Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Những tục Tết lý thú

ảnh minh họa
ảnh minh họa
Các dân tộc trên thế giới đều có những ngày Tết độc đáo của riêng mình. Mỗi phong tục riêng biệt thể hiện bản sắc dân tộc, tất cả đều mong một năm mới an lành, phúc lộc.
Tết Mông Cổ

Tết Mông Cổ diễn ra trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam, kéo dài trong 3 ngày đầu của tháng giêng âm lịch. Nghi thức trước đêm giao thừa là rửa sạch chén bát với sữa ngựa. Mọi thức ăn cho ngày Tết đều được chuẩn bị phần nhiều từ sữa. Người Mông Cổ còn có tục uống trà đầu năm. Lúc giao thừa, người ta pha trà rót ra chén thứ nhất đem ra sân trước nhà, vẩy khắp bốn phương. Chén thứ hai dành cho chủ nhà và sau đó là mọi thành viên trong gia đình. Họ thức suốt đêm để mừng năm mới.

Tết Bangladesh

Hàng trăm ngàn người tràn ra đường phố thủ đô Dhaka reo hò để chào mừng lễ hội Tết đầy mầu sắc và âm thanh. Ngày đầu năm người Bangladesh dùng nhiều mầu sắc để vẽ lên mặt, chúc mừng mọi người năm mới vui vẻ và hạnh phúc. Theo truyền thống, lễ hội Tết được bắt đầu với sự tụ tập của dân chúng ở dưới những tán cây lớn hoặc bên bờ hồ để nhìn mặt trời mọc và nghe những bài thơ của thi sĩ Rabindranath Tagore hoặc hát những bài hát do ông sáng tác để chào mừng mùa Xuân.

Tục ném bột màu của người ấn Độ

Tết cổ truyền ấn Độ (ngày hội Hô-li) được tỗ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm. Vào đêm giao thừa, người dân ấn Độ từ già đến trẻ đều tụ tập quanh đống lửa để ca hát và nhảy múa. Họ cắt móng chân móng tay, dùng các nắm bột mỳ trộn với sữa và dầu hạt cải để lau sạch cơ thể, sau đó ném tất cả vào đống lửa. Người ấn Độ coi những đống lửa đốt vào đêm giao thừa là thiêng liêng, có phép màu nhiệm trừ được ma quỷ. Ngày mồng Một Tết là ngày chính hội Hô-li, tại những nơi công cộng người ta còn để sẵn thùng bột pha đủ các màu sắc để mọi người tạt vào nhau và ai được vẩy nhiều coi như người ấy sẽ có một năm mới nhiều may mắn.

Tết Sri Lanka

Theo lịch của người Sinhalese, Tết ở Sri Lanka vào tháng 4 dương lịch. Ngày cuối năm cũ, người dân phải dọn sạch tro nơi bếp và gánh thật nhiều nước dự trữ. Lần gánh nước cuối cùng, trước khi ra về, họ đều thả xuống giếng một nhành mai để tiễn biệt năm cũ. Sáng sớm mồng 1 Tết, mỗi người cầm một nắm lá cây mùi thơm dâng tặng người già nhất trong nhà như lời chúc thọ năm mới và để tỏ lòng trân trọng, biết ơn.

Tết buộc chỉ cổ tay ở Lào

Tết buộc chỉ cổ tay ở Lào hay tết Té nước còn được gọi là Tết Bunpimay, Tết này thường được tổ chức trong ba ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch. Mở đầu ngày hội, mọi người té nước cho Phật, sư sãi và những người già có uy tín nhất, rồi té nước chúc phúc cho nhau. Nhân dân nhiều nơi còn làm lễ phóng sinh (thả chim, cá, rùa...) coi đây là việc thiện mừng năm mới. Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, buộc chỉ cổ tay cho nhau. Những sợi chỉ bằng bông hay len mầu xanh, hồng được buộc vào cổ tay. Trong ba ngày Tết, ai được nhiều chỉ buộc cổ tay được coi là gặp may mắn cả năm.

Tết đèn ở Myanmar
Để tỏ niềm tôn kính đối với các vị thần, Tết Đèn được tổ chức long trọng trong 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 7 theo lịch Myanmar. Trong những ngày này, mọi gia đình, cửa hàng, chùa chiền, công sở... trên khắp các đường phố đều được trang trí lộng lẫy bằng những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu. Ban đêm người ta ùn ùn đổ ra phố để chiêm ngưỡng các loại đèn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và thi dệt áo cà sa. Trong thời gian diễn ra Tết Đèn, người ta còn tổ chức cả những cuộc diễn giảng về lịch sử Phật giáo trong không khí
thành kính.

Tết "đón thần" Nazareno ở Philippinnes

Nazareno là một pho tượng thánh bên trong nhà thờ Giyapo ở thành phố Manila cổ kính. Tương truyền giáo đường này đã một lần bị hỏa hoạn thiêu cháy toàn bộ, duy chỉ có pho tượng vẫn nguyên vẹn chỉ bị khói làm cho đen nhẻm. Từ đó, các tín đồ vô cùng sùng bái và thành kính gọi pho tượng là Nazareno đen và tôn là Thần. Hằng năm, vào ngày 9-1, người ta đưa pho tượng từ trong nhà thờ ra cử hành lễ rước rất long trọng. Họ đặt pho tượng lên trên một chiếc xe trang hoàng bằng hoa tươi, cành lá xanh chung quanh, có những nam tín đồ đứng hộ Thần. Đám rước Thần từ từ tiến về phía trước, hàng nghìn tín đồ vây quanh xe, tranh nhau hôn vào chân hoặc sờ vào chiếc áo choàng khoác trên pho tượng, không chen vào được thì lấy khăn tay ném lên trước nhờ người lau vào pho tượng để đem về. Mọi người đều tin rằng nếu sờ được vào bức tượng, thần sẽ ban cho họ sức mạnh chống lại bệnh tật.

Hoa đăng ở Campuchia

Vào đêm Giao thừa, mọi gia đình ở Campuchia nói chung và đặc biệt những người sống ở vùng Biển Hồ nói riêng thường làm một cái đèn rất đẹp, đặt trên một chiếc mảng xinh xắn rồi đem thả trên mặt hồ. Hàng nghìn ngọn đèn trôi lung linh thành một hội hoa đăng đẹp một cách sống động. Người Campuchia tin rằng, đèn của nhà nào vừa đẹp, vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy sang năm mới gặp nhiều điều tốt lành. Người Campuchia còn có tục đắp những núi cát nhỏ với ý nghĩa là xây dựng những cái tốt. Vì vậy, trong ngày Tết, người ta thấy xuất hiện hàng loạt những núi cát lớn nhỏ ở khắp nơi./.
HNM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét