Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Đến Luang Prabang tìm lại hình dáng xưa nước Lào

Luang Prabang quyến rũ bao du khách tìm lại dáng xưa nước Lào với nhiều đền, chùa cổ có kiến trúc độc đáo, in dấu tích của nơi từng là trung tâm Phật giáo của xứ sở triệu voi.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 1
Luang Prabang từng là kinh đô đầu tiên của vương quốc Lan Xang (nghĩa là Triệu Voi) từ thế kỷ 14 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 2
Vào buổi sớm tinh mơ, tôi đến cố đô Luang Prabang sau khi vượt qua những cung đường đèo quanh co từ Vang Vieng suốt bảy tiếng đi xe xuyên đêm. Luang Prabang vừa có nét giống Hội An với những dãy phố nhuộm màu thời gian và lung linh đèn lồng về đêm, lại vừa gợi nhớ Sa Pa với đường đèo uốn lượn, quán nhỏ nghi ngút khói từ các món nướng... Tất cả hòa quyện vào khí trời se lạnh trên những góc đường đầy hoa nở rực.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 3
Trên phố Phon Heuang với các ngôi chùa san sát nhau, hình ảnh gây sự tò mò thích thú nơi tôi cũng như các du khách nước ngoài vào mỗi sáng sớm là các nhà sư đi khất thực. Họ đi theo đoàn dài, đầu tiên là những vị sư già và cuối cùng là những chú tiểu. Mỗi khi có nhà sư đi qua, người dân địa phương quỳ trước cổng nhà, cung kính dâng thức ăn và đặt vào thố của những vị sư áo vàng. Buổi khất thực của các vị sư diễn ra trước khi ánh bình minh ló dạng.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 4
Tôi bắt đầu hành trình tham quan Bảo tàng quốc gia Luang Prabang (trước đây là Cung điện Hoàng gia) xây dựng vào năm 1904 dưới thời vua Sisavangvong. Hoàng cung vẫn cho thấy một giai đoạn phát triển cực thịnh của các triều đại phong kiến trước khi kinh kỳ chuyển đến Vientiane.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 11
Bước qua cổng chính của ngôi chùa, tôi lạc lối giữa những bức phù điêu chạm trổ tinh xảo ghép thành bức tranh tường kể về các điển tích của nhà Phật bằng nghệ thuật Mosaic. Do được bảo trợ bởi Hoàng gia, chùa Xieng Thong chứa rất nhiều tượng cổ thể hiện hình tượng Phật nhập Niết Bàn.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 14
Ngôi chùa này đặc biệt được bảo tồn vì từng là chùa của Hoàng gia và nơi ở của các chức sắc Phật giáo Lào cao nhất. Giữa chánh điện có tượng Phật vàng lớn, xung quanh nhiều tượng Phật nhỏ, như nhắc đây là một trong những ngôi chùa quan trọng của vùng đất cố đô Luang Prabang. Tại ngôi chùa này có lớp học Phật giáo, nếu quan tâm, du khách có thể vào nghe thuyết pháp, tất nhiên là bằng tiếng Lào!
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 15
Ở Luang Prabang, mọi con đường đều dẫn về đường Soukkaseum - dọc theo sông Mê Kông. Bên trái có cây cầu tre băng qua sông đến ngôi làng làm những chiếc khăn choàng thủ công truyền thống, bên phải có đồi Phousi. Cảm giác được chinh phục ngọn đồi Phousi giữa lòng cố đô đã khiến những bước chân của tôi trở nên mạnh mẽ và vững chãi. Hơn 300 bậc thang bằng gạch đỏ, tráng xi măng, sơn trắng là con đường duy nhất để lên đến tháp That Chom Si cao 20m và chùa Thammothayaram ngự trên đỉnh đồi.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 16
Dọc hai bên cầu thang là hai tượng rồng chầu sống động, dài trên dưới 10m với hàng trăm gốc sứ Champa cổ thụ trên trăm năm tuổi. Rải rác dọc đường lên chùa có nhiều tượng Phật đẹp. Đáng chú ý, tại chùa Thammothayaram trên đỉnh Phousi có dấu chân Phật rất to, một chi tiết tôi đã không bỏ qua khi ghé nơi này. Tháp That Chom Si được xây dựng từ năm 1804, là biểu tượng, trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của cố đô Luang Prabang.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 17
Từ đỉnh đồi Phousi, tôi thấy bao quát cả Luang Prabang bình dị, cổ kính, yên bình được hai dòng sông Mê Kông và Nam Khan uốn khúc lặng lẽ dưới nắng chiều, hai bên bờ là màu xanh thẫm của những rặng dừa. Tôi háo hức chờ đón mặt trời lặn trên vùng đất cố đô và không quên ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng. Ở đây, thời gian như ngừng trôi, không một tiếng ồn ào xe cộ. Những tia nắng cuối ngày óng ánh vàng và chuyển dần sang màu tím như cố nối đất với trời.
Den Luang Prabang tim lai hinh dang xua nuoc Lao hinh anh 18
Trước khi rời Luang Prabang, tôi dành hàng giờ để lặng ngắm toàn cảnh thành phố lên đèn khi đứng trên đỉnh đồi Phousi. Một cố đô cổ xưa đã để lại trong lòng tôi nhiều cung bậc cảm xúc khó quên, mà tôi nghĩ, mình sẽ không chỉ đến đây một lần.
Độc giả Bi’s Phượt

Sống chậm ở Luang Prabang





TTO - Luang Prabang - cái tên rất đỗi quen thuộc mỗi lần có người nhắc đến đất nước Lào láng giềng. Ấp ủ từ lâu, nay tranh thủ Sea Games, chúng tôi mới có dịp đến đây và khám phá.

jHKuutHG.jpg
Chùa Sala Pha Bang trong khuôn viên hoàng cung ở cố đô Luang Prabang
Chúng tôi đến Luang Prabang vào chớm trưa ngày cuối năm khi thành phố vẫn còn chìm dưới sương mù. Chiếc máy bay ATR72 rẽ mây và sương mờ giăng kín để tiếp giáp mặt đất.
Luang Prabang nằm ở vùng núi phía bắc của Lào trên độ cao 300m so với mực nước biển, bên cạnh hai dòng sông Mekong và Nậm Khan. Là cố đô của Lan Xang - đất nước triệu voi - được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353. Luang Prabang là cố đô của Lào từ 1353 - 1563 và là nơi ở của các vua Lào đến năm 1975.
Hiện nay Luang Prabang vẫn là trung tâm Phật giáo của Lào với rất nhiều đền chùa quan trọng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Luang Prabang cũng như thủ đô Vientiane là một thành phố nhỏ và bình yên. Dù du khách đông hơn nhiều so với Vientiane nhưng cũng không thể gọi đây là một đô thị sầm uất.
Trên đường về khách sạn The Grand nằm ở ngoại ô Luang Prabang ngược với hướng ra sân bay, sương vẫn giăng và bầu trời vẫn còn u ám. Phía sau khách sạn là sân cỏ xanh mướt mát được tỉa tót và chăm sóc cẩn thận nằm ngay sát bờ sông Mekong, nơi bờ bên kia là những dãy núi trùng điệp.
Chúng tôi có chuyến đi thăm hang Pak Ou cách Luang Prabang chừng 25 km. 12g trưa, nắng vàng rực rỡ và bầu trời trong xanh, mọi thứ ấm áp hẳn lên và không khí thật dễ chịu.
Trong động Pak Ou không có gì thật đặc sắc nhưng thú vị ở những câu chuyện kể về những bức tượng Phật đủ kích cỡ và chất liệu, những bức tượng do chính người dân bình thường với đức tin không bờ bến mang đến nơi đây từ nhiều thế kỷ trước nhằm tránh xa các cuộc chiến.
Bữa ăn trưa muộn với bia Lào, cơm lam và cá bên cạnh dòng sông Ou với núi non hùng vĩ càng làm tăng thêm chất thú vị.
Trở lại Luang Prabang lúc chiều đã muộn, phía sau cửa sổ phòng khách sạn, con sông chảy về đất mẹ Việt Nam ánh lên trời chiều màu tím hồng rực rỡ. Từ trên sân cỏ nhìn dòng sông in hình những rặng núi, thấp thoáng đâu đây vài chiếc thuyền con của những người thợ đánh cá đang thả lưới, phong cảnh quá hữu tình cứ hút hồn.
fS6yvrkv.jpg
Sông Mekong uốn dòng giữa bình yên của làng quê Luang Prabang
1eZZucA9.jpg
Những gian hàng bán tranh giấy dó
EaTpah8w.jpg
Một nghệ nhân trẻ tuổi vẽ ngay tại chợ
WYlQZg0a.jpg
Chợ đêm tấp nập là nét đáng yêu của thành phố bình yên dành cho du khách
Hấp dẫn chợ đêm
Sâm sẩm tối là lúc thích hợp vào trung tâm thành phố đi chợ đêm, thú vui của khách du lịch bốn phương. Các gian hàng san sát nhau dưới lòng đường chỉ cho người đi bộ, dưới ánh đèn vàng các sản phẩm như đẹp hơn, long lanh hơn. Các mặt hàng cũng chủ yếu nhắm vào khách du lịch, nào là lụa Lào, xàrông, các loại quần áo sặc sỡ cho đến đồ thủ công mỹ nghệ bằng nhiều chất liệu khác nhau (đá, bạc...).
Tôi dừng lại thật lâu ở gian bán tranh được vẽ tương đối cầu kỳ với màu sắc hài hòa trên giấy dó, được vẽ ngay tại chợ cho du khách thưởng thức. Tranh có nhiều loại, to nhỏ khác nhau, motip cũng phong phú, về cuộc sống hằng ngày, tranh dân gian, tranh các nhà sư và các motip về Phật giáo... bày bán la liệt.
Khách du lịch lân la hết sạp hàng này đến sạp hàng khác, cái chính là để thưởng thức không khí chợ cũng như quan sát kẻ bán người mua. Đi chợ đêm không thể bỏ qua khu chợ ẩm thực với đủ các món đặc trưng của Lào, phổ biến nhất là món cơm nếp Lào, chỗ nào cũng có thể mua được. Các món ăn của Lào tương đối rẻ và cay.
Về đêm trong trung tâm thành phố nhộn nhịp hơn hẳn ban ngày, do sức hấp dẫn của chợ đêm và những hàng quán thơm phức mùi thức ăn. Bạn có thể vừa ăn vừa ngắm khách du lịch qua lại, rất thú vị.
X3fh4lqJ.jpg
lhHicSsw.jpg
Màu vàng của áo cà sa rải khắp các phố, trong sân những ngôi chùa
Những ngôi chùa in dấu

Đến Luang Prabang không thể quên được các quần thể chùa chiền, là trung tâm Phật giáo của Lào, Luang Prabang có đến 35 đền chùa khác nhau, nơi nào cũng đáng tham quan. Ấn tượng mạnh nhất với tôi có lẽ là chùa vàng Wat Xieng Thong. Quần thể những ngôi chùa ở đây hài hòa và mang nét kiến trúc đặc trưng Lào.
Cũng như ở khắp nơi trên đất nước triệu voi, các nhà sư rất được trọng vọng tôn kính. Dâng thức ăn cho các nhà sư vào mỗi buổi sáng được coi là là niềm hạnh phúc và sự ban tước phước lộc đối với mỗi người. Mỗi sáng cảnh tượng quanh các chùa chiền ở Luang Prabang sống động hẳn khi hàng đoàn người quỳ xuống dâng thức ăn cho các vị sư.
Đặc biệt ở Luang Prabang dễ bắt gặp mọi lúc mọi nơi những bóng áo cà sa của sư sãi. Trên đường, trong chùa hay lênh đênh trên những cây cầu tre nối qua sông Nậm Khan, chỗ nào cũng thấy hình dáng họ tô điểm thêm một nét rất riêng cho thành phố.
Trèo 300 bậc lên với đỉnh Phou Si là "nghi lễ“ không thể thiếu được khi đến Luang Prabang của bất kỳ du khách nào. Đỉnh núi thiêng nằm ngay trong trung tâm thành phố, đối diện với hoàng cung. Từ trên cao nhìn xuống thành phố như một nàng tiên trong giấc mộng, tha hồ thả cho hồn cho bay bổng. Và khi hoàng hôn xuống, đỉnh Phou Si sẽ nằm trọn trong tay khách du lịch, mỗi khoảnh khắc thời gian lại mang đến cho cảnh vật những nét mơ màng khác nhau.
Trên đường xuống núi khách thường ghé khu vườn tượng Phật, nơi có đủ Phật thứ hai cho đến Phật chủ nhật và vết chân Phật khổng lồ.
Chúng tôi rẽ vào hoàng cung, Bảo tàng Quốc gia... Những không gian yên tĩnh và thoáng mát với hồ nước nở đầy hoa súng, với những hàng dừa và cọ xen lẫn nhiều loại cây che mát... Đẹp và hoành tráng hơn trong khuôn viên hoàng cung là ngôi chùa Sala Pha Bang, nơi tượng Phật Pha Bang, món quà của vua Khơmer dành cho vua Fa Ngum khi ông lên ngôi, được lưu giữ và trưng bày.
Lòng vòng suốt mấy ngày với một loạt đền chùa những ngày ở Luang Prabang nhưng vẫn không có cảm giác nhàm chán. Nơi nào cũng để lại những dấu ấn bình yên và rất riêng...
ThWCUZB8.jpg
Ấn tượng của Luang Prabang là những tháp chùa cao vút mảnh mai vẽ lên trời
zuGLgvUx.jpg
Du khách vui sướng leo lên đỉnh Phou Si ngắm hoàng hôn
AzRHQghu.jpg
Có đủ Phật cho từng ngày trong tuần
Lang thang trên phố, chúng tôi thường thích sà vào những quán ăn ven đường. Và có một buổi chiều như thế với món phở kiểu Lào thật cay, ngay bên dòng Nậm Khan.
Bữa ăn khá ngon và rẻ, vừa ăn vừa ngắm bọn trẻ hai bên bờ sông chọc ghẹo lẫn nhau. Một bên là trẻ trên phố vừa đi học về, một bên bọn trẻ nông thôn đang trần truồng bêu nắng trên những vạt cát ven sông cạnh những thửa ruộng xanh ngát. Ai nhìn thấy cảnh tượng huyên náo trên cũng bất giác mỉm cười.
Cuộc sống trôi đi như thật chậm ở những nơi này...
Zr8hoDQr.jpg
Ngày cứ trôi qua thật chậm rãi và bình yên như thế này ở Luang Prabang
NAM VINH - VI BẰNG


Không có nhận xét nào: