Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Đàn ông nước Đông Nam Á nào mặc váy, ăn trầu?

Nam giới từ già đến trẻ vẫn thường xuyên mặc váy longyi, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Nhiều người còn bôi bột chống nắng thanakha.

Đàn ông mặc váy longyi truyền thống. Ảnh: Tuấn Đào
Đàn ông mặc váy longyi truyền thống. Ảnh: Tuấn Đào
Theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao, Myanmar tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar, nằm ở Đông Nam Á, thủ đô là Nay Pyi Taw (có tài liệu ghi là Naypyitaw hay Naypyidaw). Dân số đến hết năm 2017 hơn 53 triệu, thuộc 135 dân tộc và bộ tộc, trong đó người Miến Điện (Burma) chiếm 68%.
Myanmar nổi tiếng với hình ảnh đàn ông mặc váy, ăn trầu. Chiếc váy họ mặc có tên longyi, thực chất là miếng vải dài từ thắt lưng đến mắt cá chân, được quấn quanh và thắt nút to phía trước. Phụ nữ cũng mặc váy longyi nhưng được quấn theo kiểu khác.
Đàn ông Myanmar diện váy longyi trong mọi sinh hoạt đời sống từ đi bộ, đạp xe, lái ôtô và cả khi ngủ. Longyi được bán khắp các chợ, cửa hàng thời trang hay cả những siêu thị lớn.
Đàn ông Myanmar mặc váy truyền thống longyi trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Tuấn Đào
Đàn ông Myanmar mặc váy truyền thống longyi trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Tuấn Đào
Một nét văn hóa đặc sắc khác của người Myanmar là ăn trầu. Nếu ở Việt Nam số người ăn trầu ngày càng giảm thì ở Myanmar vẫn rất phổ biến. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ ai cũng ăn được. Nhiều đàn ông ở Myanmar thích nhai trầu hơn hút thuốc. Vì vậy, du khách không nên ngạc nhiên khi thấy ngoài đường nhiều chỗ đỏ nước trầu.
Ngoài mặc váy, nhai trầu, đàn ông Myanmar còn bôi loại bột chống nắng phổ biến là thanakha. Bột được làm bằng cách mài thân cây thanakha vào miếng đá có thấm nước và bôi lên mặt. Với phụ nữ Myanmar, đây là thứ bột hữu hiệu để chống nắng, trang điểm và dưỡng da cả ngày lẫn đêm. Còn đàn ông và trẻ em cũng bôi loại bột này để chống nắng khi ra đường hay dưỡng da khi đi làm.
Myanmar có diện tích 676.577 km2, là quốc gia lớn thứ hai Đông Nam Á. Đất nước có diện tích lớn nhất là Indonesia với phần đất liền 1,9 triệu km2, theo Cổng thông tin Bộ Ngoại giao.
Bản đồ Myanmar. Ảnh: Lonely Planet
Bản đồ Myanmar. Ảnh: Lonely Planet
Myanmar chung đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Ấn Độ và Bangladesh, trong đó đường biên giới với Trung Quốc dài nhất với gần 2.200 km và với Bangladesh là ngắn nhất với hơn 190 km. Đất nước này có đường bờ biển dài 2.276 km dọc theo vịnh Bengal và biển Andama.
Với hơn 50% diện tích là rừng, mỗi năm Myanmar cung cấp cho thế giới khoảng 40 triệu m3 gỗ. Đây cũng là nước giàu tài nguyên đá quý và dồi dào khoáng sản như vàng, sắt thép và đồng.
Theo BritannicaYangon, còn được gọi là Rangoon, là thủ đô của Myanmar từ khi nước này giành độc lập (năm 1948) đến khi quyết định lấy thành phố Nay Pyi Taw của tỉnh Mandalay làm thủ đô (năm 2006).
Yangon nằm ở phía nam của Myanmar, gần ngã ba sông Yangon và sông Bago. Chỉ rộng khoảng 600 km2 nhưng với hơn 7 triệu dân, đây là thành phố lớn nhất đồng thời là trung tâm công nghiệp, thương mại lớn nhất đất nước. Yangon không có xe máy, là địa điểm du lịch không thể bỏ qua nếu đặt chân đến Myanmar.
Chùa Shwedagon, công trình nổi tiếng ở Yangon. Ảnh: The Smart Local
Chùa Shwedagon, công trình nổi tiếng ở Yangon. Ảnh: The Smart Local
Trái ngược với Yangon, Nay Pyi Taw, thủ đô hiện tại của Myanmar, được cải tạo và trở nên rộng lớn (hơn 7.000 km2) nhưng lại mang vẻ trống vắng. Các công trình kiến trúc ở đây lẻ tẻ, những con đường rộng lớn tới 20 làn đường nhưng không có nhiều người qua lại. Các khu vực giải trí được xây dựng tráng lệ cũng ở trong tình trạng tương tự.
Ở Myanmar, gần 90% dân số theo Phật giáo, Hồi giáo chiếm 4%, Thiên chúa giáo chiếm 4%, còn lại là các tôn giáo khác. Theo Asia Highlights, Myanmar được gọi là "xứ sở của những ngôi chùa" vì mọi người có thể thấy chùa khắp đất nước và không ai biết được chính xác số lượng. Đặc biệt, mỗi ngôi chùa lại có kiến trúc riêng.
Phật giáo là tôn giáo chính ở Myanmar. Ảnh minh họa: Spirit Tourism
Phật giáo là tôn giáo chính ở Myanmar. Ảnh minh họa: Spirit Tourism
Một số ngôi chùa nổi tiếng ở Myanmar như Shwedagon ở Yangon. Chùa là biểu tượng vàng của Myanmar, tuổi đời hơn 2.500, tương truyền ra đời trước khi Đức Phật Thích Ca qua đời. Đỉnh tháp chính trong chùa Shwedagon cao tới 99 m, bao quanh là 1.000 tháp nhỏ lưu giữ những báu vật linh thiêng của Phật giáo. Tuy trải qua chiến tranh và thiên tai, đến nay Shwedagon vẫn là ngôi chùa bề thế bậc nhất thế giới.
Hay ở Bagon có chùa Shwezigon, được xây dựng từ đầu thế kỷ 14 và là hình mẫu kiến trúc đền chùa Phật giáo của Myanmar. Thành phố từng là thủ đô của vương quốc cổ Mon này còn có tượng Phật nằm khổng lồ Shwethalyaung, dài khoảng 55 m, cao 16 m và rất nhiều công trình Phật giáo khác.
U Thant là nhà ngoại giao người Miến Điện, nay là Myanmar và là Tổng thư ký thứ ba của Liên Hợp Quốc, giữ chức vụ này từ năm 1961 đến năm 1971. Ông là người ngoài châu Âu đầu tiên giữ chức vụ này.
Chân dung ông U Thant. Ảnh: Getty Images
Chân dung ông U Thant. Ảnh: Getty Images
Theo New York Times, ông U Thant đảm nhiệm vai trò là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 1961, sau khi người tiền nhiệm là Dag Hammarskjold thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Thant tỏ ra là một nhà thương thuyết giỏi, kiên nhẫn và luôn điềm tĩnh. Ông luôn tham khảo các ý kiến của cố vấn, lịch sự với cấp dưới và các nhà báo. Ông tiếp tục được bầu cử lần hai mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Thant nổi tiếng vì đã công khai chỉ trích hành vi của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Thant từ chối phục vụ nhiệm kỳ thứ ba và nghỉ hưu vào năm 1971. Ông qua đời do ung thư phổi ba năm sau đó. Là nhà ngoại giao Miến Điện đầu tiên phục vụ trên trường thế giới, ông Thant được người dân đất nước này ngưỡng mộ và hết sức kính trọng.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào: