàu điện ngầm chẹt phải. Một số bị chuột ăn thịt.
Tuần trước, Chuck phát hiện một xác chết trên cây ở nơi đường hầm thông với mặt đất. Một người treo cổ, vẫn đeo kính râm. Chuck chạy tới báo cảnh sát. Họ không tin anh. Ngày hôm sau anh lại tới báo lần nữa. Họ vẫn đuổi anh về. Rồi một hôm nào đó, có mấy viên cảnh sát đến và dọn xác chết đi. Một xác chết như thế ở lối ra vào làm Chuck rất khó chịu.
Theo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét