Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Warszawa-nghe tiếng người xưa vọng

Tôi trở lại Warszawa vào những ngày tháng Bảy. Lần trước tôi chỉ có vài ngày còn lần này tôi ở lại đây đến hai tuần. Sau cả tháng nắng nóng là những ngày mưa rào, không lớn nhưng cũng làm ướt đường và hàng cây xanh hơn, đủ để có những bức hình cảnh vật mờ ảo sau màn mưa...
    Tọa lạc bên sông Vistula từ thế kỷ XIII, Warszawa chính thức thành lập và đến năm 1596 trở thành thủ đô của Ba Lan. Thành phố phát triển nhanh chóng nhưng trung tâm vẫn là khu vực bây giờ là phố cổ và thành cổ. Vào giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ hai, khởi nghĩa Warszawa bùng nổ năm 1944, thành phố đã bị phá hủy hầu hết, nặng nề nhất là khu phố cổ.
    Sau chiến tranh, thành phố thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị để nỗ lực xây dựng lại Warszawa. Mô hình thành cổ mà họ định “khôi phục” là phần còn lại trước chiến tranh chứ không phải xây mới hoàn toàn như nguyên gốc. Đồng thời ủy ban tỉ mỉ khôi phục các tòa nhà có lịch sử lâu đời và quan trọng, trên cơ sở sử dụng tài liệu kiến trúc thiết kế cũng như nhiều hình ảnh cũ, thậm chí cả tranh vẽ về những công trình ấy còn được lưu giữ. Nhờ vậy ngày nay bên cạnh phần lớn thành phố được xây dựng theo kiến trúc mới thì vẫn còn đó một số công trình mang dáng dấp cổ xưa. Gạch là vật liệu xây dựng đặc trưng của Ba Lan, các công trình thành trì, lâu đài, pháo đài, phố xá... quy mô to lớn, kiến trúc độc đáo còn tồn tại đến ngày nay phần lớn là xây bằng vật liệu này.
    Phố cổ ở khu trung tâm
    Khu vực thành cổ phục dựng sau chiến tranh, nay là di sản văn hóa thế giới. Tòa thành xây bằng gạch luôn tươi màu dưới ánh nắng hè hay sau cơn mưa. Những con phố cổ lát đá đã mòn vì thời gian, dạo chơi trên đường phố này cũng khá mỏi chân nếu bạn không quen đi bộ. Vì vậy những chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh trên đường rất hấp dẫn du khách. Hơn nữa, người đánh xe trong bộ trang phục cổ xưa còn là hướng dẫn viên nhiệt tình và thú vị, những câu chuyện xưa về thành cổ, về từng địa điểm, từng nhân vật lịch sử... sống động hơn qua từng chuyến đi ngắn. 
    Trung tâm thành phố là những tòa nhà xưa, tiệm ăn, cửa hàng, công sở, nhà hát... hầu như không có kiến trúc mới, càng không có công trình nào to lớn “cạnh tranh” với nhà thờ. Các tháp chuông vươn cao in trên nền trời xanh thăm thẳm là điểm nhấn đặc biệt của từng khu vực. Nhà thờ trung tâm ở giữa quảng trường rộng, nơi mỗi ngày diễn ra những sinh hoạt cộng đồng. Trên quảng trường và vỉa hè là các quán cà phê ngăn cách với đường phố bằng hàng rào gỗ thấp treo những chậu hoa tươi tắn. Trong thành cổ lúc nào cũng nhộn nhịp khách du lịch nhưng không có xe hơi nên không tiếng động cơ, không mùi khói xăng, thậm chí du khách cũng không nói chuyện ồn ào. Nhịp sống bình thản êm đềm trái ngược với cuộc sống hiện đại sôi động đang diễn ra bên ngoài bức tường thành.
    Quảng trường trước Bảo tàng Do Thái
    Đã bao thời gian trôi qua, các cuộc chiến tranh, dân số tăng lên... thành cổ, phố cổ cũng chịu quy luật của thời gian. Những ngôi nhà xuống cấp, đường phố hư hỏng, nhu cầu cuộc sống đòi hỏi sự thay đổi... Đô thị nào cũng gặp vấn đề như thế. Nhưng Warszawa vẫn bảo tồn được những di sản văn hóa bằng sự trân trọng của chính quyền và của từng người dân. Đến đâu cũng có thể bắt gặp các công trình đang được trùng tu, sửa chữa, nhiều nhất là nhà thờ, các lâu đài nhỏ bé hay to lớn, hay đơn giản chỉ là thay thế những viên đá lát đường. Tôi đã nhìn thấy những người công nhân với xô hồ và chiếc búa nhỏ trong tay, đi lại cẩn thận quan sát và tỉ mỉ gắn lại vài viên đá bị bật lên. Mọi người qua lại đều chậm bước và nhẹ chân hơn. 
    Có thể nói Warszawa đã “bảo tồn” cảnh quan thành phố rất đẹp. Nổi bật là những khu rừng dọc theo nhiều con đường, nhiều công viên lớn nhỏ khắp nơi. Trong công viên Chopin ở trung tâm thành phố, những chú sóc, những chú chim công mạnh dạn nhận mẩu bánh mì vụn từ tay người đi dạo. Xen giữa đường phố, vườn hoa và quần thể công trình kiến trúc luôn có tượng đài kỷ niệm sự kiện lịch sử, danh nhân văn hóa, không hoành tráng phô trương mà hòa hợp với cảnh quan. Những công viên, rừng cây được coi là “di sản cảnh quan đô thị” không chỉ vì nó “có tuổi” mà còn vì nơi đây như “khu bảo tồn tự nhiên” nhiều loại thực vật, động vật. Vào mùa hè, mùa thu, khu rừng quanh thành phố là nơi người dân đến hái nấm, hái quả dại, nghỉ ngơi giữa thảm cỏ xanh, thảm lá vàng...
    Tượng đài Chopin trong công viên mang tên ông
    Cách Warszawa gần một giờ xe chạy là Ngôi nhà Chopin - nơi người nhạc sĩ thiên tài được sinh ra và sống thời thơ ấu. Khu trang trại như một công viên rộng lớn, có dòng suối nhỏ chảy quanh và mấy cây cầu duyên dáng, rừng cây thảm cỏ, những lối nhỏ trồng hoa, những chiếc ghế gỗ dưới tán cây xanh mát... Ngôi nhà xinh xắn màu trắng trưng bày nhiều kỷ vật của gia đình Chopin: chiếc đàn cổ mà nhạc sĩ từng sử dụng, những bức chân dung thành viên của gia đình, phòng khách ấm cúng... Ngày cuối tuần thường có nghệ sĩ biểu diễn nhạc Chopin bằng chiếc dương cầm đặt trong phòng hòa nhạc của ngôi nhà. Toàn bộ công viên và ngôi nhà là khu lưu niệm, bảo tàng và khu du lịch thu hút rất đông du khách tham quan cả bốn mùa. Mọi người đến đây đều được đắm mình vào một không gian phủ đầy âm nhạc Chopin bằng những chiếc loa đặt lắp kín đáo ở khắp nơi.
    Ngoài Ngôi nhà Chopin ở Warszawa còn có Bảo tàng Chopin rất hiện đại, trưng bày về cuộc đời và những tác phẩm của nhạc sĩ thiên tài bằng phương tiện hiện đại nhằm tăng tính tương tác để khách tham quan tìm hiểu, học hỏi và tự trải nghiệm. Các bảo tàng lớn như Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Do Thái, Bảo tàng Katyn... hầu như đều có hệ thống bán vé online trước cả tháng... Vậy mà không phải lúc nào du khách cũng mua được vé vào thời điểm mong muốn. Hầu như ngày nào các bảo tàng cũng đón tiếp rất đông học sinh các lứa tuổi đến học tại đây.
    Tác giả trước Ngôi nhà Chopin
    Ba Lan có rất nhiều thành phố cổ xưa tuyệt đẹp, nhưng Warszawa có vị trí quan trọng không chỉ là thủ đô mà còn vì lịch sử bi thương của nó. Lịch sử nơi đây luôn hiện diện bằng những tượng đài tuyệt đẹp, bằng công trình cổ xưa, bằng âm nhạc cổ điển và các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng. Ký ức được lưu giữ trong từng ngôi nhà, từng quán hàng, từng tiệm cà phê và cả bằng những hành động tưởng nhớ của thành phố. Hàng năm vào ngày 1.8, toàn thành phố tưởng niệm khởi nghĩa Warszawa (1944). Khi một hồi còi vang lúc 17g, mọi hoạt động đều dừng lại một phút, toàn thành phố nghiêm trang tưởng nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc khởi nghĩa bi tráng này.
    Đấy chính là bảo tồn lịch sử bằng/qua ký ức cộng đồng. 
    Bài và ảnh: Nguyễn Thị Hậu

    Không có nhận xét nào: