Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Khám phá bí ẩn hòn đảo Easter

Những bức tượng đá khổng lồ, sự biến mất kỳ lạ của cư dân trên vùng đảo Easter vẫn là điều bí ẩn.
Đảo Easter là một trong những nơi hẻo lánh nhất trên Thế giới, nằm ở vùng Nam Thái Bình Dương mênh mông không bờ bến. Năm 1722, những người Hà Lan đầu tiên đã phát hiện ra hòn đảo này vào đúng ngày lễ Phục Sinh, vì vậy, hòn đảo có tên là đảo Phục sinh (Easter Island). Khoảng mười mấy năm sau đó, các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã lần lượt tìm đến hòn đảo không chỉ bởi sự hiếu kỳ với những người thổ dân trên hòn đảo hoang vu này mà còn bởi sự hứng thú tìm tòi những bức tượng đá khổng lồ trên đảo.
Những bức tượng đá với những đặc trưng rất rõ rệt: khuôn mặt dài thể hiện nhiều nét thần thái khác nhau, chiếc mũi hơi hếch lên trên, chiếc môi mỏng, cong lên nổi bật, cái trán rộng hơi nghiêng về phía sau, những cái tai lớn chảy thẳng xuống khuôn mặt. Phần thân tượng ở tư thế giống như chim hót, hai tay để thẳng hai bên. Ngoài ra, một số bức tượng còn có chiếc mũ đỏ hình trụ tròn trên đầu.
Những bức tượng đá này có nét tạo hình giống nhau, khuôn mặt dài và gầy. Phong cách này mang nét rất riêng biệt của người dân bản xứ, không hề chịu ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai.
Những bức tượng đá đều có khuôn mặt dài, mũi hếch và đôi tai lớn
Người dân trên hòn đảo Easter thờ những bức tượng đá khổng lồ mà họ tạc ra. Chưa ai hiểu tại sao cư dân trên đảo Easter lại tạc tượng trên một diện rộng như vậy. Họ sử dụng những tảng đá núi lửa sắc, nặng để tạo ra những kiệt tác khổng lồ hoàn thiện. Để tạo ra được một bức tượng khổng lồ như thế cần một lượng nhân lực rất lớn, do vậy, những thanh niên có sức khoẻ mới được chọn làm việc này. Đặc biệt, họ rất khéo léo trong việc chọn vật liệu và vị trí để công việc tạc tượng được thực hiện một cách dễ dàng. Nếu phát hiện một lỗi nào trên tảng đá, họ sẽ bỏ ngay và chuyển sang nơi khác. Sau khi tạc xong, họ sẽ di chuyển những bức tượng đá này đá này về nơi đã định sẵn.
Nhiều giả thiết đã đưa ra những giải thích về sự biến mất của cư dân Easter. Có quan điểm cho rằng, nạn… phá rừng chính là nguyên nhân. Trước đây, trên hòn đảo này có rất nhiều cây cọ lớn. Khi người dân đặt chân lên hòn đảo này, họ đã chặt cây để làm nhà, đốt lửa và di chuyển những bức tượng đá khổng lồ. 
Một bức tượng đá nằm tản mạn trên đồng cỏ
Một số bức tượng trên đầu còn có chiếc mũ đỏ hình trụ tròn
Vì thế, họ cần rất nhiều gỗ. Đó chính là lý do rừng bị chặt phá và ngày càng cạn kiệt. Đất trồng trọt bắt đầu xói mòn, nước biển ngày càng lấn vào khiến mùa màng thất bát, đói kém triền miên. Các thị tộc trên đảo bắt đầu đánh cướp lẫn nhau để chiếm các vùng đất trồng trọt. Bạo lực ngày càng nhiều và nguy hiểm.
Thậm chí, nhiều bằng chứng còn cho thấy, các thị tộc ăn thịt lẫn nhau với hy vọng có thể tạo được sức mạnh và giải tỏa cơn đói. Trước thời khắc tuyệt chủng, nhiều người đã tìm cách để thoát khỏi hòn đảo, nhưng tất cả đều tuyệt vọng vì không còn gỗ để đóng thuyền.
Nhưng cũng có giả thiết lại cho rằng, tổ tiên của cư dân Easter ở dưới dái tai có đeo những con súc sắc dài từ 10-15cm, nên tai trông rất dài. Vì vậy, người ta thường gọi là ‘người tai dài’.
Sau một thời gian sống yên ổn trên hòn đảo hoang vu này, người Polynesia (người tai ngắn), đến từ Polynesia phía Tây, bắt đầu di dân đến đây. Trong một thời gian dài, hai chủng tộc cùng sống chung hoà bình với nhau. Nhưng về sau, do những bất đồng về văn hóa, sinh hoạt và khác nhau về nhu cầu đòi hỏi mà không thể dung hòa nên đã xảy ra xung đột chiến tranh. Cuối cùng, người Polynesia giành chiến thắng, và đã tiêu diệt được ‘Người tai dài’. Câu chuyện này xảy ra vào giữa những năm 1660-1700 sau Công nguyên.
Một bức tượng ở ven biển đang giương mắt nhìn
Ngoài ra người ta còn tìm thấy được cả những bức tượng ở dưới đáy biển
‘Người tai dài’, với 1000 nhân khẩu, đã để lại dấu ấn rất lớn trên đảo Easter. Những bức tượng bằng đá khổng lồ, những con đường, hang động được đục vào vách đá cứng, đài quan sát thiên văn được đặt trên núi Lanocan – một công trình nặng nề rất khó xây dựng.
Hiện nay, trên hòn đảo này có khoảng 2770 người sinh sống. Họ được coi là hậu dụê của tộc người Polynesian xưa. Thật ra, họ chẳng có quan hệ máu mủ gì, có thể họ là những người đến đây theo cùng đoàn truyền giáo.
Nền văn hóa và cuộc sống trên đảo Easter bị huỷ diệt hoàn toàn trong khi những bức tượng đá vẫn tồn tại. Và có lẽ, để tưởng nhớ những người tạo ra mình, những tượng đá vẫn trơ trơ đứng đó như thách thức cuộc sống khắc nghiệt trên hòn đảo Easter.

Theo VZone
Quá khứ lặng im trên hòn đảo Phục Sinh 

Depplus.vn -
 Nằm ở nam Thái Bình Dương, đảo Phục Sinh ở Chile với nhiều du khách phương Tây được coi là “The Ultimate Destination” – nghĩa là điểm đến tối thượng, hay cũng có thể hiểu là điểm đến cuối cùng bởi mức độ khó khăn của hành trình đến đây. Đảo không chỉ nổi tiếng với vô số những bức tượng lớn độc đáo nằm rải rác trên đảo của người xưa để lại, mà còn nổi tiếng những văn hóa truyền thống như lễ hội Tapati được gìn giữ đến ngày nay, hớp hồn du khách bởi những thiếu


Muốn đến đảo Phục Sinh, khách phải đến Chile rồi đi máy bay từ thủ đô Santiago. Một cách có vẻ đỡ mất công hơn là đến thăm đảo bằng du thuyền. Cách này thì không phải đến tận Chile nhưng rủi ro khá cao vì cứ ba chuyến du thuyền đến gần đảo sẽ có một chuyến phải bỏ cuộc do thời tiết xấu. Chính quyền đảo Phục Sinh không chịu xây cảng đón du khách nên tàu du lịch đến đây chỉ được thả neo ở xa rồi đưa khách lên canô chở vào.

Hòn đảo cô đơn

Chúng tôi chọn hành trình mang tên World Cruise với tàu Amsterdam của hãng Holland-America Line vì tour này có ghé đảo Phục Sinh. Tàu khởi hành từ Miami, đi đến các đảo vùng Caribbean, ghé thăm Trung Mỹ, xuyên kênh đào Panama… Rồi từ bờ biển Peru, thuyền lênh đênh trên đại dương năm ngày mới nhìn thấy “The Ultimate Destination”.




Sau một ngày trên đảo Phục Sinh, cả đoàn lại sẽ bập bềnh sóng nước thêm năm ngày nữa mới được xuống tàu tại điểm đến kế tiếp là đảo Tahiti. Tốn công là thế nhưng hành khách ai nấy đều náo nức mong chờ. Khi gần đến Phục Sinh, thời tiết xấu làm cả tàu hồi hộp. Nhiều người trên tàu đã từng đi hải trình này mà không lên được đảo. Thuyền trưởng sau một hồi đắn đo chờ đợi cuối cùng cũng cho mọi người lên canô tiến vào nơi mơ ước.



Dù không có những resort, khách sạn lộng lẫy hay bãi biển, phong cảnh đặc sắc, Phục Sinh vẫn là nơi hấp dẫn du khách bởi một số di tích nhuốm màu huyền bí. Cái tên Phục Sinh là do nhà hàng hải Jacob Roggeveen của Hà Lan, người châu Âu đầu tiên tình cờ đi ngang qua hòn đảo lẻ loi này đặt ra để kỷ niệm ngày ông đến đảo đúng vào lễ Phục Sinh năm 1722. Chứ còn dân đảo vẫn thích gọi quê hương của mình bằng cái tên Rapa Nui, nghĩa là hòn đảo xa vắng.

Mà đúng là xa thật!

Xét về mặt địa lý, Rapa Nui nằm cô lập nhất thế giới, cách nơi gần nhất là đảo Pitcairn đến hơn hai ngàn cây số, cách bờ lục địa Chile đến gần bốn ngàn cây số. Đã vậy cả chính phủ Chile lẫn dân đảo đều không muốn Rapa Nui trở thành điểm đến du lịch đông đúc.

Bộ tộc xứng danh "di sản"
Đảo Phục Sinh có hình tam giác, cạnh dài nhất chỉ hơn hai mươi cây số. Ba góc của tam giác là ba ngọn núi lửa đã tắt. Đảo không có cây cối lớn mà chỉ có dừa thưa thớt, cây bụi nhỏ và cỏ nên trông hoang vắng khô cằn. Đẹp nhất, đầy sức sống nhất trên đảo chỉ có thể nói đến… người dân.

Dân số trên đảo vào khoảng 5.800, trong đó số người bản địa chính gốc chỉ chiếm khoảng hơn một nửa. Thị trấn duy nhất trên đảo là Hanga Roa. Chỉ ở đây mới có được dăm ba hàng quán, vài con đường nhựa dọc ngang qua mấy cơ quan hành chính, thư viện, nhà bảo tàng.Nơi hiện đại nhất đảo không đâu khác ngoài tiệm internet cạnh mái trường nhỏ vang tiếng trẻ nô đùa trên khoảng sân dưới bóng cây. Chỉ đi thêm mấy bước vào xóm nhỏ, không khí tĩnh lặng đã trở lại với những căn nhà giản dị giữa mảnh vườn xanh mát cỏ hoa. Hanga Roa thật bình yên, dung dị giữa trời biển bao la và tiếng sóng vỗ đều trên ghềnh đá.

Con đường chính của thị trấn Hanga Roa



Thiếu nữ Rapa Nui trong ngày hội truyền thống 

Người Rapa Nui sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cừu. Họ luôn tìm đủ mọi cách để giữ gìn các phong tục truyền thống và từ chối sự xâm nhập của nền văn minh bên ngoài. Thanh niên thiếu nữ ở đây ai cũng có nước da màu mật ong mịn màng, nét mặt thanh tú, mắt to mày sắc. Nếu đến đảo vào đúng dịp lễ, du khách sẽ được xem nam thanh nữ tú ăn mặc gợi cảm nhảy múa rất vui.

Những bí ẩn trong lòng núi


Gương mặt tượng được mô phỏng theo dung mạo của các bậc tiền nhân trên đảo
Hiện nay, mỗi năm chính phủ Chile chỉ gửi một chuyến tàu ra liên lạc và tiếp tế một số nhu yếu phẩm cho Rapa Nui. Thời gian còn lại, đảo gần như hoàn toàn biệt lập đối với thế giới bên ngoài. Càng biệt lập, đảo lại càng hấp dẫn các nhà khảo cổ trên toàn thế giới vì những điều bí ẩn trong nền văn minh xưa.

Hàng tượng Moai bên bờ biển 
Bí ẩn đầu tiên là gần cả ngàn bức tượng khổng lồ hình đầu người cao từ 4 đến 10 mét, được tạc với loại đá tạo thành từ chất nham thạch cô đặc của ngọn núi lửa Rano Raraku. Những bức tượng được gọi là Moai này có nét mặt thật dài, đôi mắt sâu, chiếc mũi lớn, đôi môi mím chặt, chiếc cằm bạnh và nhọn, chiếc tai dài và chảy xuôi. Các nhà điêu khắc hiện đại phải công nhận những tác phẩm này có nhiều nét độc đáo, biểu lộ sự trầm tư mặc tưởng man mác và chắc chắn chúng được tạo ra bởi những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thực thụ.



Đến nay đã có nhiều giả thuyết đặt ra để giải thích tại sao một dân tộc bán khai mà có khả năng khắc chạm, vận chuyển, dàn dựng trên bệ cao loạt tượng đá khổng lồ như vậy nhưng vẫn chưa có giả thuyết nào hoàn toàn thuyết phục. Trong vách ngọn núi lửa Rano Raraku còn khoảng 400 tượng Moai đứng, nằm nghiêng ngả, còn nhiều tượng tạc nằm sâu trong lòng đất và không biết bao nhiêu tượng dang dở trong vách đá. Tượng lớn nhất có chiều dài đến 21 mét. Điều thú vị là không thể tìm ra hai bức tượng giống nhau do mỗi gương mặt tượng được khắc theo hình nét của một bậc tiền nhân đáng kính trên đảo.

Khi đứng dưới các tượng Moai, sự thích thú và mãn nguyện đều hiện trên những nụ cười của du khách. Hình nét các thần thánh và tiền nhân dòng tộc Tikis dân Polynesian của Rapa Nui có nét bí ẩn, tạo ấn tượng đặc biệt giữa sóng gió, trời cao biển rộng.

Đảo Phục Sinh không chỉ hấp dẫn ở những bức tượng bán thân này mà còn có nhiều đền thờ nhỏ lạ mắt gắn với nhiều câu chuyện thú vị. Một điểm tham quan phổ biến khác là cột mốc khó hiểu được dân địa phương gọi là “Cái rốn của Trái đất”.


Hòn đá được mệnh danh là “Cái rốn của Trái đất”.

Cái rốn của Trái đất bao gồm một hòn đá tròn xoe lớn hơn vòng tay người ôm được đặt giữa những khối đá thô bao quanh. Hòn đá trung tâm không chỉ trơn nhẵn và có vòng tròn hoàn hảo mà còn phát ra từ tính rất mạnh. Khi người ta đặt một chiếc la bàn bên trên đá, ngay lập tức đá sẽ làm kim la bàn bị mất phương hướng. Hiện tại có bốn hòn đá được đặt xung quanh tảng đá từ tính này tượng trưng cho bốn mặt của la bàn. Cho đến nay, chưa ai rõ nguồn gốc của hòn đá kỳ lạ này.

Theo các nhà khảo cổ, Phục Sinh từng có thời xanh rờn bóng cọ và những rừng cây cổ thụ. Cư dân ở đây đã từng lên đến vạn người, có chữ viết riêng và công nghệ tạo ra hàng loạt tượng đá khổng lồ.


Từ một hòn đảo tươi tốt, Rapa Nui giờ trông có vẻ khô cằn

Vậy điều gì khiến đảo chỉ còn là một vùng đất trơ trụi với hơn 100 dân vào cuối thế kỷ XIX, khi chính quyền Chile đặt chủ quyền ở đây? Có giả thuyết cho rằng những người sống trên đảo đã phá rừng lấy gỗ để vận chuyển tượng Moai rồi gây ra thảm họa sinh thái, hủy diệt nền văn minh trên đảo.Giả thuyết khác lại cho rằng những dao động của sóng ngầm El Nino, cả các cơn sóng thần đã gây thảm họa.

Có người còn cho rằng số phận buồn của hòn đảo cô độc này là do tác động của… người ngoài hành tinh.

Tất cả những tranh cãi đó khiến cho đảo Phục Sinh trở thành một nơi vừa cuốn hút, vừa mãi mãi xa lạ cho những con người hiện đại luôn khát khao điều huyền bí.

C.M.T.G (Depplus.vn/MASK)

Chile – Vườn quốc gia Rapa Nui (1995)


(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vườn Quốc gia Rapa Nui của Chile là Di sản văn hóa thế giới năm 1995
Vườn quốc gia Rapa Nui, Chile
Rapa Nui còn có tên gọi khác là đảo Phục Sinh tại Chile, đảo nằm ở phía nam của Thái Bình Dương cách lục địa Chile khoảng 3.600 km, đây là một trong những hòn đảo cô lập nhất trên thế giới. Tên gọi Phục Sinh được đặt cho đảo bởi vào năm 1722, người Hà Lan trong chuyến thám hiểm đã khám phá ra hòn đảo này đúng vào ngày chủ nhật phục sinh.
Đảo Rapa Nui được hình thành từ 3 ngọn núi lửa lớn là Poike; Rano Kau và Terevaka, mặc dù vậy đây không phải là lý do khiến hòn đảo này trở nên nổi tiếng. Lý do chính khiến đảo phục sinh được cả thế giới biết đến là bởi những bức tượng lớn được tạo nên từ đá, tro núi lửa, người bản địa gọi những bức tượng này là Moai. Tất cả những bức tượng Moai đều được tạo nên từ đá nguyên khối, có nghĩa là từ một tảng đá lớn, người xưa đã khéo léo tạc thành bức tượng nặng hàng chục tấn. Trong số những bức tượng Moai còn lại hiện nay trên đảo Phục Sinh, bức tượng lớn nhất có tên gọi là Paro. Paro cao 10 mét, nặng 75 tấn. Ngoài ra, lớn hơn Paro còn có 1 Moai khác, với chiều cao 21 mét và nặng 270 tấn, tuy nhiên bức tượng này đang trong tình trạng dang dở chưa hoàn tất. 
Những bức tượng đá khổng lồ, rất nổi tiếng trên đảo Phục Sinh

Bằng các thiết bị đo đạc hiện đại và các thiết bị khảo cổ tân tiến nhất, các nhà khoa học khảo cổ đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu tại hòn đảo này. Từ các kết quả tìm được, ước tính có khoảng gần 1000 Moai trên đảo Phục sinh, tính đến nay còn 394 Moai vẫn còn khá nguyên vẹn và có thể nhận dạng được. Vào khoảng năm 1800, không biết vì lý do gì, tất cả các Moai trên đảo Phục sinh bị lật đổ, nhiều Moai đã lăn xa khỏi vị trí ban đầu. Mặc dù trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ đã tìm cách đưa những bức tượng khổng lồ này về đúng vị trí ban đầu tuy nhiên đến hơn cũng chỉ có hơn 50 Moai đã được đặt lại vị trí cũ.
Mặc dù số lượng Moai lên tới gần 1000, và nhiều khả năng vẫn còn có các Moai khác chưa được tìm thấy bị vùi lấp trong các hang động, nhưng với những gì còn lại thì không hề có hai bức tượng giống hệt nhau trên đảo Phục sinh. Vì lý do đó, nhiều giả thiết được đặt ra rằng những bức tượng đá khổng lồ này là chân dung những người dân có thế lực, vị trí cao trên đảo, có thể là tộc trưởng cùng gia đình hoặc những bậc cao niên trong bộ tộc…
 
 
 
 Tượng Moai nằm rải rác trên đảo Phục Sinh với nhiều kích thước khác nhau nhưng nhìn chung đều chung 1 kiểu chế tác với tay dài ép sát người, hốc mắt to, miệng, mũi cằm rất chân thực...Dù có hàng trăm bức tượng nhưng không 2 bức tượng giống hệt nhau, điều này đặt ra giả thiết những bức tượng Moai được tạo nên từ nguyên mẫu người thật

Tất cả các bức tượng Moai đều được khắc theo hình người rất sinh động và chân thực. Có hốc mắt, đôi tai dài, tay được khắp khép sát người với ngón tay dài. Sự tài hoa của người xưa được thể hiện rõ nhất ở phần đầu tượng với kỹ năng tạc miệng, mũi, càm và đường chân mày vô cùng tinh xảo. Phần gáy của các bức tượng được tạo theo mô típ dẹt, đôi tai thon dài nhưng nét mắt, mũi, miệng thì không có tượng nào nhầm lẫn với tượng nào. Một vài bức tượng Moai có hình cong hoặc xoắn ốc được chạm nổi, có lẽ là để phân cấp địa vị xã hội.
Một điều nữa cũng vô cùng hấp dẫn đó là mặc dù có hàng nghìn bức tượng nhưng trên đảo chỉ có hơn 30 bức tượng được đội mũ đỏ. Cụ thể ở bờ Nam của đảo có 15 tượng đội mũ đỏ, bờ Bắc có 10 tượng và bờ Tây có 06 tượng. Ngoài dáng vẻ giống như những bức tượng khác thì hơn 30 bức tượng này có được đội một chiếc mũ đỏ trên đầu. Những bức tượng đội mũ này nổi bật trong số những Moai còn lại trên đảo, cho thấy  xuất thân của những nhân vật này chắc chắn phải có gì đó khác biệt.  Ngoài hơn 30 bức tượng mũ đỏ trên tại đảo Phục Sinh còn 25 tượng đá đội mũ đỏ nữa, tuy nhiên những bức tượng này đều chưa được hoàn thiện.
Mặc dù trên đảo có hàng trăm bức tượng đá nhưng chỉ có hơn 30 Moai đổi mũ đỏ, điều này khiến người ta tin rằng hơn 30 nhân vật này chắc chắn phải là những người có quyền thế hoặc trong hàng ngũ gia tộc trên đảo

Các nhà khoa học cho rằng,  tác giả của những bức tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh là người Polynesian – một tộc người làm chủ vùng biển Thái Bình Dương vào những năm 1000 sau công nguyên. Số tượng đá này có niên đại trong khoảng thời gian từ năm 1000 đến năm 1100. Một điều cho đến nay vẫn nằm trong bức màn bí mật đó là tại sao người Polynesian lại có thể tạo nên được những bức tượng đá khổng lồ, được đẽo gọt tinh xảo như vậy. Bởi vào thời điểm đó người Polynesian cũng chỉ là một tộc người sống nguyên thủy, chưa có sự sáng tạo hay bước tiến gì đặc biệt. Bên cạnh đó, việc các bức tượng đá nằm rải rác trên đảo đang trong quá trình hoàn tất bị dừng lại một cách đột ngột cũng để lại nhiều thắc mắc chưa thể lý giải. 
Nhiều bức tượng Moai trên đảo đã bị đổ song các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể dựng lại tất cả số tượng đổ này vào vị trí cũ của chúng bởi trọng lượng trung bình của 1 Moai lên tới hàng trăm tấn....Để có thể di chuyển mà không làm tổn hại đến di sản cần rất nhiều thời gian và công sức

Theo những gì còn lại hiện nay thì hòn đảo khá nghèo nàn về hệ động thực vật, hầu hết trên đảo chỉ có đá trơ trọi và khoảng 50 loài thực vật sinh trưởng. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều vết phấn hoa và những dấu tích của một số loài thực vật khác đã từng sinh trưởng trên đảo hàng nghìn năm trước. Vì thế giả thiết được đặt ra là liệu có phải đảo Phục sinh đã từng rất phát triển và tươi tốt, nhưng do con người tàn phá nên hòn đảo đã chịu thảm họa sinh thái dẫn tới diệt vong? Một số ý kiến cho rằng những người sống trên đảo đã phá rừng lấy gỗ để vận chuyển tượng Moai rồi gây ra thảm họa sinh thái, hủy diệt nền văn minh trên đảo. Lại có ý kiến khác lại cho rằng những dao động của sóng ngầm El Nino, cả các cơn sóng thần đã gây thảm họa. Đúng hay sai thì giờ vẫn chưa có kết luận bởi các nhà khoa học cần thêm nhiều chứng cứ để xác định nguyên nhân chính xác dẫn tới sự diệt vong của hòn đảo. Chỉ biết rằng, tuy hoang sơ và là nơi cô lập nhất thế giới song từ nhiều năm qua, đảo Phục Sinh đã trở thành điểm đến của nhiều nhà thám hiểm cũng như những người yêu thích du lịch khám phá.
Để có thể đến được đảo Phục Sinh, khách du lịch phải di chuyển bằng tầu biển khá vất vả và mất nhiều thời gian. Trên đảo, không có khách sạn, resort, nhà hàng cao cấp, mọi thứ vẫn còn rất hoang sơ, thiếu thốn. Nhưng bù lại, vẻ đẹp của hòn đảo cô lập nhất thế giới này lại khiến cho bất kỳ du khách nào cũng phải say lòng. Bên cạnh đó, những câu chuyện, những truyền thuyết và những tượng đá bí ẩn nơi đây lại là nguồn cảm hứng bất tận thu hút khách du lịch.
Vườn quốc gia Rapa Nui của Chile được Unesco công nhận theo tiêu chí (i),(iii),(v).
Tiêu chí (i): Vườn quốc gia Rapa Nui là một trong những nơi đã từng có nền văn hóa đáng chú ý nhất trên thế giới.
Tiêu chí (iii): Vườn quốc gia Rapa Nui trên đảo phục sinh là minh chứng lịch sử cho nguồn gốc người Polynesian. Một tộc người làm chủ vùng biển Thái Bình Dương từ hàng nghìn năm trước.
Tiêu chí (v): Vườn quốc gia Rapa Nui là hòn đảo cô lập nhất thế giới hiện nay, nơi đây có cảnh quan tuyệt đẹp cộng với lịch sử và văn hóa rất đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được. 
Thái Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét