Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Trung Quốc: Kiến trúc 1000 năm tuổi của quần thể thổ lâu Phúc Kiến

(Toquoc)- Được xây dựng từ thế kỷ thứ 12, quần thể thổ lâu ở huyện Nam Tịnh, tỉnh Phúc Kiến vốn là các nhà ở xây bằng đất nện của người Trung Quốc, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7/2008.
Các thổ lâu này đều được xây dựng trên diện tích lớn, bao gồm các tòa nhà xây bằng đất nện quây thành hình vuông hoặc hình tròn với hướng mở quay vào trong, tạo thành một khối kiến trúc vừa thích hợp làm nhà ở cho nhiều gia đình, vừa thích hợp để phòng thủ chống trộm cướp.
Tường đất của các thổ lâu này được tạo nên từ hỗn hợp đất được trộn với cát lấy từ dưới sông (thậm chí còn có cả trứng gà, gạo nếp và nhiều thứ khác, tất cả được nung lên tạo thành một chất liệu vững chắc) và được củng cố bởi gỗ và tre, có bức có thể dày tới gần 2 mét. Thổ lâu có thể có từ 3 đến 5 tầng với tầng trên cùng lợp ngói, các thổ lâu lớn có thể là chỗ ở cho 80 gia đình.
Ở giữa thổ lâu thường là một sân trời có giếng nước, chỗ thờ cúng tổ tiên và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như hiếu, hỉ. Tất cả các căn hộ trong thổ lâu được xây dựng giống nhau.
Nghệ thuật kiến trúc thổ lâu ở Phúc Kiến đã có tuổi thọ gần 1000 năm. Quần thể thổ lâu ở Phúc Kiến được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7 năm 2008. Ủy ban Di sản thế giới nhận xét: "Đó là một điển hình phi thường của một truyền thống xây dựng,một chức năng thể hiện một cuộc sống cộng đồng đặc thù,một tổ chức phòng thủ và là điển hình về nhà ở xét theo mối liên hệ hài hòa với môi trường".
H. Hà (Theo China)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét