Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Vào thế giới đồng hồ

Không biết nghề làm đồng hồ xuất hiện ở Thụy Sĩ từ khi nào. Có người thì cho rằng nó xuất phát từ Pháp, có người lại nói từ Anh bởi vì ở London có tháp đồng hồ Big Ben và trong Viện bảo tàng có đặt một chiếc đồng hồ siêu cổ từ thế kỷ XVIII...
Nhưng dù thế nào thì đến bây giờ đồng hồ Thụy Sĩ vẫn nổi tiếng nhất trên thế giới, đến mức có khi người ta chưa hình dung ra Thụy Sĩ ở đâu, dáng vẻ thế nào thì người ta đã biết đó là đất nước của đồng hồ. Vì vậy, khi vừa bước chân xuống sân bay Zurich, việc đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến là phải đi mua đồng hồ.




Chuẩn bị tiền


Khi xuống sân bay Zurich, anh Lý  Tân, hướng dẫn viên du lịch của đoàn (một người Hồng Kông gốc Hoa, sống ở Zuzich đã hơn 20 năm) nhắc chúng tôi: Cần đổi từ tiền USD hoặc Euro ra tiền Thụy Sĩ để sử dụng cho dễ vì các cửa hàng ở Zurich cũng chỉ xài tiền Franc Thụy Sĩ. Và để đổi từ tiền đô ra Franc Thụy Sĩ khó như làm một bài toán tích phân nên chúng tôi cứ tạm quy ước: 100 Franc Thụy Sĩ "ăn" 1,6 triệu VNĐ.

Đúng là Thụy Sĩ là thế giới của các loại đồng hồ. Có rất nhiều kiểu dáng có lẽ chỉ  bán ở đây chứ không xuất sang nước khác. Đặc biệt, đồng hồ của Thụy Sĩ không bao giờ được phép làm nhái hoặc làm giả. Bán đúng giá niêm yết.

Chị Cúc đang bán hàng cho chúng tôi.
Chị Cúc đang bán hàng cho chúng tôi.

Ngay tại sân bay Zurich chúng tôi  đã thấy bày bán đủ các loại đồng hồ. Tuy nhiên, Lý Tân vừa cười mủm mỉm vừa nói với chúng tôi: "Về trung tâm thành phố mà mua. Cứ chuẩn bị nhiều tiền vào vì không ai có thể cưỡng được sức hút của đồng hồ Thụy Sĩ đâu". Xe đưa chúng tôi từ sân bay về đến trung tâm thành phố mất hơn nửa giờ đồng hồ. Đi vài bước chân chúng tôi đã thấy một cửa hàng có tên "Stocker". Trước cửa hàng có một nhóm nhạc công đang vừa đánh đàn vừa hát tạo một không khí rất vui vẻ.

Tôi hỏi chị Daniel, một người bán đồng hồ lâu năm ở cửa hàng đồng hồ Rado về xuất xứ của đồng hồ Thụy Sĩ, chị kể: "Chính xác nghề làm đồng hồ lại không phải từ Thụy Sĩ. Hồi thế kỷ XVII, một số nghệ nhân làm đồng hồ từ Pháp chạy qua Thụy Sĩ lánh nạn. Họ mang theo nghề làm đồng hồ. Rồi cứ truyền lại từ người này sang người khác. Lâu dần, cộng với sự khéo tay của người Thụy Sĩ nên nghề làm đồng hồ dần dần mới như ngày nay". Chúng tôi được đưa đến nhà thờ St.Peter mà nhìn bề ngoài nó rất rêu phong.  Trên nóc nhà thờ có một cái đồng hồ mà người ta nói rằng nó cổ nhất ở Thụy Sĩ. Chiếc đồng hồ này còn cổ hơn cả đồng hồ trên tháp Big Ben ở London. Người Thụy Sĩ vẫn tự hào bảo vậy. Gần ba trăm năm qua, cái đồng hồ này vẫn chạy tốt. 

Hoa hết cả mắt vì đồng hồ

Có lẽ chẳng có đất nước nào lại có nhiều loại đồng hồ như  Thụy Sĩ. Theo Lý Tân thì có thể đến gần trăm nhãn hiệu đồng hồ ở Thụy Sĩ trong đó có nhiều loại đồng hồ rất quen thuộc với người Việt Nam như Swatch, Omega, Rolex, Longines, Hamilton, TAG Heuer, Cartier, Tissot, Haas & Cie Swiss... Hồi còn thanh niên, tôi có người bạn có chiếc đồng hồ Omega. Có lẽ đó là thứ tài sản vô cùng quý của ông bạn. Có lần nó bị xước một tí do vô tình mà bạn tôi tiếc ốm mất cả tuần lễ. Mà Omega chưa phải là loại đẳng cấp cao đâu nhé. Như mấy chiếc Omega mà tôi xem trong cửa hàng "Thế giới đồng hồ" ngay gần siêu thị Maxx giá cũng khoảng 200 - 300 Franc Thụy Sĩ một chiếc. Tèng tèng cũng có loại khoảng 70 Franc mà kiểu dáng cũng đẹp lắm. Tuy nhiên, cao cấp thì giá đắt kinh khủng: Từ 3.000 - 16.000 Franc. Hầu như đi trên phố nào ở trung tâm Zurich tôi cũng gặp cửa hàng bán đồng hồ. Nhỏ thì cũng vài chục mét, lớn thì cả tầng trên tầng dưới rộng vài trăm mét. Vậy mà đồng hồ vẫn luôn là thứ bán chạy nhất.

Ban nhạc đang chơi trước cửa hàng Stocker.
Ban nhạc đang chơi trước cửa hàng Stocker.

Tôi vào một cửa hàng bán  đồng hồ có tên Omega. Một anh chàng người Thái Lan đon đả cúi chào. Anh chàng tên là Nin, đang là sinh viên, đi bán hàng kiếm thêm tiền. Nin giới thiệu với tôi các loại đồng hồ. Tóm lại là tôi hoa cả mắt bởi có quá nhiều loại đồng hồ. Nào là loại dây da, dây inox, mạ vàng, mạ bạc rồi bọc toàn bằng vàng, rồi gắn kim cương. Cũng có kiểu đồng hồ bên ngoài thì làm bằng đá trong vắt  còn bên trong thì  trơ hết cả máy móc. Rồi có loại thì dài như ngón tay, có loại thì nhỏ như viên bi, có loại  không thể biết là kiểu gì nữa.

Nin cho biết, những kiểu lạ  như thế hiếm lắm, sản xuất rất ít, tỉ  mẩn gọt giũa, lắp ráp bằng tay và đương nhiên là giá thì cũng đắt khủng khiếp. Có những loại chỉ được đặt riêng cho các tỷ phú hoặc các ông hoàng Trung Đông hoặc được chế tác chỉ vài trăm cái. Giá của những chiếc đồng hồ này có thể từ vài chục ngàn USD đến cả trăm ngàn USD. Một chiếc Grand Carrera của hãng TAG Heuer mà tôi cứ đắm đuối ngắm nhìn cũng có giá tới hơn 6.990 Franc Thụy Sĩ. Tính ra cũng khoảng 130 triệu đồng Việt Nam. Đắt vậy nhưng đồng hồ Thụy Sĩ vẫn chảy khắp thế giới và công nghiệp sản xuất đồng hồ mang lại một nguồn lợi rất lớn cho Thụy Sĩ. Nin kể cho tôi là những loại đồng hồ cỡ vài ngàn đến cả chục ngàn Franc cửa hàng anh vẫn bán tơi tới.

3.jpg
Chiếc đồng hồ cổ  trên nóc nhà thờ St.Peter.

Ngay bên cạnh "Longines" là cửa hàng "Panorama" bán cả đồ lưu niệm và đồng hồ. Chủ cửa hàng hoá ra là  người Việt Nam. Chị Cúc, chủ cửa hàng, sang đây được gần 30 năm, nói giọng miền Nam. Biết chúng tôi vừa từ Việt Nam sang chị bán rẻ mỗi món đồ khoảng vài Franc. Thế cũng là tình cảm rồi. Quan trọng là gặp nhau cười hỏi nhau ríu rít. Chị cũng hay gửi hàng là đồng hồ cho các đại lý bán đồng hồ Thụy Sĩ ở Việt Nam. 

Đừng quên hoá đơn miễn thuế

Trong đoàn nếu ai không biết tiếng Anh hoặc lõm bõm thì việc mua bán vẫn diễn ra rất  ổn thoả. Chỉ tay vào cái đồng hồ. Xem bảng giá (không bao giờ có nói thách và mặc cả). Lấy tay ra hiệu cho nhân viên bán hàng là gói lại, thế là hoá đơn được viết, được giảm trừ thuế, được trao tận tay với lời cảm ơn rất nhiệt thành. Mặc dù hai bên đối thoại với nhau rất vui vẻ nhưng ta thì cứ tiếng Việt mà "phang", "tây" thì đương nhiên là tiếng Anh rồi.
Tác giả đứng trước cửa hàng đồng hồ Omega.
Tác giả đứng trước cửa hàng đồng hồ Omega.

Có lần tôi vào cửa hàng "S-Tsott" đã thấy một ông trong đoàn hoa chân múa tay, giọng sang sảng: "Cho tôi mua 2 cái cùng loại nhưng màu khác nhau". Cô bán hàng khoảng 25 tuổi, xinh như mộng (không hiểu sao con gái Thụy Sĩ rất xinh đẹp) vẫn mỉm cười lấy ra được 2 cái giống nhau nhưng màu khác nhau. Thụy Sĩ là đất nước của du lịch. Mọi người từ khắp năm châu đổ về đây du lịch, mua bán nên bất đồng ngôn ngữ là điều bình thường. Nhân viên đã quá quen với cảnh này và họ chỉ nhìn ánh mắt của khách là biết khách thích cái gì rồi.

Những chiếc đồng hồ  đắt tiền trong cửa hàng Omega.
Những chiếc đồng hồ đắt tiền trong cửa hàng Omega.

Khác với ở Việt Nam, hầu hết các mặt hàng mà khách mua ở bất cứ cửa hàng nào ở châu Âu đều được miễn thuế khi ra khỏi nước đó. Thủ tục miễn thuế  hoặc được giảm ngay tại nơi mua hoặc được giảm tại chỗ làm thủ tục ở sân bay. Mà thuế được giảm cũng kha khá. Như tôi mua một cái đồng hồ loại bình thường nhãn hiệu Swatch giá hơn 200 Franc mà cũng được giảm 20 Franc. Cũng đáng đấy chứ.

Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét