Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

“Leo núi” với đường sắt Ấn Độ

TTO - Không chỉ ghi tên vào danh sách di sản văn hóa thế giới, hệ thống đường sắt xuyên núi Ấn Độ, thắng cảnh tuyệt vời do bàn tay con người tạo ra, còn mang đến cho du khách những cuộc phiêu lưu mạo hiểm chưa từng có.
Hệ thống đường sắt Kalka Shimla vượt qua những cây cầu cạn với thiết kế như những chiếc cống dẫn nước của La Mã cổ đại - Ảnh: indiaadvices.com

Chế độ cai trị của thực dân Anh đã để lại cho Ấn Độ một công trình kiến trúc vĩ đại vẫn duy trì và hoạt động cho đến ngày nay: một hệ thống đường sắt đầy sắc màu rực rỡ.
Di sản văn hóa thế giới
Trải dài suốt vùng không gian của Nam Á là chi chít những hệ thống đường ray xe lửa. Nhưng không một hệ thống nào có thể “qua mặt” được bộ ba Darjeeling Himalayan, Nilgiri Mountain và Shimla Kalka. Cả ba “anh em” gốc Ấn này đã đem lại vinh quang cho nước nhà khi ghi tên mình vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Hệ thống đường sắt này mang đến cho du khách những cuộc phiêu lưu mạo hiểm chưa từng có nơi địa hình núi non hiểm trở. Chúng vẫn tồn tại bền vững, ngang nhiên thử thách sức tàn phá của thời gian, và khẳng định tên tuổi mình trong số những kỳ công xây dựng nổi bật của con người.
Có vai trò rất lớn trong nền du lịch nước nhà, tuy nhiên vai trò quan trọng ưu tiên nhất của chúng vẫn là “cầu nối” kinh tế - xã hội cho các cộng đồng bị tách biệt trong khu vực miền núi. Chúng đã giúp người dân nông thôn giao thương với nhau, góp phần thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa của Ấn Độ một cách nhanh chóng.
“Chiếc xe lửa đồ chơi” Darjeeling Himalayan, một trong bộ ba đường sắt ở Ấn Độ được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 - Ảnh: travel.nationalgeographic.com

Hệ thống đường ray Darjeeling Himalayan thường được biết đến với tên gọi "chiếc xe lửa đồ chơi" bởi kích thước nhỏ bé. Công trình được hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động năm 1881 với tổng chiều dài lộ trình 82km, khởi hành từ ga Siliguri ở độ cao 120m và dừng lại tại độ cao 2.257m tại ga Ghum.
Đường ray này được đặc biệt thiết kế kỹ lưỡng một hệ thống những khúc quanh, đường nhánh, ngã rẽ, cầu và đường hầm nhằm đạt độ cao đáng kể này và đến được vị trí an toàn.
Hệ thống đường sắt thứ hai Nilgiri Mountain trải dài 29 dặm (46km) ở vùng núi rừng bang Tamil Nadu. Không giống như tuyến đường sắt Himalayan phía bắc, tuyến đường này “trèo” qua các khu rừng phía nam để đến ga cuối của mình tại Udhagamandalam. Nhà ga trên đồi này từng được gọi là Ootycamund hoặc "Ooty", cũng chính là nơi các trưởng đoàn người Anh thường tìm kiếm nguồn nhiên liệu cứu trợ.
Đường sắt một đường ray Nilgiri Mountain, một trong ba hệ thống đường sắt ở Ấn Độ được công nhận là di sản văn hóa thế giới - Ảnh: indiaadvices.com

Đường sắt Nilgiri đã được đề xuất thi công năm 1854 nhưng do vướng phải những khó khăn lớn về địa hình di chuyển nên đến năm 1891 việc thi công mới chính thức bắt đầu. Giai đoạn này kéo dài gần hai thập kỷ trước khi tuyến đường sắt Nilgiri đi vào hoạt động năm 1908.
Tuyến xe lửa đặc biệt chỉ có một đường ray này có thể chạm đến những tầng mây ở những độ cao không tưởng, từ 326m lên đến 2.203m - một kỳ tích đáng kinh ngạc cách đây một thế kỷ và không hề thua kém kỹ thuật tiên tiến ngày nay.
Hệ thống đường sắt còn lại, Kalka Shimla, hơi hẹp, chiều dài lộ trình khoảng 96km và chinh phục độ cao lên đến 1.420m. Kalka Shimla được thiết kế và thi công cuối thế kỷ 19. Những kẻ thống trị Raj, tên gọi nhóm thực dân Anh đô hô vùng Nam Á những năm 1858 -1947, đã sử dụng nó như một công cụ hiệu quả để dễ dàng thoát khỏi nắng nóng oi bức và đến với “thành phố mùa hè” của họ. Đó chính là trạm cuối của con đường sắt Kalka Shimla: nhà ga trên đồi Shimla.
Con đường sắt này xuyên qua 102 đường hầm với chiều dài lớn nhất lên đến 1143m. Kalka Shimla cũng đồng thời đi qua 864 cây cầu, trong đó có rất nhiều cầu cạn được thiết kế với kiến trúc hình cong độc đáo, gợi nhớ những chiếc cống dẫn nước của La Mã cổ đại.
Một cây cầu cạn thuộc hệ thống đường sắt Nilgiri Mountain - Ảnh: indiaadvices.com

Đối với những “tín đồ” xe lửa, bộ ba đường sắt này được họ dành tặng một tình yêu cũng tương tự tín đồ Thiên Chúa tôn thờ Chúa ba ngôi của mình. Chúng còn là một “chứng nhân sống” cho tàn tích còn sót lại của một đế chế. Cả ba vẫn còn hoạt động đầy đủ cho đến ngày nay.
Tham gia bất kỳ chuyến đi nào trong số hệ thống đường sắt này, bạn sẽ thấy được những thành tựu kỹ thuật đáng kinh ngạc. Chính những kỹ thuật này đã đưa dịch vụ đường sắt đến với các vùng đất gồ ghề, tách biệt.
Tuy nhiên, các tuyến đường sắt này đang phải liên tục đối mặt với các vấn đề xảy ra do tình trạng bất ổn chính trị ở một số vùng. Chúng cũng bị ảnh hưởng rất lớn vào mùa bão, có thể làm trật đường ray và thậm chí cuốn trôi cả con đường, gây thiệt hại nặng về kinh tế.
Duy trì và bảo quản những di sản có thể rất khó khăn và tốn kém, nhưng bằng chính sức hấp dẫn và vẻ đẹp hút hồn khách du lịch của mình, chúng vẫn hoạt động và tồn tại mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Nhà ga trên đồi Shimla, nơi dẫn đến “thành phố mùa hè” của thực dân Raj - Ảnh: indiaadvices.com

Đến đây khi nào?
Du khách có thể đến đây bất cứ dịp nào trong năm. Nhân viên đường sắt sẽ thông báo việc đóng của nhà ga khi có thiên tai như tuyết rơi ở vùng miền núi phía bắc, hoặc vào thời điểm mùa mưa và sụt lở đất.
Vì sao nên đến đây?
Những chuyến tàu sẽ mang đến cho bạn những ký ức vô cùng độc đáo và khó phai, từ những hành trình xuyên rừng bí ẩn đến những điểm đến lạ lẫm và hấp dẫn. Mỗi chuyến tàu sẽ dừng chân ở những ga khác nhau và khách du lịch có quyền tự do quyết định nán lại bao lâu tùy thích.
Đối với những khách du lịch chỉ thích sự chuyển động không ngừng, hãy ngồi nguyên vị trí và tiếp tục tận hưởng phong cảnh thiên nhiên kỳ thú.
BẢO NGUYÊN (Theo Travel.nationalgeographic.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét