Hàng năm, cứ vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật cuối cùng trước Giáng Sinh, cư dân thành phố Deventer, Hà Lan lại nô nức chào đón hàng vạn du khách đến tham gia lễ hội Charles Dickens. Tại đây, họ sẽ được quay ngược thời gian, trở về với thế kỷ XIX xa xôi mà sống động trong những kiệt tác của đại văn hào người Anh Charles Dickens.
Lễ hội Dickens thứ 19 diễn ra trong hai ngày 19 và 20-12/2009 vừa qua.
Charles Dickens (1812 - 1870) là đại văn hào nổi tiếng người Anh. Ông được xem là một trong những cây bút có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XIX. Những tác phẩm của ông đa phần rất nổi tiếng và được bạn đọc khắp thế giới yêu thích như Oliver Twist, A Christmas Carol, David Copperfield, Little Dorrit…
Trong khuôn viên nhỏ hẹp, cổ kính của phố Wall tại thành phố Deventer, thế giới của Dickens đã được tái hiện sinh động với khoảng 900 nhân vật bước ra từ những tác phẩm của ông.
Lễ hội Dickens là dịp để tận mắt chứng kiến gã lập dị Ebenezer Scrooge và bóng ma Jacob Marley trong tác phẩm “A Christmas Carol”, chú bé mồ côi Oliver Twist trong tác phẩm cùng tên hay quý ngài Pickwick trong tiểu thuyết “Pickwick Papers”… bằng xương bằng thịt. Chưa hết, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống người dân Anh Quốc thời Nữ hoàng Victoria vốn dĩ chứa đựng nhiều mâu thuẫn xã hội sâu sắc.
Điều dễ nhận thấy nhất ở lễ hội là cách phục trang đậm sắc màu thế kỷ XIX. Từ những cặp vợ chồng quý tộc, những cô cậu thanh thiếu niên, những gia đình kiểu mẫu cho đến những người lính vệ binh hoàng gia… đều có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố trong những điệu bộ và dáng vẻ khác nhau, lúc thư giãn thong thả, lúc tán chuyện cười đùa rôm rả, và cũng có khi nghiêm nghị, cáu kỉnh. Tất cả, tạo nên một bầu không khí rất thật, rất đời thường của cuộc sống thế kỷ XIX.
Những cặp đôi ở các lứa tuổi khác nhau trong trang phục thế kỷ XIX
Trong ảnh là các nam nữ thanh niên trong bộ dạng say xỉn, một thực tế phổ biến trong xã hội thế kỷ XIX
Những gia đình hạnh phúc kiểu mẫu
Trong suốt thời gian lễ hội, điều khiến du khách thấy thích thú nhất có lẽ là các hoạt động nghệ thuật trình diễn sắp đặt (Performance Art). Các diễn viên lần lượt tái hiện các nhân vật cũng như các tình huống trong truyện Dickens ngay trên đường phố một cách chân thật nhất.
Các diễn viên đóng vai ma-nơ-canh cho hiệu may
Trong ảnh là loại hình nghệ thuật phổ biến tại Châu Âu: người đóng giả làm tượng
Những "bức tượng" này được làm bằng đồng nên có màu sắc rất ấn tượng
Một hoạt cảnh hài hước miêu tả sự khó khăn để nặn được bức tượng đúng ý tưởng của nghệ nhân
Hoạt cảnh hài hước về thú săn bắn của giới quý tộc thời bấy giờ. Thành quả thu được là một con gà bằng nhựa
Những chú bé, cô bé rách rưới, dơ dáy phải đi ăn xin hoặc nằm chơ vơ ngoài đường là một thực tế đau xót của xã hội lúc bấy giờ. Ngoài Dickens, đề tài này còn được xuất hiện trong "Những người khốn khổ" (Victor Hugo), "Những tâm hồn cao thượng" (Edmon de Amicis), "Cô bé bán diêm" (Andersen)…
Những nhân vật đáng sợ nhất của Dickens: thần chết, bóng ma thiếu phụ và tiều phu
Một trong những nhân vật thú vị nhất của "A Christmas Carol" – Ebenezer Scrooge bủn xỉn, khó chịu và luôn nói “vô nghĩa” với mọi thứ
Gây ấn tượng đặc biệt với khán giả là các hoạt cảnh về nạn bóc lột sức lao động trẻ em. Các em bị buộc phải làm việc cực nhọc vất vả, thậm chí còn bị xiềng xích, chửi mắng, đánh đập tàn nhẫn. Phải giặt giũ giữa trời đông giá rét
Bị xiềng xích chửi mắng
Phản kháng trong vô vọng
Cùng với các hoạt động nghệ thuật trình diễn sắp đặt, phần văn nghệ của lễ hội Dickens cũng giành được nhiều tình cảm của du khách nhờ phong cách biểu diễn nhiệt tình.
Dù là bán chuyên nghiệp nhưng kỹ năng biểu diễn nhạc cụ và phối bè Accapella của các nhóm ca, ban nhạc khá ấn tượng, duyên dáng. Vì đang mùa đông nên các nhạc phẩm đều liên quan đến chúc mừng Giáng Sinh và chào đón năm mới.
Những tiết mục văn nghệ của lễ hội Dickens
Một gánh xiếc đến từ Rumania
Không may gặp phải bất lợi do thời tiết xấu nhưng Lễ hội Dickens 2009 đã khép lại trong sự hài Iòng của số đông. Năm 2010 là lần kỉ niệm thứ 20 nên ban tổ chức đã hứa hẹn sẽ có một Lễ hội Dickens hoành tráng và mới lạ.
Theo NLD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét