Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Lịch sử phát triển của đồng hồ Nhật Bản

Trước giai đoạn canh tân đất nước, người Nhật dựa theo chu trình mặt trời để tính thời gian. Ban ngày khởi đầu từ bình minh đến hoàng hôn, ban đêm tính từ hoàng hôn của ngày hôm trước đến bình minh của ngày hôm sau. Mỗi ngày và đêm được chia ra làm 6 phần gọi là khắc. Cách tính thời gian này gọi là Futei-jihou.

Một chiếc đồng hồ Nhật Bản được chế tác trong thời Edo


Tuy nhiên, ngày đêm dài ngắn khác nhau tùy theo mùa, thời gian của mỗi khắc giữa đêm và ngày trong mùa hè và mùa đông cũng dài ngắn khác nhau. Đến thế kỉ XVII thời Edo, người Nhật kết hợp cách tính Futei-jidou và kỹ thuật cơ học du nhập từ phương Tây để tạo ra những chiếc đồng hồ cơ. Chính quyền lúc bấy giờ rất xem trọng những người thợ làm đồng hồ, họ thường được nhắc đến với tên gọi “Tokei-shi” tức “nghệ nhân chế tác đồng hồ”.
Người Nhật đã cải tiến các bộ phận cốt lõi của chiếc đồng hồ châu Âu để biến nó thành các kiểu đồng hồ Nhật Wado-kei. Đây là một trong những chiếc đồng hồ cơ đầu tiên của Nhật, kim đồng hồ di chuyển nhờ sự hoạt động của một bộ phận giống như con lắc gọi là Tenbu. Có một điểm rất đặc biệt là tốc độ di chuyển của kim đồng hồ luôn phải thay đổi. Vào mùa đông, ngày thường ngắn hơn đêm nên kim đồng hồ chỉ thời gian ban ngày phải chạy nhanh hơn so với thời gian ban đêm. Máy móc không thể tự nhận biết sự thay đổi mùa trong năm, vì thế, thợ đồng hồ, tức là Tokei-shi, thường xuyên điều chỉnh vận tốc của kim đồng hồ để nó vận hành theo cách tính thời gian riêng của họ.
Nước Nhật vào thời Edo có rất nhiều Tokei-shi tài năng, hầu hết họ đều làm việc cho chính quyền và có cùng nhiệm vụ duy nhất là chế tạo đồng hồ. Kỹ thuật chế tạo thiết bị đo thời gian của Nhật Bản trong giai đoạn này phát triển rất mạnh, nhiều kiểu đồng hồ mới, cải tiến ra đời, trong đó có đồng hồ quả lắc yagura, đồng hồ treo tường Shaku có thước đo nhiệt độ…Ngoài kiến thức cơ học và tay nghề cao, nghệ nhân chế tác đồng hồ thời Edo cần phải có học vấn, bởi lẽ trên mặt đồng hồ biểu thị hoàn toàn bằng chữ và số theo Hán tự.
Giữa thế kỉ XIX, lịch sử ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ Nhật Bản chứng kiến cuộc cách mạng đầu tiên. Đó là sự ra đời của chiếc đồng hồ tráng lệ Mannen dokei, hay còn được biết đến với tên gọi “Vạn niên tự minh chung”. Đồng hồ có 6 mặt biểu thị cách tính thời gian, lịch ngày tháng khác nhau giữa Nhật Bản và phương Tây cũng như chu kỳ của Mặt trời. Mannen dokei là chiếc đồng hồ vận hành hoàn toàn theo cơ chế tự động. Nó có thể làm việc suốt một năm mà không cần lên dây, đồng hồ cũng tự đổ chuông mỗi giờ.

Chiếc đồng hồ Mannen dokei


Cha đẻ của chiếc đồng hồ này là nhà phát minh độc lập chuyên về lĩnh vực cơ học nổi tiếng thời Edo, Tanaka Hisa-shige. Ngoài đồng hồ Mannen dokei, di sản mà Hisa-shige để lại còn có những con búp bê cơ học quý giá như búp bê bắn cung, búp bê phục vụ lễ trà. Ông đã ứng dụng cơ chế truyền động của bánh răng trong búp bê phục vụ lễ trà để chế tạo đồng hồ Mannen dokei. Chiếc đồng hồ được tạo nên từ hơn 1.000 bộ phận, chúng phối hợp cùng nhau để thực hiện các chức năng phức tạp. Bánh răng, có hình dáng giống như răng của loài côn trùng, là một trong những bộ phận rất quan trọng. Nó là trung tâm truyền động thúc đẩy các bánh răng khác vận hành liên tục trong suốt chu kì kéo dài cả năm.

Nhà phát minh độc lập chuyên về lĩnh vực cơ học nổi tiếng thời Edo, Tanaka Hisa-shige


Vào năm 2004, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập nguồn quỹ thực hiện dự án tạo ra một bản sao theo nguyên mẫu của Man-nen dokei. Dự án qui tụ hơn 100 kỹ sư, họ tiến hành công việc trong hơn 6 tháng với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật công nghiệp. Một chiếc đồng hồ Man-nen dokei mới ra đời, tuy nhiên, bản sao này không thể chính xác hoàn toàn như nguyên bản, một số bộ phận không thể tái tạo được như thật.
Chiếc đồng hồ của Tanaka Hisa-shige hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Khoa học Quốc gia Tokyo. Nó cũng được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng của chính phủ.
Nhật Bản bắt đầu sản xuất đồng hồ đeo tay trong thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II. Nhưng vào thời điểm đó, ngành công nghiệp đồng hồ Nhật Bản rơi vào trạng thái ngủ đông, bởi lẽ sản phẩm chỉ cung cấp cho quân đội. Những chiếc đồng hồ đeo tay lúc bấy giờ là đồng hồ dây cót. Chúng là vật bất ly thân của binh sĩ dùng để nhận biết thời gian khi hành quân và tác chiến.
Sau chiến tranh, ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đeo tay Nhật Bản được chính phủ đầu tư mạnh mẽ và là một phần của chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Cùng thời điểm này, Thụy Sĩ được xem là vương quốc của đồng hồ.
Năm 1960, chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Grand Seiko của Nhật Bản ra đời


Vào những năm 1950, Thụy Sĩ sản xuất trung bình hàng năm khoảng 2,5 triệu chiếc đồng hồ, đứng đầu thế giới về sản lượng và chất lượng. Trong khi đó, số lượng đồng hồ sản xuất tại Nhật Bản rất khiêm tốn, chỉ 700.000 chiếc. Với mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp đồng hồ lớn và uy tín trên thế giới, chính phủ Nhật bản tích cực đầu tư cải thiện chất lượng của đồng hồ đeo tay và treo tường. Năm 1960, chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Grand Seiko của Nhật Bản ra đời, nó là sự chứng thực cho niềm tin rằng, đồng hồ Nhật Bản có thể xếp ngang hàng với đồng hồ Thụy Sĩ. Trước khi đồng hồ Grand Seiko của Nhật Bản ra đời, đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo và độ sai lệch mỗi ngày trong khoảng 10 giây.
Đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ nổi tiếng với chất lượng tuyệt hảo và độ sai lệch mỗi ngày trong khoảng 10 giây


Để có được những thành tựu cùng danh tiếng trên thị trường thế giới, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ có trên 50 năm miệt mài nghiên cứu và cải tiến trong các nhà máy. Trong khi đó, với mục tiêu bắt kịp và thậm chí qua mặt Thụy Sĩ, các nhà sản xuất Nhật Bản chỉ mất khoảng 20 năm để ứng dụng kỹ thuật mới vào ngành công nghiệp chế tạo đồng hồ của họ.
Kỹ thuật đó dựa trên sự cải tiến của bộ phận điều hòa gồm bánh cân bằng và bánh chuyển động đều. Bộ phận này quyết định vận tốc và tính chính xác chuyển động quay của trục kim. Khi chưa có sự đổi mới, trong vòng 1 giây, bộ cơ của đồng hồ Nhật Bản chuyển động từ 5 đến 6 lần, mỗi lần chuyển động trung bình 0.2 giây. Các nhà sản xuất đã tăng vận tốc của bộ cơ để trong vòng 1 giây nó chuyển động đến 10 lần. Như vậy, 1 giây trôi qua, bộ cơ di chuyển đến 10 lần, mỗi lần là 0.1 giây. Vận tốc này giúp rút ngắn độ sai lệch của đồng hồ trong ngày.
Độ sai lệch của chiếc đồng hồ sản xuất năm 1967 của Seiko không đến 10 giây mỗi ngày


Kết quả của sự cải tiến này là chiếc đồng hồ cơ tốc độ cao đầu tiên của Nhật Bản ra đời vào năm 1967. Đó cũng là một sản phẩm của Seiko, độ sai lệch của chiếc đồng hồ này không đến 10 giây mỗi ngày. Trong vòng 1 giờ, bộ cơ của nó chuyển động 36.000 lần, con số này cũng được hiển thị trên mặt đồng hồ như một điểm đáng chú ý. Tuy nhiên, có một hạn chế là những chiếc đồng hồ này không thể hoạt động chính xác liên tục trong thời gian dài. Linh kiện của bộ cơ bị mài mòn quá nhanh dẫn đến độ sai lệch lớn. Nhà sản xuất lại cải tiến một lần nữa để bộ phận này trở nên cứng và bền vững hơn.
Hai năm sau, vào năm 1969, nghiên cứu mới được ứng dụng, một mẫu đồng hồ khác của Grand Seiko ra đời. Độ sai lệch hàng ngày của chiếc đồng hồ này là 2 giây, đồng thời, phải đến 2 năm, người sử dụng mới cần lên dây 1 lần. Đến thời điểm này, đồng hồ đeo tay của Nhật được chính thức công nhận có vị trí ngang hàng với đồng hồ danh tiếng Thụy Sĩ
Tại thành phố Suwa thuộc tỉnh Nagano, cách thủ đô Tokyo khoảng 200 km, ngay từ năm 1942, hãng sản xuất đồng hồ Seiko đóng tại đây đã bắt đầu sản xuất đồng hồ đeo tay. Người sáng lập và là giám đốc của hãng sản xuất là ông Yama-zaki Hisao – người rất có tâm huyết trong mục tiêu biến đồng hồ đeo tay Nhật Bản trở thành dụng cụ đo thời gian nổi tiếng toàn cầu.
Vào năm 1959, hãng của ông Yama-zaki nhận được thông tin rất quan trọng liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Các nhà sản xuất đồng hồ của Mỹ đã cho ra đời chiếc đồng hồ sử dụng nguyên liệu hoàn toàn mới, đó là tinh thể thạch anh. 
Chiếc đồng hồ thạch anh đeo tay đầu tiên của hãng Seiko ra đời năm 1969


Đồng hồ dùng con lắc là tinh thể thạch anh hay còn gọi là đồng hồ Quartz. Hoạt động chính xác của đồng hồ loại này nhờ vào tần số dao động của thạch anh cao hơn rất nhiều lần so với dao động cơ học của đồng hồ cơ. Phát minh mới này của Mỹ có độ sai số chỉ 0.01 giây mỗi ngày. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ có kích thước khá lớn, cao đến 2 mét và bề rộng khoảng 60 cm. Và nhóm của ông Yama-zaki quyết định tìm cách thu nhỏ chiếc đồng hồ đó lại để tạo ra một loại đồng hồ đeo tay bằng thạch anh.
Để đạt được mục tiêu này, ông chủ của Seiko đã tìm đến các giáo sư đại học để nhờ hỗ trợ. Trước nhiệt tình và khát vọng của Yama-zaki, giáo sư danh tiếng Okamato đã nhận lời giúp đỡ Công ty Seiko về mặt kỹ thuật. Họ tập trung nghiên cứu ứng dụng thiết bị điện tử để thu gọn kích thước của đồng hồ.
Nhóm nghiên cứu đầu não của công ty gồm 20 người, quy tụ các kỹ sư cơ khí, điện tử hàng đầu cả nước và cả những sinh viên xuất sắc vừa mới ra trường. Năm 1961, thành công đầu tiên của Seiko là chiếc đồng hồ để bàn dùng con lắc thạch anh có trọng lượng khoảng 3 kg.
Trong lúc đó, một biến cố đáng tiếc đã xảy ra. Ông Yama-zaki ngã bệnh do ung thư dạ dày và qua đời ở tuổi 58. Không dừng lại ở đó, khát vọng tạo ra một chiếc đồng hồ đeo tay thạch anh nhỏ gọn của ông tiếp tục được các cộng sự theo đuổi.
Một xưởng chế tạo đồng hồ Quartz của Seiko được thành lập vào năm 1963 mặc dù nó đang trong quá trình nghiên cứu. Điều này đã tạo áp lực buộc các nhà khoa học làm việc miệt mài hơn. Họ tìm cách thu gọn 300 bộ phận vào một chiếc đồng hồ đeo tay, thiết kế mạch điện, động cơ điện và đưa ra giải pháp siêu tiết kiệm năng lượng.
Đồng hồ Nhật Bản là niềm yêu thích của rất nhiều người nhờ mẫu mã đẹp và chất lượng


Trước khi sản phẩm cuối cùng của quá trình nghiên cứu được tung ra thị trường, nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm độ bền của đồng hồ thông qua hàng loạt vận động mạnh trong đời sống thường nhật. Một trong các thí nghiệm được cho là nghiêm khắc nhất, đó là các nhà nghiên cứu trẻ tuổi trong nhóm vừa sử dụng đồng hồ vừa thực hiện thao tác giao bóng trong môn bóng chuyền. Thử nghiệm này kéo dài liên tục trong suốt 3 tháng. Kết quả cuối cùng cho thấy, đồng hồ vẫn hoạt động rất chính xác bất chấp các dao động mạnh từ bên ngoài.
Năm 1969, dòng đồng hồ thạch anh đeo tay đầu tiên trên thế giới được hãng Seiko chính thức ra mắt người tiêu dùng. Quá trình nghiên cứu kéo dài gần 10 năm của Seiko đã được đền đáp bằng danh tiếng toàn cầu, vượt qua cả các tên tuổi hàng đầu của Thụy Sĩ.
Đồng hồ đeo tay sử dụng con lắc thạch anh của Seiko có độ chính xác vượt qua tất cả các đồng hồ truyền thống lúc bấy giờ, độ sai số của nó là 0.2 giây mỗi ngày. Yama-zaki và đội ngũ nghiên cứu của ông có công rất lớn tạo nên kỳ tích này, làm thay đổi ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ của Nhật Bản và cả thế giới.
Cuộc cách mạng công nghệ đã mang lại những lợi ích khổng lồ cho ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ và nền kinh tế Nhật Bản. Thập niên 1970 là giai đoạn phát triển đỉnh cao của ngành công nghiệp đồng hồ nước này. Nhật không chỉ dẫn đầu về sản lượng mà còn góp phần tạo ra những nhu cầu mới trên thị trường. Chỉ tính riêng năm 1979, các nhà sản xuất Nhật Bản đã cho tung ra thị trường 59.7 triệu chiếc đồng hồ bỏ túi và đeo tay, 43.5 triệu chiếc đồng hồ báo thức và treo tường. Với tổng sản lượng trên 100 triệu chiếc đồng hồ các loại mỗi năm, Nhật Bản trở thành nhà sản xuất đồng hồ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.
Đồng hồ Nhật Bản là niềm yêu thích của rất nhiều người nhờ mẫu mã đẹp và trên hết là chất lượng cũng như độ chính xác tuyệt vời của chúng. Hiện nay, Nhật là nhà sản xuất đồng hồ nhiều hơn bất kì nước nào khác. Vị trí hàng đầu này được giữ vững trong hơn 30 năm qua.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét