Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Người Thái luyện mình

TT - Người Thái đã được rèn luyện thế nào trước khi bước vào đời? Phóng viên Tuổi Trẻ kể lại những trải nghiệm thú vị về thời gian tu luyện trong những ngôi chùa để một người trai trẻ Thái Lan chuẩn bị bước vào đời.


Lớp học tiếng Pali ban đêm của các chú tiểu (ảnh chụp ở tỉnh Ubon Ratchathani) - Ảnh: Tanasak


Kỳ 1: Ngôi chùa tuổi thơ
Khi sương mù vừa tan, trên đường ra chợ ở tỉnh Phrae tôi thấy một chú tiểu có gương mặt bầu bĩnh chừng 12, 13 tuổi tay ôm bát vừa đi vừa chạy theo các nhà sư. Đây là một chú tiểu mới xuất gia nên ngủ dậy trễ. Bộ y của chú mới toanh, quá khổ. Chú chưa biết cách khoác y cho gọn gàng vừa với dáng người.
Luyện mình
Buổi tối, đợi hết giờ học tôi đến chùa Pak Nam để trò chuyện với các chú tiểu. Sau một hồi đùn đẩy nhau, cuối cùng chú tiểu Wuttichai Rianthorng đã rủ lòng từ bi xuất hiện. Người chú tròn trịa, mũm mĩm, đôi mắt khi không cười cũng híp lại như đang cười. Chú bí mật nói tôi phải đãi chú ăn “khao tôm” (một loại cơm trộn với nước xúp) sau khi phỏng vấn xong để trả công. Hai chúng tôi cùng cười vì như vậy là... phạm giới.
Wuttichai nhớ lại: “Năm 12 tuổi em nói ý định vào chùa thì bố mẹ mừng quá, lật đật dắt em qua nhà ngoại để báo cho bà biết. Sau đó bà dắt em đến chùa để xin phép sư thầy. Chỉ năm ngày sau là em vào chùa sống!”.
Theo hệ thống giáo dục Thái Lan, hiện Wuttichai đã học trường cấp II Phật giáo hết năm thứ nhất. Hai năm nữa chú sẽ học hết cấp II và dự định rời chùa về đời. Chú giải thích: “Nếu không xin xuất gia, em sợ sẽ không học hết được cấp II. Nhiều bạn bè thường rủ em hút thuốc và làm nhiều chuyện mà ba mẹ không muốn”.
Cuộc sống dưới mái chùa giúp các chú tiểu giữ tâm được bình an. Các chú áp dụng tâm pháp của thiền trong đi đứng nằm ngồi và nhờ đó tập trung tốt hơn vào việc học.
Trong thế giới của mình, các chú tiểu cũng có chuyện vui riêng và thường chia sẻ với nhau về những điều nếu làm sẽ... phá giới mà các chú cho là ngồ ngộ như không được hát, không được chơi đá banh, không được kể chuyện cười, không được xài hóa mỹ phẩm có mùi thơm và không được mặc... quần lót. Khi phạm những giới quy này, các chú không thấy tội lỗi mà chỉ cảm thấy tức cười vì phạm giới tập thể, nhất là cùng nhau... ăn vụng ban đêm. Về việc không mặc quần... bé, chú cười đến đỏ cả mặt và cho biết rất thoải mái.
Ở Thái Lan, trên 21 tuổi mới được coi là sư và phải tuân thủ 227 giới. Dưới 21 tuổi được coi là tiểu tăng và chỉ phải giữ mười giới chính. Trong đó, năm giới đầu là áp dụng cho mọi người, dù không xuất gia mặc áo cà sa cũng phải giữ giới trong sạch. Đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu và dùng các chất gây nghiện. Các giới từ thứ 6-10 gồm: không được ngủ giường cao nệm dày, không ăn sau 12 giờ, không trau chuốt ngoại hình, không giải trí và không được xài tiền.
Với các chú tiểu, việc xuất gia đơn giản chỉ là xin phép sư trụ trì và xuống tóc trước khi vào chùa, không phải là một sự kiện linh đình như đối với những người trên 21 tuổi.
Một ngày bình thường của các chú tiểu bắt đầu từ 4g sáng và kết thúc khoảng 9-10 giờ đêm. Buổi sáng các chú thức dậy từ 4g, đánh chuông, tụng kinh và tham thiền. Sau đó là đi bát để có thực phẩm cho buổi sáng và trưa cùng các nhà sư khác. Khi đi bát, các chú tiểu phải đi sau các nhà sư, ở phía cuối hàng. Các sư ở thành phố lớn sẽ đi bát trễ hơn do người dân đô thị không quen dậy sớm như người dân nông thôn. Khoảng 7 giờ, họ về chùa, quét dọn sân chùa và chuẩn bị cho bữa sáng. Các công việc dọn bàn ăn, rửa chén bát hai bữa mỗi ngày thuộc về các chú tiểu.
Các chú tiểu đến trường lúc 8g sáng để học và trở về lúc 11g trưa. Cùng với các nhà sư, họ ăn trưa xong trước 12g. Buổi chiều từ 12g30-16g, các chú học các môn phổ thông như toán, lý, lịch sử... Sau giờ học, các chú tiếp tục làm vệ sinh chùa như quét rác, lau chùi tượng Phật, dọn cỏ và chuẩn bị cho buổi tụng kinh buổi chiều lúc 18 giờ. Buổi tối họ phải học tiếng Pali đến tận 21g cho tới khi đạt đến bậc ba của ngôn ngữ này. Sau 21g là thời gian tự do để làm bài tập về nhà. Mỗi chú tiểu còn có một sư phụ luôn theo sát mỗi khi cần giúp đỡ.
Đi tu cầu học
Nhiều người Thái trong độ tuổi 20, 30 hiện nay cho biết họ đã sống ở chùa 3, 4 hay thậm chí là mười năm khi còn rất nhỏ. Hi sinh lớn nhất là phải chấp nhận không được quấn quýt bên mẹ như những thiếu niên khác.
Chuyện này có từ 20 năm trước, khi việc học là một gánh nặng tài chính với nhiều gia đình nông thôn. Lúc ấy, nếu trở thành chú tiểu họ không phải đóng học phí, được ăn ngày hai bữa miễn phí từ thực phẩm cúng dường và không phải mua đồng phục hay tập sách. Khi bệnh các chú tiểu cũng không phải trả tiền thuốc men và viện phí. Bằng cách này, nhiều thanh niên đã trưởng thành và học xong đại học.
Ngày nay, giáo dục ở Thái Lan được miễn phí đến hết lớp 12. Các học sinh được phát đồng phục, sách vở, giày dép và được ăn bữa trưa miễn phí ở trường. Việc đi tu ở lứa tuổi thiếu niên tưởng đã giảm nhưng thực tế vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều bậc cha mẹ.
Với những gia đình rất nghèo, lý do chính vẫn là để đỡ tiền ăn hằng ngày. Với các gia đình khá giả, các bậc cha mẹ gửi quý tử vào chùa để cậu ấm không bị game online, bia rượu, chất kích thích hay bạn bè xấu lôi kéo...
Chú tiểu Kittipit Singsorn, 13 tuổi, ở tỉnh Si Sa Ket, vùng đất đang diễn ra tranh chấp liên quan đến ngôi đền cổ với Campuchia, cho biết: “Ở quê em thường bị các anh lớn hơn ăn hiếp. Họ đưa tiền sai đi mua rượu và sau đó ép em cùng uống. Em rất sợ”.
Với Kittipit, cuộc sống ở chùa tất cả đều tốt hơn ở nhà. Kể đến đoạn cha dượng mất năm ngoái và mẹ phải bỏ ba anh em lên Bangkok làm việc trong nhà máy dệt, nước mắt em không ngừng rơi, liên tục đưa cà sa lau nước mắt: “Em nghĩ vì ba anh em mà mẹ phải đi làm xa cực khổ hơn, nên em và em trai em, khi đó 11 và 12 tuổi, xin được đến chùa tu để mẹ bớt khổ. Chúng em sẽ sống ở chùa cho đến khi học xong đại học”.
Với các chú tiểu tuổi 18, 20, việc tu tâm khó khăn hơn do liên quan đến chuyện... nhi nữ. Tiểu sư phụ Khamphing Phimmakong, người Lào đang tu học ở Thái Lan, cho biết: “Tôi có nhắn với bạn bè đừng liên lạc để không bị xao nhãng việc tu hành”.
Ở Thái sẽ là rất sai trái nếu một người nữ rủ rê một thầy tu trở về đời. Dù vậy, các sư và các tiểu sư phụ kể rằng: có cô gái lặng lẽ dâng cơm đều đặn mỗi sáng khi nhà sư đi bát, như một tín hiệu nếu có ngày thầy về đời chúng ta thành đôi lứa. Sư Utara kể có người còn đặt cả hoa hồng vào bát của nhà sư.
HỒNG VÂN
--------------------------------------------------
Ở Thái Lan, nam công chức được rời nhiệm sở ba tháng để vào chùa mà vẫn được trả lương. Theo truyền thống, người con trai vào chùa là để đáp đền công đức của cha mẹ đã đẻ đau, dưỡng dục họ.
Kỳ 2: Rèn chữ hiếu
TT - Mọi người theo đạo Phật ở Thái đều biết “buat phra”, được hiểu là đi tu cho mẹ. Khi người mẹ qua đời, bà sẽ vịn vào áo cà sa của con để lên thiên đàng. Người con trai vào chùa để đáp đền công đức của cha mẹ đã mang nặng đẻ đau, dày công dưỡng dục họ. Truyền thống này áp dụng cho mọi gia đình phật tử ở Thái Lan, dù là đức vua cũng không ngoại lệ.
Các Naga tạ ơn sinh thành của cha mẹ, ông bà - Ảnh: Tanasak


Cô Orathai Weingjai (bìa trái) vừa cúng dường xong cho bạn trai, nhà sư trẻ Suthee, mắt cứ mãi dõi theo... - Ảnh: Hồng Vân



Trả hiếu cho mẹ
Một ngày trước khi chính thức thành hòa thượng, Suthee Shijaiya và bạn gái Orathai Weingjai đã hoàn thành một việc trọng đại của hai người là chụp hình cưới. Đôi bạn cho biết: Đại đa số nam giới xuất gia trước khi lấy vợ vì trong trường hợp họ xuất gia sau khi có gia đình, phần phúc đức của việc đi tu sẽ được chia đôi cho mẹ và vợ của họ. Đi tu là hành động báo hiếu lớn nhất người con trai thực hiện cho mẹ mình.
Chị Orathai cho biết rất hạnh phúc khi chứng kiến vị hôn phu hoàn thành việc trọng đại nhất trong đời. Vì nữ giới không được “xớ rớ” cạnh các nam tăng, chị ngồi tựa vào một cây cột ở xa, mắt hướng về người yêu trong lễ buat phra của Suthee.
Tuổi đủ trưởng thành để có thể xuất gia là hết 20 tuổi, nghĩa là vừa bắt đầu tuổi 21, nhưng để linh động đôi khi thời gian trong bào thai cũng được tính.
Ở Thái, nam công chức được rời nhiệm sở ba tháng để vào chùa mà vẫn được trả lương. Họ thường chọn ngôi chùa ở làng quê mình vì như vậy người mẹ sẽ có cơ hội dâng thức ăn cho họ mỗi ngày. Riêng ở các thành phố lớn như Chiang Mai, Bangkok, những ngôi chùa nổi tiếng về thiền được nhiều người chọn để buat phra. Tại đây, họ thiền hành để giúp tâm hồn bình an, tĩnh lặng.
Mỗi nam phật tử có thể buat phra nhiều hơn một lần trong đời và bao lâu tùy ý. Ngoài đi tu cho mẹ, họ cũng xuất gia một thời gian ngắn khi gia đình có người vừa qua đời. Đặc biệt, họ có thể buat phra cho những phụ nữ độc thân thân thiết với mình vì những phụ nữ này không có con trai để đi theo lên thiên đàng.
Phi, một thanh niên Việt Nam du học ở Đại học Chiang Mai và đính hôn với bạn gái người Thái, cũng nhập gia tùy tục để làm đẹp lòng đằng gái. Anh đã buat phra ba tháng trước khi đưa nàng về dinh.
Naga - nhà sư ba tháng
Có nhiều nghi lễ phải thực hiện trước khi xuất gia nên nam thanh niên Thái thường chuẩn bị cho sự kiện này từ nửa năm đến một năm.
Là nhân viên nghiên cứu xã hội có đồng lương khiêm tốn, Tanasak cho biết anh cần nửa năm để dành dụm khoảng 60.000 baht Thái (tương đương 2.000 USD Mỹ) trước khi xuất gia. Số tiền này để chi dùng trong các nghi lễ trước và sau khi xuất gia, chủ yếu đãi tiệc mời bà con trong làng xóm đến chung vui và cúng dường cho nhà chùa.
Tôi tình cờ gặp Parat Kobkeaw, Suthee Shijaiya và Thnet Kruata ở chùa Ram Phoen tại Chiang Mai đúng vào lễ buat phra của họ. Không quen biết nhau trước nhưng cả ba đã trở thành bạn quý vì tình cờ xuất gia trong ngày 12-12-2010. Cả ba còn độc thân và sẽ lập gia đình không lâu sau khi hồi gia. Các lễ chính khi buat phra gồm lễ tạ ơn, lễ xuống tóc và lễ xuất gia.
Mở đầu lễ tạ ơn, người phụ nữ trong nhà (bà cố, bà ngoại, mẹ) và người sắp xuất gia sẽ đến chùa thắp nhang báo với các bậc tổ tiên trong gia đình là con, cháu họ sắp sửa xuất gia. Những người cao tuổi trong gia đình sẽ ngồi vào ghế và người sắp xuất gia sẽ rửa chân cha mẹ và các thành viên lớn tuổi trong gia đình để tỏ lòng hiếu lễ.
Sau đó là lễ xuống tóc. Những người họ hàng đứng thành hàng một và lần lượt đến cắt một phần tóc của người đi tu. Vừa cắt tóc, họ vừa chúc cho anh một tương lai tốt đẹp và tha thứ cho những lỗi lầm của anh trong quá khứ.
Sau khi được người họ hàng cuối cùng chúc phúc, một nhà sư sẽ cạo sạch tóc, lông mày và râu của người đi tu. Sau đó, cứ đến ngày rằm mỗi tháng họ sẽ phải cạo râu, tóc và lông mày một lần. Phần tóc cắt đi sẽ được giữ lại và gói trong một chiếc lá sen. Tóc sẽ được giữ lại trong nhà ba ngày rồi được đem thả xuống sông bởi người phụ nữ lớn tuổi nhất của gia đình.
Nghệ giã và bột hòa với nước được rẩy và chà lên đầu, lên người với ý nghĩa nước này sẽ thanh tẩy hoàn toàn người đi tu.
Nghi lễ thứ ba là lễ xuất gia. Trong trang phục của rồng nước “Naga”, gồm áo dài màu trắng, viền vàng, bộ ba Parat Kobkeaw, Suthee Shijaiya và Thnet Kruata đến chùa để được các nhà sư cho phép được làm sư.
Theo thần thoại, Naga muốn đi tu nên đã giả dạng thành người. Đức Phật biết và Người nói với Naga: “Chỉ có con người mới thành nhà sư được”. Naga ngậm ngùi đồng ý là nó sẽ không được đi tu, nhưng yêu cầu Đức Phật một ân huệ, đó là về sau những nam thanh niên sắp làm lễ xuất gia phải được gọi là Naga. Cầu xin của Naga được Đức Phật chấp nhận.
Lễ xuất gia được tiến hành ở một phòng lớn trong chùa gọi là Sala, có chín hoặc bảy nhà sư sẽ ngồi thành hàng để làm nghi thức xuất gia cho Naga. Các nhà sư và Naga tụng kinh bằng tiếng Pali. Người thường không mấy ai biết được ngôn ngữ này nhưng họ hiểu nội dung của lời cầu kinh là xin bình an cho cha mẹ, thầy cô, cam kết nghiêm túc chịu giới và tuân theo lời dạy của Đức Phật.
Theo nghi thức, Naga sẽ phải trả lời hàng loạt câu hỏi có/không. Toàn bộ câu hỏi được hỏi bằng tiếng Pali, và nếu đáp sai thì nhà sư chủ lễ sẽ bắt đầu lại việc hỏi đáp. Năm câu đầu về bệnh tật trả lời không, các câu sau trả lời có. Nghi lễ sẽ bị ngừng và các câu hỏi sẽ được hỏi lại nếu Naga trả lời có ở những câu hỏi phải được trả lời không, và ngược lại. Một số câu hỏi phải trả lời có là: có phải là con người không? Có được phép của nhiệm sở không? Có được gia đình đồng ý không? Có đủ 20 tuổi không? Có bát và y (áo cà sa) đầy đủ chưa?
Nhưng quan trọng nhất là câu hỏi: Con có phải là nam nhân không? Đây là câu hỏi mang tính quyết định người đó có đủ tư cách xuất gia hay không!
HỒNG VÂN
____________________
Sự phát triển nhanh chóng khiến những giá trị xã hội đổi thay và xuất hiện nhiều thách thức, ngay cả phía trong cổng chùa. Người Thái dù cởi mở cách nào cũng phân vân với những nhà sư không phân biệt được giới tính...

Kỳ 3: Thách thức thời đại
TT - Khi đem thức ăn đi cúng dường, thấy tôi xách giỏ xôi thấp gần sát mặt đất, mẹ chị Rot gọi dặn dò: phải ôm giỏ xôi trước ngực, khi cúng dường phải bỏ dép, quỳ sát đất và không được nhìn thẳng mặt nhà sư...
Hai chú tiểu say sưa chụp hình bằng điện thoại di động ở chùa Trắng, tỉnh Chiang Rai - Ảnh: Hồng Vân


Các sư cô đã xuất hiện trên đường phố  - Ảnh: Eva Pascal


Lòng thành
Ở Thái, các nhà sư ở làng quê đi khất thực tầm 5-6 giờ sáng. Nghĩa là người dân phải dậy sớm hơn để nấu xôi, nấu xúp, nấu chè.
Khi dâng thức ăn cho nhà sư, người Thái tin rằng họ đang dâng thức ăn cho người thân đã mất của mình nên đặt vào đó tất cả yêu thương và thành kính.
Vào chánh điện, sau một hồi đi bằng đầu gối để đem thức ăn tới chỗ các nhà sư và... chụp hình, tôi vừa duỗi thẳng hai chân cho đỡ mỏi là bị các cụ bà chỉnh ngay. Sau khi giải thích chĩa lòng bàn chân về phía Đức Phật là... vô lễ, các bà cười tươi phủi tay: “Không biết thì không có tội”.
Khi các nhà sư ăn cơm trưa xong, còn cơ man là đồ ăn: cá chiên, trứng chiên, cà ri, chè, xôi... Chị Rot hỏi tôi có muốn ăn không, tôi gật đầu phấn khởi vì được ăn cơm chùa. Chị nhìn quanh xem xét rồi nói nhỏ vào tai tôi: “Em ơi, có nhiều cụ già ở đây, chị em mình nhường cho các cụ ăn lấy thảo”.
Tôi để ý thấy trước khi đi xa hoặc đi đâu mới về, chị Rot luôn quỳ xuống lạy cha mẹ rất cung kính. Những hành động đó dường như bắt nguồn từ việc chị được dạy phải tôn kính thánh thần, trời đất và người khác từ thuở còn thơ.
Phân vân sau cổng chùa
Đổi lại với sự kính trọng của xã hội, trách nhiệm của nhà sư là phải thực hiện đời sống tu hành nghiêm túc. Dù vậy, dư luận Thái vẫn thường xuyên bị chấn động khi bằng chứng về nhiều vụ phạm giới nghiêm trọng của các nhà sư bị phơi bày.
Mới đầu năm 2011, người ta giật mình khi một đoạn phim quay cảnh các chú tiểu cathoi (người nam nhưng ăn mặc và trang điểm như nữ) nhảy múa, uốn éo dị hợm trong phòng kín bị tiết lộ. Đoạn phim phản cảm đến mức nhiều người Thái phải thốt lên: “Không thể chấp nhận!”.
Một ví dụ khác là chuyện một nhà sư chuyên đi quyên tiền rồi dùng tiền đó qua đêm với phụ nữ hay sử dụng thuốc kích thích...
Đó là hai chuyện còn nóng hổi, còn những chuyện như nhà sư có tài khoản ngân hàng với số tiền lớn, đi xe hơi hàng chục triệu baht, nhà sư không chuyên tâm thiền hành... đã không còn là chuyện lạ.
Phật giáo ở Thái Lan quy định chỉ nam nhân mới được xuất gia. Nhưng người đồng tính nam và cathoi đều được sinh ra trong hình dáng nam giới. Sự khó phán xét bởi tuy sinh lý họ là nam nhưng xu hướng tình dục và những phương diện tâm lý, dường như họ không phải như vậy.
Khi Đức Phật còn tại thế, người dặn sư nam và sư nữ phải sống tách biệt. Nhưng chuyện nhức đầu ngày nay của xã hội Thái là phải phân chia nơi ăn ở thế nào đối với những vị sư đồng tính nam trong chùa?
Nhiều người cho rằng để họ tu chung với những nam tăng khác nghĩa là đã cho những đối tượng hấp dẫn giới tính sống cùng một nơi. Nhiều nhà sư than phiền bị quấy rối tình dục bởi các nam tăng khác.
Do dư luận còn nặng nề, người thuộc giới tính thứ ba bắt buộc phải khẳng định mình là nam và giả vờ tỏ ra nam tính mới được phép xuất gia. Người ta đã công khai bàn việc cấm người giới tính thứ ba xuất gia đi tu, nhưng họ không biết xoay xở thế nào với những người... bỗng dưng trở thành giới tính thứ ba sau một thời gian sống ở trong chùa!
Dù sao, sự thật không thể phủ nhận là số lượng sư đồng tính nam và sư cathoi có xu hướng tăng lên ở Thái Lan.
Những sư nữ dấn thân
Ngày nay, nước Thái chỉ công nhận nam tăng. Người nữ, nếu mến mộ Phật pháp, có thể tham thiền. Và dù cũng thiền hành ngày tám tiếng, tụng kinh, chăm sóc chùa như các nam tăng, họ không được công nhận là ni sư. Điều này nghĩa là phụ nữ Thái Lan không có cơ hội xuất gia.
Theo sư Souvanno, tại chùa Suon Dok ở Chiang Mai, ở Thái không còn có ni sư từ khoảng 700 năm về trước.
Tuy nhiên vẫn có vài ngôi chùa sư nữ ở Thái Lan những năm gần đây và số lượng các ni sư có xu hướng tăng lên. Sư Utara, tu tại chùa Umong ở Chiang Mai, cho biết: “Hiện tượng sư nữ là một thách thức với đạo Phật ở Thái Lan vốn chỉ chấp nhận nam tăng. Dù chậm nhưng rồi sẽ đến lúc có nhiều sư cô hơn ở đất nước này”.
Vị sư nữ đầu tiên của Phật giáo Nam truyền ở Thái Lan là Venerable Dhammananda (còn gọi là tiến sĩ Chatsumarn Kabilsingh), thọ giới ở Sri Lanka năm 2003. Các hoạt động của sư cô nhằm phổ biến lời dạy chính xác của Đức Phật, phân tích những điều hiểu lầm của đại chúng về những lời dạy của người.
Đức Phật có lời dạy rằng: “Nữ nhân là kẻ thù của sự thanh bạch của nhà sư”. Lời dạy này nổi tiếng đến mức ai ở Thái Lan cũng biết đến và phụ nữ không được tiếp xúc trực tiếp với nhà sư mà không có trung gian là một dải cà sa hoặc người làm chứng.
Nhưng Đức Phật không dừng lại ở đó. Người nói tiếp: “Và nam nhân cũng là kẻ thù của sự thanh bạch của nữ giới”. Nhưng ở Thái Lan, nơi chỉ công nhận nam tăng, chỉ có vế đầu của câu nói được trích dẫn. Ni sư Dhammananda cho biết phụ nữ có bị mặc cảm về bản thân khi họ được dạy mình là nguồn gốc của tội lỗi.
Hoạt động của ni sư ở Thái Lan rất khó khăn vì xã hội không thừa nhận các sư nữ trong hệ thống Phật giáo. Khi đi làm hộ chiếu để dự hội thảo ở nước ngoài, nhà chức trách đã yêu cầu ni sư phải mặc trang phục bình thường để chụp ảnh hộ chiếu.
Trong điều kiện xã hội chưa sẵn sàng cho sự thay đổi, ni sư không kêu gọi quyền xuất gia cho nữ giới mà chủ yếu rao giảng những bài học của Đức Phật và giúp các nữ phật tử mộ đạo bền chí thiền hành ở cộng đồng.
“Tôi không xuất gia để được nổi tiếng. Tôi cố gắng khôi phục bốn rường mối quan trọng đối với tương lai của Phật giáo, đó là: nam tăng, ni sư, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Chúng tôi hướng về đại chúng”, ni sư nói đầy quyết tâm như vậy.
HỒNG VÂN
______________________
Để khuyến khích người dân bớt rượu chè, bác sĩ ngành sức khỏe cộng đồng kêu gọi không uống rượu trong mùa chay. Người Thái hưởng ứng nhiệt tình, quán bia hẹn hò đóng cửa...
Kỳ cuối: Đạo và đời
TT - Khi tôi mới đến Thái Lan, Michael Thái Bình, một Việt kiều có thâm niên bảy năm sống ở tỉnh Chiang Mai, vùng Doi Sa Ket, kể với tôi về một trong những ấn tượng đầu tiên của anh với đất nước này: “Có lần gia đình mình đi vắng cả tuần mà quên đóng cửa, khi về mọi thứ trong nhà vẫn nguyên xi”.
Anh Phrue Odochao, người đã đi bộ hơn 700km để nói lên tiếng nói của bộ tộc mình - Ảnh: Hồng Vân


Thật thà như người Thái
Những câu chuyện về Thái Lan của Michael khiến tôi thấy êm ái. Chỉ sáu tháng sau đó, khi đến tỉnh Phrae để đi rafting (chèo thuyền mạo hiểm trên sông) tôi có dịp kiểm chứng lời kể của Michael.
Làng Sa-iep thuộc tỉnh Phrae nổi tiếng với rừng gỗ teak và con sông Yom đổ nước về Bangkok. Năm ngoái, một đoàn sinh viên Mỹ đi rafting trên sông Yom đã tặng toàn bộ dụng cụ rafting cho làng, từ đó dân làng muốn mở dịch vụ du lịch sinh thái rafting trên sông Yom. Chúng tôi may mắn làm “chuột bạch”, những khách hàng đầu tiên của họ.
Làng không có khách sạn nên chúng tôi phải ở trọ tại nhà dân. Các ngôi nhà trong làng hoàn toàn bằng gỗ teak theo kiểu truyền thống Thái Lan tuyệt đẹp. Tầng trệt là phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh với ba bức tường trống hoác như thể người dân nơi đây không cần che đậy, không lo mất mát tài sản riêng. Tầng hai được dùng làm phòng ngủ, bài trí đơn sơ. Chúng tôi ở nhà vợ chồng anh Noy và chị Pia. Toàn bộ tài sản có giá trị: tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính, xe máy... họ để ở tầng trệt. Cửa cổng chỉ đóng cho có lệ chứ không khóa về đêm. Mấy trăm ngôi nhà trong làng đều rất “hớ hênh” như vậy mà chưa từng bị mất cắp.
Anh Tho, một trai làng 30 tuổi, tự hào nói: “Làng chúng tôi không có ăn trộm. Đến mùa lúa, người làng sẽ tự động đến cấy và gặt giúp những gia đình neo đơn có người già, phụ nữ”.
Cũng ở làng này, mỗi năm người dân đều làm lễ “xuất gia” cho những cây gỗ teak trong vườn quốc gia. Hoạt động này thu hút đông đảo báo chí và người dân trong nước tham dự. Sự kiện này quảng bá hữu hiệu về hoạt động bảo tồn rừng do người dân địa phương tự quản.
Nếu ai đó nói rằng cây là vô tri thì có lẽ người Thái không hoàn toàn đồng ý như vậy. Họ tin cái cây cũng như con người, có tri giác và biết hướng thiện. Vào nhiều dịp trong năm, người Thái khắp cả nước làm lễ “xuất gia” cho cây. Đối với những cây đã thành Phật (có thể nhận ra vì chúng được quấn cà sa quanh thân), người Thái đối xử tôn nghiêm, kính trọng, tránh không xâm phạm đến cây. Vì lẽ này, việc công nhận phật tính của cây còn là một sáng kiến hữu hiệu chống lại nạn phá rừng. Cây không có mùi hôi từ những người thích bị bệnh “tiểu đường” như một số gốc cây ở Việt Nam ta.
Đạo song hành đời
Để khuyến khích người dân bớt rượu chè, các bác sĩ ngành sức khỏe cộng đồng kêu gọi không uống rượu trong mùa chay Đức Phật, từ rằm tháng 7 đến rằm tháng 10 âm lịch. Nhiều người Thái hưởng ứng cuộc vận động này vì mùa chay là mùa linh thiêng.
Ngày đầu tiên của mùa chay, tôi không thể tin vào mắt mình khi nhiều quán bia... hò hẹn đóng cửa kín mít. Một số quán khác đìu hiu 1, 2 bàn, dù cùng thời điểm vào ngày thường quán không còn bàn trống. Không khí ăn nhậu của những ngày thường như... đã chết!
Điều buồn cười là vào đúng ngày cuối của mùa chay, người Thái nam nữ, già trẻ... tràn ra đường, ra bãi biển, quán xá, bãi cắm trại... đàn hát, uống rượu tưng bừng. Họ tiệc tùng như để thỏa mãn 90 ngày bị hạn chế. Chỉ người Thái mới biết họ thực hiện giới luật thứ năm về không uống rượu và sử dụng chất kích thích nghiêm túc như thế nào.
Còn có hình bóng của đạo Phật trong nhiều vấn đề thời sự lâu dài của Thái Lan, ở những cuộc biểu tình lớn nhỏ, từ ôn hòa đến gay cấn ở nhiều tỉnh thành. “Khi phải chọn đến giải pháp cuối cùng là biểu tình, chúng tôi luôn dùng lời răn dạy của Đức Phật làm kim chỉ nam hành động và cam kết biểu tình ôn hòa” - chị Dawan Chantarahassadi, một thủ lĩnh môi trường ở Samut Phrakan, và nhiều “đồng nghiệp” khác khẳng định. Thậm chí người dân ở tỉnh Samut Phrakan còn khiêng tượng nhà sư đi theo các cuộc biểu tình của họ.
Nếu bạn đọc thắc mắc bản thân việc biểu tình đã là không hợp với chữ ôn hòa thì câu chuyện về hành trình đi bộ theo phương pháp bộ hành thiền định dài 49 ngày ròng rã qua hơn 700km từ Chiang Mai đến Bangkok của anh Phrue Odochao, một người dân tộc thiểu số Thái - Karen, đáng để suy ngẫm.
Cộng đồng người Thái - Karen của anh Phrue ở làng Pa Kha Nai, tỉnh Chiang Rai có nguy cơ bị buộc tội sinh sống bất hợp pháp và phải di dời nếu khu rừng họ đã ở từ hàng trăm năm nay trở thành rừng quốc gia. Anh cho biết: “Từ thuở chưa có luật pháp, người dân tộc thiểu số đã coi rừng là nhà, tôn kính và thờ cúng từ ngọn núi, dòng sông đến cỏ cây. Đùng một cái, lối sống của chúng tôi bị cho là có hại cho môi trường. Khu rừng phải được trở thành rừng quốc gia để được bảo vệ hoàn toàn khỏi người dân tộc thiểu số”.
Cho rằng có sự hiểu nhầm về phương pháp canh tác nông nghiệp của người dân tộc, anh Phrue đi bộ miệt mài suốt từ Chiang Mai đến Bangkok để giải thích với người dân về tập quán của người dân tộc thiểu số và kêu gọi sự chú ý của người thành thị về mô hình cộng đồng bảo vệ rừng. Nỗ lực của anh bị hững hờ dù cuộc bộ hành hơn 700km của anh là hành trình phi thường trên đôi chân của một người bình thường.
Anh ngậm ngùi cho biết: “Khi bạn đi một mình và là một người dân thường nhỏ bé, vấn đề của bạn không nhận được sự quan tâm. Khi bạn có một hai ngàn người đồng hành, bạn có cơ may gặp được một chuyên viên. Có năm sáu ngàn người đồng hành, bạn có thể gặp được thư ký hội đồng thành phố... Trong khi đó, những lúc có đông người dân tụ tập là cảnh sát đến và cho rằng người dân đang gây rối trật tự công cộng”.
Ở tỉnh Rayong, nơi có Khu công nghiệp Map Ta Phut nổi tiếng vì đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến đất, nước và không khí, người dân đã bị giằng xé vì không thể giải thích tại sao một “bất công khí hậu” như Map Ta Phut lại có thể xảy ra trong thời gian dài mà không nhận được sự quan tâm thích đáng.
Bác Noi Jaitang, một người dân ở Map Ta Phut, day dứt: “Phần lớn người dân Thái Lan theo đạo Phật, thuyết từ bi dạy rằng người với người phải yêu thương nhau. Ô nhiễm đã gây ra sáu cái chết cho người thân của tôi và hàng trăm cái chết của bà con ở đây, mà vẫn chưa chạm tới trái tim của nhà chức trách và những người ủng hộ tăng trưởng bằng GDP”.
Trong 10 năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm ở Khu công nghiệp Map Ta Phut là chủ đề nóng trên báo chí Thái Lan bởi sự khốc liệt của nó mà hệ quả là những mất mát về tính mạng, tài sản của người dân. Đạo Phật và từ bi là vũ khí cuối cùng để người dân Map Ta Phut kêu gọi sự đồng cảm của đồng bào mình.
HỒNG VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét