Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Do Thái ký sự

Từ Tel Aviv tới Jaffa

TP - Rong ruổi quá nửa ngày bay từ Hà Nội, thế rồi bờ biển xanh ngắt dưới ánh nắng vàng rực rỡ đặc trưng của miền Địa Trung Hải cũng dần hiện ra bên cửa sổ máy bay. Đất nước Israel của người Do Thái chỉ vẻn vẹn có hơn 20 ngàn km2 với 8 triệu dân, nằm lọt thỏm giữa thế giới Ả Rập rộng lớn ngót nửa tỷ người trải dài mênh mông cả chục triệu km2.
Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa
Cú hạ cánh êm ái của chiếc Airbus A350 vào lúc 7h sáng xuống sân bay quốc tế Ben Gurion đã đưa tôi tới thành phố lớn thứ hai của Israel là Tel Aviv. Những chiếc mũ chỏm Kippah đội đầu (hay còn gọi là mũ Sợ Chúa) hiện diện khắp nơi, đó là điểm khác biệt đầu tiên khi bạn đặt chân lên đất nước của người Do Thái.
Ben Gurion không lớn nhưng lại được mệnh danh là sân bay an toàn nhất thế giới, bởi khâu kiểm tra an ninh ngặt nghèo hiếm thấy nơi đây. Bạn sẽ phải rất kiên nhẫn để xếp hàng dài chờ đến lượt làm thủ tục nhập cảnh, sau khi trả lời hàng loạt câu hỏi đại loại như đến Israel làm gì, ở khách sạn nào, ở trong bao lâu… cuối cùng tôi cũng có trong tay một tấm giấy nhỏ màu xanh nhạt cỡ 3 đầu ngón tay - giấy cho phép nhập cảnh. 
Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa - ảnh 1Bờ biển Địa Trung Hải Tel Aviv nhìn từ đỉnh đồi thành cổ Jaffa. Ảnh: Việt Hùng
Ở tất các nước khác mà tôi đã tới, khi nhập cảnh thường bị nhà chức trách  hỏi một vài câu, còn khi xuất cảnh hiếm có khi nào bị hỏi han gì hết. Tức là vào thường dễ hơn ra. Riêng ở Israel, có một điều rất lạ: Ra khỏi đất nước này còn khó hơn cả lúc vào. Khi rời Israel, làm thủ tục ở sân bay tôi phải trải qua tổng cộng tới 4 “cửa” mới được phép xuất cảnh.
Trong những ngày trên đất Do Thái, tôi cứ đau đáu câu hỏi: Điều gì khiến dải đất nhỏ bé và khô cằn với vị trí quá đặc biệt này vẫn phát triển phồn vinh, thậm chí hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, từ con người tới giáo dục, công nghệ và cả kinh tế nữa?
Cửa phân loại đầu tiên tôi qua ngon lành, nhưng đến “cửa” thứ hai khi kiểm tra hộ chiếu trên máy chả hiểu sao nhìn lên màn hình thấy dấu gạch chéo đỏ chót. Vậy là tôi phải tiến tới “cửa” thứ ba với một loạt câu hỏi lạnh lùng không mấy dễ chịu: “Tối quá anh ngủ ở đâu?”, “Bố của con gái anh tên là gì?” (câu này tôi phải tròn mắt lên hỏi lại rằng, “có phải muốn biết tên tôi là gì không?”), “Bố anh tên là gì?”, “Mẹ anh tên là gì?”… Vẫn chưa hết, sau đó họ lẳng lặng cầm hộ chiếu của tôi đi tới một phòng làm việc ở gần đó rồi đưa cho một người khác. Chẳng biết họ tiếp tục rà soát và đối chiếu những gì nữa, chỉ biết một lúc sau tôi được họ trao trả lại hộ chiếu kèm theo một tờ giấy có in dòng chữ “permitted”, tức cho phép xuất cảnh.
Tel Aviv có 400.000 dân, được mệnh danh là thành phố không ngủ với nhiều hoạt động vui chơi giải trí tấp nập về đêm. Thành phố ven biển Địa Trung Hải này, theo cảm nhận của tôi, có lối kiến trúc khá đơn điệu, xen lẫn giữa nhà cao tầng là vô số những ngôi nhà thấp tầng sơn màu trắng theo trường phái Bauhaus, vốn xuất phát từ Đức. Hóa ra Tel Aviv là một trong những thành phố tiêu biểu nhất của trường phái Bauhaus, đó là một phong cách xây dựng tối giản, không cầu kỳ và chú trọng vào công năng của mỗi căn hộ, hay gọi nôm na là khá thực dụng.  Thành phố này đã từng được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2003 với khoảng 4.000 tòa nhà có lối kiến trúc Bauhaus. 
Đường phố Tel Aviv cũng hay tắc nghẽn, taxi khá đắt đỏ và nhảy số ngay cả khi dừng chờ đèn đỏ, rất xót ruột. Quãng đường từ sân bay quốc tế Ben Gurion về tới khách sạn nơi tôi ở tại trung tâm Tel Aviv có cảm giác dài lê thê vì tắc đường, xe cộ chen vai thích cánh nhích từng bước ngay cửa ngõ ra vào thành phố. 
Trên thế giới, ngoài Mỹ đây là quốc gia thứ hai tôi thấy người dân đặc biệt thích treo cờ. Quốc kỳ Israel được cắm với mật độ dày đặc khắp mọi nơi trong thành phố dù chỉ là ngày thường, thậm chí tôi để ý thấy rất nhiều xe ô tô của người dân cũng có cắm một lá cờ nhỏ. Có vẻ như dân chúng Israel rất tự hào về đất nước của họ. Ngoài tiếng Do Thái Hebrew, hầu hết người dân Israel đều nói thành thạo tiếng Anh. 
Thành cổ Jaffa 4.000 năm tuổi
Do Thái ký sự: Từ Tel Aviv tới Jaffa - ảnh 2Một góc đường phố Tel Aviv. Ảnh: Việt Hùng
Nếu như Tel Aviv là một thành phố trẻ, hiện đại và mang tính quốc tế hóa cao thì ngay sát nách nó lại là thành phố cảng cổ đại lâu đời nhất trên thế giới, Jaffa. Thành cổ Jaffa 4.000 năm tuổi nằm uốn lượn trên những sườn đồi, được sáp nhập vào Tel Aviv năm 1950, 2 năm sau khi nhà nước Israel thành lập. Nghe nói, từ 2.000 năm trước Công nguyên, nơi đây đã là một thương cảng tấp nập tàu bè qua lại của người Ai Cập, Babylon và Phoenix.
Hòa vào dòng khách du lịch nườm nượp từ khắp nơi trên thế giới tới Jaffa, từ tháp đồng hồ trung tâm dưới chân đồi tôi men theo những vỉa hè lát đá trên phố cổ nhỏ hẹp để leo tới đỉnh đồi Jaffa. Vừa đủ để bạn cảm thấy chồn chân mỏi gối, một không gian thoáng đãng bất tận bỗng vỡ òa trước mắt: mùi của biển xanh, mùi của nắng và gió trời lồng lộng đúng chất Địa Trung Hải phả vào mặt. Đứng từ đây ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh dải bờ biển cắt trắng xóa tuyệt đẹp trải dài từ Jaffa tới Tel Aviv.
Trên đỉnh đồi, những khẩu súng thần công đen trũi, những pháo đài cổ vẫn còn hiện diện, những hầm mộ từ thời Babylon, di tích chồng di tích… như một minh chứng hùng hồn cho lịch sử 4000 năm với hàng loạt cuộc chinh phạt từ thời Pharaon của các vị vua Ai Cập cổ đại tới Ba Tư, La Mã  và gần đây nhất là Napoleon.
Israel nằm ở điểm giao của 3 lục địa châu Á, châu Âu và châu Phi, là một trong hai quốc gia duy nhất có đường biên giới giáp với cả biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương (thông qua Biển Đỏ). Chiều dài của đất nước này chỉ vẻn vẹn có 470km, và bề ngang chỗ rộng nhất cũng chỉ 135km. Israel có mật độ các địa danh khảo cổ cao nhất thế giới, gồm hơn 30.000 địa điểm khảo cổ của nền văn minh cổ đại (hơn một địa danh trên mỗi km2), với những phát hiện tiền sử có niên đại tới 1,4 triệu năm.

Tối thứ sáu kỳ lạ ở Tel Aviv

TP - Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới đất nước của người Do Thái. Và cũng chưa bao giờ tôi thấy một thành phố hiện đại như Tel Aviv lại “đi ngủ” sớm đến vậy. Mới 8h tối mà đường phố Tel Aviv đã không còn một bóng người...

Thánh địa Jerusalem

TP - Về mặt địa lý dù vẫn thuộc châu Á, song Israel, mảnh đất của người Do Thái lại rơi đúng vào điểm giao thoa của 3 châu lục Á - Âu - Phi. Nhìn trên bản đồ, Jerusalem như một chấm nhỏ nằm chính tâm quả địa cầu vậy. Chỉ rộng chưa đầy một cây số vuông, song thành cổ Jerusalem lại được cả 3 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, Do Thái giáo, Hồi giáo và Ki tô giáo coi là thánh địa từ hàng ngàn năm nay.
Bức tường Than Khóc                       Ảnh : Việt Hùng
Bức tường Than Khóc Ảnh : Việt Hùng
Như vậy, Jerusalem, xét cả về vị trí địa lý lẫn tâm linh, tự nó đã là “tâm điểm” của thế giới, ít ra là đối với hai phần ba nhân loại rồi còn gì ? Cái thành phố kỳ lạ nhất thế giới này luôn là đích đến, là niềm khát khao, dù chỉ một lần trong đời được đặt chân đến, của hàng tỷ người mộ đạo trên khắp hành tinh.
Vùng đất thiêng của cả 3 tôn giáo
Tôi tới mảnh đất tranh chấp Jerusalem sát thời điểm rất “nhạy cảm”, Mỹ chuẩn bị dời Đại sứ quán của mình về đây, một hành động biểu thị sự công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trước đó một hai tuần, Mỹ và liên quân cũng vừa nã cả trăm tên lửa vào nước láng giềng Syria. Cuộc nội chiến Syria, không khí thù địch căng thẳng giữa Iran và Israel, sự phản kháng của người Palestine từ Đông Jerusalem…
Tất cả khiến tôi chủ quan nghĩ rằng, thời điểm “sặc mùi thuốc súng” này sẽ ít người tìm đến nơi đây. Không! Tôi đã nhầm, du khách từ khắp nơi trên thế giới vẫn nườm nượp đổ về Jerusalem. Tôi chen chân trên những con hẻm nhỏ lát đá cổ kính tuyệt đẹp, giữa dòng người trải dài như bất tận, để lần về những dấu tích xưa hàng ngàn năm tuổi…
Không nơi nào trên thế giới có mật độ di tích và đền đài tôn giáo dày đặc như ở đây. Cũng chả có nơi nào trên thế gian này, cùng lúc bạn bắt gặp sự hiện diện của nhiều loại sắc phục tôn giáo đến vậy. Giữa trưa, trời nắng nóng nhễ nhại mồ hôi, ấy vậy mà xung quanh tôi, những thầy tu mũ cao áo dài đạo mạo với bộ râu rậm đặc trưng vẫn ung dung sải bước trên miền đất thánh.
Nơi đây, Nhà thờ Thiên chúa chen vai thích cánh với đền thờ Hồi giáo cùng Giáo đường Do Thái, với đủ loại mái vòm đặc trưng cho từng loại tôn giáo.  Đứng dưới chân núi Olives, ngay mặt tiền của nhà thờ công giáo Mount of Olives (hay còn gọi là Nhà thờ mọi dân tộc), bạn có thể phóng tầm mắt để nhìn toàn cảnh một Jerusalem cổ kính 3.000 năm tuổi có từ thời vua David và Solomon lẫy lừng một thời của người Do Thái.
Ngay phía sau nhà thờ này là Vườn Gethsemani, nơi  Chúa Giêsu và các tông đồ đã cầu nguyện trong đêm trước khi Ngài bị bắt đem đi đóng đinh vào cây thập giá. Kế bên Vườn Gethsemani là Nhà thờ thánh Maria Magdalena của Chính Thống giáo Nga với các mái vòm hình củ hành rất đặc trưng. Song nổi bật nhất vẫn là cái mái vòm mạ vàng lộng lẫy của đền thờ Hồi giáo Dome of the Rock (Đền thờ Đá) trên núi Đền. Nơi đây, người Hồi giáo tin rằng nhà tiên tri Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi đã bay lên Thiên đường từ một tảng đá, nay đặt ở trung tâm Đền thờ Đá.
Tảng đá này, theo người Do Thái cũng là nơi Chúa trời lấy bụi để tạo ra con người đầu tiên là Adam. Trớ trêu thay, nơi xây dựng Đền thờ Đá của đạo Hồi lại chính là nền ngôi đền thứ nhất và ngôi đền thứ hai cực kỳ linh thiêng của người Do Thái. Ngôi đền đầu tiên do vua Solomon xây dựng vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên, là trung tâm phụng thờ của Do Thái giáo cổ.
Ngôi đền thứ nhất bị phá hủy bởi những người Babylon vào năm 586 TCN, và 70 năm sau ngôi đền thứ hai được xây dựng lại trên nền móng ngôi đền thứ nhất. Tuy nhiên tới năm 70 SCN, ngôi đền thiêng thứ hai của người Do Thái lại bị san phẳng bởi người La Mã. Ngày nay, vết tích còn lại duy nhất của ngôi đền thứ hai chính là bức tường phía Tây, hay còn gọi là Bức tường Than Khóc.
Than khóc suốt hai ngàn năm
Hàng năm người Do Thái tới bức tường phía Tây này để cầu nguyện và than khóc cho sự sụp đổ của ngôi đền, cho sự tha hương không tổ quốc và bị bức hại của dân tộc mình suốt 2.000 năm qua. Nếu như Jerusalem được coi là trung tâm tâm linh của người Do Thái, thì Bức tường Than Khóc lại là một trong những trung tâm tâm linh quan trọng nhất của họ ở Jerusalem.
Thật ra, phần còn lại của Bức tường không lớn lắm, chúng được chia làm hai khu vực cầu nguyện, một bên dành cho nam và một bên dành cho nữ. Tôi đến đây vào đúng giữa trưa, nắng nóng Địa Trung Hải dội thẳng xuống đầu nóng rát. Thế nhưng, quảng trường phía trước Bức tường vẫn rất đông đúc. Mũ sợ chúa được cung cấp miễn phí trước khi bạn tiếp cận bức tường để cầu nguyện. Một đồng nghiệp người Ác-hen-ti-na đi cùng ngỏ lời nhờ tôi chụp cho một “phóng sự ảnh” ghi lại toàn bộ quá trình anh cầu nguyện để về “báo cáo” vợ. Không tiện hỏi, nhưng tôi đoán anh là người theo đạo, bởi cái cách anh nắn nót ghi những dòng chữ gì đó lên một mảnh giấy nhỏ rồi nhét lên khe tường, đôi mắt khép lại đầy thành kính, hai tay bám chặt lên bức tường trước mặt, miệng lẩm nhẩm cầu nguyện… đã nói lên tất cả.
Thánh địa Jerusalem - ảnh 1 Cầu nguyện trên phiến đá thiêng tại Nhà thờ Mộ chúa    
Còn với người theo đạo Thiên Chúa, Nhà thờ Mộ Chúa ở Jerusalem chính là một trong những nơi linh thiêng nhất (được xây dựng lần đầu vào năm 333). Đây là địa điểm hành hương chính hằng năm của hàng triệu người theo Thiên Chúa trên toàn thế giới, họ mong ước được đến nơi đây để cầu nguyện trước mộ Chúa Jesus. Đặc biệt, bên trong nhà thờ có một phiến đá cổ, thứ mà bất cứ con chiên nào cũng ao ước một lần trong đời được chạm vào báu vật tâm linh này. Theo kinh thánh, đây chính là phiến đá mà Chúa Jesus đã nằm sau khi Ngài được khênh xuống từ trên cây thánh giá bị đóng đinh.
Nhà thờ Mộ Chúa khá nhỏ nhưng dòng người đến thăm viếng thì bất tận, phiến đá thiêng lúc nào cũng đông nghịt con chiên đứng chờ tới lượt. Họ thành kính quỳ xuống, hai tay đặt lên phiến đá, nhiều người cúi gập đầu như muốn ôm lấy phiến đá thiêng để cầu nguyện. Đứng giữa biển người tràn đầy đức tin từ khắp nơi trên thế giới giữa Nhà thờ Mộ chúa này, bỗng chốc kẻ ngoại đạo là tôi cảm thấy mình lạc lõng…
         (Còn nữa)
 

Thành cổ rộng 0,9 km2 nằm ở phía Ðông trong lòng thành phố Jerusalem hiện đại ngày nay. Chúng được bao bọc bởi những bức tường thành cao từ 12-15m, dày 2,5-3 m, dài khoảng 4 km. Thành cổ được chia thành bốn khu vực, gồm: Khu Hồi giáo, Khu Kitô giáo, Khu Do Thái, và Khu Armenia.

Ăn uống kỹ tính như người Do Thái

TP - Tại thành phố cổ Jaffa 4.000 năm tuổi nằm bên bờ Địa Trung Hải, chúng tôi được mời một bữa ăn đặc trưng của người Do Thái. Thú thực là rất lạ nhưng lại vô cùng ngon miệng, và tin rằng nhiều người Việt mình cũng sẽ có chung cảm nhận như tôi.
Cá tẩm bột chiên, món ăn rất được ưa chuộng tại nhà hàng Fish Market ở Tel Viv, ngay gần ĐSQ Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng
Cá tẩm bột chiên, món ăn rất được ưa chuộng tại nhà hàng Fish Market ở Tel Viv, ngay gần ĐSQ Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng
Một bữa ăn có rất nhiều món, la liệt các loại nước chấm và nước sốt, đến nỗi bạn khó mà nhớ nổi món nào dùng với loại nào. Hầu hết các món ăn của người Do Thái đều có vị thanh dịu, rất nhiều rau và các loại hạt, không nhiều dầu mỡ như món ăn của người Trung Quốc, cũng không nhiều thịt như món ăn của người Âu, không cay nồng hay nhiều cà ri như của người Thái hay người Ấn. Trong bữa ăn thường có món bánh mỳ pita nóng hổi, đó là một loại bánh mỏng to bằng cái đĩa làm bằng bột mỳ đem áp chảo, rồi cứ thế xé ra và xúc các loại thức ăn khác để lên trên ăn kèm. 
Ăn uống kỹ tính như người Do Thái - ảnh 1Những viên falafel nóng hổi, thơm phức được làm từ đậu xanh tẩm gia vị đặc trưng rồi chiên ngập trong dầu. Ảnh: Việt Hùng
Chắc do đặc điểm trung tính, mùi vị thơm ngon và rất tốt cho sức khỏe của món ăn truyền thống Do Thái mà không riêng gì tôi, cả đoàn nhà báo quốc tế gần hai chục người gồm đủ các châu lục Á, Âu, Mỹ, Phi đều ăn rất nhiệt tình và ngon lành bữa trưa ở Jaffa hôm ấy. Một trong các món đầu bếp mang ra đến đâu hết đến đó có tên gọi falafel. Đây là món ăn rất phổ biến, có mặt trong hầu hết các bữa ăn của người Israel. Những viên falafel nóng hổi, thơm phức được làm từ đậu xanh tẩm gia vị đặc trưng rồi chiên ngập trong dầu cho tới khi chuyển màu nâu vàng. Cắn ngập răng một viên falafel nóng giòn, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon là lạ rất dễ chịu của đậu xanh, rau thơm cùng sốt sữa chua. Đảm bảo ăn một viên rồi bạn sẽ thích ăn hai, ba và nhiều viên nữa…
Ăn uống kỹ tính như người Do Thái - ảnh 2Một bữa ăn đặc trưng của người Do Thái với rất nhiều loại sốt.  Ảnh: Việt Hùng
Một món phổ biến ở Israel rất ngon và dễ ăn nữa phải kể tới là salad kiểu Do Thái. Salad ở đây được chế biến rất đơn giản, các loại rau quả đều được thái nhỏ rồi trộn với nước chanh và dầu ôliu. Tôi thích nhất loại salad làm từ một thứ rau xanh ngắt được thái nhỏ, nom hơi giống rau ngải cứu nhưng vị dịu hơn nhiều, trộn thêm lạc rang, ăn mát và ngon như món nộm ở ta. Kết thúc bữa ăn, bạn đừng bỏ qua món bánh tráng miệng rất ngon đặc trưng của vùng Đông Địa Trung Hải, đó là Kanafeh - một loại bánh phô mai béo ngậy được rưới sirô đường ngọt dịu.
Người Do Thái rất thích ăn và ăn thường xuyên các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, lạc và rất nhiều loại khác mà tôi chưa kịp biết tên. Các loại hạt này, nghe nói rất tốt cho sức khỏe. Ở Tel Aviv tôi từng bắt gặp những cửa hàng rất lớn chuyên bán các loại hạt này, ai thích loại nào thì tự xúc vào túi giấy, hạt được bán theo cân. 
Luật Kashrut và thực phẩm Kosher 
Thức ăn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Do Thái. Một bữa ăn gia đình thịnh soạn bao giờ cũng là một phần trung tâm của mọi cuộc lễ hội, trong đó không thể thiếu một nồi hầm cho ngày lễ Sabbath hoặc món bánh khoai chiên cho lễ hội “dâng tặng” Chanukah. Cách nấu nướng và ăn uống của người Do Thái tuân thủ nghiêm ngặt theo Luật tôn giáo mang tên Kashrut. Luật này quy định rất chi tiết các loại thực phẩm được phép ăn và cấm ăn, thậm chí quy định cả cách thức giết mổ và cách ăn. Thực phẩm đáp ứng đầy đủ quy định của Luật Kashrut được gọi là Kosher. Ngày nay thực phẩm Kosher, nhà hàng Kosher, đồ bếp Kosher…  đã trở nên phổ biến trên thế giới. Và tất nhiên, để được dán nhãn Kosher không hề đơn giản, chúng phải được các tổ chức tôn giáo chuyên trách do những  giáo sĩ Do Thái trực tiếp kiểm nghiệm và chứng nhận. Đặc biệt, nhà hàng Kosher bắt buộc phải do đích thân đầu bếp người Do Thái thực hiện.
Ăn uống kỹ tính như người Do Thái - ảnh 3Salad kiểu Do Thái. Ảnh: Việt Hùng
Nguyên tắc đầu tiên của Luật Kashrut là nghiêm cấm trộn lẫn thịt với sữa. Quy định này nghiêm ngặt tới mức từ dụng cụ đựng, nấu như nồi niêu xoong chảo, bát đĩa cho tới chậu rửa thịt và sữa dứt khoát phải riêng biệt, không thể dùng lẫn cho nhau. Thậm chí chỉ được uống sữa và các chế phẩm từ sữa 6 tiếng sau khi ăn thịt hoặc nửa tiếng trước khi ăn thịt, tuyệt đối không ăn thịt và sữa đồng thời. 
Nguyên tắc thứ hai, chỉ được ăn thịt các loài gia súc có móng chẻ, ăn cỏ và nhai lại như bò, dê, cừu, nai. Thịt lợn, thỏ, ngựa và lạc đà bị cấm ăn vì lợn và thỏ không nhai lại, còn ngựa và lạc đà tuy ăn cỏ nhưng lại không có móng chẻ. Các loài côn trùng và bò sát đều bị liệt vào danh sách cấm ăn. Tuy nhiên, trong các loài gia súc được phép ăn, người Do Thái chỉ ăn nửa phía trên, tuyệt nhiên không ăn nửa phía sau con thú. Đặc biệt, không được ăn máu hoặc thịt dính máu và nội tạng. Chính vì vậy, thịt xẻ ra phải được xử lý để thải hết máu, quy trình giết mổ được thực hiện rất nghiêm ngặt để đảm bảo con vật không sợ hãi và đau đớn. Người Do Thái cho rằng, thú tính của con vật nằm ở dòng máu của chúng, bởi vậy ăn tiết động vật sẽ khiến con người bị nhiễm thú tính, đầu óc trở nên mu muội, nòi giống dần bị thoái hóa đi.
Với các loài thủy sinh, tuyệt đối không ăn các loài có vỏ (shellfish) như tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…; chỉ được phép ăn các loài cá có vây và vảy, tất cả các loài cá không vảy như lươn, trê, chình, tầm… đều bị cấm ăn. Không ăn các loại động vật không xương sống. Không ăn thịt và cá đồng thời trong bữa ăn.
Ăn uống kỹ tính như người Do Thái - ảnh 4Bánh mỳ pita còn nóng hổi. Ảnh: Việt Hùng
Luật Kashrut cấm ăn các loài chim săn mồi, chỉ các loại gia cầm quen thuộc như gà, ngan, ngỗng, vịt và gà tây mới được coi là thực phẩm  Kosher không bị nghi ngờ. Với các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi…, Luật Kashrut quy định  không được ăn khi những cây ăn quả này dưới 3 tuổi.
Tôi nghe nói, hàng tuần những người Israel theo đạo Do Thái giáo chính thống ở Hà Nội thường phải sang tận Bangkok, nơi có một cơ sở giết mổ được cấp chứng chỉ, mới mua được thịt đạt chuẩn Kosher. 
Người Do Thái tin rằng, thực phẩm Kosher rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. Ngoài niềm tin tôn giáo thì ngày nay, nhiều điều kiêng kị về ăn uống của người Do Thái đã được khoa học chứng minh là hoàn toàn toàn có cơ sở. Ví như nội tạng động vật có nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe thì từ hàng ngàn năm nay người Do Thái đã không hề đụng tới. 
(Còn nữa)
Có “7 loài” được mô tả trong kinh thánh Do Thái, đó là : Lúa mì, lúa mạch, nho, quả vả, quả lựu, quả ôliu và quả chà là. Đây cũng là 7 loại cây trồng bản xứ của Israel và được dùng rất phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Do Thái.
Ðường phố khu vực trung tâm Tel Aviv vắng tanh không một bóng người vào lúc 8h tối ngày thứ sáu, bắt đầu ngày lễ Shabbat hàng tuần tại Israel                     Ảnh: Việt Hùng
Ðường phố khu vực trung tâm Tel Aviv vắng tanh không một bóng người vào lúc 8h tối ngày thứ sáu, bắt đầu ngày lễ Shabbat hàng tuần tại Israel Ảnh: Việt Hùng
Lần đầu tiên tôi được đặt chân tới đất nước của người Do Thái. Và cũng chưa bao giờ tôi thấy một thành phố hiện đại như Tel Aviv lại “đi ngủ” sớm đến vậy. Mới 8h tối mà đường phố Tel Aviv đã không còn một bóng người, chỉ còn những chú mèo béo múp giương đôi mắt xanh nhìn tôi như kẻ lạc lõng.  Càng rảo bước tôi lại càng thấy hoang mang, có cảm giác Tel Aviv lúc này còn tĩnh lặng hơn cả đêm 30 Tết ở Hà Nội… Có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?
Đến Tel Aviv vào thứ năm nhưng do lịch làm việc kín mít nên tôi chưa hề có dịp đi dạo thành phố này vào buổi tối. Ngó vô lịch trình thấy tối thứ sáu được nghỉ, tôi quyết định một mình đi bộ ra khỏi khách sạn để khám phá thành phố được mệnh danh là không ngủ, là thành phố của quán bar và nhà hàng về đêm này ra sao.
Thật bất ngờ và trái ngược với khung cảnh tấp nập vào buổi chiều chỉ cách đây vài tiếng. Mới chưa đầy 9h tối mà đường phố Tel Aviv ở khu vực trung tâm xung quanh khách sạn nơi tôi ở đã vắng lặng như tờ, không một bóng người cũng chẳng có chiếc xe nào chạy qua ngoại trừ một chiếc xe cảnh sát đi tuần. Tất cả, từ cửa hàng, quán xá đến nhà dân đều đóng cửa im ỉm, một bầu không khí tĩnh lặng đến tuyệt đối bao trùm khắp Tel Aviv. Có cảm giác thành phố này đã dừng mọi hoạt động.
Một mình tôi lạc lõng rảo bước giữa Tel Aviv mà không hiểu vì sao cái nơi từng được coi là “1 trong 10 thành phố đáng đến nhất thế giới” lại đi ngủ sớm đến vậy. Thứ sống động duy nhất mà tôi bắt gặp ngoài đường chính là những chú mèo rất đẹp và béo múp míp ở nhiều góc phố. Dân Tel Aviv rất thích nuôi mèo và cả chó nữa, nghe nói thành phố này còn có cả những công viên dành riêng cho chó.
Ở châu Á, theo cảm nhận của tôi, có lẽ người Đài Loan và Israel chính là những người yêu chó nhất. Nếu như ở Đài Loan, tôi thường thấy cảnh người dân ôm ấp chú chó cưng của họ đi dạo ngoài đường hay đi dự các lễ hội truyền thống của địa phương, thì ở Tel Aviv này tôi còn bắt gặp không ít người dắt cả những chú chó to lừng lững đi dự… một hội nghị quốc tế về công nghệ. Dường như đây là cảnh tượng rất bình thường ở Israel, và những chú chó này chắc cũng thường xuyên được đi dự hội nghị cùng với chủ của nó, bởi tôi để ý thấy suốt từ sáng tới trưa lũ chó rất ngoan ngoãn nằm phủ phục ngay dưới chân các ông bà chủ, đáng ngạc nhiên chúng đều “tôn trọng” tuyệt đối bài thuyết trình của các vị diễn giả đáng kính mà không hề gây ra bất cứ tiếng động nào.
Quay trở lại buổi tối thứ sáu lạ thường nói trên. Thất vọng vì một buổi tối quá tẻ nhạt, tôi lê bước về khách sạn, chui vô chiếc thang máy không hiểu sao lại đang mở sẵn như chờ mình và bấm nút tầng 7 nơi tôi ở. Lạ lùng thay, tất cả các nút bấm đều vô tác dụng, chiếc thang máy cứ thế chạy lên rồi tự động dừng lại và mở cửa ở mỗi tầng mà không thấy có bất kỳ ai bấm nút gọi thang phía ngoài. Đến tầng thứ 3, nghĩ rằng chiếc thang máy này “có vấn đề”, tôi bước vội ra và đi bộ xuống tầng 1 để tìm gặp nhân viên khách sạn hỏi cho ra nhẽ. Vừa phàn nàn với cô trực quầy ở bộ phận lễ tân chưa hết câu, tôi nhận được câu trả lời kèm nụ cười đầy vẻ cảm thông: “Hôm nay là ngày Shabbat mà, anh mới tới Israel lần đầu phải không?”. Sau đó tôi được chỉ dẫn đi chiếc thang máy bình thường bên cạnh dành cho những người không theo đạo Do Thái.
Ngày Shabbat
Hóa ra, người Do Thái coi thứ sáu và thứ bảy là ngày nghỉ cuối tuần, chủ nhật là ngày làm việc đầu tuần. Ngày Sabbath là ngày nghỉ hàng tuần, bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời lặn ngày thứ sáu và kết thúc sau khi mặt trời lặn vào ngày thứ bảy. Theo kinh thánh Do Thái, Sabbath là ngày nghỉ của Thiên Chúa sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ. Ngày lễ này rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Trong ngày Sabbath, người theo đạo Do Thái tuyệt đối không được làm 39 điều được quy định rõ trong kinh thánh, trong đó có các việc như đốt lửa, gieo hạt, cày cấy, nhào bột, viết lách, sử dụng tiền bạc… Ngày nay, việc cấm đốt lửa trong ngày Sabbath tương đương với việc không được làm bất cứ thứ gì mà tạo ra tia lửa điện. Vì thế, mọi việc liên quan tới các hoạt động như bấm nút thang máy, bật tắt công tắc điện, nghe gọi điện thoại, nổ máy xe ô tô… đều không được phép. Thậm chí, hệ thống giao thông công cộng cũng dừng hoạt động. Tóm lại đây là ngày mà người Do Thái phải nghỉ ngơi hoàn toàn để cầu nguyện hướng về đức chúa trời, thậm chí nấu nướng cũng không được phép mà phải ăn thức ăn đã chế biến sẵn.
Chính vì vậy, mà trong ngày Sabbath tại khách sạn nơi tôi ở, có một chiếc thang máy được lập trình sẵn để tự động chạy lên rồi chạy xuống lần lượt từng tầng, giúp những người Do Thái có thể sử dụng mà không vi phạm vào điều cấm kỵ “bật tia lửa điện”. Có khách sạn, người ta còn cẩn thận đề rõ thông báo “Sabbath Elevator” lên cửa thang máy để du khách được biết.

Shabbat có nghĩa là "nghỉ ngơi", là ngày thứ bảy trong Do Thái giáo. Theo Do Thái giáo, Chúa đã sáng tạo ra tất cả trong sáu ngày và đến ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ, và ngày đó được gọi là Shabbat. Trong ngày này, kinh thánh Do Thái khuyên các thành viên gia đình cần nghỉ ngơi tuyệt đối, dành thời gian ở bên nhau, cùng nhau trò chuyện, đọc kinh và đi nhà thờ. Ðối với người Do Thái, mục đích tối thượng của ngày làm việc là sự sáng tạo chứ không phải vì tiền. Ðiều này giải thích vì sao, người Do Thái là một trong những dân tộc sở hữu nhiều phát minh nhất thế giới. Năm 2006, Israel là quốc gia sở hữu bằng sáng chế cao thứ ba thế giới.
 
Tối thứ sáu kỳ lạ ở Tel Aviv - ảnh 1Chỉ còn tôi với những chú mèo xinh xắn giữa một Tel Aviv tĩnh lặng đến kinh ngạc   Ảnh : Việt Hùng

Thiên đường cho người khuyết tật

TP - Đến Israel, nếu bạn chịu khó để ý đôi chút, sẽ thấy có một sự khác biệt lớn so với phần còn lại của thế giới. Đó là, sự hiện diện của các biển báo dành cho người khuyết tật có mặt khắp mọi nơi: Trên đường phố, trong công sở, khu vui chơi giải trí, phương tiện công cộng, khu đậu xe, toilet…
Nhà báo người Đức Werner Pohl dễ dàng di chuyển chiếc xe lăn của mình lên xuống ô tô nhờ thiết bị nâng hạ dành riêng cho người khuyết tật
Ảnh : Việt Hùng
Nhà báo người Đức Werner Pohl dễ dàng di chuyển chiếc xe lăn của mình lên xuống ô tô nhờ thiết bị nâng hạ dành riêng cho người khuyết tật Ảnh : Việt Hùng

Đặc biệt hơn, rất nhiều biển báo là ảnh thật chụp người khuyết tật đang ngồi xe lăn, thay vì ký hiệu biểu tượng như ta thường thấy ở các nơi khác. Đó là một chiến dịch mang tên “People. Not Symbol”- “Con người. Không phải biểu tượng”.
Những người phát động chiến dịch này (thuộc tổ chức Access Israel) giải thích với chúng tôi rằng, biển báo bằng ảnh người thực sẽ tạo ấn tượng cùng hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ gấp bội lần những biểu tượng hình vẽ. Ở Israel, rất nhiều người khuyết tật sẵn sàng tình nguyện chụp ảnh nhằm thay thế cho các biểu tượng vô hồn gắn trên đường phố.
Đồng nghiệp người Đức, anh Werner Pohl đến từ Stuttgart, một nhà báo ngồi xe lăn chuyên viết bài cho các tạp chí về người khuyết tật tại Đức, người đi cùng tôi trong chuyến tác nghiệp tại Israel, nhận xét: “Đất nước này là thiên đường dành cho người khuyết tật, mọi di chuyển và sinh hoạt của tôi đều vô cùng thuận tiện. Một địa điểm nữa cũng rất tuyệt vời cho người khuyết tật là Singapore”.
Tại Đức, Werner Pohl cho biết, việc di chuyển ở nơi công cộng của anh không được tiện lợi như Israel hay Singapore. Trong chuyến đi suốt 1 tuần tại đây, di chuyển liên tục tới hàng chục địa điểm để làm việc và tham quan, lúc đi bằng ô tô, khi đi bộ, quả thực tôi không hề thấy Werner gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong việc di chuyển hay sinh hoạt cá nhân.
Cửa sau hay cửa hông của xe ô tô du lịch ở Israel đều có gắn sẵn thiết bị nâng hạ dành cho xe lăn, Werner chỉ cần di chuyển tới đúng vị trí quy định, cả xe và người sẽ được nâng lên hay hạ xuống một cách hết sức nhẹ nhàng. Còn khi di chuyển bằng xe lăn, từ trường học, văn phòng, khu du lịch, công viên cho tới tiệm ăn…, tôi thấy Werner đều tiếp cận dễ dàng nhờ lối đi riêng dành cho người khuyết tật. Có cảm giác, anh đã thực sự bình đẳng với tôi và những đồng nghiệp khác trong chuyến tác nghiệp báo chí tại Israel.

Từ bữa tiệc trong bóng tối
 Ở Tel Aviv, đoàn nhà báo quốc tế có một bữa tiệc tối, có thể nói là kỳ lạ và ấn tượng nhất trong đời, do tổ chức Access Israel chiêu đãi. Trước khi vào bàn tiệc, chúng tôi được phát mỗi người một chiếc băng bịt mắt. Và thế là, người nọ cứ bám vai người kia rồng rắn thành một hàng lần sờ vào bàn tiệc. Thú thực, thoạt đầu tôi có một cảm giác cực kỳ khó chịu, bởi chưa bao giờ mình lại phải ngồi ăn trong tình trạng “mù lòa” như thế này.
Tiệc Tây, riêng ly tách đã lổn nhổn vài ba cái, chọn ra được cái nào uống nước, cái nào uống vang đỏ, vang trắng hay sâm panh quả là một sự thách đố. Dao dĩa cũng lỉnh kỉnh đủ loại, cái cho salad, cái dùng món chính, cái tráng miệng, thôi thì đủ loại. Mở mắt chọn đã khó huống hồ bịt mắt! Cú chạm tay đầu tiên của tôi là xô đổ mấy cái ly, nhờ sự trợ giúp của người phục vụ đọc dùm menu, cuối cùng tôi cũng có được 1 ly nước lọc và đĩa cá hồi chiên cùng khoai tây nghiền. Điều an ủi là xung quanh tôi, các đồng nghiệp và khách mời khác dường như cũng “dở khóc dở cười” cả, tiếng ly tách va đổ cũng xủng xoảng khắp nơi.
Rất may, “cuộc đời tăm tối” chỉ diễn ra trong khoảng mươi phút đầu. Sau màn đóng vai người khiếm thị, chúng tôi tiếp tục một trải nghiệm khác ngay trên bàn tiệc, đó là vào vai người bị cụt tay. Khách mời lại được phát mỗi người một đôi bao tay to và cứng, khi xỏ vào không thể cử động được ngón tay. Với tình trạng như vậy tôi loay hoay đánh vật với cái dĩa mà không tài nào cầm lên nổi, chứ đừng nói tới việc ăn uống bất cứ thứ gì. Có người cố cầm được dĩa, nhưng năm lầm bảy lượt cứ xúc lên “miếng ăn đến mồm lại rơi”. 
Cả bàn tiệc nom không khác gì một tấn bi hài kịch! Đi ăn tiệc sang trọng toàn của ngon vật lạ mà chẳng nhìn thấy gì, mò mẫm ngồi ăn trong màn đêm đen kịt. Đi ăn tiệc, nhìn thấy đồ ăn ngon lành thơm phức mà không thể tự tay thưởng thức. Nếu bạn bị rơi vào tình trạng này, cho dù chỉ dăm mười phút cũng đủ thấy khó chịu và ức chế biết chừng nào! Huống hồ những người khiếm thị, cụt tay đã và đang phải chịu đựng cả đời. Đó cũng chính là thông điệp mà tổ chức Access Israel muốn truyền tải tới chúng tôi, những vị khách trong bữa tiệc đặc biệt này.

Đến cách giáo dục trong nhà trường
 Quyền của người khuyết tật rất được coi trọng tại Israel, điều này không chỉ được thể hiện bằng các quy định của pháp luật, các tiện ích cho người khuyết tật hiện diện khắp mọi nơi, mà còn được đưa vào giáo dục trong các trường học. Chúng tôi tận mắt chứng kiến hoạt động giáo dục này tại một trường THPT tại Tel Aviv do tổ chức Access Israel thực hiện. Cách giáo dục của họ cũng rất đáng để cho chúng ta học tập.
Không rao giảng đạo đức hay lý thuyết suông, giảng viên đứng lớp hôm đó chính là những người khuyết tật. Bà Mas Nidya bị mù 20 năm nay đến chia sẻ với học sinh về cuộc sống của mình, làm cách nào để bà hội nhập với cuộc sống như một người bình thường. Bà trực tiếp phát băng bịt mắt, hướng dẫn các em trải nghiệm cách đi đường của người mù bằng việc dùng chiếc gậy công nghệ số để dò đường.
Còn ông Eyal Sartov, 69 tuổi, bị mất cả hai chân từ năm 16 tuổi, thì hướng dẫn cách sử dụng xe lăn với một loạt xe lăn để sẵn ngoài sân trường. Thậm chí ông còn vén ống quần cho bọn trẻ xem nguyên một chiếc chân giả đầy sắt thép và đinh vít của mình. Một người khác thì mang đến những chiếc bịt tai để bọn trẻ trải nghiệm cảm giác bị điếc sẽ ra sao, rồi tổ chức những trò chơi theo kiểu nhìn mồm đoán chữ, dạy ngôn ngữ ký hiệu… Tất cả đều rất trực diện, ấn tượng và đầy sức thuyết phục.
Tôi chắc rằng, bằng cách như vậy, những công dân Israel ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã biết thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với người khuyết tật, từ đó giúp họ tự giác tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền của người khuyết tật. 
Nhiều người nói dân Do Thái thông minh nhưng cũng rất thực tế, quả không sai. Có chứng kiến những buổi giáo dục như trên, tôi mới lý giải được vì sao anh bạn đồng nghiệp người Đức lại nhận xét, Israel là thiên đường của người khuyết tật.(Còn nữa) 
Israel đứng đầu thế giới về chương trình giáo dục chuyên biệt (Special Education) dành cho trẻ em và thanh niên khuyết tật, với sự tham gia của cả chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ. Luật Giáo dục chuyên biệt năm 1988 của nước này quy định, nhà nước có nghĩa vụ phải cung cấp dịch vụ giáo dục miễn phí nhằm phát triển các kỹ năng và khả năng tốt nhất cho người trẻ khuyết tật, từ 3 -21 tuổi. 
Do Thái ký sự: Thiên đường cho người khuyết tật - ảnh 1Ở Israel, nhiều biển báo dành cho người khuyết tật đã được thay bằng ảnh, trong một chiến dịch mang tên “People. Not Symbol” Nguồn :Access Israel
Do Thái ký sự: Thiên đường cho người khuyết tật - ảnh 2Các khách mời đeo bao tay ngồi ăn tiệc để trải nghiệm tình cảnh của những người cụt tay trong cuộc sống. Ảnh : Việt Hùng

Không có nhận xét nào: