Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Khám phá Vân Nam

Muốn khám phá hết Vân Nam (Trung Quốc), thời gian phải tính bằng tháng, thậm chí bằng năm. Những Đại Lý, Lệ Giang, Shangrinla phía tây bắc, Thạch Lâm, Alư Cổ động phía đông nam, Xishuangbana phía tây nam… Rồi thành đá Tam Sơn, Shuho cổ trấn, núi Trúc Kê là những điểm đến nổi tiếng níu chân du khách.
Côn Minh - “mưa định mùa đông”
Thủ phủ của Vân Nam là TP.Côn Minh, còn gọi Xuân Thành – thành phố mùa xuân. Ở độ cao trên một nghìn mét, nhiệt độ ngoài trời trung bình khoảng 15 – 170C. Nhà ai mà lắp máy lạnh, sẽ bị coi là chơi ngông. Người Côn Minh dè bỉu tính sĩ diện ấy bằng cách ví von thâm thúy: “Mù còn đeo kính”.
Danh thắng ở Côn Minh có nhiều: Kim Điện (chùa vàng), hồ Điền Trì, Tây Sơn Long môn, Hoa Đình tự. Lại có những khu chợ lớn, hàng hóa rẻ và đẹp, phù hợp với túi tiền người Việt, nhẩn nha mua hàng thì đi bảy ngày mới hết. Những khi trời đổ mưa, nhiệt độ đột ngột xuống thấp, gió thổi ù ù, buốt giá. Vì vậy có câu “mưa định mùa đông”, hễ mưa là thấy đông về. Một ngày ở Côn Minh có cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.
Có những khu phố ở Côn Minh không thua gì khu phố hiện đại nhất của Seoul (Hàn Quốc). Nhà cao, phố sạch, cây xanh, hoa nhiều. Nhìn những chiếc cầu vượt 3 - 4 tầng, nhiều người phải ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Vì sao giữa bốn bề núi non, lại nảy ra một thành phố hiện đại như vậy? Đặc biệt, trên đường phố hiếm khi nhìn thấy bóng cảnh sát. Thắc mắc của chúng tôi được chị Hà Hải Yến - GĐ Công ty du lịch Panda (gấu trúc) - thường xuyên làm việc với đối tác Việt Nam giải đáp: “Từ khi Thủ tướng Chu Dung Cơ đưa ra chính sách trả lương cao cho hải quan và công an, chuyện tiêu cực giảm mạnh. Riêng kỷ cương, trật tự giao thông đô thị tốt hẳn lên. Đấy gọi là “lương cao nuôi liêm chính”. Thật là một cách làm gợi nhiều điều suy ngẫm... cho ta.
Kiến Thuỷ - nơi chim yến về làm tổ
Chim yến thường thì người ta cũng có nuôi trong thành phố, nhưng vẫn phải dụ chim từ biển vào bằng loại máy phát âm thanh đặc biệt theo ngôn ngữ loài yến. Thế nhưng ngay giữa vùng rừng núi Vân Nam, xa biển, vẫn có một nơi ở lý tưởng cho loài chim có thứ nước dãi quý bậc nhất này.
Yến Tử động (động chim yến) - ảnh, thuộc huyện Kiến Thủy, cách Côn Minh khoảng 200km. Nơi này chưa có nhiều du khách Việt Nam tới. Mới đến ven núi, chưa thấy chim, đã nghe tiếng chúng gọi nhau rộn ràng. Yến Tử động có sông Lư Giang chảy qua, nước đỏ quạch như sông Hồng mùa lũ. Trên vòm hang và hai bên sườn động có vô số những hình hóa thạch kỳ lạ. Đó cũng là nơi hàng ngàn, hàng vạn con chim yến làm tổ. Chúng bay vào - ra vun vút, như đang có muôn vàn mũi tên được bắn lên trời, mà không cái nào đụng vào cái nào. Nếu không đội mũ rộng vành, thì khi ra khỏi hang, người sẽ dính đầy... phân chim.
Tháng 3 hằng năm yến về, tháng 8 chúng lại bay đi tránh rét. Thời gian ấy cũng là mùa thu hoạch. Vòm hang cao vút, thế mà người ta không cần dùng thang dây, gậy chống mà vẫn trèo lên lấy được tổ yến. Họ là người dân tộc Di. Đã có một cuộc thi trèo tay không trên vách đá, hàng nghìn người tham gia, nhưng chỉ có 20 người thắng. Người trẻ nhất 16, già nhất là 61 tuổi. Chúng tôi được phen thót tim khi chứng kiến một chàng trai biểu diễn tuyệt kỹ của mình. Từ độ cao 100m trên đỉnh vòm hang, bất ngờ xuất hiện một bóng áo vàng, trên lưng thêu hình một con yến màu đen. Anh ta tung ra một băngrôn màu đỏ: “Yến Tử động kính chào quý khách”. Sau đó, bằng hai bàn tay không, anh ta thoăn thoắt bám vào vách đá dựng đứng, chỉ trong chớp mắt đã xuống tới nơi, trên mặt nở một nụ cười hiền lành.
Đi thuyền vào cuối hang, có một khu bằng phẳng, chứa được vài trăm người. Đó cũng là nơi có thể thưởng thức một bát cháo yến nấu với đỗ xanh và đỗ đen. Ăn tới đâu, tỉnh tới đấy.
Bạch Thuỷ hà – bức tranh sơn thuỷ tuyệt đẹp
Sau khi chinh phục núi tuyết Ngọc Long, mặc sức vui đùa trong tuyết giữa mùa hè, có một nơi nhất định phải ghé qua: Bạch Thủy hà. Đó là một dòng suối lớn, nằm dưới chân núi, bốn bề rừng thông xanh mướt. Bạch Thủy hà là nơi xuất phát của 9 con suối chảy vào Lệ Giang cổ thành. Bên này cầu có một thác nước nhỏ rì rào, trắng xóa; bên kia cầu nước lặng, xanh như ngọc, không khí u tịch, mây lãng đãng bay.
Dưới suối, người dân tộc Naxi dắt những con yak (bò Tây Tạng) cho thuê cưỡi đi qua suối, giá 40 tệ (khoảng 100.000 đồng VN)/lượt. Đây là hoạt động tự phát, đã bị chính quyền địa phương cấm, nhưng người dân vẫn lén làm. Những con yak hiền lành có đôi sừng nhọn hoắt, khi nổi khùng đã từng húc chết người.
Có một thủ tục mang màu sắc tâm linh của người dân tộc Naxi. Ai đã đến đây, được khuyên nên xuống suối rửa mặt 3 lần. Nước sẽ gột rửa cho ta hết mọi rủi ro, ưu phiền. Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng khi vục tay xuống dòng nước trong vắt, mát lạnh rồi ấp vào mặt, chợt thấy tỉnh táo, hào hứng lạ lùng.
Xuân Thu


Tới thăm nơi đàn ông biến thành chiếc bóng của đàn bà


Theo Vietnamnet

Đó là nơi được gọi là vương quốc nữ nhi, nơi phụ nữ nắm mọi quyền hành, xã hội không có khái niệm về vợ chồng, hôn nhân...

Địa danh này rất quen thuộc với bất cứ ai đã từng xem phim "Tây Du Ký', đó là  “Tây Lương Nữ Quốc”- nơi Đường Tăng đã một lần lạc bước trên đường sang Tây phương thỉnh kinh.
 
Vốn được ví như một viên ngọc sáng trên cao nguyên, Hồ Lugu được xem là một trong những hồ nước đẹp nhất miền Tây Nam Trung Quốc, với những đỉnh núi quanh năm đắm chìm trong mây ngàn.
Toàn cảnh hồ Lugu (nguồn: phuot.com)

Nữ nhi quốc trong truyền thuyết Tây du ký được người Trung Quốc cho là khu vực sinh sống ngày nay của cư dân bộ tộc Moso nằm trong địa danh hồ Lugu - một vùng rừng núi heo hút trên cao nguyên Minh Châu, làng Vĩnh Ninh, huyện Ninh Lạng, phía tây bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
 
Khung cảnh tuyệt đẹp tại Tây Lương nữ quốc. Nguồn ảnh Phượt.com
 
Người Moso được cai quản bởi một nữ vương và việc điều hành bên dưới đều do các nữ quan đảm nhiệm. Đàn ông chỉ là những chiếc bóng trong một thế giới nữ quyền tuyệt đối.

Truyền thuyết dân gian cho rằng phụ nữ trong bộ tộc Moso cực kỳ xinh đẹp và rất khỏe mạnh, đàn ông các bộ tộc khác lỡ bước lạc vào Nữ nhi quốc sẽ bị bắt làm nô lệ, đặc biệt là những trai tráng tràn trề sinh lực, ban ngày sẽ phải làm lụng cực nhọc và về đêm sẽ làm thú vui thể xác thâu đêm cho các đấng nữ nhi.
 
Đường đi Lugu
 
Hồ Lugu trên cao nguyên Minh Châu (cao 2.680m), nằm giữa hai huyện Ninh Lang, tỉnh Vân Nam và Diêm Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Bao quanh hồ là những cánh rừng bạt ngàn với hệ sinh thái phong phú.
 
Những ngôi nhà ven đường
 
Một ấn tượng độc đáo trên đường đi Lugu, đó là màu sắc lá rực rỡ đến xao lòng. Dọc đường Côn Minh lá còn xanh, đường lên Lệ Giang lá dần vàng. Càng đến gần Shangrila, lá càng sang nâu và úa dần. Đến Shangrila chỉ còn cành, hết lá vàng lá xanh. Đường về màu sắc quay ngược lại, đẹp mê hồn.
 



Sắc lá đẹp mê hồn tại Lugu
 
Những người sống xung quanh hồ là tộc Mosho, tộc Mẫu hệ cuối cùng được biết đến. Ngọn núi rất đẹp nằm cạnh hồ được coi là nơi nữ thần Gemu ngự - vị Nữ thần vĩ đại chủ quản cả vùng đất này, bảo hộ cho dân tộc Mosho, cũng là nơi hóa thân của nữ thần. 

Hòn đảo nhỏ chính giữa hồ có tên là Hewawu, nghĩa là người con gái đẹp. Lugu, xứ sở của vương quốc Nữ nhi nên những thứ đẹp nhất, rộng nhất, lớn nhất… đều mang hình ảnh người phụ nữ, không hề có bóng dáng người đàn ông.
 
Bình minh trên hồ Lugu
 
Đến Lugu đẹp nhất vào mùa thu, lẫn trong cái lạnh ngọt ngào là những cung đường lóng lánh màu nắng, màu vàng ruộm của những vựa hoa cúc quỳ tô điểm trên nền núi, nền trời xanh thẳm. Chính khung cảnh tuyệt vời ấy sẽ mang lại cho bạn tâm trạng ngây ngất, xôn xao trên cả chặng đường.
 
 
Du khách tìm đến nơi đây càng thổn thức bởi mặt hồ xanh thẳm trong nắng chiều đầu đông, cứ tưởng tưởng mà xem vào mùa tuyết phủ trắng thì gương hồ chắc còn lung linh hơn nữa. Buổi sáng ở Lugu trời lạnh, cái lạnh sâu trên núi trong cái lãng đãng, khói sương mênh mang của không gian mặt nước. Le lói trong bình minh là những tiếng xào xạc của những đàn chim.
 
Trong không gian trong trẻo ấy, những tiếng nhạc du dương, tinh khiết của bản spring sonate. Sự cộng hưởng tinh tế ấy giống như một sự sắp đặt tình cờ, cho du khách một khoảng lặng, một khoảnh khắc không thể bình yên hơn được nữa.
 
 
Đêm đến, cùng các du khách trong đoàn cùng chụm đầu bên quán vắng, nhâm nhi tách rượu bên hồ, ngửa mặt hít căng lồng ngực để cái không khí núi, hồ về đêm thấm vào từng thớ thịt. Các bạn sẽ được lắng nghe giọng hát của người dân địa phương.
 
Tiếng hát trong trẻo, ngân dài, vang ca như giọng hát thảo nguyên, khiến cho mọi thứ như dừng lại, chỉ có tiếng hát là cứ bay bổng lên cao, hồ như và tan biến vào hư không nhưng vang vọng mãi trong lòng người. 

Lugu, chỉ một nắng sớm, một hoàng hôn, một đêm trăng, cũng đủ để chất chứa vào lòng viễn khách bao cảm xúc khó tả. Tới Lugu bạn sẽ có một chuyến đi với những điều ngẫu hứng ngay từ đầu ẩn chứa nhiều bất ngờ hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét