Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Hưởng thụ không gian thư viện

Ở đâu mà những nhà chuyên môn được “đặt hàng” để giải quyết các nhu cầu đơn giản nhưng thiết thân của cư dân, thì ở đó có sự dễ chịu, vẻ lãng mạn, sống động trong sự kiểm soát và tính toán hợp lý.
MỘT CHÚT TÂM SỰ…
Tôi ở Sài Gòn dịp hè vừa qua, loáng thoáng nghe thông tin về chuyện “giới trẻ hiện nay chỉ biết ra vỉa hè chém gió”. Rằng sao không lo học hành nghiên cứu, rằng sao chỉ biết hết giờ (học, làm việc) là túa ra lề đường “ngồi đồng” cà phê hay nhậu nhẹt; tệ hơn nữa là tụ tập đua xe, hút chích. Và một trong những phản hồi theo kiểu “quy trách nhiệm cho một ai đó” đã sang sảng vang lên: vì giới trẻ thiếu sân chơi, thiếu chỗ chơi! Nghe quen thuộc quá, dễ phát biểu quá. Sao không thấy ai nhắc đến các trung tâm văn hóa, các thư viện hay công viên cộng đồng nhỉ? Lại có trả lời ngay: thư viện ở ta cũng như các bảo tàng chỉ mở cửa vào giờ hành chính, mà giờ này thì ai cũng bận học bận làm, đến tối về mệt nhoài ăn uống tắm giặt xong, lướt qua ti vi xem mấy cái “bước nhảy” với “tìm kiếm tài năng” là hết giờ, lăn ra ngủ hay vào mạng cho đỡ lạc hậu với bạn bè, mai lại khăn gói khẩu trang áo xống trùm kín mít mà lên đường mưu sinh.
Nhưng tôi thử đặt vấn đề: cứ cho là các thư viện, bảo tàng ở ta mở cửa ngoài giờ để “phục vụ” công chúng đi, thì khi tới đó tôi sẽ hưởng thụ được điều gì quanh mấy bức tường và giá sách kín mít? Bởi đó đều là các khuôn viên đóng kín và không có chỗ cho tôi nhìn ngắm hít thở thư giãn thoải mái gì cả!
VÀ NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY…
Cần khẳng định ngay: giới trẻ thành thị ngày nay dù ở đâu cũng thích ra đường, cũng ngồi cà phê cà pháo, cũng chém gió vù vù và kể cả hôn hít chùn chụt nơi công cộng. Vấn đề là không gian cho những chỗ đó có đủ lượng và chất để họ tìm đến hay không, để ăn khớp với thói quen, hình thành và định hướng sinh hoạt văn hóa cho họ. Dân Đức và Đan Mạch luôn xem bóng đá ngoài trời bên bờ sông, với những màn hình đặt trên thuyền giữa sông. Dân Anh được hưởng những công viên đẹp đi liền với mặt nước là tiện ích của cả thành phố, chứ chẳng hề có ưu tiên nào cho các đại gia bất động sản chiếm mặt sông bằng nhà cao tầng cũng như đa số resort đang băm nát mặt biển làm của riêng như ở Phan Thiết, Nha Trang. Sài Gòn và toàn Nam bộ vốn là đất sông, Huế – Đà Nẵng – Hội An cạnh sông lại còn thêm biển. Hà Nội với Đà Lạt thì đặc trưng sinh thái hồ. Tất cả đều là những mặt nước vô giá. Nhưng ngoài mấy quán nhậu dọc bờ kè, cà phê ngắm sông (dĩ nhiên có thu phí) thì rất ít công trình công cộng và tiện ích chung được làm hiệu quả để đáp ứng đủ nhu cầu cho cư dân.
tv 1Không gian công cộng bên ngoài nối vào BNF hoàn toàn mở, với những bậc thềm mênh mông
để thư giãn, hóng gió, dạo chơi
 Lối đi dạo, ghế ngồi, vài cuốn sách trên đùi, và nắng và gió và bầu trời và mặt nước và bóng cây. Nghe dễ dàng nhỏ nhoi, mà sao khó vậy? Tôi đã thấy không ít lần những điều kiện đơn giản ấy, rẻ tiền ấy, tiện ích ấy ở khắp châu Âu, ở Singapore, ở Úc…
tv 2
Và khi đến Thư viện Quốc gia Pháp, tôi càng khẳng định một điều: Nhu cầu thể hiện bản thân, giải tỏa năng lượng, giao lưu kết bạn… trong giới trẻ là đương nhiên. Và ở đâu mà những nhà chuyên môn được “đặt hàng” để giải quyết các nhu cầu đơn giản nhưng thiết thân của cư dân, thì ở đó có sự dễ chịu, vẻ lãng mạn, sống động trong sự kiểm soát và tính toán hợp lý.
07 (2208 x 1656)Bộ sưu tập các chữ cái trên toàn thế giới, và một góc cà phê ở cánh nhà phía đông
16 (2592 x 1728)Những khu ngồi đọc yên tĩnh, thoải mái, ấm áp
 Nếu bạn cũng như tôi, ngồi trên những bậc thềm dài hút mắt của thư viện mang tên vị cố tổng thống François Mitterrand tài danh của nước Pháp này, ngắm nhìn, thụ hưởng nắng gió với những con người vui vẻ thoải mái quanh mình, bạn sẽ nghĩ giống tôi. Sự cố gắng của giới cầm quyền và sáng tạo của nhà chuyên môn có thể đem lại cho người thụ hưởng những điều giản dị nhất, đời thường nhất; ví dụ như mấy bậc thềm ven sông để ngồi đọc, phơi nắng và hẹn hò, như tôi đang thấy đây.
Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque Nationale de France – BNF) là thư viện quan trọng nhất, đồng thời là cơ quan giữ chức năng lưu chiểu xuất bản phẩm của Pháp. Thực tế BNF ngày nay bao gồm năm địa điểm và hai trung tâm bảo quản tài liệu, trong đó địa điểm chính mang tên François Mitterrand nằm ở quận 13, Paris. BNF có lịch sử bắt đầu từ năm 1368, khi vua Charles V cho thành lập thư viện cá nhân đặt trong cung điện Louvre. Sự phát triển liên tục của bộ sưu tập tài liệu đã khiến thư viện quá tải, thiếu không gian lưu trữ. Mãi đến năm 1988, sau những cuộc tranh luận kéo dài, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là François Mitterrand quyết định xây dựng một thư viện mới; để rồi công trình được khánh thành năm 1996 và được mang tên vị Tổng thống đã khai sinh ra nó.
Ngày nay, BNF lưu giữ nhiều bộ sưu tập tài liệu quan trọng bằng hàng trăm ngôn ngữ, với 13 triệu cuốn sách, 250 ngàn tập bản thảo, 350 ngàn tựa báo và tạp chí, 12 triệu bản in cùng nhiều tài liệu dạng khác. Địa điểm François Mitterrand hiện có tổng diện tích sử dụng 159.855m2; trong đó dành 55.220m2 cho mục đích phục vụ công chúng, 57.560m2 cho lưu trữ và 16.240m2 cho văn phòng. Ngoài hai tầng Haut-de-jardin và Rez-de-jardin, các tòa tháp đều dành 11 tầng cho chức năng lưu trữ tài liệu. Ngoài ra, địa điểm François Mitterrand còn bao gồm hai không gian triển lãm, hai phòng hội thảo cùng các không gian nhà hàng, quán cà phê, hiệu sách… phục vụ rộng rãi công chúng và khách du lịch.
 Bài: KTS TRƯƠNG HUYỀN ÂN – Ảnh: VIỆT KHÔI
KTNĐ tháng 10-2012

Không có nhận xét nào: