thegioitiepthi.vn Hơn 40.000 trụ đá xếp liền kề, cùng niên đại và hình dáng như gành đá đĩa Phú Yên của Việt Nam, nhưng Giant’s Causeway tận xứ Bắc Ireland khiến người ta kinh ngạc bởi vẻ đẹp ngoạn mục của nó. Ai đã xây nên Kỳ quan Thế giới Giant’s Causeway? Người Ireland sẽ trả lời đấy chính là Finn McCool.
Được xếp vào một trong bốn kỳ quan thiên nhiên kỳ diệu ở Anh, Giant’s Causeway là danh thắng gây ấn tượng với tôi nhất trong suốt cung đường ven biển Antrim Coast bởi vẻ đẹp kỳ lạ được dệt nên từ những trụ đá hình lục lăng, xếp liền kề nhau, trải dài trên đường bờ biển hàng cây số.
Nếu so với những gành đá đĩa anh em hiện hữu trên thế giới như Los Órganos (Tây Ban Nha), Jusangjeolli (Hàn Quốc), Phú Yên (Việt Nam), Giant’s Causeway cũng mang kết cấu tương tự, được tạo nên từ những đợt phun trào nham thạch từ cách đây 50 – 60 triệu năm, nhưng mang quy mô bề thế hơn hẳn cùng vẻ đẹp khác lạ.
Vẻ đẹp ngoạn mục của Giant’s Causeway là điểm không thể bỏ qua trên cung đường Antrim Coast
Nhỏ bé của con người trước vẻ đẹp hùng vĩ của Giant’s Causeway
Khởi hành từ Belfast – thủ phủ Bắc Ireland, tôi mất khoảng hơn nửa ngày nài chiếc xe thuê từ lò Phillip McCallen, chinh phục con đường ven biển vắng ngắt mới đến được Giant’s Causeway trong ánh nắng chiều đang xuống dần. Bỏ lại chiếc xe máy bên vệ đường, tôi chọn cung đường núi với cấp độ dễ chịu (mang ký hiệu Blue Trail: dễ đi, so với cấp độ khó là Red Trail) để tiếp cận vùng Di sản Giant’s Causeway.
Bảng dẫn đường xuống khu tham quan Giant’s Causeway
Nhìn từ xa, cả một vùng bờ biển được kết nên từ các trụ đá, mênh mông tít phía chân trời. Trên đường ra hướng biển, tôi gặp được bà Eleanor Killough, một cư dân địa phương đang công tác tại trung tâm lữ hành Giant’s Causeway, thấy tôi một mình, lại là dân Á Đông, bà Eleanor vui vẻ trò chuyện, kể luôn về sự tích hình thành Giant’s Causeway: “Ở khía cạnh khoa học, vẻ đẹp của Giant’s Causeway thực chất là kết quả từ những vụ nổ núi lửa, dung nham phun trào và được làm mát, đông cứng trở lại nhờ nước biển. Còn ở góc độ huyền thoại, những viên đá kỳ diệu này do gã khổng lồ Finn McCool tạo nên đấy. Thế cậu tin vào khoa học hay huyền thoại?”.
Doi dá với vô số trụ đá lớn nhỏ hình lục lăng nhô ra biển ở Giant’s Causeway
Thông tin dang dở về gã khổng lồ Finn McCool của Eleanor khiến tôi tò mò. Chuyện hoá ra từ ngày xửa xưa, có hai gã khổng lồ là Finn McCool (Ireland) và Benandonner (Scotland) gây hấn, hẹn nhau một cuộc giao tranh phân thắng bại. Finn McCool nhận lời thách đấu, tự xây nên những trụ đá ven biển nối với Scotland làm đấu trường.
Nhờ trí thông minh của Oonagh – vợ Finn McCool – đã bỏ McCool vào trong nôi, chăm như con trẻ. Khi người khổng lồ Benandonner đến, nhìn thấy vợ McCool chăm sóc con trong nôi nhưng dáng hình như một người khổng lồ, hẳn cha của đứa bé sẽ to lớn gấp bội. Benandonner thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy về lại Scotland, phá huỷ luôn con đường biển McCool đã xây dựng, để McCool không thể đuổi theo, tạo thành những lồi lõm, đứt gãy của Giant’s Causeway như ngày nay.
Vẻ đẹp thanh bình cùng những giây phút lãng mạn của lữ khách ở Kỳ quan Thế giới Giant’s Causeway
Xuống đến mép biển, quả thật độ hoành tráng, hùng vĩ của những phiến đá xếp liền nhau, tạo nên vùng cảnh quan Giant’s Causeway đầy ngoạn mục. Từng trụ đá khi ẩn vào vách núi, khi nhô ra mép biển, lúc nhấp nhô trên mặt sóng, cùng những dấu tích đậm màu huyền thoại gắn với người khổng lồ Finn McCool như chiếc ủng của người khổng lồ (The Giant’s Boot), bước chân Shepherd, bướu lạc đà Camel’s Hump, những ống khói trên sườn núi (Chimney Stacks) dễ khiến lữ khách quên ngay đi yếu tố khoa học trong lý giải hiện tượng Giant’s Causway mà chỉ đắm mình vào những dấu tích huyền thoại.
Các tay máy và lữ khách đón ánh hoàng hôn trên mặt đá Giant’s Causeway
Được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới từ 1986, Giant’s Causeway bảo lưu một vẻ đẹp nguyên sơ, lạnh lùng trước sóng gió và thời gian, nhưng quả thật nhờ những tích truyện đậm màu huyền thoại, khiến cho chuyến khám phá Giant’s Causeway của du khách thêm phần hào hứng.
Những nhấp nhô, đứt gãy của Giant’s Causeway do gã khổng lồ Benandonner lúc trốn chạy tạo nên
Trong số các dấu tích ở Giant’s Causeway, có một mỏm núi nhô ra biển, trên đó có khoảng 7 trụ đá lớn nhỏ, cao cách mặt biển áng chừng trên trăm mét, được gọi là Chimney Stacks. Bộ “ống khói” kỳ lạ này là chi tiết khiến tôi thích thú nhất ở Giant’s Causeway, bởi rằng người Bắc Ireland quan niệm, mỗi khi Chimney Stacks phun khói lên trời, thì chắc chắn người khổng lồ Finn McCool sẽ xuất hiện.
Góc trái là cụm ống khói Chimney Stacks, nếu thấy khói nghĩa là sẽ gặp được Finn McCool
Trước khi nghe câu chuyện về Chimney Stacks, hẳn không chỉ tôi mà cả những lữ khách đều hào hứng trả lời “Có” cho câu hỏi: Có muốn gặp Finn McCool không? Thế nhưng khi đứng ngay thực tại là bãi đá xếp bên mép biển, nhìn lên mạn xa Chimney Stacks, nếu có khói, đồng nghĩa với việc cần đến những đợt sóng cao hàng trăm mét tạt vào vách núi, tạo nên những cột hơi nước tung toé như khói, hẳn phải là một trận sóng thần khủng khiếp, đủ quét sạch tất cả những thứ dưới chân núi, trong đó có những kẻ muốn gặp Finn McCool như tôi.
Hiểu ra cơ sự trên, tôi quyết định đổi ý, chẳng dại đi gặp Finn McCool. Bởi miền xa xôi Bắc Ireland này vẫn còn nhiều chuyện hấp dẫn, trong đó có lâu đài Dunluce, nơi có bóng ma trắng vất vưởng đầy bí ẩn, đáng để tôi tìm đến chiêm ngưỡng và khám phá trong hành trình kế tiếp.
Tạo dáng cùng Giant’s Causeway khi hoàng hôn xuống dần
Hoàng hôn ở Giant’s Causeway khép lại một ngày đầy thú vị trong hành trình khám phá Bắc Ireland
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét