Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Tiềm năng phát triển du lịch Quảng Tây

Nằm ở phía Nam Trung Quốc, có đường biên giới với 4 tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam, tỉnh Quảng Tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch hoang sơ gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như thúc đẩy hợp tác về du lịch văn hóa, nông nghiệp, thương mại. Trong 60 năm qua tỉnh này đã có sự chuyển mình rõ rệt, tạo đà thuận lợi để có những đột phá ở tương lai không xa.
Quảng Tây có phong cảnh non nước hữu tình, là khu vực có đặc điểm địa lý quan trọng, có sông, có biển và có đường biên giới. Đến nay, điều kiện hạ tầng cơ sở được cải thiện rõ rệt, với hơn 5000km đường sắt cao tốc, kết nối 12 thành phố thuộc khu tự trị và tất cả các tỉnh xung quanh, 89% huyện đã có đường cao tốc; đón hơn 24 triệu lượt khách mỗi năm tại các sân bay; tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển khoảng 350 triệu tấn, trong đó hàng container là 3,19 triệu TEUs.

Đặc biệt, thành phố Nam Ninh đã đưa vào vận hành hai tuyến đường tàu điện ngầm, trở thành thủ phủ đầu tiên sử dụng tàu điện ngầm trong những khu tự trị dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển ngành ưu thế truyền thống như ngành mía đường, nhôm, cơ khí và luyện kim “chuyển mình”, dốc sức phát triển các ngành nghề mới mang tính chiến lược như công nghệ thông tin thế hệ mới, chế tạo thiết bị thông minh, bảo vệ môi trường tiết kiệm năng lượng, y dược sinh học, vật liệu mới, xe hơi năng lượng xanh thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe….

Những ngành công nghiệp có doanh thu từ hơn 100 tỷ NDT (tương đương 14,6 tỷ USD) đã tăng lên con số thứ 10. Đó là, ngành điện lực đạt 100 tỷ NDT; ngành kim loại màu, xe hơi, cơ khí, dầu mỏ hóa công, thông tin điện tử, luyện kim, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy và gia công gỗ có doanh thu 200 tỷ NDT; ngành thực phẩm có doanh thu 400 tỷ NDT. Tổng mức tiêu thụ du lịch của Quảng Tây trung bình tăng 26,8%/năm, mức giao dịch thương mại điện tử tăng 53,3%/năm.

Quảng Tây phát triển với 21 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và 12 cửa khẩu biên giới trên đất liền. Thu nhập bình quân đầu người tại thành thị và nông thôn lần lượt vượt ngưỡng 30 ngàn NDT (tương đương 4380 USD) và 10 ngàn NDT (tương đương 1460 USD). Trong 5 năm trở lại đây, Quảng Tây đã giúp 7,04 triệu người thoát nghèo, giải quyết vấn đề nhà ở cho hơn 5 triệu người và 17,796 triệu người được hưởng lợi từ dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn. Quảng Tây sở hữu 80 trường đại học cao đẳng với 1.148.600 sinh viên.


Một góc công viên Viên Bác, thành phố Hạ Châu. (Ảnh: Lê Minh)


Những đô thị mới mọc lên tại thành phố Hạ Châu. 
 (Ảnh: Lê Minh)


Trung tâm Văn hóa thành phố Hạ Châu.
 (Ảnh: Lê Minh)


Cây cầu Giải phóng bắc qua sông Li Giang, thành phố Quế Lâm.
 (Ảnh: Lê Minh)


Sông Li là cội nguồn phát triển du lịch Quế Lâm.
Dọc con sông này là rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước.
 (Ảnh: Lê Minh)


Một góc công viên Liên Hồ.
 (Ảnh: Lê Minh)


Thành phố Ngô Châu là nơi giao nhau giữa hai con sông Tầm Giang và Quế Giang.
 (Ảnh: Lê Minh)


Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây còn được biết đến với cảnh đẹp của những thung lũng lúa chín. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Những tia nắng sớm tô điểm thêm vẻ đẹp của dòng sông Ly Giang, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây.
(Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Vào mùa lúa chín, tour du lịch về những làng quê là một trải nghiệm khó quên dành cho du khách. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Những thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Vẻ đẹp thung lũng trồng lúa nước mùa nước đổ. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Rừng ngập mặn ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây được bảo vệ nghiêm ngặt,
là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Khu du lịch biển bãi Bạc. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)

Đến với Quảng Tây, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội để được đắm mình trong chương trình biểu diễn thực cảnh “Ấn tượng Chị Ba Lưu” do Trương Nghệ Mưu đạo diễn, mỗi tối đều được trình diễn giữa không gian non nước hữu tình của huyện Dương Sóc, thành phố Quế Lâm. Ngoài ra, ruộng bậc thang Long Tích Long Thắng mỗi mùa một sắc màu, con kênh Linh Hưng An một công trình thủy lợi lâu đời, khu du lịch biển bãi Bạc trong xanh hay đảo Vi Châu Bắc Hải là đảo núi lửa trẻ nhất, lớn nhất Trung Quốc, vịnh Tam Nương Khâm Châu được mệnh danh là “xứ sở của cá heo trắng Trung Hoa”, hố trời Phượng Sơn Lạc Nghiệp là cụm hố trời lớn nhất thế giới, thu hút nhiều nhà khám hiểm trong và ngoài nước đến tham quan, các bức tranh vẽ trên đá Hoa Sơn Ninh Minh là di sản văn hóa thế giới, cũng là một trong những bức vẽ trên đá thời cổ lớn nhất thế giới; thác nước Bản Giốc- Đức Thiên là thác nước xuyên quốc gia lớn nhất châu Á... đều là những cảnh đẹp nổi tiếng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Với tỉ lệ che phủ rừng đạt 62,2%, công tác quản lý và bảo tồn đa dạng hệ sinh thái thực vật của Quảng Tây dẫn đầu trong các tỉnh ở nước này. Cũng bởi vậy mà Quảng Tây có tới 25 huyện được trao tặng danh hiệu “Quê hương trường thọ Trung Quốc”.

Là cửa ngõ mở rộng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, vị thế của Quảng Tây ngày càng được nâng lên rõ rệt. Trong đó, Hội chợ triển lãm ASEAN-Trung Quốc là hội chợ triển lãm quốc tế lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước ASEAN và Trung Quốc. Tính đến nay, Quảng Tây đã và đang trao đổi thương mại với 194 quốc gia và khu vực trên thế giới, xây dựng 97 cặp đôi quan hệ thành phố hữu nghị quốc tế, thành công tổ chức hàng loạt hoạt động quốc tế cỡ lớn. Có 6 nước đặt Tổng lãnh sự quán tại Nam Ninh, các doanh nghiệp đứng trong Top 500 thế giới đã đặt trụ sở tại Quảng Tây, ASEAN cũng liên tiếp 17 năm là đối tác thương mại nhất của Quảng Tây.



Hệ thống đường cao tốc được xây dựng hiện đại đi qua những thôn bản.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia giao thông của người dân và du khách. (Ảnh: Tạp chí Hoa Sen)


Công nhân tại nhà máy sản xuất pin tại khu thử nghiệm hợp tác đặc biệt Việt Quế.
 (Ảnh: Lê Minh)


Công nhân tại khu sản xuất đông dược của Tập đoàn Trung Hằng.
 (Ảnh: Lê Minh)


Nhà máy sản xuất đá hoa cương tại khu công nghiệp Vượng Cao.
 (Ảnh: Lê Minh)


Trồng nho tại mô hình thành thị hóa nông thôn mới.
 (Ảnh: Lê Minh)


Quy trình làm trà Lục Bảo.
 (Ảnh: Lê Minh)

Trình diễn văn hóa trà đạo Lục Bảo.
 (Ảnh: Lê Minh)

Quảng Tây hiện có hơn 56 triệu dân số, trong đó hơn 20 triệu người là dân tộc thiểu số, như dân tộc Choang (18 triệu), Hán, Dao, Mèo, Động..., là tỉnh có số người dân tộc thiểu số nhiều nhất Trung Quốc. Kinh tế Quảng Tây phát triển vượt bậc trong những năm qua, GDP từ 2,45 tỷ NDT vào năm 1958, đến năm 2017 GDP vượt mốc 2000 tỷ NDT, tăng gấp hơn 800 lần so với 60 năm trước. Trong khi đó, tổng mức doanh thu tài chính, đầu tư bất động sản toàn xã hội và tổng kim ngạch thương mại cũng không ngừng tăng lên, thực lực kinh tế đã khác nhiều so với nhiều năm qua.
 
Theo thống kê của phía Quảng Tây, Việt Nam nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Thương mại hai bên luôn chiếm gần 25% tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc. Riêng năm 2017, kim ngạch thương mại hai bên đạt 24,12 tỷ USD, tăng 0,4%, trong đó Quảng Tây xuất khẩu sang Việt Nam trên 13,77 tỷ USD, giảm 0,7 %; nhập khẩu trên 10,35 tỷ USD, tăng 2%. Đồng thời, hai bên còn thúc đẩy hợp tác xây dựng đường kết nối liên thông, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mở rộng nâng cấp các cửa khẩu, cặp chợ, du lịch qua biên giới, tiện lợi hóa thông quan, quản lý lao động qua biên giới, tư pháp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế, tài chính./.
 
Bài: Lê Minh - Ảnh: Lê Minh & Tạp chí Hoa Sen

Không có nhận xét nào: