Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Maruyama - “làng hấp hối”

TTCT - Maruyama cứ như một ngôi làng không có thật, một câu chuyện không có thật thấp thoáng trong những chuyến phiêu lưu ngày thơ bé thật thú vị cùng chú mèo máy Đôrêmon.
Căn nhà to và đẹp nhất làng bị bỏ hoang - Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Đường vào làng vắng vẻ, hoàn toàn u sầu vào những ngày cuối đông nếu không có tấm ảnh Đôrêmon bằng gỗ đã sờn với nụ cười đáng yêu chào mời. Từ trung tâm TP Sasayama, tỉnh Hyogo (Nhật), chỉ mất 6-7 phút đi ôtô là có thể đến ngôi làng Maruyama nằm bên triền thung lũng nhỏ.
Làng nổi tiếng nhờ một quần thể những ngôi nhà hơn 150 tuổi, được bao quanh bởi những dòng suối nhỏ trong vắt, những thửa ruộng be bé xinh xinh và vô vàn hoa, cỏ dại. Đoàn chúng tôi được già làng Naomi Sakoda mời vào trọ trong ba ngôi nhà xưa có tên gọi Akari, Honoho và Moegi cao cao trên sườn đồi.
Khôi phục “vỏ làng”
Chỉ vỏn vẹn một ngày ở đây cũng đủ để bạn có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Những món ăn, đồ uống mà chúng tôi được thết đãi ở làng Maruyama gần như khác hẳn với ẩm thực Việt Nam: bánh bột nhân hạt dẻ trứ danh của Sasayama, lẩu gà hun hút khói, mấy mẩu bánh dày giản dị, đĩa tempura (rau củ chiên), nồi xúp nấm và rau cải sôi sùng sục trên bếp cạnh lò sưởi bập bùng...
Những món ăn truyền thống trong không khí tình làng nghĩa xóm của người dân khiến thật bất ngờ và xót xa khi biết rằng ngôi làng xinh đẹp này thực chất chỉ có “vỏ làng”. 10 ngôi nhà xinh xắn với những thiết kế nội, ngoại thất rất truyền thống nhưng rất tiện nghi khiến chúng tôi cứ phải xuýt xoa thực chất là 10 căn nhà hoang. Chủ nhân của nó đã bỏ ra phố thị.
Đau xót trước một di sản đang chờ chết, chính quyền địa phương và những tình nguyện viên thuộc Hội Hữu nghị quốc tế, Trung tâm Tìm hiểu quốc tế ở Sasayama đã tu sửa 3 trong 10 căn nhà để đưa vào chương trình thể nghiệm mang chủ đề “Cuộc sống” tại Nhật Bản, mới chính thức đi vào hoạt động được một năm.
Già làng Naomi là thành viên duy nhất trong số 19 nhân viên của Hội Hữu nghị quốc tế - nơi trực tiếp quản lý và điều hành chương trình này - là người của làng và vẫn còn sống trong làng. Ông dẫn chúng tôi lên ngọn đồi cao nhất, nơi có ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng của làng, để ngắm toàn cảnh ngôi làng.
Chỉ khi đứng tại ngọn đồi cao đầy vết tích của nai và heo rừng này, chúng tôi mới có cảm giác về một ngôi làng đang “hấp hối”. Những thửa ruộng chỏng chơ do không người cấy cày. Những ngôi nhà đóng kín cửa, không tiếng nói cười. Già làng Naomi chỉ vào ngôi nhà to và đẹp nhất, nói giá khoảng 5 triệu yen (1,3 tỉ đồng) nhưng chẳng ai mua. Thời nay chẳng mấy ai chọn sống ở làng.
Những thửa ruộng không người chăm coi. Trước đây, thực phẩm thường ngày trong làng đều được người trong làng tự cung tự cấp, nhưng nay hầu hết phải mang về từ phố thị - Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tìm lại “hồn làng”
Giờ đây, làng Maruyama chỉ “sống dậy” mỗi khi có khách đến thăm. Khi đó, những ông bà cụ (trẻ nhất cũng 65 tuổi, lớn nhất gần 90) của Hội Hữu nghị quốc tế làng Maruyama sẽ lại tề tựu về đây cùng làm bánh nếp, bánh bột, mứt đậu đen, nấu lẩu, cắm hoa, tổ chức các buổi trà đạo hay giã bánh dày để thết đãi khách.
Họ tham gia công việc này với nguyện vọng giữ nguyên hiện trạng của làng, bảo vệ rừng và văn hóa truyền thống, làm sống lại ngôi làng với những sinh hoạt thường nhật của nó.
Đầu tiên là “vỏ làng” với hi vọng cái “vỏ” đẹp đẽ và yên bình đó sẽ tái sinh những ngôi làng. Tính khoa học, sự cần kiệm và quyết tâm của người Nhật liệu có mang lại điều thần kỳ cho những ngôi làng nhỏ?
Với chi phí khoảng 15.000 yen (gần 4 triệu đồng) cho một ngày ở làng Maruyama, việc có được lượng khách thường xuyên cho ba ngôi nhà đang đưa vào hoạt động đã là điều khó. Chuyện tu sửa tiếp bảy ngôi nhà còn lại để đón khách hay mời gọi người dân hãy về sống tại làng rõ ràng vẫn là một giấc mơ...
Già làng Naomi (bìa trái) hướng dẫn khách  cách giã bánh dày truyền thống của Nhật - Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Những tượng Phật bằng đá được thờ đây đó bên sườn đồi hay trong khoảnh sân sau của những ngôi nhà truyền thống - Ảnh: Quỳnh Nguyễn

QUỲNH NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét