Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Khôi hài chuyện hậu thế tranh giành Lương Sơn Bạc

EmailIn
thuyhuBề dày lịch sử, danh lam thắng tích là những tài nguyên du lịch quý giá mà người Trung Quốc đang tận dụng để phát triển công nghiệp không khói. Xung quanh hoạt động ấy có những chuyện khôi hài cười ra nước mắt, hai huyện trong cùng một tỉnh kiện nhau ra tòa suốt 4 năm trời chỉ vì tranh giành địa danh Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử, một danh tác kiệt xuất của nền văn học Trung Hoa. Chuyện cười cho thiên hạ
Lương Sơn Bạc, nơi tụ nghĩa của 108 vị anh hùng hảo hán vùng lên chống lại ách áp bức, bóc lột của triều đình nhà Tống đã đi vào lịch sử, đi vào cuộc sống và được truyền từ đời này qua đời khác qua những câu chuyện kể dân gian. Thời thế đổi thay, người ta chợt nhận ra rằng chính những vùng đất, những con người, những truyền thuyết hay câu chuyện dân gian ấy lại có thể biến thành "cần câu cơm" làm thay đổi diện mạo cho cả một vùng, một địa phương, đó là phát triển du lịch.
Lương Sơn và Đông Bình là hai huyện giáp nhau cùng thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đồng thời cũng là hai địa phương thuộc diện nghèo nhất của tỉnh này. Giữa năm 2006, huyện Lương Sơn thấy huyện bạn, Đông Bình rầm rộ quảng bá du lịch, họ đặt tên cho hai ngọn núi bên hồ Đông Bình là Lương Sơn Bạc và Tiền Lương Sơn. Những hoạt động quảng bá được triển khai rầm rộ trên báo đài trung ương và địa phương, Đông Bình nhận Lương Sơn Bạc - nơi 108 anh hùng tụ nghĩa trong Thủy Hử là địa danh của huyện mình, giới chức Lương Sơn thấy vậy mà như ngồi trên đống lửa.
"Không thể để họ (huyện Đông Bình) cướp không tài nguyên của mình được!" Lãnh đạo huyện Lương Sơn yêu cầu Đông Bình dừng ngay mọi hoạt động quảng bá du lịch lấy tên Lương Sơn Bạc và phải bồi thường "tổn hại bản quyền địa danh" cho huyện này 1,5 triệu nhân dân tệ. Đương nhiên, yêu cầu ấy của người hàng xóm bị chính quyền Đông Bình bác bỏ. Theo lý lẽ phía Đông Bình đưa ra, hồ Đông Bình chính là lưu vực đầm lầy còn sót lại của Lương Sơn Bạc, nghĩa quân của Tống Giang cũng đã từng đồn trú trên hai ngọn núi ven hồ, trong đó tấm bia đá ghi rõ "Nghĩa quân Tống Giang từng tụ nghĩa tại đây" đã được tìm thấy ở hai ngọn núi thuộc địa bàn Đông Bình.
Hai bên vẫn tranh cãi về "sở hữu bản quyền địa danh Lương Sơn Bạc". Huyện Lương Sơn lập luận những văn vật khảo cổ thời Tống khai quật được dưới chân núi Lương Sơn mới là chứng cứ thuyết phục, Lương Sơn Bạc thuộc địa phận huyện này. Tranh cãi không ăn thua, Phòng Du lịch huyện này đứng ra đệ đơn kiện Công ty Du lịch Lương Sơn Bạc trực thuộc chính quyền huyện Đông Bình ra tòa.
Hai huyện này giáp nhau và cùng thuộc dải núi Lương Sơn, ngay từ năm 1985 khu vực này đã được quy hoạch bảo tồn và thuộc địa phận hành chính khu Thủy Ba. Tuy nhiên một năm sau đó, địa giới hành chính thay đổi khi phân chia lại huyện, Lương Sơn Bạc bị phân thành hai phần, một thuộc huyện Lương Sơn, một chia về Đông Bình. 20 năm sau, hai huyện này lôi nhau ra tòa chỉ vì tranh giành cái tên gọi Lương Sơn Bạc ấy.
Tòa án Sơn Đông tuyên phía Đông Bình thua kiện và phải bồi thường thiệt hại cho Lương Sơn 500 ngàn nhân dân tệ. Đông bình không chịu, tiếp tục theo kiện lên tòa án khu, tòa án tối cao. Vụ kiện kéo dài mãi tới tháng 5/2009, cuối cùng tòa án tối cao vẫn tuyên Đông Bình thua kiện. Lúc này, khi báo chí đã vào cuộc phanh phui cái "trò trẻ con" của hai địa phương này, mặc dù tòa đã tuyên án nhưng dường hai bên đã ngầm giảng hòa và để vụ án này từ từ "chìm xuồng".
Hiện tại, hai huyện này đang tích cực thu thập các tài liệu lập quy hoạch, hồ sơ đề nghị công nhận khu di tích, thắng cảnh Lương Sơn Bạc cho địa phương mình. Ngoài Lương Sơn và Đông Bình, ba huyện khác cũng tham gia thu thập tài liệu, lập quy hoạch phát triển du lịch lịch sử - văn hóa gắn liền với danh tác "Thủy hử" là Vận Thành, Dương Cốc, Cao Đường.
Cuộc chiến của hậu thế
Cả 5 huyện của Sơn Đông đều cho rằng địa phương mình là nơi phát tích chủ yếu của "Thủy hử". Địa bàn này thuộc phía Tây tỉnh Sơn Đông, giáp ranh với Hà Nam và An Huy, cả 5 huyện đều thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, kinh tế kém phát triển, đời sống người dân khó khăn. Một quan chức của huyện Vận Thành còn nửa đùa nửa thật: "Huyện chúng tôi còn nghèo lắm, có đi đâu ngại không dám nói mình là người Sơn Đông!"
"Thủy hử" vô hình chung trở thành miếng mồi béo bở cho 5 địa phương này, nếu phát triển khu du lịch lịch sử - văn hóa gắn liền với những giai thoại về 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc mà cho tới ngày nay nhiều người vẫn không thể nào quên. Tuy nhiên để được công nhận là khu di tích - thắng cảnh địa danh phát tích của phong trào nông dân chống áp bức của triều đình phong kiến nhà Tống, 108 anh hùng tụ nghĩa Lương Sơn Bạc, các địa phương phải thu thập đầy đủ những chứng cứ để chứng minh điều đó.
Cả năm huyện đều lập hẳn một ban chỉ đạo thúc đẩy công tác đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa Lương Sơn Bạc, nhưng họ không đưa ra được chứng cứ nào đủ sức thuyết phục, huyện nào cũng dựa theo nội dung tác phẩm "Thủy hử" để xây dựng, phát triển các khu du lịch. Nhiều du khách nước ngoài thực sự thấy "choáng" khi vừa đi thăm di tích Lương Sơn Bạc ở huyện này, sang huyện bên lại thấy Lương Sơn Bạc với những chi tiết không khác biệt nhau là mấy.
Theo ông Hàn Chi Ba, một chuyên gia nghiên cứu "Thủy hử", giá trị du lịch văn hóa - lịch sử của "Thủy hử" được cấu thành bởi năm địa danh: núi Lương Sơn thuộc huyện Lương Sơn là nơi 108 anh hùng tụ nghĩa, hồ Đông Bình là thủy vực duy nhất còn sót lại của đầm lầy Lương Sơn Bạc, núi Cảnh Dương nơi Võ Tòng đánh hổ thuộc địa bàn Dương Cốc, quê hương Tống Giang, Tiều Cái ở huyện Vận thành và phủ Sài Tiến nằm trên đất Cao Đường.
Ngay từ năm 2003, bốn huyện là Lương Sơn, Vận Thành, Đông Bình và Dương Cốc đã ngồi lại bàn kế hoạch hợp tác phát triển du lịch nhưng không đi đến đâu vì địa phương nào cũng cho rằng mình là chính, các huyện khác chỉ là phụ. Chính vì sự tranh giành ấy nên hoạt động du lịch ở đây vẫn cứ èo uột, ngay cả bộ phim "Thủy hử" phiên bản mới hầu hết các cảnh quay cũng được thực hiện tại trường quay Vô Tích - Giang Tô.
Cuộc chiến lan rộng
Ngày 24/4 vừa qua chính quyền khu Tây Hồ - Hàng Châu - Triết Giang phối hợp với Hội nghiên cứu "Thủy hử" Triết Giang tổ chức hội thảo nghiên cứu văn hóa "Thủy hử và Tây Khê". Kết quả của hội thảo này các bên đều khẳng định, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa, "Thủy hử" gắn liền với địa danh Tây Khê, Thấp Địa thuộc địa phận Hàng Châu, đồng thời đưa ra ý tưởng thành lập Phòng trưng bày hiện vật văn hóa Thủy hử.
Ông Mã Thành Sinh, Hội trưởng Hội nghiên cứu văn hóa Thủy hử Triết Giang cho biết ông đã nghiên cứu kĩ "Thủy hử" ngay từ khi kết thúc đại cách mạng văn hóa, đã sưu tầm nhiều tài liệu, tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu và những người biết các câu chuyện dân gian về "Thủy hử". "Ngay thời nhà Nam Tống, đất Hàng Châu đã là địa danh chủ yếu để phôi thai và phát triển câu chuyện Thủy hử. Đến thời nhà Minh, những câu chuyện Thủy hử được tác gia Thi Nại Am "biên tập" thành tác phẩm văn học. Nhiều đoạn trong "Thủy hử" miêu tả cụ thể và chính xác, chân thật các địa danh của Hàng Châu, đặc biệt là Tây Khê, Thấp Địa. Những mẩu chuyện nhân tình, thế thái trong tác phẩm cũng rất phù hợp với thực tiễn ở Hàng Châu."
Cũng theo ông Sinh, Thi Nại Am lúc sinh thời hầu như chỉ cư trú ở Hàng Châu, không thể hiểu các vùng đất và con người phía Bắc sông Trường Giang. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ chính mảnh đất này, bằng tài năng nghệ thuật và bút pháp của mình ông đã vẽ lên một bức tranh "Thủy hử" hoành tráng và hoàn chỉnh.
Cuộc tranh giành địa danh Lương Sơn Bạc này vẫn tiếp diễn và còn chưa thấy dấu hiệu của hồi kết. Nhớ lại cách đây không lâu, khi Hà Nam công bố phát hiện Cao lăng an táng Ngụy vương Tào Tháo, một cuộc đấu khẩu, tranh giành giữa các địa phương xảy ra chung quy cũng chỉ vì muốn phát triển du lịch, nôm na là "kiếm tiền". Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên cũng đang tranh cãi với huyện Bành Sơn trong tỉnh về ngôi mộ của Lưu Bị nhà Thục Hán. Giả thử không có tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung, một trong tứ đại danh tác khác của văn đàn Trung Hoa, liệu có xảy ra những tranh cãi cười ra nước mắt như vậy?
Lăng tẩm, cung điện, đền đài là những công trình kiến trúc chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, điêu khắc, kiến trúc và chính nó làm nên sức hấp dẫn trong mắt du khách. Ngay cả những địa danh thân thuộc gắn liền với những giai thoại lịch sử như Lương Sơn Bạc kể trên hay Xích Bích trong "Tam Quốc diễn nghĩa" cũng đều có thể trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử mang lại nguồn thu kinh tế không nhỏ cho các địa phương. Tuy nhiên với cung cách làm ăn tự phát và chạy theo phong trào như thế, du lịch Trung Quốc sẽ còn quãng đường rất dài mới có thể đạt tới hai chữ: "Chuyên nghiệp".
Nguyên Bình, Đời Sống & Pháp Luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét