Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Trekking Khopra, cung đường mới trên dãy Himalaya

Những khung cảnh kỳ lạ khiến du khách tưởng mình lạc vào thế giới khác 1

Bởi Thùy Trang 

 Là một đỉnh núi nằm trong quần thể Himalaya, Khopra với nhiều dạng địa hình khác lạ cùng cảnh hoàng hôn buông xuống lộng lẫy được đánh giá là một trong những phong cảnh đẹp nhất tại Nepal. Đây là một trail mới, chia sẻ hai ngày đầu hành trình với cung đường Poon Hill quen thuộc và đột ngột tách ra một lối đi khác ít người đi trong bốn ngày sau đó. Cung đường này phù hợp với người không có quá nhiều ngày để du lịch nhưng vẫn muốn đi sâu trải nghiệm Annapurna với địa hình phong phú: từ những khu rừng cận nhiệt đới  đến núi tuyết rồi sa mạc khô cằn, từ rừng thông ôn đới đến ruộng bậc thang. Tôn giáo cũng đa dạng: Ấn giáo, Phật giáo Mật tông Tây Tạng và Thiên Chúa giáo.

Nepal mùa hoa đỗ quyên

 Nepal mùa hoa đỗ quyên 

Poon Hill quen thuộc vẫn đẹp say lòng người 

Ngày đầu hành trình, đoàn trekking kiểu làm quen nên chỉ đi cỡ 3-4 tiếng. Nửa đầu tiên của hành trình, đoàn men theo một con đường đất xe jeep chạy được. Hai tiếng sau đến những bậc thang đá lên dốc, đường rất đẹp. Khi thấy bảng Tirkhedhunga là biết đã hoàn thành ngày đầu của hành trình. Tirkhedhunga là một trong những ngôi làng đẹp nhất cung đường Khopra Danda. Nhà cửa xinh xắn với ba màu xanh, đỏ và trắng. Đã qua mùa gặt, những cánh đồng bậc thang trơ trụi dưới nắng chiều, rơm rạ được người dân xếp thành những ụ to trên sườn núi. Không gian yên bình. Cảnh sắc nhà cửa – rừng cây – cánh đồng cháy rực trong ánh nắng cuối ngày, chỉ vài khoảnh khắc nữa, mặt trời hạ xuống sau triền núi, thung lũng sẽ sớm chìm dần vào bóng tối.

Tirkhedhunga - ngôi làng đẹp nhất nhì cung đường trekking đến Khopra 
Tirkhedhunga – ngôi làng đẹp nhất nhì cung đường trekking đến Khopra Hành trình ngày hôm sau chia làm hai phần: nửa đầu đi xuống một chút rồi leo dốc bậc thang dựng đứng, nửa sau thoai thoải lên cao dần qua rừng. Từ điểm mốc băng qua một cây cầu treo là đoạn bậc thang dựng đứng. Dọc đường hoa anh đào nở có khi rợp cây. Từ đó trở đi, đường thoai thoải dốc nhẹ. Annapurna South đã lấp ló trước mặt. Lúc này chúng tôi đã đi sâu vào rừng ở độ cao trên 2.500m, cây cối um tùm và suối chảy róc rách. Càng vào sâu đường càng lạnh, đã vậy mây còn giăng kín trời. Đoàn gặp một bầy khỉ to, lông màu trắng xám xù ra, mặt thì đen thui. Đi mệt gần đứt hơi rốt cuộc cũng tới Ghorepani – ngôi làng hiện đại nhất cung đường.

Rừng sâu núi cao vẫn có nhà lầu! 
Rừng sâu núi cao vẫn có nhà lầu!

 Sáng hôm sau, mọi người khởi hành khi trời tờ mờ sáng. Hành trình lên Poon Hill mất hơn một tiếng nhưng dài như vô tận và như chịu cực hình vì toàn bộ đường đi là bậc thang đá dốc đứng. Tới nơi, ngọn đồi cao với góc nhìn toàn cảnh trơ mình đón gió rét. Rồi mặt trời ửng dần, trồi lên khỏi triền núi phía đông như một hòn lửa đỏ, thắp sáng đỉnh núi tuyết khiến nó rực lên trên nền trời vẫn tranh sáng tranh tối. Khoảnh khắc đó mới thật diệu kỳ! Himalaya đang ửng lên trong một bình minh huyền diệu đến ngạt thở! 

Thung lũng xanh tươi giữa tầng tầng những dãy núi trọc

Thung lũng xanh tươi giữa tầng tầng những dãy núi trọc

 Ở phía đông, xa xa là những lớp núi cam đỏ đè chồng lên nhau như những layer màu của Photoshop. Trong khi đó, rãnh núi Kali Gandaki vẫn còn chìm đắm trong bóng tối và lớp sương mù xanh thẳm. Bên dưới kia, bao người vẫn còn ủ kín trong lớp chăn dày ụ, trong khi trên đây một đám người lại phơi mình giữa buốt giá để đón những ánh bình minh sớm nhất của ngày thu Himalaya. Dãy Dhaulagiri ở phía tây cũng được thắp sáng dần, ửng đỏ lên khỏi bóng tối của biển mây. Rồi cả đại dương mây từ từ sáng dần, sáng dần, và chốc nữa thôi mặt trời sẽ lên cao, xóa tan đám mây kia, trả lại bầu trời tháng 11 trong veo.

 Chặng đường đến đỉnh Khopra 

Sau khi trở về từ bình minh Poon Hill, chúng tôi lững thững đi xuống Ghorepani lấy hành lý để tiếp tục trekking đến Swanta cho đúng lộ trình, vì Swanta mới chính là ngọn núi cửa ngõ dẫn lên Khopra. Trong ánh sáng bình minh, đường đi xuống trở thành một con đường bậc thang nhẹ nhàng. Khói bếp từ những ống khói lan tỏa khắp không gian, cả ngôi làng giờ được dát lên lớp ánh sáng tinh khôi của ngày mới.

Những khung cảnh kỳ lạ khiến du khách tưởng mình lạc vào thế giá»›i khác 
Những khung cảnh kỳ lạ khiến du khách tưởng mình lạc vào thế giới khác

 Con đường xuống rãnh núi Kali Gandaki thật sự vắng lặng. Đỉnh Annapurna vẫn trắng xóa trước mặt, bảng lảng trong lớp màng mỏng tanh của không khí. Đang men theo con đường làng thì hướng dẫn viên ra dấu rẽ vào một cái sân nhà bằng cách vượt rào, rồi men theo những con hẻm để ra một cánh đồng và đi đường rừng không có trên bản đồ để đến Khopra. Xuống tới đây đã gần 11 giờ trưa. Người hướng dẫn chỉ sang bên kia sườn núi, thông báo đó là Swanta – nơi đoàn sẽ ngủ lại hôm nay. Bên dưới, ở tận cùng rãnh núi là một con sông chảy xiết, đưa nguồn nước do băng tan về lại với hạ nguồn. Còn tít trên cao, nơi mà cây cối bắt đầu nhường chỗ cho đất đá là Khopra Danda. Trông thì có vẻ gần, nhưng đi mới biết không gần như đã tưởng.

Cảnh sắc trên cung đường thay đổi liên tục Cảnh sắc trên cung đường thay đổi liên tục 

Tiếp tục băng qua những con đường mà có cảm giác như đi qua sân nhà người dân, đoàn đến làng Swanta lúc 1 giờ trưa và nghỉ tại Khách sạn Candle Inn. Cả làng sống bằng nghề trồng lúa mì, đang sắp thu hoạch nên bông lúa vàng nặng trĩu trên những cánh đồng. Xa xa mây vẫn thơ thẩn quanh những ngọn núi tuyết. Rìa làng có một trường học mà chỉ bước khỏi cái sân được rào chắn là một bờ vực. Hoàng hôn Swanta như một lớp màn ánh sáng bị rút khỏi triền núi, để lại sâu dưới rãnh Kali Gandaki một màu xanh thẳm. Ở biên giới gần với bóng tối, ánh sáng rực rỡ hơn bao giờ hết, đốt cháy rực những mái nhà, những sợi tóc lơ thơ trên mái đầu bạc của người già trong làng, cả những bông lúa mì trên nền bóng chiều đã đổ.

Tu viện trên vách núi hẻo lánh Tu viện trên vách núi hẻo lánh 

Từ Swanta đến Khopra, chặng đầu phải men theo đường rừng để vòng qua một triền núi, đường lúc lên lúc xuống tương đối dễ đi nhưng vì trời chưa sáng nên cũng kha khá lạnh, xung quanh sương giá đọng trắng. Đi cỡ hai tiếng để ra khỏi rừng, rồi băng qua một con sông nữa là đến chặng đường dựng đứng lên Khopra Danda. Từ điểm mốc này sẽ phải đi thêm ít nhất 5-6 tiếng để đến làng Upper Chistibung. Từ làng này trở đi hệ rừng cây thân gỗ đã chuyển sang cây bụi nhiều gai, cho thấy đây là khu vực rất khô và thiếu nước.

Bình minh trên đỉnh núi còn tuyết rải rác Bình minh trên đỉnh núi còn tuyết rải rác 

Chiều đã lên tới đỉnh, nắng rực rỡ đốt sáng từng bụi cỏ, từng tàng cây, nắng xẻ những dốc đứng chia cắt triền núi thành những mảng sáng tối, nắng chiếu vào mống mắt thành một hình tròn đen sạm mông lung. Rồi cũng tới lúc đoàn bước chân lên tầng núi thoai thoải, tầm nhìn lúc này đã trải rộng đến vô tận. Tầng tầng lớp lớp núi ẩn hiện trong không khí bị mặt trời thiêu đốt. Đường đến Khopra Danda chỉ còn một đoạn thật ngắn, uốn lượn theo mép núi. 

Tưởng mình chạm đến trời xanh Tưởng mình chạm đến trời xanh

 Hoàng hôn Khopra là một trong những quang cảnh lộng lẫy nhất tại Nepal. Trước hoàng hôn, khi những tia nắng cuối cùng đốt rực đỉnh Dhaulagiri, tất cả những sắc màu biểu cảm của thời khắc chạng vạng được tạo hóa trình diễn một cách ngoạn mục và lộng lẫy nhất: sắc thiên thanh mờ ảo; những sắc đen từ đen tuyền, đen thẫm đến đen pha ánh bạc lấp lánh; sắc trắng tinh khôi của tuyết được bồi đắp bởi ánh mặt trời phai nhạt và bóng tối đổ dần dưới vực núi sâu giữa Annapurna và Dhaulagiri. Hệ thống đỉnh Annapurna trông như những tên khổng lồ sừng sững ngay phía đông, trong khi tại biên cương xa của chân trời phía bắc, hàng triệu ngôi sao của dải thiên hà đã thắp đèn lấp lánh phía trên đỉnh Nilgiri, đỉnh Tukuche và các đỉnh núi khác ở biên giới với Tây Tạng.

Bầu trời trên núi cao Bầu trời trên núi cao

 Đó là một cảnh tượng kỳ ảo và không thể nào quên với những ai từng mục kích. Từng khoảnh khắc trôi qua, ánh sáng như một người nhạc trưởng, trình diễn một bản hòa tấu đầy rung cảm của hàng trăm sắc màu khác nhau, biến thiên liên tục từng giây từng phút. Mới đây vực núi còn là sắc cam đỏ, liền sau đó được thắp sáng bằng màu vàng cam, rồi dịu lại thành màu hồng, còn ở những rãnh núi sâu màu xanh thẫm lên ngôi hòa vào ánh hoàng hôn tạo ra sắc tím…

Link nguồn : https://doanhnhanplus.vn/trekking-khopra-cung-duong-moi-tren-day-himalaya-417004.html

Chuyến trekking nhiều thử thách ở Langtang Valley

Bởi Lê Dung

Chuyến trekking nhiều thử thách ở Langtang Valley

Sau khi đăng ký giấy phép trekking tại trạm cảnh sát, chúng tôi băng qua cầu treo vượt sông Bhote Koshi để bắt đầu hành trình chinh phục Langtang Valley.

 Thung lũng Langtang trong vùng núi Hymalaya của Nepal hấp dẫn du khách bởi có đến hơn 70 loại sông băng đủ kích thước, được bao bọc bởi hai dãy núi Langtang và Ganesh Himal. Hơn nữa, từ xa xưa, nơi đây là điểm trao đổi hàng hóa với Tây Tạng nên những dấu ấn về văn hóa giao thoa vẫn còn đọng lại ở những ngôi làng địa phương

. Những sắc màu thiên nhiên và đời sống Nepal

 Đi theo con đường mòn dọc theo sông Langtang, đoàn gặp cây cầu bắc qua thác nước nhỏ rồi bắt đầu băng rừng. Sau khu rừng thưa và rừng tre, con đường mòn đưa đoàn dần lên dốc cao, đến Rimche rồi kết thúc ở Changtang, hay còn được gọi là Lama Hotel. Chặng đường ngày đầu tiên dài 11km, mức độ thử thách chỉ vừa phải. Phong cảnh đẹp êm ả thanh bình.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley
 Chuyến đi bắt đầu từ khu rừng thưa xinh đẹp

 Nhân đoạn đường còn khá êm ả, mọi người tranh thủ nói chuyện với những người khiêng đồ cho đoàn. Nhờ vậy mới biết thêm rằng xã hội Nepal có sự phân biệt nặng nề về cấp bậc. Những người ở cấp bậc khác nhau sẽ có vị trí xã hội khác nhau. Người ở cấp bậc thấp thì cả đời chỉ làm khuân vác. Người ở cấp độ cao hơn thì làm hướng dẫn viên du lịch. Cao hơn nữa thì làm tướng tá trong quân đội được kẻ hầu, người hạ. Trưởng nhóm khuân vác luôn nhìn hướng dẫn viên của đoàn bằng vẻ đầy ngưỡng mộ, anh cũng tỏ ra thành kính khi chia sẻ với chúng tôi rằng hướng dẫn viên ở cấp bậc cao hơn mình.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley

Một người làm nghề khuân vác cõng thực phẩm lên núi Xẩm tối đoàn đến Khách sạn Lama. Nơi đây sử dụng điện năng lượng mặt trời thu bằng các phiến hút ánh sáng trong ngày. Dự trữ điện cũng tùy tình hình mỗi nơi. Ở Khách sạn Lama, điện đủ để thắp sáng cho phòng ăn chính và một số phòng nghỉ của du khách. Đến buổi sáng, điện đóm sẽ tắt sạch. Sưởi ấm ở trong các khách sạn ở Hymalaya là một lò kim loại dài rộng cao chừng 50cm, được đốt bằng củi, có ống khói nối liền lên trần nhà thả khí ra ngoài trời. Lò sưởi này thường được đặt trong phòng ăn và rất ấm. Mọi người thường xúm quanh lò sưởi ngồi trà lá trò chuyện. 

Đích đến hôm nay của đoàn là thung lũng Langtang. Nghe kể, Langtang có nghĩa là “đi theo một con bò” trong tiếng Nepal. Trong thung lũng có ngôi làng khoảng 20 nóc nhà nằm ở độ cao 3.500m. Mới đi hết một cây số đầu tiên, nhiều thành viên đã bắt đầu thở dốc. Bao nhiêu phương pháp, bài tập trekking hôm qua bay biến hết. Đường đi càng lúc càng dốc và gập ghềnh. Mọi người thận trọng dò dẫm trên lối đi bề ngang chỉ chừng một mét toàn sỏi đá lổn nhổn, chưa kể có nhiều tảng đá lớn chắn gần hết đường. Liếc mắt sang phải thấy vực sâu hun hút, liếc sang trái thấy vách núi sừng sững lạnh lùng.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley
 Thung lũng xanh tươi trên đường đi 

Gần đến Khách sạn RiverSide, đoàn nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt như pha lê. Tại đây có dịch vụ cho thuê ngựa. Ba thành viên sức yếu nhất mỗi người thuê ngay một con. Những người còn lại vẫn quyết tâm chinh phục Langtang bằng chính đôi chân của mình. Rồi cả đoàn người ngựa đi thêm một giờ đồng hồ thì tới làng nhỏ trong thung lũng Ghodatabela. Ăn trưa tại làng này là một kỷ niệm tuyệt vời của đoàn vì Ghodatabela đẹp mê hồn. Xa xa trên độ cao 7.000m có núi tuyết phủ trắng xóa. Lưng chừng núi có suối nước chảy róc rách. Bốn bề núi non trùng điệp trong ánh nắng chói chang nhưng nhiệt độ chỉ khoảng 15oC. Tuy nhiên, sau khi ăn uống chụp hình vui vẻ, vài người bắt đầu thấy đau đầu, những triệu chứng khó chịu của cơ thể khi thay đổi độ cao đột ngột bắt đầu hiện rõ.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley

 Trên đường đi chúng tôi gặp khá nhiều cầu treo bắc qua suối

 Phần thưởng cho lữ khách bền chí 

Từ Ghodatabela trở đi, cung đường trở nên thử thách hơn nữa. Mọi người cố gắng bám sát nhau. Chiến lược chung là đi một giờ đồng hồ sẽ dừng nghỉ 5 phút; đi được ba phút lại nhấp một ngụm nước. Không nói ra nhưng nhìn nhau, các thành viên biết rõ rằng tất cả mọi người thực sự thấy mệt. Đầu tôi đau như búa bổ. Cơ bắp đôi chân và cả toàn thân nhói buốt từng cơn. Hơi thở rối loạn. Đầu óc thoáng nghĩ đến bỏ cuộc. Toàn bộ sức khỏe và ý chí còn lại chỉ để giữ cho đoàn nhích chậm chạp từng bước lên phía trước. Sức đã đuối, nhưng nhịp tim của tôi vẫn khoảng 140bpm. Nếu khéo lượng sức và đủ bền bỉ thì vẫn có thể đến đích vào chiều tối nay.

 Khi đến được nhà nghỉ trong thung lũng Langtang, ai nấy chỉ có nước quẳng mình lên giường nằm bẹp, mặc cho đội khuân vác đến trước chỉ dẫn tận tình nơi ăn, chốn ở.

 Đêm đó chúng tôi ngủ chập chờn không đẫy giấc, vì cứ hít vào một nửa lồng ngực là đã thấy hết hơi, người bủn rủn, không thở được nữa. Nhờ lời giải thích trấn an của hướng dẫn viên mọi người mới yên tâm phần nào. Thử thách lớn nhất vẫn còn ở phía trước, chặng đường leo lên ngọn Kyanjin Ri ngày mai, hướng dẫn viên nhắc đi nhắc lại rằng mọi người cần leo từ từ, tránh leo nhanh quá vì độ cao tăng nhanh có thể ảnh hưởng mạnh đến thể trạng. Hậu quả có thể là leo lên xong, phải leo xuống ngay. Sốc độ cao là chuyện thường gặp ở những đoàn khách muốn chinh phục đỉnh núi cao 4.773m này.

 Phải nói là những cung đường trekking trong vùng núi Hymalaya nhiều thử thách, nhưng phần thưởng mà nó mang lại cũng vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi cứ tưởng phong cảnh hai bên đường là đẹp nhất rồi, hóa ra có nhiều điểm dừng chân còn đẹp gấp nhiều lần. Khi tưởng chừng không còn đủ sức chinh phục Kyanjin Ri, chúng tôi được tiếp thêm sức lực tại ngôi làng Kyanjin Gompa đẹp thơ mộng, yên bình như trên tiên giới. Làng có những ngôi nhà xây bằng đá nhỏ xíu, được tô điểm bằng mấy nhánh cây dâu dại cho trái mọng nước. Hai ngôi nhà to nhất làng là nhà nghỉ cho du khách và nhà xưởng làm phô mai từ sữa trâu yak.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley
 Ngôi nhà nhỏ xíu bên bờ vực 

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley

Ghodatabela, một thôn xóm kiểu điển hình trong các thung lũng vùng núi Himalaya 

Ở làng Kyanjin, mọi nóc nhà đều phải sơn màu xanh, bởi từ đỉnh núi cao 4.700m nhìn xuống làng, ánh nắng mặt trời sẽ chiếu vào những mái nhà tôn sáng chói, gây khó chịu. Người dân Kyanjin ăn chay nên quanh nhà luôn trồng rau quả, ngũ cốc. Những vườn rau cải bắp đủ lạnh cuộn tròn, to và nặng. Những củ cà rốt không còn lá, chỉ có cuống nhô lên nằm im lìm trong lòng đất lạnh, vài luống khoai tây phơi gió. Ngoài ra là những bụi hoa xanh chỉ nở ở độ cao trên 3.000m, không có cành và lá…

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley
 Làng Kyanjin với những nóc nhà sơn màu xanh 

Con đường từ ngôi làng đến đỉnh Kyanjin Ri là con đường ngắn nhất trong suốt hành trình. Dù vậy mỗi bước đi lại đòi hỏi sự nỗ lực nhiều nhất bởi không khí ở đây rất loãng và cái lạnh như muốn ôm cứng lấy đôi chân của du khách. Khi vừa chinh phục được điểm cuối cùng ở độ cao hơn 4.800m, đoàn phải vội vã gom củi vụn đốt lửa để sưởi trong lúc chờ mây tan. Nhưng chỉ vài phút sau khi người ấm, mây tan, chúng tôi tưởng mình đang ở chốn thiên đường. Tầng cao nhất của đất nước Nepal đã hiện ra ngời ngời kỳ vĩ, đẹp lộng lẫy đến ngợp cả tim.

chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-Langtang-Valley

 Chỉ còn ít bước chân nữa là đến đỉnh Kyanjin Ri 

Bên này đoàn là thung lũng Langtang và Kyanjin Gompa được bao quanh bởi những ngọn đồi xanh. Bên kia là những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa. Và trước mặt là dãy Himalaya trong truyền thuyết với những ngọn núi cao nổi tiếng như Tsego ri, Langshsisa, Junio Kanga hay Ganja sừng sững như chạm đến trời cao…  

Link nguồn : https://doanhnhanplus.vn/chuyen-trekking-nhieu-thu-thach-o-langtang-valley-294873.html

Không có nhận xét nào: