TTCT - Sau 14 giờ bay, chúng tôi mới đặt chân tới thủ đô của đảo quốc Madagascar nằm giữa Ấn Độ Dương. Antananarivo theo tiếng bản địa có nghĩa là “thành phố của ngàn chiến binh” - tên gọi bắt nguồn từ thời xa xưa, khi Madagascar luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm, vì vậy thủ đô Antananarivo là nơi tập trung hàng ngàn chiến binh bảo vệ đất nước.
Cây bao báp ngộ nghĩnh ở Madagascar - Ảnh: Quốc Toàn |
Thiên nhiên 5 sao
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, Antananarivo có khí hậu dịu mát như Đà Lạt. Mùa đông nhiệt độ chỉ 8-100C, mùa hè hiếm khi vượt quá 300C. Hoa ở khắp mọi nơi, còn thảm thực vật đa dạng và phong phú đến mức người dân Madagascar tự hào: “Chúng tôi không có các lâu đài tráng lệ nhưng thiên nhiên của chúng tôi đạt tiêu chuẩn 5 sao”.
Có hai sinh vật được coi là đặc trưng của Madagascar mà theo người dân bản địa, nếu chưa được xem thì coi như chưa đến quốc đảo này: cây bao báp và vượn cáo.
Quan sát cây bao báp nhận thấy các cành cây rất ngắn và nhỏ so với phần thân cây bề thế, dễ liên tưởng như thể cây mọc ngược với chùm rễ trên đỉnh. Nên mới có câu chuyện dân gian kể rằng: từ xa xưa các loài cây không dám mọc trên sa mạc, duy có cây bao báp là vẫn hiên ngang vươn lên trên cát bỏng. Thượng đế cho đó là một sự ngỗ ngược nên túm cổ cây bao báp nhổ lên, quay ngược ngọn cây rồi cắm xuống đất. Vậy là từ đó cây bao báp mọc theo kiểu trồng cây chuối (!).
Thành phố vườn Antananarivo nằm trên độ cao hơn 1.000m - Ảnh: Quốc Toàn |
Nếu như bao báp còn có thể tìm thấy ở nơi khác trên thế giới thì loài vượn cáo thật sự là “của hiếm” chỉ Madagascar mới có. Khi chúng tôi đến thăm một khu bảo tồn quốc gia, hướng dẫn viên bản địa dẫn chúng tôi vào giữa rừng để tìm những đàn vượn cáo. Chỉ sau vài tiếng hú gọi của ông, những con vượn cáo tinh nghịch và dạn người ào ào lao xuống từ các tán cây, nhảy phóc lên đầu lên cổ chúng tôi để tranh cướp đồ ăn.
Sự giàu có của thiên nhiên Madagascar chưa được khai thác một cách hiệu quả. Antananarivo về đêm thật tối tăm vì chỉ khoảng 10% đường phố được chiếu sáng công cộng, chủ yếu ở vài tuyến phố trung tâm. Vị đại diện chính quyền thành phố giải thích: không thể lắp đèn hết được vì lắp xong chỉ sau 2-3 ngày bị dân tháo hết! Còn bạn chỉ cần bước ra khỏi cửa khách sạn lập tức có sẵn một đội quân ăn xin vây quanh.
Ở Antananarivo người đi bộ rất đông, chiếm tới 68% số dân. Do địa hình nhiều đồi núi, đường sá phần lớn là đèo dốc nên xe đạp chịu thua, xe máy cũng rất ít. Với những tay mê xe cổ thì thành phố này thật sự là miền đất hứa bởi loại ôtô phổ biến ở Antananarivo là kiểu “con cóc” của thập niên 1950, 1960.
Những con vượn cáo rất tinh nghịch và dạn người - Ảnh: Quốc Toàn |
Dấu ấn người Việt
Dưới thời Pháp thuộc có một số người Việt bị đưa sang Madagascar nên trong chuyến đi tôi luôn tìm kiếm những manh mối dù là nhỏ nhất về sự hiện diện của người Việt ở đây. Thật may khi đoàn chúng tôi được ông thị trưởng Antananarivo mời ăn tối ở một nhà hàng có chủ nhân là người Việt Nam, vợ là người bản xứ. Chủ nhà hàng khoảng 70 tuổi và chỉ còn nói được vài ba từ tiếng Việt. Ông thật sự xúc động, ôm chầm từng người trong đoàn.
Khi tôi hỏi ở Madagascar có còn nhiều người Việt Nam sinh sống không, ông trả lời hóm hỉnh (bằng tiếng Pháp): “Chỉ còn lại vài người nhưng họ ở hết... ngoài nghĩa trang rồi!”. Bố của ông bị thực dân Pháp đưa sang đây và chính cụ đã dạy ông cách làm các món ăn Việt Nam. Bữa ăn tối có đủ phở bò, nem rán, nem cuốn, thịt luộc, gà rán, sườn rán... tất cả đều có một vị khá lạ.
Vào ngày cuối cùng khi đang trên đường ra sân bay trở về nước, chúng tôi mới được biết ở thủ đô đảo quốc có một đại lộ mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật tiếc khi các bạn Madagascar không giới thiệu sớm với chúng tôi về điều bất ngờ rất lớn này.
Khu chợ trung tâm ở Antananarivo - Ảnh: Quốc Toàn |
QUỐC TOÀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét