Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Quốc kỳ Na Uy chứa hình ảnh lá cờ 6 nước khác

Na Uy (tên chính thức Vương quốc Na Uy) là quốc gia vùng Bắc Âu giáp Thuỵ Điển, Phần Lan và Nga. Trải dài trên lãnh thổ 323.802 km2, Na Uy chỉ có gần 5,4 triệu dân tính đến năm 2018, theo Worldometers.
World Atlas thông tin, quốc kỳ Na Uy được thông qua ngày 17/7/1821. Màu đỏ, trắng và xanh được cho là chịu ảnh hưởng của quốc kỳ Pháp, biểu trưng cho sự tự do. Cảm hứng thiết kế cờ cũng đến từ quốc kỳ Vương quốc Anh và quốc kỳ Mỹ. Chữ thập trắng lệch tâm dựa theo thiết kế cờ Thánh giá Bắc Âu, bắt nguồn từ quốc kỳ Đan Mạch.
Quốc kỳ Na Uy. Ảnh: Pinterest
Quốc kỳ Na Uy. Ảnh: Pinterest
Quốc kỳ Na Uy được gọi là “the mother of all flags” (nguồn gốc của mọi lá cờ), xuất phát từ việc nó ẩn chứa đến 6 lá cờ nước khác bên trong.
Hình ảnh lá cờ các nước hiển thị trên cờ Na Uy bao gồm Indonesia, Ba Lan, Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Thái Lan. Có thể ghi nhớ cờ những nước này với mẹo dưới đây: 
Cờ Indonesia và cờ Ba Lan cùng có hai màu đỏ và trắng, nhưng thứ tự trên dưới ngược nhau.
Cờ Pháp, Hà Lan và Thái Lan đều có 3 màu xanh, trắng và đỏ. Trong đó, cờ Hà Lan nằm ngang, khi xoay dọc sang phải sẽ được thứ tự màu trên cờ Pháp. Hai lá cờ Hà Lan đặt ngược nhau theo chiều dọc sẽ tạo ra hình ảnh cờ Thái Lan.

Lễ trao giải Nobel Hòa bình được tổ chức ở Oslo

Năm 1895, Alfred Nobel viết di chúc bày tỏ mong muốn dành tài sản cá nhân để trao năm giải thưởng hàng năm cho "những người mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại trong năm trước đó”. Theo nguyện vọng của ông, giải Nobel Hòa bình sẽ được trao thưởng ở Oslo, thủ đô Na Uy bởi một ủy ban năm thành viên, được chỉ định bởi Hội đồng Lập pháp Na Uy.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình đầu tiên được tổ chức năm 1901 và luôn diễn ra vào ngày 10 tháng 12 hàng năm, ngày mất của Alfred Nobel.
Thủ đô Oslo của Na Uy. Ảnh: The Local
Thủ đô Oslo của Na Uy. Ảnh: The Local
Oslo, thủ đô Na Uy được vua Harald Hardråde thành lập vào thế kỷ 11, theo website Oslo. Đây là trung tâm thương mại lớn của cả nước và được xem là thành phố toàn cầu. Đa số văn phòng chính phủ tập trung ở Oslo.
Nằm ở cực bắc vịnh Oslofjord, thành phố có khí hậu ôn hòa, ẩm ướt, thu hút khách du lịch quanh năm.

Na Uy khai sinh ra môn trượt tuyết

Theo Life in Norway, Sondre Norheim (Na Uy) được xem là cha đẻ của trượt tuyết hiện đại. Cuối thế kỷ 19, ông bắt đầu sử dụng những mảnh ván cứng ghép lại để giảm rủi ro khi nhảy và xoay trên tuyết. Thiết kế ván trượt tuyết của ông, được gọi là Telemark, là nguyên mẫu của ván trượt ngày nay.
Tuy nhiên, môn trượt tuyết vốn ra đời từ trước thời Sondre Norheim hàng nghìn năm. Một bản khắc đá cổ ở Rødøy, hạt Nordland, miền bắc Na Uy cho thấy người ta đã sử dụng ván trượt ở vùng núi quốc gia Bắc Âu này cách đây 4.000 năm.
Trượt tuyết ở Senja, Na Uy. Ảnh: Gear Patrol
Trượt tuyết ở Senja, Na Uy. Ảnh: Gear Patrol
Không chỉ là nơi khai sinh môn thể thao trượt tuyết, Na Uy còn nổi tiếng là quốc gia thành công nhất thế giới tại Thế vận hội mùa đông. Dù chỉ hơn 5 triệu dân, Na Uy giành nhiều huy chương hơn bất kỳ nước nào khác (368 tính đến nay).
Na Uy đăng cai sự kiện này hai lần: năm 1952 ở Oslo và năm 1994 ở Lillehammer. Vua Olav V giành được một huy chương vàng ở bộ môn đua thuyền buồm vào năm 1928.

 Món sushi cá hồi nhập nguyên liệu từ Na Uy

Life in Norway thông tin, sushi là món ăn do người Nhật Bản nghĩ ra, nhưng họ không hề sử dụng cá hồi cho đến khi được đề xuất bởi một phái đoàn Na Uy vào những năm 1980.
Dù hai quốc gia cách xa nhau, người Na Uy sớm nhận ra Nhật Bản là thị trường tiềm năng để xuất khẩu cá hồi. Nhu cầu cao của người dân khiến hải sản ở xứ sở mặt trời mọc bị khai thác quá mức vào thời điểm đó.
Sushi cá hồi. Ảnh: Vkeong
Sushi cá hồi. Ảnh: Vkeong
Thương vụ được tiến hành từ hơn ba thập niên trước có lợi cho cả đôi bên, giúp xuất khẩu hải sản Na Uy tăng trưởng vượt bậc và Nhật Bản bổ sung vào danh sách đặc sản một món tươi ngon, độc đáo

Hiện tượng 'mặt trời lúc nửa đêm' xảy ra khoảng từ tháng 5 đến tháng 7

“Mặt trời lúc nửa đêm” hay “ban ngày vùng cực” là hiện tượng mặt trời không lặn trong một khoảng thời gian dài ở một số nơi trên Trái Đất. Tại vòng Bắc Cực, thời điểm xảy ra hiện tượng xoay quanh hạ chí, nhưng ở Bắc Cực mặt trời không lặn trong suốt 6 tháng liền.
Theo Visit Norway, Na Uy có 76 ngày xảy ra hiện tượng “mặt trời lúc nửa đêm” trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7. Càng tiến về phía bắc, bạn sẽ càng trải qua nhiều đêm nhìn thấy mặt trời hơn.
Mặt trời lúc nửa đêm ở Na Uy. Ảnh: iStock
"Mặt trời lúc nửa đêm" ở Na Uy. Ảnh: iStock
Người dân ở Tromsø (Na Uy) trải nghiệm hiện tượng này trong khoảng hai tháng mỗi năm, từ 20/5 đến 22/7. Tại Mũi Bắc (mũi ở bờ biển phía bắc của đảo Magerøya, miền Bắc Na Uy), “mặt trời lúc nửa đêm” có thể được nhìn thấy nhiều hơn vài tuần, khoảng từ 14/5 đến 29/7.

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào: