Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Tuyết trong cuộc sống của người Nhật

Vào mùa đông, những đợt gió mùa Tây Bắc lạnh lẽo từ lục địa Trung Quốc thổi vào lãnh thổ Nhật Bản. Những đợt không khí lạnh này khi đi qua vùng biển Nhật Bản kết hợp với hơi ẩm bốc lên từ mặt biển, các phân tử nước gặp nhiệt độ thấp sẽ đóng băng và tạo thành tuyết.

Tuyết chỉ rơi nhiều ở khu vực miền Tây nước Nhật


Khi vào đất liền, chúng bị chặn lại bởi những dãy núi cao, do vậy, tuyết chỉ rơi nhiều ở khu vực miền Tây nước Nhật. Người Nhật gọi những khu vực đó là “vùng tuyết”, chúng chiếm đến phân nửa diện tích của cả nước. Hàng năm, cứ đến mùa đông, các địa phương ở khu vực bờ Tây ven biển Nhật Bản lại hứng chịu những đợt tuyết rơi dày đặc, có khi lên đến 5 mét.
Ngoài vùng tuyết ở bờ Tây, Nhật Bản còn có những vùng tuyết ở cực Bắc, thuộc địa phận của đảo Hokkaido. Khí hậu khắc nghiệt gây nhiều bất lợi cho cư dân sinh sống trong vùng tuyết.
Sập nhà do sức nặng của tuyết là một trong những hiểm nguy mà người dân phải thường xuyên đối mặt, kèm theo đó là thiệt hại về nhân mạng và tài sản khác.
Sống trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nên ngay từ xa xưa, cư dân vùng tuyết đã buộc phải đương đầu và tìm cách sống chung với tuyết.
Nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao, làng Shira-kawa-go, phía Bắc tỉnh Gifu nổi tiếng với kiến trúc nhà mái dốc Gassho-zukuri. Kiểu nhà này ra đời hoàn toàn có chủ đích. Những mái tranh dạng dốc đứng có thể giúp kiến trúc đứng vững dưới những lớp tuyết dày đến mức có thể cô lập cả ngôi làng với thế giới xung quanh. Kiến trúc độc đáo này cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1995.

Nhà mái dốc Gassho-zukuri đứng vững dưới những lớp tuyết dày nhờ vào kiến trúc đặc biệt


Ngôi nhà được chống đỡ bởi hệ thống cột, kèo và xà nhà hoàn toàn bằng gỗ, chúng liên kết với nhau bằng dây thừng tạo nên khung sườn có độ đàn hồi trước lực tác động từ bên ngoài.
Không chỉ có những đợt tuyết rơi nặng hạt, người dân vùng tuyết thuộc khu vực đồng bằng còn hứng chịu những cơn gió lạnh buốt cuốn theo lớp tuyết trắng mù mịt. Đồng bằng Sugan thuộc tỉnh Ao-mori là một trong những nơi như thế.
Để đối phó với gió tuyết và bảo vệ ngôi nhà của mình, người dân trong vùng thiết kế hàng rào Katchobu phía trước nhà. Đó là loại hàng rào cao, kiên cố, được làm từ những mảnh gỗ mỏng gắn kết liền mạch với nhau. Nó có vai trò chắn gió và giúp ngôi nhà khỏi chìm ngập trong tuyết.
Tại vùng Tsugaru, thuộc tỉnh Ao-mori, cư dân địa phương đã nghĩ ra giải pháp khá công phu để tránh sự phiền toái của tuyết. Ở những dãy nhà nằm dọc theo các con đường lớn trong vùng, người ta cất phần mái hiên khá rộng, các mái hiên nối tiếp nhau tạo thành một hành lang công cộng có mái che dành cho khách bộ hành. Khi mùa đông đến, trong lúc bên ngoài tuyết rơi nặng hạt thì bên trong hành lang này người qua đường vẫn có thể đi lại an toàn và khô ráo.

Từ thời cổ đại, người dân vùng tuyết đã chế ra nhiều loại dụng cụ thích hợp với các hoạt động trong môi trường băng tuyết. Đến tận ngày nay, chúng tiếp tục được cư dân ở một số địa phương sử dụng.
Một trong số đó là Kan-jiki – loại đế giày để đi trong tuyết. Nó có hình ovan và được làm từ thân cây dẻo. Kan-jiki dùng để mang bên dưới giày ống giúp người di chuyển không bị lún sâu trong tuyết dày.
Kan-jiki – loại đế giày để đi trong tuyết


Mùa đông, làm việc trong tiết trời giá lạnh, người dân vùng tuyết không thể không tự trang bị dụng cụ giữ ấm cơ thể. Họ đã tạo ra chiếc áo choàng Miko tết bằng sợi lát hoặc rơm. Loại nguyên liệu này có tác dụng giữ nhiệt tốt, vì vậy, cư dân vùng tuyết sử dụng áo choàng Miko để giữ ấm và bảo vệ phần lưng khi làm việc ngoài trời.
Khác với những phiền phức mà người lớn phải đối mặt, tuyết mùa đông lại là niềm yêu thích của đa số trẻ em Nhật Bản. Bọn trẻ có thể nghịch tuyết cả ngày, cùng nhau nô đùa trên tuyết và tạo hình những người tuyết ngộ nghĩnh. Tuyết cũng là vật liệu để các bé gái trổ tài khéo léo bằng cách nặn những chú thỏ tuyết xinh xắn có mắt và tai được làm từ quả và lá cây nanten. Đêm đến, trẻ em tụ tập trong những ngôi nhà tuyết Kama-kura, cùng chơi đùa và hát các bài đồng dao vui nhộn. Nướng bánh gạo mochi trên than hồng hay cùng nhau chia sẻ nồi súp nóng bên trong căn nhà tuyết là một kỷ niệm không thể nào quên trong kí ức tuổi thơ của các em.
Tuyết mùa đông là niềm yêu thích của đa số trẻ em Nhật Bản


Những chú thỏ tuyết xinh xắn có mắt và tai được làm từ quả và lá cây nanten


Tại thành phố Yokote thuộc tỉnh Akita, mỗi năm một lần, vào mùa đông, nơi đây lại diễn ra lễ hội nhà tuyết Kama-kura. Sự kiện thu hút đông đảo cư dân địa phương và những người ở vùng khác trổ tài xây dựng nhà tuyết. Tường của nhà tuyết có độ dày khoảng 15 cm và có một điều bắt buộc là bên trong ngôi nhà phải có bàn thờ thần linh làm từ tuyết.
Thần được thờ trong nhà tuyết là Thần nước – vị thần mang lại sự sống cho vạn vật và con người. Tuyết được tạo ra từ nước, do đó, Thần nước được thờ trang trọng tại Kama-kura. Không đơn thuần là nơi vui chơi của trẻ con, nhà tuyết Kama-kura còn là nơi để người Nhật cầu mong một vụ mùa bội thu vào mùa xuân tới.
Trẻ em tụ tập trong những ngôi nhà tuyết Kama-kura chơi đùa, hát các bài đồng dao vui nhộn và nướng bánh gạo mochi trên than hồng


Tuyết không hoàn toàn chỉ mang lại những điều bất lợi. Chúng là nhân tố tạo nên những cảnh quang tự nhiên tuyệt vời mà không phải ai cũng có cơ hội ngắm nhìn.
Để có thể thưởng thức vẻ đẹp của tuyết, người Nhật đã cố tình thiết kế một góc nhìn đặc biệt ngay trong ngôi nhà của họ. Vào mùa đông, phần dưới của cửa sổ shoji được đẩy lên, tạo một không gian đủ rộng để gia chủ ngắm nhìn những bông tuyết trắng rơi ngoài vườn nhưng không quá lớn để tuyết và gió có thể tràn vào bên trong nhà.
Ngoài vườn, gia chủ cũng chuẩn bị khá công phu để ngăn ngừa những tổn hại mà thiên nhiên gây ra cho khu vườn. Họ dùng một cây sào dài, trên đỉnh sào là vô số dây bện bằng rơm, những sợi dây này được buộc đều nhau trên cành cây bên dưới để tạo thành chiếc khung bảo vệ hình tháp Yuki-zuri bao phủ toàn bộ thân cây. Cây được che chắn bởi Yuki-zuri sẽ không bị hư hại nếu tuyết rơi quá nhiều. Yuki-zuri còn góp phần mang lại cảnh quang mùa đông đặc sắc của nước Nhật.
Yuki-zuri góp phần mang lại cảnh quang mùa đông đặc sắc của nước Nhật


Đèn lồng bằng đá Ishi-doro là vật trang trí phổ biến trong các khu vườn tư gia ở Nhật. Ban đêm, những chiếc đèn lồng này được thắp sáng, thứ ánh sáng vàng mờ ảo khiến khu vườn chìm trong tuyết trắng trở nên ấm áp hơn. Đó cũng là cách thưởng thức vẻ đẹp mùa đông của người Nhật.
Đèn lồng bằng đá Ishi-doro là vật trang trí phổ biến trong các khu vườn tư gia ở Nhật


Không dừng lại ở đó, tuyết còn là đề tài cho sự kiện văn hóa thường niên có tên gọi “Lễ hội tuyết” được tổ chức ở khắp nơi của Nhật Bản. Nổi bật nhất là Lễ hội tuyết Sap-po-ro ở công viên Odori, Hokkaido. Hàng năm, lễ hội thu hút trên 2 triệu lượt khách tham quan. Lễ hội là nơi để các nhà điêu khắc tuyết trổ tài và là dịp để mọi người chiêm ngưỡng những tác phẩm khổng lồ từ nguyên liệu thuần khiết của tự nhiên, cái mà người Nhật vẫn hay gọi là “Kem của trời”.
Trải qua mùa đông dài chìm ngập trong tuyết, cư dân vùng tuyết đã nghĩ ra nhiều cách để biến cái khắc nghiệt đó thành lợi thế của họ.
Tuyết giúp người dân vùng Uo-numa, tỉnh Nii-gata cho ra đời một loại vải Echigo-jofu chất lượng cao, màu sắc và hoa văn tươi sáng. Vải Echigo-jofu được dệt vào mùa đông, khi ngoài trời tuyết bắt đầu rơi. Vải dệt xong được phơi trên tuyết để nó hấp thụ khí trời và phát huy hết vẻ đẹp.
Vải Echigo-jofu được phơi trên tuyết


Vải Echigo-jofu, sau khi dệt hoàn tất, được giặt trong nước nóng trước khi mang ra phơi trên cánh đồng tuyết vào thời điểm có ánh nắng mặt trời. Ánh nắng làm tuyết bay hơi, sản sinh ra khí ozone. Khí ozone chính là yếu tố then chốt làm cho màu sắc trên vải tươi sáng hơn, sống động hơn. Quá trình phơi vải trên tuyết kéo dài từ 10 - 20 ngày. Phương pháp sản xuất vải truyền thống lắm công phu này của vùng Uo-numa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Không chỉ có vải mới được phơi trên tuyết, người dân Nii-gata còn tận dụng tuyết vào nhiều mục đích khác. Tuyết là thành phần không thể thiếu trong qui trình sản xuất truyền thống loại gia vị nổi tiếng của địa phương – tương ướt Toga-rashi.
Trước khi cho vào máy xay nhuyễn, ớt nguyên liệu được phơi trên tuyết trong một thời gian. Bằng cách này, mùi vị của món tương ớt Nii-gata sẽ vừa thơm vừa ngon.
Tuyết còn là kho bảo quản thực phẩm rất tiện lợi và không hề tốn kém của người dân vùng tuyết. Trước mùa đông, người dân vẫn để một số loại củ quả ngoài đồng mà không thu hoạch, họ tận dụng “chiếc tủ lạnh thiên nhiên ngoài trời” để lưu trữ thức ăn dài ngày.
Tại thị trấn Numata thuộc tỉnh Hokkaido, nhà nông Shinoda Hisao đã dùng tuyết để tạo ra một loại gạo đặc biệt có hương vị rất ngon. Chất lượng của nó được người tiêu dùng công nhận.
Tuyết là chiếc tủ lạnh thiên nhiên ngoài trời để lưu trữ thức ăn dài ngày. Ảnh minh họa


Sau khi thu hoạch lúa xong, ông Shinoda lưu trữ chúng trong kho, tuy nhiên, đó không phải là nhà kho bình thường mà được thiết kế đặc biệt. Một lượng tuyết lớn ngoài tự nhiên được bơm vào nhà kho, sau đó, người ta cho chúng vào những ô nhỏ hình chữ nhật. Tại đây, tuyết sẽ bốc hơi từ từ, luồng không khí mát lạnh này được dẫn đến bể chứa lúa. Nhiệt độ ôn hòa làm cho thành phần trong hạt gạo thay đổi, chúng trở nên thơm ngon hơn. Quá trình lưu trữ gạo trong tuyết này kéo dài suốt 1 năm.
Gạo bảo quản trong tuyết của ông Shinoda được đưa ra thị trường vào năm 1997, được người tiêu dùng rất ưa chuộng và nổi tiếng nhanh chóng. Gạo tuyết của Numata giờ đây đã trở thành sản vật nổi tiếng của địa phương. Thời gian bảo quản lâu, công phu và chất lượng tốt nên loại gạo này có giá trị thương phẩm khá cao.
Ý tưởng dùng tuyết tự nhiên làm kho lạnh thân thiện môi trường của ông Shinoda đã được ứng dụng tại các tòa nhà lớn. Nó giống như một hệ thống làm mát khổng lồ giúp không khí bên trong tòa nhà dễ chịu.
Rau quả ngoài đồng được hơi lạnh của tuyết bảo quản


Năm 2008, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển G8 được tổ chức tại Hokkaido. Giải pháp sử dụng tuyết tạo ra máy điều hòa làm mát được đưa vào thảo luận trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực tìm nguồn năng lượng mới thân thiện môi trường. Như để chứng minh tính hiệu quả của giải pháp, nước chủ nhà Nhật Bản đã lắp đặt hệ thống làm mát ngay tại gian trưng bày các phát minh xanh của trung tâm triển lãm hội nghị. Hệ thống đã gây sự chú ý đặc biệt cho giới truyền thông quốc tế.
Khi mùa đông khắc nghiệt đã đi, màu xanh đầy sức sống của mùa xuân lại nảy nở trên những vùng tuyết. Khí hậu diễn ra theo qui luật tuần hoàn, con người cũng dựa vào qui luật đó để tìm cách thích nghi và tận dụng tự nhiên để làm cuộc sống trở nên dễ chịu hơn.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét