Không phải do cấu trúc gen tốt mà chính yếu tố xã hội đã giúp người già tại ngôi làng xa xôi có được tuổi thọ đáng ngưỡng mộ.
Cụ ông Antonio Todde, cư trú tại Tiana, một ngôi làng trên đảo Sardinia ở Italia, là người đàn ông đầu tiên trên thế giới sống hơn 110 tuổi. Cụ ông sinh ra vào cuối những năm 1800 và qua đời vào năm 2002, hưởng thọ 113 tuổi. Con trai cụ, Tonino, 84 tuổi, người đang “mấp mé” tuổi 100 nói:“Cuộc đời bố tôi kéo dài tận ba thế kỷ”.
Tiana là một ngôi làng kỳ lạ. Theo thống kê, tuổi thọ của người dân nơi đây cao gấp 3 lần so với những khu vực khác tại Italia. Các nghiên cứu khoa học trước đó chứng minh rằng, cấu trúc gen tốt, chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý, là những yếu tố rất quan trọng để có thể sống thọ.
Tuy nhiên, người ta tin rằng những tác động xã hội cũng có ảnh hưởng tới vấn đề tuổi tác. Sự quan tâm, chăm sóc của các thành viên trong gia đình, cũng như việc tham gia các hoạt động cộng đồng giúp duy trì tinh thần luôn lành mạnh, điều này được cho là rất quan trọng đối với tổng thể sức khỏe.
Vào đầu những năm 2000, những nhà nhân khẩu học và bác sĩ Giovanni Pes đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy tỷ lệ tử vong khi còn trẻ ở một số ngôi làng ở trung tâm Sardinia. Ông cho biết: “Ở hầu hết các nước phương Tây, tỷ lệ giới tính tử vong thường là 4:1 nghiêng về nam giới. Tuy nhiên ở đây, tỷ lệ này giới tính cũng như tuổi thọ rất đồng đều”.
Để tìm hiểu nguyên do, Giovanni Pes đã tiến hành phân tích tập hợp gen của dân làng nơi đây. Trước đó, ông cho rằng, chính sự cô lập về địa lý là nguyên nhân dẫn đến các biến thể di truyền, làm tăng tuổi thọ của người dân địa phương. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ông nhận thấy chỉ có khoảng từ 20-25% các yếu tố di truyền ảnh hưởng đến tuổi thọ trung bình. Qua trò chuyện với những người cao tuổi, cũng như phân tích các dữ liệu lịch sử ông nhận ra rằng, chính các yếu tố xã hội và tâm lý có ảnh hưởng rất nhiều tới tuổi thọ.
Luigi Corda, một người dân cũng sống hơn 100 tuổi tại ngôi làng cho biết: “Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giúp tôi sống lâu như thế này. Họ giúp tôi có thêm sức mạnh”. Cụ ông cũng cho biết thêm, tất cả những người sống trên trăm tuổi mà cụ biết đều có sức khỏe tuyệt vời, mặc dù chẳng bao giờ dùng đến thuốc men. Thậm chí họ còn có thể đọc sách mà chẳng cần đeo kính.
Theo Maria Chiara Fastame, một nhà tâm lý học công tác tại Đại học Cagliari, phía nam Sardinia, tại khu vực bà sinh sống, người già thường được chăm sóc theo phương pháp truyền thống. Những người cao tuổi thường sống cô lập, không tham gia các hoạt động xã hội.
Còn ở ngôi làng Sardinia, người già lại sống rất độc lập. Họ có thể tự do tham gia các sự kiện tại địa phương. Tại đây, họ sẽ được gặp bạn bè, trò chuyện vui vẻ hay cùng nhau tham gia các trò chơi.
Người đại diện ngôi làng cho biết, mặc dù là những người cao tuổi, nhưng họ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong ngôi làng. Vì vậy, chính quyền thường xuyên tổ chức các hoạt động để giúp người cao tuổi được minh mẫn hơn.
Từ khía cạnh tâm lý, bác sĩ Maria Chiara Fastame cho biết: “Bối cảnh xã hội là điều cơ bản để nâng cao tuổi thọ”. Sarah Harper, giáo sư lão khoa tại Đại học Oxford ở Anh cũng đồng ý với quan điểm trên: “Yếu tố này có hiệu quả tương đương với việc có chế độ ăn uống tốt, không hút thuốc cũng không uống rượu bia”.
Theo ông, những người già ở đây không bị mắc các vấn đề về trầm cảm. Mặc dù, Sardinia được biết đến như một hòn đảo có thu nhập thấp và thường xuyên xảy ra dịch bệnh, thế nhưng tình trạng sức khỏe của người cao tuổi lại hoàn toàn ngược lại.
Các bác sĩ nhận định, các yếu tố xã hội rất quan trọng trong việc giúp người già thoát khỏi việc sống cô lập và chán nản về cuộc sống. Hiện tại, họ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân của “hiện tượng kỳ lạ” này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét