Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Đảo Tasmania – thiên đường hoang sơ

EmailIn
uc5Tasmania (khách du lịch thường gọi là Tassie) là bang đảo duy nhất của Úc, nằm cách châu lục 240 km về phía Nam, giữa bang Victoria và Nam Cực. Bang đảo này bao gồm đảo Tasmania là hòn đảo lớn thứ 26 trên thế giới và các đảo nhỏ lân cận.Đảo Tasmania có hình trái tim với những thung lũng xanh, những thị trấn yên tĩnh và những đường bờ biển hoang sơ.
Đây là một trong những hòn đảo có địa hình nhiều núi nhất thế giới, Các khảo sát địa chất còn cho thấy sự liên hệ giữa đảo Tasmania và Nam Cực từ hàng triệu năm về trước. Tuy cách biệt với đất liền, nhưng nơi đây vẫn có chất lượng cuộc sống cao và bầu không khí rất dễ chịu. Với diện tích 68,401 km2 (đảo Tamania chiếm 62,409 km2) nhưng dân số chỉ 500,000 người, nơi này thật sự là một thiên đường hoang sơ cho những người thích khám phá.
Thủ đô của bang Tasmania là Hobart, nằm ở bờ biển phía Tây Nam. Đây là thành phố lâu đời thứ hai của Úc. Nhiệt độ cao nhất mùa hè nơi đây có thể lên đến 38 độ C, nhưng mưa nhiều và mùa đông không quá khắc nghiệt.
Chỉ có thể đến được Tasmania bằng đường biển hoặc đường hàng không. Hệ thống giao thông công cộng của Tasmania tập trung chủ yếu là xe buýt, giá vé mỗi lượt đi thấp nhất là 1,40 đô la Úc. Hơn 1/3 Tasmania được bảo vệ bởi các công viên quốc gia và những khu bảo tồn di sản thế giới. Công viên quốc gia The Hartz Mountains có rất nhiều dãy núi, hồ đóng băng, vùng đồng hoang có núi cao và rừng nhiệt đới rậm rạp khiến cho bạn phải trầm trồ và kinh ngạc.

Bán đảo Tasman là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của đất nước. Cảng Arthur là nơi giam cầm các tù nhân phạm tội trong thời kỳ thuộc địa Úc. Trong khoảng thời gian từ năm 1830 đến năm 1877, có khoảng 12 500 phạm nhân đã trải qua tù đày ở đây khiến nơi này thực sự là nơi đáng sợ vào thời đó.
Launceston là thành phố lớn thứ hai ở Tasmania và là nơi dành cho các khu trượt tuyết với Công viên quốc gia Ben Lomond và Mount Mawson.
Ở bờ biển phía Đông, du khách có thể tham quan Công viên quốc gia đảo Maria, nơi hội tụ những quần thể hóa thạch cổ có thể được tìm thấy ở những vách đá vôi và sa thạch, cùng với rất nhiều khu rừng và những con đường mòn đầy dương xỉ tuyệt vời để thám hiểm.

Phía Tây Bắc là nơi có những bức tranh khắc trên đá của thổ dân. Đây là bằng chứng về việc các bộ tộc thổ dân đã cư trú trong những hang động dọc theo bờ biển cách đây hàng ngàn năm. Đây cũng là ngôi nhà của The Nut – một khối đá núi lửa cao 152 mét được ước tính vào khoảng 12,5 triệu tuổi. Leo đến đỉnh núi, bạn có thể nhìn ngắm toàn cảnh chung quanh, sau đó đón xe  xuống dốc.
Không gì bằng đi bộ tham quan phong cảnh Tasmania vì nơi đây có hơn 60 đường đi bộ dành cho du khách, băng qua những khu rừng mưa nhiệt đới, những vách núi sát biển và những đỉnh núi cao. Hãy chọn 1 trong 5 chuyến hành trình nổi tiếng của Tasmania, bao gồm Cradle Mountain, Maria Island, Freycinet Experience, Bay of Fires và South Coast Walk để có thể đến với tất cả những địa điểm đẹp nhất.
Chuyến hành trình nổi tiếng nhất của Tasmania chính là Overland Track kéo dài 6 ngày, đưa du khách từ Craddle Moutain đến hồ St. Clair sâu nhất nước Úc. Tasmanian Trail là chuyến đi dài hơi kéo dài hơn 480 km từ Bass Trait tới Southern Ocean, bằt đầu từ Devonport và kết thúc ở Dover. Du khách có thể đi bộ, đạp xe hoặc thậm chí cưỡi ngựa trong suốt chuyến hành trình băng qua rừng nhiệt đới, thị trấn, nông trại và những cao nguyên xanh tươi.



Dove Lake ở Craddle Mountain, Tasmania
Bạn cũng không thể bỏ qua việc đến bờ biển phía Đông Nam để thưởng thức các loại trái cây, món cá hồi và rượu vang tuyệt vời. Đảo Bruny là nơi tập trung rất nhiều động vật hoang dã bao gồm cả những con chim cánh cụt nhỏ xinh và những loài bò sát.
Đảo Tasmania còn nổi tiếng với một loài động vật rất xấu xí có hình dạng tương tự gấu, được mệnh danh là “quỷ dữ”, có tên khoa học là Sarcophilus harrisi. Chúng là một trong những loài có túi ăn thịt sống, có kích thước thuộc vào loại nhỏ nhất. Con đực trưởng thành chỉ dài khoảng 0,6m, nặng 12kg.



“Quỷ dữ” của Tasmania, tên khoa học là Sarcophilus harrisi
Với hơn 5,400 km đường bờ biển, hoạt động chèo thuyền kayak ở đây có rất nhiều địa điểm tuyệt vời. Với những người thích thử thách, một chuyến chèo thuyền vòng quanh đảo là hết sức thú vị. Bạn hãy tới vùng nước gần Hobart, nơi đây biển đẹp và không khí vô cùng trong lành. Chèo thuyền còn giúp du khách đến gần hơn với những hẻm núi sát bờ biển, những cảnh thiên nhiên hoang dã của Tasmania.
Nếu bạn thích lướt sóng, Tasmania đúng là thiên đường với những ngọn sóng mạnh và bờ biển vắng vẻ. Gần thủ đô Hobart, bãi biển Park và Clifton là những địa điểm hấp dẫn du khách yêu thích môn thể thao này. Từ Orford tới Bicheno, từ vịnh Cloudy của đảo Bruny tới cảng Trial hay vịnh Arlberg, bạn đều có thể tìm thấy những khoảng trời riêng cho việc lướt sóng.
Hobart - thủ đô của Tasmania, là một thành phố hiện đại với những khu mua sắm và nhà hàng rất rực rỡ nhưng niềm tự hào của bang lại là những di sản kiểu thuộc địa. Battery Point là trung tâm lịch sử của thành phố với khoảng 90 tòa nhà di sản đã được tổ chức National Trust xếp loại và được bảo tồn.

Thành phố còn có nhiều điểm thu hút như Nhà trưng bày mỹ thuật và bảo tàng Tasmania, Trung tâm thám hiểm Nam Cực - sự kết hợp của công viên chủ đề và trung tâm khoa học giao tiếp, cáp treo rừng Tahune và Công viên Tasmanian Devil. Chợ Salamanca ở Hobart là chợ lớn nhất của bang, nơi bán các mặt hàng thủ công, thực phẩm, quần áo và những thứ hàng hóa khác. Lễ hội mùa hè Hobart vào tháng Giêng và lễ hội Mười Ngày Trên Đảo là hai sự kiện bạn không nên bỏ qua.
Nhiên Nguyễn
(theo Discover Tasmania và STA Travel  2010

Khám phá Tasmania
TTCT - Bang Tasmania là một hòn đảo tách rời khỏi nước Úc rộng lớn. Nhiều du khách đến Úc đều muốn ghé Tasmania để khám phá cảnh quan hữu tình, động thực vật đa dạng và các di tích từ thế kỷ 19 do tù nhân người Anh khai khẩn và xây dựng.
Bãi thả cừu bên bờ biển - Ảnh: Trung Công

30.000 năm trước đã có thổ dân aborigines sống trên đảo Tasmania, lúc đó vẫn còn gắn liền với lục địa Úc, mãi đến tận thế kỷ 17 nhà thám hiểm người Hà Lan Abel Tasman mới phát hiện đảo và lấy tên mình đặt cho hòn đảo. Hậu duệ của những cư dân đầu tiên trên đảo nay còn khoảng 4.000 người.
Đảo xanh Tassie
Người Úc âu yếm gọi tên bang đảo này ngắn gọn là Tassie. Vào những dịp học sinh được nghỉ học (ở Úc cứ sau 10 tuần học liên tiếp các trường đều nghỉ hai tuần gọi là school day), nhiều gia đình đưa con cái tới Tassie. Thanh niên và những người mê đi bộ xuyên rừng, những người thích hoa cỏ, thế giới động vật hoang dã hay ham câu cá, quan sát chim... coi Tassie là thiên đường.
Ở Tassie có rất nhiều công viên quốc gia và các khu bảo tồn, có đến 1/5 diện tích đảo là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Một ngày tháng 9 vừa qua, đúng vào kỳ nghỉ của các trường tại Úc, chúng tôi đến Tasmania. Đến sân bay TP Hobart, thủ phủ của Tassie với 40% dân đảo sinh sống, chúng tôi thuê xe tự lái dọc ngang hòn đảo. Từ Hobart, chúng tôi đi dọc tuyến đường ngắm cảnh nổi tiếng Panoramic View tới tận công viên quốc gia Freycinet dài khoảng 300km.
Đường đồi dốc quanh co, núi non chập chùng, những mặt hồ xanh thẳm in bóng núi gợi đến thiên nhiên Thụy Sĩ, những rừng bạch đàn thân màu trắng xanh nổi bật trên trảng cỏ màu vàng rơm rập rờn như sóng khiến ngỡ đang ngang qua châu Phi, trong khi nhiều đoạn đường ven biển nhìn xuống các vịnh nhỏ bãi cát mịn màng, nước biển trong vắt lại khiến liên tưởng đến các đảo biển Caribbean hay những vườn nho trên sườn đồi phủ cây ôliu chẳng khác gì các nước vùng Địa Trung Hải...
Dễ hiểu vì sao Tasmania luôn là điểm đến hấp dẫn với người Úc và du khách nước ngoài. Nhưng Tasmania vẫn rất riêng, không lẫn vào đâu được ở các bãi chăn thả đầy cừu đang gặm cỏ, những bầy kangaroo dạn dĩ ngẩng đầu ngắm người và xe, những vách đá granite dựng đứng trong rất nhiều công viên quốc gia.
Vịnh đẹp trong công viên quốc gia Freycinet - Ảnh: Trung Công

Phố trung tâm ở Hobart - Ảnh: Trung Công

Tuyết trên đỉnh Wellington và “Con quỷ Tasmania”
Thời tiết ở Úc không tương ứng với các châu lục khác. Lúc này đang là mùa thu ở nhiều nơi nhưng trên đất Úc mới đương xuân. Cây mới ra lộc non ánh lên màu nõn trong nắng xuân vàng ửng, hoa cỏ nở tưng bừng, tung phấn đầy trong không gian khiến người lớn và trẻ em rất dễ... nhảy mũi.
Con đường ngoằn ngoèo từ Hobart lên đỉnh Wellington đưa chúng tôi đi qua mấy miền khí hậu, thay đổi qua từng độ cao. Và khi lên tới đỉnh núi cao 1.271m, chúng tôi reo lên “Tuyết kìa!”. Cây cỏ đều phủ trắng tuyết, cảnh vật bảng lảng trong mây và sương. Buốt giá, co ro vì trời lạnh mà ẩm, cả nhóm cứ chui ra chui vào vọng lâu bằng kính để ngắm cảnh.
Xuống núi, chúng tôi đến thị trấn Port Arthur nổi tiếng với những phế tích của thời kỳ Tasmania là nơi lưu đày các tù nhân đến từ nước Anh xa xôi dưới quyền trị vì của nữ hoàng Victoria. Những người tù đã ghi lại một chương đáng nhớ trong lịch sử cận hiện đại Úc và xây dựng thị trấn Port Arthur hoàn toàn bằng tay, để ngày nay nó được UNESCO công nhận di sản thế giới.
Cách Port Arthur không xa, chúng tôi ghé thăm một khu rừng bảo tồn do tư nhân quản lý, nơi đang chăm sóc những cá thể động vật thuộc họ ăn thịt hiện chỉ có tại Tasmania. “Con quỷ Tasmania” - tên loài vật này - được chọn làm biểu tượng của bang Tasmania.
“Con quỷ Tasmania” mỗi khi há ngoác miệng lộ hàm răng dài nhọn lởm chởm nhìn rất hung dữ, hai tai đỏ rực nổi bật trên màu lông đen tuyền. Khi tức giận chúng tiết ra một mùi khó ngửi và gào thét rất to, nhưng đây lại là một loài vật rất hiền lành, thường chúi vào góc hang, hốc cây.
Con đường xuyên dọc chiều dài đảo, nối Hobart với Launceston, thành phố lớn thứ hai của Tasmania, đi qua bao thị trấn làng mạc xinh đẹp. Phố xá Launceston xinh xắn với các ngôi nhà kiểu thuộc địa nhiều màu sặc sỡ. Trong khu ẩm thực ở quảng trường Yorktown, chúng tôi tình cờ nhìn thấy biển hiệu của nhà hàng Mekong với quốc kỳ Việt Nam.
Cho kangaroo ăn - Ảnh: Trung Công

“Con quỷ Tasmania” trông hung dữ nhưng lại rất nhát người - Ảnh: Trung Công

Cả tuần rong ruổi dọc ngang đảo Tasmania vẫn chưa đã mắt. Có lẽ chúng tôi vẫn cần dành ra một kỳ nghỉ khác để đi bộ xuyên rừng khám phá thêm nhiều nơi trên đảo Tasmania mà các phương tiện cơ giới không tới được.
ĐẶNG MINH LÝ



Bãi biển phía Đông Tasmania



Bay of Fires

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét