Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Kỹ thuật chế tạo đồ gỗ Nhật Bản

Thế giới tủ gỗ gia dụng sashi-mono rất đa dạng, từ tủ nhỏ đến tủ lớn, dùng cho những chuyến hải hành hay phòng tránh hỏa hoạn. Tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ từ hình thức bề ngoài đến tiện ích bên trong.
Tại Tokyo, Nhật Bản, từ thời Edo, giới võ sĩ và thương gia giàu có rất thích dùng đồ nội thất bằng gỗ làm từ kỹ thuật Edo sashi-mono – một kỹ thuật đóng đồ gỗ hoàn toàn không dùng đến đinh.

Sashi-mono là một kỹ thuật đóng đồ gỗ hoàn toàn không dùng đến đinh


Qui tắc hình học có tính hiệu quả rất cao trong kỹ thuật đồ mộc Edo sashi-mono, nó giúp các chỗ nối vừa khít và cứng cáp.
Một món đồ chỉ dựa trên sự gắn kết giữa gỗ với gỗ không phải là điều mà bất kỳ người thợ mộc nào cũng làm được. Đó là kết quả của một quá trình tìm tòi, sáng tạo và không ngừng phát triển. Kỹ thuật chế tạo đồ gỗ edo sashi-mono không chỉ là sự gắn kết giữa những phiến gỗ mà ở đó, người thợ thủ công còn chú trọng đến yếu tố kích thích thị giác.
Khu chánh điện của chùa Todaiji ở tỉnh Nara được đánh giá là một trong những kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới. Công trình Phật giáo này được xây dựng dựa trên kỹ thuật dùng gỗ gắn kết với gỗ, hoàn toàn không có sự hiện diện của đinh. Giới nghiên cứu cho rằng, đây là kỹ thuật được du nhập từ Trung Hoa đại lục vào Nhật Bản khoảng thế kỉ thứ VI. Sau đó, thợ thủ công bản địa tiếp tục phát triển và ứng dụng nó vào nhiều lĩnh vực khác. Các phương pháp chế tác đồ gỗ gia dụng, hay còn gọi là sashi-mono, cũng bắt nguồn từ kỹ thuật này.

Chùa Todaiji được đánh giá là một trong những kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới


Cách nay khoảng 500 năm, Nhật Bản bắt đầu phát triển kỹ thuật xẻ gỗ thành những tấm ván mỏng. Đó cũng là giai đoạn thịnh vượng của nghề chế tạo đồ gỗ.
Vào thời Edo, khoảng thế kỉ XVI, kinh tế phát triển mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn trong xã hội. Họ có nhiều tài sản quí giá tích trữ, nhu cầu về vật đựng bằng gỗ tăng trưởng mạnh.
Lúc bấy giờ, kỹ thuật làm đồ gỗ sashi-mono đã trở nên thịnh hành. Nhà ở của người Nhật thời Edo chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu dễ bắt lửa như gỗ và giấy. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh hàng loạt đám cháy lớn ngay trong các khu dân cư ở kinh thành. Để ngăn ngừa những tổn thất tài sản trong hỏa hoạn, các thợ mộc đã tạo ra loại tủ gỗ sashi-mono di động. Bên dưới chân tủ là hệ thống bánh xe đẩy, khi xảy ra cháy, người ta chỉ việc đẩy chiếc tủ đi, tài sản của họ vì thế vẫn đảm bảo an toàn.
Tủ gỗ sashi-mono tiếp tục được cải tiến để phù hợp với việc vận chuyển trên biển trong giai đoạn Nhật Bản giao thương mạnh mẽ với bên ngoài. Không chỉ phục vụ cho giới thương nhân, dạng tủ gỗ này cũng đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các đảo của giai cấp võ sĩ.

Loại tủ thích hợp với những chuyến hải hành được gọi là Funa-dansu


Loại tủ thích hợp với những chuyến hải hành được gọi là Funa-dansu, tức tủ trên tàu. Vì không gian trên tàu khiêm tốn nên tủ funa-dansu có kích thước khá gọn. Ngoài ra, việc di chuyển trên biển thường xuyên phải đối mặt với sóng to, gió lớn nên cấu trúc bên trong của tủ funa-dansu được thiết kế rất công phu, tạo độ vững chắc. Tủ sẽ không dễ vỡ làm thất lạc đồ đạc. Cách thiết kế nhiều lớp của Funa-dansu có tác dụng bảo vệ đồ vật trong hộp không rơi ra khi có lực tác động mạnh và có chức năng như một dạng ổ khóa ngăn ngừa kẻ gian.

Thời Edo, kinh tế phát triển, giới thương nhân trở nên giàu có, phụ nữ thuộc tầng lớp này quan tâm nhiều đến vẻ đẹp ngoại hình. Khắp nơi ở Nhật Bản bắt đầu phổ biến loại tủ gỗ trang điểm.
Chiếc tủ gỗ trang điểm Sendai-dansu có nguồn gốc từ tỉnh Miyagi. Cách trang trí và thiết kế của chiếc tủ mang ảnh hưởng của loại tủ funa-dansu. Điểm đặc trưng của tủ Sendai-dansu là hoa văn trên tủ có màu xám bóng đẹp mắt. Đó là kết quả của kỹ thuật nhuộm màu.

Nguyên liệu nhuộm là một loại thuốc đặc biệt, được lấy từ cây sơn trong vùng. Màu sắc độc đáo của họa tiết hoa văn kim loại trên nền gỗ nâu tạo cảm giác sang trọng cho chiếc tủ – điều mà nữ giới giàu có thời Edo rất ưa chuộng. Loại tủ trang điểm giai đoạn này còn được dùng để đựng nữ trang quý giá, vì vậy, hầu hết chúng được lắp đặt ổ khóa. Xung quanh ổ khóa là hoa văn trang trí đẹp mắt với những hình ảnh rất có ý nghĩa. Ví dụ, hoa văn hình chiếc túi vải hàm ý cầu mong mua bán thuận lợi, làm ăn phát đạt. Hoa văn hình tròn bên trên và chim phượng bên dưới thể hiện cho ước nguyện gia đình hạnh phúc, viên mãn.
Chiếc tủ là vật dụng quan trọng trong mỗi gia đình nên người Nhật tin rằng, trang trí lên đó những hình ảnh ẩn chứa ý nghĩa tốt đẹp thì may mắn sẽ đến với họ.
Rừng ở Nhật chiếm đến 70% diện tích cả nước. Nguồn tài nguyên gỗ dồi dào là động lực thúc đẩy nghề mộc phát triển. Từ xưa, người Nhật đã có kinh nghiệm đi rừng chọn gỗ và xẻ gỗ.

Đối với đồ gỗ gia dụng sashi-mono, các thợ mộc thường chọn loại gỗ keyaki, gỗ bách và gỗ hông để làm nguyên liệu vì vân gỗ của chúng rất đẹp. Cây hông có đặc điểm là thời gian trưởng thành nhanh, thân gỗ lớn và là loại gỗ dễ gia công. Gỗ hông thích hợp để đóng tủ đựng quần áo hoặc hộp nữ trang. Ngoài 3 loại gỗ chủ yếu ở trên, các thợ mộc còn sử dụng nhiều loại gỗ khác, trong đó có gỗ cây dâu tằm cổ thụ có thời gian sinh trưởng dài.
Đảo Mikura nằm cách thủ đô Tokyo 200 km về phía Nam. Hòn đảo nổi danh với những thân gỗ dâu tằm có đường vân rất đẹp. Có lẽ do điều kiện khí hậu và được sinh trưởng trong môi trường biệt lập trên đảo nên những cây dâu tằm lâu năm ở đây sở hữu những đường vân gỗ được đánh giá là độc đáo, có một không hai. Tuy nhiên, có một yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên vẻ đẹp của đường vân gỗ sashi-mono dâu tằm đó là sự tác động của người thợ thủ công.
Sau khi lựa chọn mặt gỗ có đường vân ưng ý, người thợ mộc dùng bàn bào bào mặt gỗ thật nhẵn. Kế đến, anh ta dùng lá của cây dâu tằm chà xát liên tục lên mặt gỗ. Tinh dầu trong lá dâu sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp này, giúp mặt gỗ thêm sáng bóng.

Thị trấn Kamo thuộc tỉnh Niigata được bao bọc xung quanh bởi những cánh rừng rạm rập che phủ trên đỉnh núi. Từ xưa, rừng là nơi cung cấp nguồn gỗ xây dựng cho cư dân địa phương. Đây là nơi sản xuất khoảng 70 % lượng gỗ hông đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước Nhật.
Gỗ hông dùng làm nguyên liệu cho ngành mộc sashi-mono được xử lí đặc biệt. Gỗ sau khi xẻ thành những tấm ván mỏng được phơi ngoài trời khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, chúng phải hứng chịu nắng và mưa, tuyết. Thời gian này rất quan trọng, nó giúp tạo ra màu sắc và vân gỗ đa dạng. Tủ gỗ hông là lựa chọn hàng đầu của các gia đình ở Nhật.
Tủ làm từ gỗ hông có khả năng tránh được mối mọt, chiếc tủ là nơi thích hợp để cất giữ các loại trang phục giá trị như kimono do tủ có khả năng hút ẩm cao, giúp áo quần không bị ẩm mốc.
Các bà mẹ ở Nhật từ xưa đã có truyền thống chọn tủ gỗ hông làm quà cho các cô con gái. Truyền thống đó hình thành nên thói quen xem loại tủ này là vật dụng dành riêng cho nữ giới.

Người dân thị trấn Kamo có một phong tục rất ý nghĩa liên quan đến cây hông. Theo qui định, gia đình nào trong thị trấn sinh con gái, họ sẽ mang một số cây hông non lên núi để trồng. Bên dưới những gốc cây đó, người ta dựng tấm bảng ghi lại ngày, tháng, năm sinh, tên của đứa bé và ước nguyện tốt đẹp. Theo thời gian, phong tục này dần bị lãng quên.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét