Những hình ảnh đầu tiên ở Triều Tiên - đất nước kỳ lạ
TTO - Không dùng nội tệ. Không điện thoại. Không Internet. Không tự ý ra khỏi khách sạn. Không tiếp xúc người dân. Không quay phim, chụp ảnh tùy thích... Đó chỉ có thể là Triều Tiên.
Một cụm dân cư thôn quê thuộc tỉnh Bình An Bắc Đạo - Ảnh: THÁI LỘC |
Ảnh nhịp sống đời thường ở 'đất nước kỳ lạ' Triều Tiên
TTO - Mời bạn xem hình ảnh về "đất nước bí ẩn" Triều Tiên qua ống kính của phóng viên Tuổi Trẻ.
Người dân làm kè đá ở tỉnh Bình An Bắc - Ảnh: THÁI LỘC |
Người thợ sửa xe đạp ven đường ở tỉnh Bình An Nam - Ảnh: THÁI LỘC |
Người thợ sửa xe đạp ven đường ở tỉnh Bình An Nam - Ảnh: THÁI LỘC |
Một cụm dân cư thôn quê thuộc tỉnh Bình An Bắc - Ảnh: THÁI LỘC |
Một cụm dân cư thôn quê thuộc tỉnh Bình An Bắc - Ảnh: THÁI LỘC |
Một cụm dân cư thôn quê thuộc tỉnh Bình An Bắc - Ảnh: THÁI LỘC |
Xúc cát dưới một dòng suối ở tỉnh Bình An Nam - Ảnh: THÁI LỘC |
Câu chuyện về đất nước bí ẩn này lôi kéo chúng tôi ngay từ Sài Gòn. Và một chặng đường dài trung chuyển từ thủ đô Hà Nội sang Hong Kong, Bắc Kinh cho đến TP biên giới Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc...
Những điều cấm kỵ
Chuẩn bị cho chuyến đi Triều Tiên, một thành viên trong đoàn liên hệ và mua tour của một văn phòng du lịch ở TP Đan Đông.
Trong tour, chúng tôi phải tự tìm đường đến TP Đan Đông, vốn rất xa và cách trở, nhưng mọi thứ đã có Hải, từng học nhiều năm ở Trung Quốc, vừa giỏi tiếng vừa đi nhiều nên rất yên tâm.
Ngày lên đường chúng tôi bay từ Nội Bài sang Hong Kong và quá cảnh bảy tiếng rồi bay tiếp chuyến Bắc Kinh.
Sở dĩ chọn Hong Kong Airlines và chấp nhận quá cảnh thời gian dài vì giá vé rẻ hơn gần 300 USD so với chuyến bay thẳng đến Bắc Kinh của một hãng hàng không VN.
Đến sân bay Bắc Kinh gần nửa đêm, mất hơn 15 phút làm thủ tục nhập cảnh và khoảng 40km taxi, về đến khách sạn đã 1g sáng. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm đường ra ga Nam Bắc Kinh và mua vé tàu lên Đan Đông. Chuyến tàu chạy tối đa 300km/h khởi hành từ 10g sáng, đến TP biên giới Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh lúc nắng vàng sắp tắt.
Sau giờ làm thủ tục xuất cảnh, chờ lên tàu liên vận Trung - Triều ở ga Đan Đông vào sáng hôm sau, lão Tôn, đại diện văn phòng tour ở TP này, “quán triệt” mấy điều: “Nếu không muốn bị tịch thu máy móc thì quý vị phải xóa ngay tất cả phim ảnh liên quan đến Hàn Quốc trong máy. Hình ảnh lãnh đạo các nước, kể cả của nước bạn cũng nên xóa (!?).
Chụp hình cùng tàu liên vận Trung – Triều - Ảnh: THÁI LỘC |
Sang đó khi ở khách sạn, tối không được ra ngoài một mình nếu không sẽ bị xem là gián điệp, bị tóm và đưa đi thẩm vấn ngay. Chỉ được chụp ảnh những nơi cho phép, nếu không sẽ bị xóa tất cả! Tuyệt đối không léng phéng hỏi han người dân ở bất cứ nơi đâu...”.
Theo lão Tôn, mỗi ngày có khoảng trăm khách du lịch sang Triều Tiên theo ngả Đan Đông bằng tàu liên vận, chủ yếu là người Trung Quốc. Đoàn VN chúng tôi thuộc thành phần... quý hiếm.
Khi tàu chuẩn bị chạy, một anh nhân viên lên toa phát cho mỗi khoang (nằm) sáu suất cơm hộp. Chỉ sau hai phút xuất phát, chiếc tàu liên vận đã đưa chúng tôi chạy chầm chậm qua cây cầu hữu nghị Trung - Triều tiến sang đất Triều Tiên.
Kiểm tra kỹ lưỡng
Vượt cầu biên giới trong một cảnh sắc im lìm và vắng hẳn sự sống, tàu đến ga Tân Nghĩa Châu thuộc tỉnh Bình An Bắc của Triều Tiên.
Nhà ga cũ kỹ, rộng rãi và vắng lặng, chỉ có trên sân ximăng láng bóng là mấy “đồng chí” (ở Triều Tiên mọi người gọi nhau là đồng chí: đồng chí lái xe, đồng chí phục vụ, đồng chí hướng dẫn viên...) mặc quân phục có trang bị súng, cách nhau đoạn chừng hơn 100m, nghiêm cẩn đứng chào.
Tàu vừa dừng hẳn thì hai cán bộ từ dưới ga đi lên. Việc đầu tiên là họ hỏi hộ chiếu, chúng tôi đưa ra, họ thu hết. Xong, vị này hỏi visa.
Đó là visa chung ghi là “Thẻ du lịch” của “Công ty du lịch quốc tế Triều Tiên - Bình Nhưỡng. Mặt sau thẻ này có dán ảnh trưởng đoàn là một phụ nữ Trung Quốc, ghi rõ tên “La Jun Ha (và chín người khác)”, kèm thông tin về mã số vào Triều Tiên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, công việc, số hộ chiếu và thời hạn du lịch... Nhờ vậy chúng tôi mới biết rõ đoàn có 10 người, ngoài sáu người Việt trong nhóm, còn có hai mẹ con người Hong Kong và hai vợ chồng người Bắc Kinh - Trung Quốc.
Người thợ sửa xe đạp ven đường ở tỉnh Bình An Nam - Ảnh: THÁI LỘC |
Sau khi nhận visa, các đồng chí cán bộ lên toa, mỗi người một công việc khám xét. Người thì kiểm tra các loại máy móc, đáng chú ý nhất vẫn là điện thoại, máy tính và các loại liên quan đến sách vở, văn hóa phẩm.
Một đồng chí mở điện thoại ra kiểm tra từng bức ảnh một. Vị này còn dò từng phần mềm trong máy. Còn vali thì buộc đưa ra toàn bộ quần áo; một số vật dụng được săm soi từng li từng tí rất kỹ lưỡng.
Sau khoảng hai tiếng khám xét, một cán bộ nam ôm lên xấp hộ chiếu. “Viet Nam, Viet Nam!”, vị cán bộ hô to rồi phát hộ chiếu cho mọi người với một thái độ hết sức cởi mở, vui vẻ và thân thiện.
Như làng quê VN
Tàu chuyển bánh khi đã gần giữa trưa. Dù khổ đường ray theo chuẩn quốc tế rộng 1,435m, nhưng hạ tầng dường như đã xuống cấp nên tàu chạy chậm và rất ồn. Tốc độ của tàu không quá 60-70km/h. Những đoạn chạy nhanh hơn thì lắc rất mạnh. Nước máy trên toa chảy nhỏ giọt, nhà vệ sinh khá bẩn với công nghệ... xả thẳng xuống đường ray.
Vừa ra khỏi Tân Nghĩa Châu, tàu chạy giữa cánh đồng lớn với những thửa ruộng lúa nước sắp chín nối nhau... Song song bên trái với đường tàu là một tuyến đường đất cấp phối, thi thoảng mới có chiếc xe tải hay xe khách ngược xuôi trong đám bụi mù. Thỉnh thoảng cũng có vài chiếc công nông chở người và hàng hóa. Vùng này rất ít xe máy, hầu hết người ta di chuyển bằng xe đạp hay đi bộ. Anh bạn trong đoàn trầm trồ: “Trông y như cảnh làng quê miền Trung VN!”.
Ruộng lúa ở đây sản xuất tập trung theo những thửa rất lớn và vuông vức. Ven những bờ đê quanh ruộng người ta trồng một loại rau xanh hay đậu lá đậm màu. Trên những lạch nước bờ đê, nhiều người lớn lẫn trẻ em đi mò cua bắt ốc... Những chiếc xe bò thồ hàng, các khu chợ tự phát bày bán hoa quả và tôm cá, những cụ già bên chiếc bơm tay ngồi vá xe ở vệ đường... Tất cả được thu vào ống kính của chúng tôi.
Tuyến đường sắt từ biên giới đến Bình Nhưỡng này băng qua hai khu vực có địa hình và thổ nhưỡng khác nhau.
Tỉnh Bình An Bắc Đạo có vùng đồng bằng trồng lúa nước trải dài xen kẽ với nhiều dòng sông hẹp.
Trong khi tỉnh Bình An Nam Đạo lại toàn đồi núi thấp, cảnh tượng quen thuộc nhất vẫn là những rẫy ngô và cao lương (bo bo) bao quanh xóm làng.
Trong mỗi cụm dân cư, hầu hết những ngôi nhà xây cùng một kiểu, độ lớn tương đương, mái lợp cũng giống nhau, chiếm phần lớn là lợp ngói.
Giữa mỗi cụm nhà thường có một ngôi nhà cao lớn, không có tường bao, nơi để một số máy móc và chất nhiều đồ đạc. Đây có lẽ là điểm đánh kẻng, tụ họp hay sản xuất theo kiểu hợp tác xã ở VN một thời.
Cách chừng năm bảy cụm dân cư, có một vài trụ sở xây lớn mái bằng, có thể là trường học, ủy ban xã hay một cơ quan chính quyền.
|
Lãnh tụ bất tử
TTO - “Một nhà báo Hàn Quốc khi đến thăm tượng đài hỏi rằng bức tượng nặng bao nhiêu tấn. Một em thiếu niên trả lời rằng bức tượng nặng bằng cả tình cảm của người dân Triều Tiên dành cho lãnh tụ cộng lại.
Tranh hoành tráng về lãnh tụ làm điểm nhấn của một khu đô thị ở Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC |
Về chiều cao, em thiếu niên tiếp lời: tượng cao bằng lòng tôn kính của tất cả người dân Triều Tiên đối với vị lãnh tụ xếp chồng lên nhau”...
Câu chuyện kỳ lạ đầu tiên ấy do đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi kể cho chúng tôi ngay sau chuyến thăm và dâng hoa ở tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật khi vừa đặt chân đến Bình Nhưỡng.
Gập lưng cúi chào
Tàu vừa đến Bình Nhưỡng, hai đồng chí hướng dẫn Choe Un Mi (nữ) và Choe Hong Guk (nam) đã chờ ngay cửa toa. Nhà ga có lối kiến trúc cổ kính và dễ nhìn với cái sân rộng rãi và sạch bóng. Ra khỏi cửa ga, cảnh tượng khá vui nhộn với nhiều xe cộ đậu san sát.
Giữa quảng trường trước ga là một nhóm mấy chục thiếu niên đeo khăn quàng đỏ tấu nhạc dưới sự chỉ huy của một nhạc trưởng, có lẽ để chào đón du khách đến với Bình Nhưỡng lần đầu như chúng tôi. Lên chiếc xe 24 chỗ của đồng chí tài xế Yun Hyok Chol, hướng dẫn viên Choe Un Mi mở đầu bằng nụ cười và chào hỏi.
10 người trong đoàn được chia làm hai, nhóm sáu người Việt chúng tôi do Choe Un Mi hướng dẫn bằng tiếng Anh. Còn hai mẹ con người Hong Kong và đôi vợ chồng già người Bắc Kinh do Choe Hong Guk đảm trách bằng tiếng Trung Quốc.
Rời ga Bình Nhưỡng, xe đi trên nhiều tuyến phố rộng rãi, sạch sẽ, ngăn nắp và rất vắng vẻ. Sau vài phút ghé quảng trường cạnh Đại học đường nhân dân, xe chạy theo đường Somun thẳng đến đồi Mansudae để thăm tượng đài hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.
Đó là một khu đồi cao, nhiều cây cối, được chăm sóc, tỉa tót rất đẹp với hệ thống loa phát những bản hùng ca âm lượng vừa phải... Có năm hàng bán hoa ngay vỉa hè bên phải, những người phụ nữ ngồi bó hoa rất chuyên nghiệp, tỉ mỉ.
Rất ngạc nhiên vì có nhiều loại hoa và lá, tuy nhiên trông kỹ lại thì nhiều hoa nhựa... Chúng tôi được Choe dẫn đến một quầy để mua hoa vào dâng. Hoa ở đây chỉ toàn bó và lẵng, không có kệ và vòng hoa như thường thấy, điều mà sau này tôi mới được giải thích rõ.
Choe khuyến cáo: không được có hành động thiếu nghiêm túc, phải dâng hoa và cúi người hành lễ trước khi chụp ảnh, phải chụp ảnh toàn cảnh có hai bức tượng chứ không được chụp chi tiết hoặc chụp tách riêng mỗi tượng...
Trước đó, chúng tôi từng nghe kể rằng vì một người trong đoàn chỉ cúi đầu trước hai bức tượng trong khi yêu cầu phải gập cả lưng một cách nghiêm cẩn, mà sau đó cả đoàn bị buộc phải quay lại hành lễ, gập cả lưng mới được rời khu đồi.
Sợ gặp “rắc rối”, chúng tôi cùng hành lễ đúng theo yêu cầu, trong sự giám sát của nhiều “bức tượng người” đứng mấy góc xung quanh.
Tượng đài cao lớn này thể hiện rất sinh động hai vị lãnh tụ, hướng về phía trước dòng sông Đại Đồng. Bên kia sông là quận Đại Đồng Giang với điểm trung tâm là đài kỷ niệm thành lập đảng nằm giữa mấy dãy kiến trúc quy củ.
Khi chúng tôi chụp hình cho nhau thì một người đàn ông cầm máy ảnh kỹ thuật số chụp lại tất cả ảnh chân dung của các thành viên, chẳng biết để làm gì.
Điều đáng ngạc nhiên là những khoảng nền đá hay bậc cấp sạch tinh tươm đến như thế nhưng có đến bảy tám người phụ nữ vẫn cầm chổi quét từng tí một, lâu lâu hất vào ky rác.
Nhìn trong ky thì chẳng có cọng rác, thậm chí chẳng thấy hạt bụi nào. Hành động ấy được giải thích do người dân tự nguyện làm khi đến “thăm” lãnh tụ.
Tượng đài hai lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật ở thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: THÁI LỘC |
Phát bài hát ca ngợi lãnh tụ ra vũ trụ
Trong bức tranh cổ động ấn hành nhân dịp phóng vệ tinh thành công ghi rõ ngày 5-4 Jechu 98 (tức năm 2009, Triều Tiên lấy lịch theo ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành), vệ tinh “Quang Minh Tinh số 2” đã được tên lửa vận hành Ngân Hà số 2 đưa vào quỹ đạo thành công sau 9 phút 2 giây khởi hành từ mặt đất. Trên vệ tinh có gắn kèm giai điệu bài ca cách mạng bất tử “Bài ca tướng quân Kim Nhật Thành” và “Bài ca tướng quân Kim Chính Nhật” với tần số 470MHz, phát ra vũ trụ.
|
Lãnh tụ vẫn sống
Theo giải thích của cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba, ở Triều Tiên mọi người đều xem hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật còn sống.
Đó là lý do chỉ được phép viếng lãnh tụ bằng bó hoa và lẵng hoa. Tuyệt đối cấm viếng bằng vòng hoa vì họ quan niệm vật này chỉ có thể dành cho người đã chết.
An ninh trong chuyện này cũng rất gắt gao, các cơ quan ngoại giao cũng không được phép mua và trực tiếp mang hoa đến viếng, mà chỉ có thể đặt tiền trước cho một cơ quan phục vụ chuyên trách.
Cựu đại sứ Lê Quảng Ba kể có lần con trai của ông đi học về và thuật lại lời cảm ơn hai vợ chồng kèm nhắc nhở của cô giáo, rằng lần sau không được lấy báo có ảnh lãnh tụ gói quà. Trước đó, vợ ông vô tình dùng tờ báoRodong Simun (của Đảng Lao động Triều Tiên, tương tự báo Nhân Dân của VN) có ảnh lãnh tụ Kim Nhật Thành gói quà gửi con đem đến lớp biếu cô.
“Họ kính trọng lãnh tụ ngay từ trong tiềm thức, trong hầu hết các hoạt động, kể cả những chi tiết rất nhỏ” - cựu đại sứ nhận xét.
Hình ảnh và dấu ấn hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật hiện diện khắp nơi trên đất nước Triều Tiên. Ở nhiều địa danh hay những thiết chế lớn đều có bia biển rất lớn bằng bêtông ghi lại ngày tháng lãnh tụ từng ghé thăm.
Đặc biệt là ở các quảng trường, ảnh lãnh tụ được treo ở vị trí trang trọng nhất giữa các kiến trúc chính. Để tạo nhiều điểm nhấn cho cả khu vực đô thị, người ta đắp cả ngọn đồi, xây bức tường lớn làm tranh hoành tráng về lãnh tụ.
Nhiều người từng ở Triều Tiên lâu năm, kể cả một số vị cựu đại sứ nước ngoài, cho biết tất cả nhà dân từ nông thôn cho đến thành thị đều treo ảnh hai vị lãnh tụ ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà, chỗ mà người Á Đông thường đặt bàn thờ để thờ thần Phật và thờ cúng tổ tiên...
Tranh cổ động nói về việc phát bài hát ca ngợi lãnh tụ ra vũ trụ - Ảnh: T.LỘC |
Cục Xây dựng và Bảo vệ tượng đồng
Ông Phạm Ngọc Cảnh, người có nhiều năm học và làm việc ở Triều Tiên, cho biết tượng đài nói trên cao 20m, được làm bằng đồng, vàng và nhiều kim loại quý.
Ông kể ở Triều Tiên, người ta nói có cả phương án bảo vệ tượng đài phòng khi có chiến tranh, tượng sẽ được hệ thống tự động rút xuống hầm bí mật ở bên dưới.
“Tôi xem trong cái danh bạ điện thoại có đơn vị Cục Xây dựng tượng đồng - là một cơ quan nhà nước. Không chỉ vậy, còn có thêm đơn vị khác là Cục Bảo vệ tượng đồng!” - ông Cảnh nói. Tượng đồng được đúc bao gồm lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và một số thành viên trong gia đình lãnh tụ.
Uống bia tươi, khiêu vũ bên dòng sông Đại Đồng, Triều Tiên
TTO - Bất ngờ lớn trong đêm đầu tiên khám phá Bình Nhưỡng, chúng tôi được cùng người dân uống bia, say bia và cùng khiêu vũ theo những ca khúc hùng tráng và trữ tình bên dòng sông Đại Đồng...
Các đồng chí cảnh sát sẽ bắt những người nào say xỉn
“Tối nay là ngày cuối cùng của lễ hội bia đấy!”, đồng chí Choe nữ nói với chúng tôi ngay sau bữa ăn tối. “Lễ hội bia?”, những thành viên trong nhóm há hốc mồm, không thể tưởng tượng được ở đất nước “đóng mịt cửa” lại có một lễ hội bia được tổ chức ban đêm...
Chúng tôi được cô hướng dẫn hẹn lúc 8g tối có mặt tại sảnh khách sạn để đi dự lễ hội bia.
Ai cũng háo hức nên có mặt trước giờ hẹn. Xe chạy một vòng rồi đỗ ngay trước cổng Đại Đồng môn, chiếc cổng cổ nằm trên một nền cao, trên đường Pyongchon Kangang song song với sông Đại Đồng.
Vừa xuống xe, tôi vọt lên chiếc cổng cổ được chiếu điện rực sáng để chụp hình và quay phim.
Trong chừng hơn năm phút, tất cả hình ảnh dòng sông Đại Đồng bên dưới, một phần lễ hội bia lẫn chiếc cổng cổ Đại Đồng đều nằm gọn trong iPhone 6.
Chúng tôi mua vé vào cổng, 2 USD hoặc là 15 nhân dân tệ mỗi người.
Ngay cổng vào là tấm biển “Lễ hội bia Đại Đồng” in hình cốc bia lớn dành cho mọi người chụp hình.
Cạnh đó là quầy bán bia tươi với hàng chục tiếp viên nữ váy ngắn, trắng trẻo và thường trực nụ cười tươi trên môi.
Những tiếng gọi bảo í ới, bia được mở vòi rót và đưa đi liên tục. Có bảy loại bia cùng tên Taedonggang, giá mỗi cốc thấp nhất là 50 won (khoảng 15.000 đồng) và cao nhất là 250 won (75.000 đồng).
Có hai quầy bán đồ nhắm, đồ nướng và đồ khô nhưng thực đơn khá nghèo nàn. Chúng tôi luồn lách qua những khu vực của lễ hội để tiến sát sân khấu, nơi có dàn diễn viên nữ tuyệt đẹp đang đồng ca một bản nhạc có giai điệu trữ tình rất cuốn hút.
Khi đèn sân khấu chiếu về phía khán đài mới thấy hết toàn cảnh rất nhiều khu vực của lễ hội. Hai bên là hai dãy chòi gỗ che bạt, ở giữa là cụm bàn tròn và phía sau là những bàn ximăng che dù... Tất cả đều chật kín người.
Choe dẫn chúng tôi đi tìm chỗ nhưng không còn một bàn trống nào. Chúng tôi chọn một bàn ximăng che dù ở giữa, chung bàn với hai cặp trung niên đang uống bia.
Cạnh bên là một bàn tám người phụ nữ đứng tuổi rất vui nhộn, được Choe giới thiệu là công chức ở Bình Nhưỡng.
Mỗi một bản nhạc nổi lên, cả tám người cùng nhau ra nhảy theo các làn điệu bài hát, với những động tác uốn lượn, huơ tay theo điệu múa truyền thống của người Triều.
Không chỉ cùng nhau nhảy múa, họ còn kéo những người đàn ông đang ngồi các bàn bên cạnh cùng nhảy với mình, tạo nên một khung cảnh rất vui nhộn và hòa đồng.
Rất bất ngờ, hai thành viên nữ của đoàn chúng tôi là Huyền Trang và Phương Giang cũng được mời cùng nhảy.
Không thấy hướng dẫn viên Choe ngăn cản nên hai bạn nữ có được trải nghiệm rất thú vị hiếm có. Chúng tôi mời Choe cùng uống bia, nhấm nháp xúc xích nước và thịt khô xé sợi. Cô vui vẻ nhận lời.
Sau các tiết mục nhạc là phần thi uống bia được đông đảo người tham dự hưởng ứng. Cuộc thi với ba đội, hai đội gồm một nam một nữ và đội còn lại là hai người đàn ông. Sau nhiều phần đối đáp và trò chuyện là đến phần uống bia.
Phụ nữ trên sân khấu cũng được uống ngang ngửa với đàn ông, hàng chục bàn bia phía trước sân khấu cũng vậy: nam hay nữ đều gần như bình quyền nâng cốc...
Hào hứng rời lễ hội bia, chúng tôi bắt gặp tốp cảnh sát túc trực ngoài cổng. “Các đồng chí cảnh sát sẽ bắt kẻ nào say xỉn?” - tôi nói vui với Choe.
Choe gật đầu mỉm cười. Nụ cười ửng hồng sau chầu bia đêm kết thúc ngày làm việc bận rộn.
Thiếu thốn vật chất, tặng mì ly như đi cứu trợ miền Trung
Trong những ngày ở Triều Tiên, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thiếu thốn vật chất, nhất là các loại nhập khẩu.
Buổi ăn sáng đầu tiên tại Bình Nhưỡng ở một nhà hàng tầng ba thuộc khách sạn Koryo với các món tự chọn.
Khi đang ngồi ăn, một thành viên trong nhóm đi lấy cà phê. Thấy lâu về, chúng tôi tìm kiếm thì thấy “đồng chí phục vụ” và thành viên này đang tranh luận về một bất đồng nào đấy.
Một hồi lâu cậu ấy mới về bàn nhưng về tay không. Hỏi ra mới biết “đồng chí phục vụ” hỏi khá nhiều, từ số phòng, quốc tịch... mà không hiểu để làm gì, và tất nhiên không cho rót cà phê mang về bàn.
Chừng năm phút sau, cũng ở góc phòng có bàn cà phê, một cuộc “cãi cọ” hay nói đúng hơn là phản ứng khá gay gắt của một vị khách Tây.
Vị này cũng đi lấy cà phê, được hỏi nhiều thứ, và dường như hai bên không hiểu nhau và khách cũng không lấy được cà phê để uống.
Sau này chúng tôi mới biết trong bữa ăn, chỉ riêng cà phê là loại nhập khẩu không có trong thực đơn, ai muốn uống phải tính tiền riêng.
Trên chuyến tàu liên vận từ Đan Đông sang thành phố biên giới Tân Nghĩa Châu của Triều Tiên, cuộc lục soát hai vợ chồng người Trung Quốc cùng đoàn của mấy vị lòi ra rất nhiều bút bi.
Hỏi ra mới biết họ đem tặng các em nhỏ khi đến thăm Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng. Có lẽ những vị khách này được mách nước bởi bạn bè từng du lịch Triều Tiên trước đó.
Còn nhóm du khách Việt Nam chúng tôi chẳng biết mô tê gì, cũng chẳng biết mua thứ gì và mua ở đâu để tặng.
Soát xét lại trong nhóm chỉ có mì ăn liền loại ly là dư thừa, vì tất cả thành viên trong đoàn đều chuẩn bị sẵn từ trước, phòng khi nơi đến ẩm thực lạ khó nuốt. Hỏi cô hướng dẫn viên quà ấy có được không và được gật đầu.
Thế là khi đi thăm, cả nhóm xách mấy bao mì kè kè vào tặng, chẳng khác gì đến hiện trường phân phát hàng cứu trợ bão lũ ở miền Trung Việt Nam...
Câu chuyện lương thực và tem phiếu
TTO - Đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi cho biết tiêu chuẩn được cấp phát 600g lương thực/ngày và mỗi tháng được 1kg thịt.
Chừng đó là khá ổn đối với mỗi người Triều Tiên. Thế nhưng càng tìm hiểu chúng tôi càng nhận ra vấn đề lương thực là cả câu chuyện dài đối với đất nước này...
Sống ở Bình Nhưỡng là một đặc ân
Ở Triều Tiên đang duy trì việc cấp lương thực và các loại nhu yếu phẩm cho người dân theo chế độ tem phiếu.
Cựu đại sứ VN tại Triều Tiên Lê Quảng Ba (giai đoạn năm 2011-2014) kể: “Tôi từng nhìn thấy nhiều loại tem phiếu của họ, trông qua cũng kiểu be bé như tem phiếu của mình thời bao cấp ngày xưa, không có cái nào khổ lớn quá con tem thông thường.
Họ có từng loại phiếu thực phẩm, phiếu chất đốt. Còn lương thực thì có cuốn sổ mua riêng, kiểu như sổ gạo ở Việt Nam trước đây. Có cửa hàng phân phối lương thực thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm theo từng loại tem phiếu!”.
PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, qua Bình Nhưỡng tháng 8 năm nay, kể: “Từ rất sớm, tôi đi ngang ngã tư thấy nhiều người ăn mặc rất bình dân, nhiều người màu áo quân đội xếp hàng trước một cửa hàng, họ nói chuyện với nhau, bên cạnh mỗi người hoặc là cái túi, hoặc balô.
Tôi đoán họ xếp hàng mua thực phẩm bằng tem phiếu. Đi thêm đoạn nữa tôi cũng thấy cảnh tương tự ở một cửa hàng khác. Dự đoán của tôi được một cán bộ ngoại giao xác nhận chính xác, đó là khi đến kỳ người dân xếp hàng từ sớm để mua lương thực, thực phẩm... bằng tem phiếu!”.
Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức, khoảng giữa thập niên 1990 thì Triều Tiên cơ bản không quá thiếu lương thực. “Thời kỳ tôi ở đấy lương thực chưa đến mức khó khăn. Cơm thì đầy đủ, họ không ăn độn. Người Triều Tiên chế độ lương thực mỗi tháng 13,5kg như kiểu VN thời bao cấp. Họ dồi dào hơn, nhưng sau đó vì cấm vận nên khó khăn dần!”.
Các nhà ngoại giao cho rằng có thể tin được đồng chí Choe không nói quá về chế độ lương thực của mình vì Choe là công dân Bình Nhưỡng.
Chưa tính đến các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm khác, chế độ như vậy về cơ bản là đáp ứng “định mức khuây khỏa” mà các tổ chức quốc tế đưa ra.
“Có thể người dân ở Bình Nhưỡng có chế độ như thế thật. Sống ở Bình Nhưỡng là một đặc ân. Triều Tiên xem Bình Nhưỡng là thành trì của XHCN, là thành trì của đất nước nên ai được sống ở Bình Nhưỡng đều được ưu tiên về mọi mặt”, một vị cán bộ ngoại giao cho biết.
Vì Bình Nhưỡng được xem là một khu vực đặc biệt, cho nên theo một vị cán bộ ngoại giao: “Trên các con đường ra hoặc vào Bình Nhưỡng đều có các trạm kiểm soát. Ai mang hàng hóa ra hoặc vào thủ đô đều bị kiểm soát chặt chẽ”.
Và nông thôn không hề tươi tắn
Ông Phạm Ngọc Cảnh đến học ở TP Hàm Hưng, Triều Tiên từ năm 1967, kể rằng hồi đó mới sang có ngay suy nghĩ: “Ước mơ ngày nào đó nông thôn Việt Nam được như Triều Tiên”.
Lúc ấy Triều Tiên thực hiện điện khí hóa nông thôn nên 90% nông thôn nước này có điện.
Công nghiệp thì phát triển khá mạnh dựa trên hạ tầng do Nhật Bản để lại; Triều Tiên sản xuất hầu hết các loại máy móc nông nghiệp, đủ các khâu làm đất, cày cấy, sản xuất và thu hoạch...
Cho đến gần đây, cựu đại sứ Lê Quảng Ba nhớ mãi cảnh ông cùng phu nhân đến thăm Nông trường Mi Cốc cách Bình Nhưỡng chừng 50km.
“Các khâu họ đều làm máy cả. Khi cấy, tôi ngồi trên máy lái suốt buổi, còn phu nhân thì ngồi bỏ mạ vào rọ máy cấy. Gặt cũng thế, nó như máy gặt đập liên hợp của mình vậy...”, ông Ba kể.
Dù cơ giới hóa hầu hết nền nông nghiệp, nhưng với địa hình toàn đồi núi xen kẽ những đồng bằng hẹp, rất ít đất nông nghiệp cộng với khí hậu hàn đới chỉ làm được một vụ/năm, lại hay mất mùa nên Triều Tiên thiếu lương thực triền miên.
Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức, từ cuối thập niên 1980 trở đi, Triều Tiên liên tục mất mùa, trong điều kiện bị bao vây cấm vận nên lương thực năm nào cũng thiếu.
Ông Thức nói: “Không hiểu tại sao thiên nhiên cũng khắc nghiệt với người Triều Tiên. Họ bị thế giới bao vây cấm vận là thế.
Nhưng thiên nhiên cũng không chiều lòng người, bị mất mùa liên tục có khi mấy năm liền. Nông nghiệp Triều Tiên chủ yếu làm một vụ vì mùa còn lại tuyết phủ nên mất một mùa là mất hết!”.
Cựu đại sứ Lê Quảng Ba cho biết nếu tính mức bình quân cần thiết gần 300kg/đầu người/năm, với dân số gần 25 triệu thì Triều Tiên cần hơn 7 triệu tấn lương thực mới đủ.
Tuy nhiên, năm được mùa nhất ở Triều Tiên cũng chưa đến 6 triệu tấn, do đó: “Họ thiếu lương thực triền miên, thiếu từ 500.000 tấn cho đến 1 triệu tấn”.
Sự thiếu hụt triền miên ấy, trong khi phải ưu tiên cho cư dân Bình Nhưỡng (và có thể ưu tiên thêm cho một số thành phố khác) nên cuộc sống ở nông thôn không hề “tươi tắn”.
Ông Lê Quảng Ba nói: “Tôi từng vào các gia đình ở Triều Tiên, nhà nào tôi cũng giở “sổ gạo” ra và chỉ thấy nhận toàn ngô, nhiều loại sắp mốc, khoai lang và khoai tây củ nhỏ như khoai bi của mình. Có tháng thấy họ nhận đến 10kg hai loại này rồi chứ chưa thấy nhận gạo”...
Giáo dục không mất tiền
TTO - Từ năm 1959, Chính phủ Triều Tiên thực thi chính sách giáo dục miễn phí đối với toàn bộ các cấp học. Sinh viên đại học còn có thêm học bổng. Đất nước này cũng vừa cải cách giáo dục từ 11 năm sang 12 năm.
Khoảng năm 2012, Triều Tiên cải cách giáo dục sang chế độ 12 năm. Trước đó, giáo dục phổ thông của đất nước này là 11 năm gồm 1 năm mẫu giáo, 4 năm tiểu học và 6 năm trung học.
Cải cách giáo dục phổ thông
Chương trình cải cách hiện nay bao gồm: 1 năm mẫu giáo, 5 năm tiểu học, 3 năm “trung học cơ sở” và 3 năm “trung học phổ thông”. Khai giảng năm học mới vào ngày 1-4, do đó các năm học cũ phải kết thúc trước tháng 3.
Thời điểm này phía bắc bán đảo Triều Tiên đã qua giai đoạn ngủ đông, hết rét, cỏ hoa sinh trưởng, sức sống dồi dào.
Trong các trường phổ thông cũng có các tổ chức Đoàn, Đội tương tự như ở VN, kể cả phương cách sinh hoạt. Ở cấp tiểu học thì có Đội thiếu niên tiền phong, quàng khăn đỏ, tương tự VN và Trung Quốc.
Sang cấp lớn hơn thì có Đoàn thanh niên chủ nghĩa Kim Nhật Thành - Kim Chính Nhật.
Triều Tiên được đánh giá dành sự đầu tư đặc biệt cho trẻ em, ít nhất là trẻ em Bình Nhưỡng. Cựu đại sứ Lê Quảng Ba cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo Kim Nhật Thành và lãnh đạo Triều Tiên là tất cả những gì tốt nhất có thể có của xã hội hãy dành cho trẻ em”.
Đó là lý do người ta xây dựng nhiều công trình rất tốn kém như cung thiếu nhi và nhiều khu nhà trẻ hoành tráng...
Trong lần dẫn chúng tôi thăm Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng, hướng dẫn viên Choe cũng chia sẻ điều đó và cho biết cung thiếu nhi này mỗi ngày đón tới 5.000 lượt học sinh. Sáng các em tới trường học văn hóa, chiều các em đến đây học thêm một bộ môn nghệ thuật hay thể thao nào đó.
Điều này chúng tôi không thể chứng thực được là có phổ biến trên toàn đất nước Triều Tiên hay không, hay là chỉ đúng với thủ đô Bình Nhưỡng, hoặc hẹp hơn chỉ đúng với một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội?
Tuy nhiên, tại Cung thiếu nhi Bình Nhưỡng, chúng tôi được dẫn tham quan những lớp học ngoại khóa dành cho nhiều lứa tuổi. Đó là các lớp đàn, sáo, trống, vũ balê, thêu, thư pháp và các lớp thể thao.
Ban đầu cứ nghĩ đó là những lớp “diễn để làm mặt” trước quan khách. Nhưng quan niệm ấy bị gạt bỏ ngay sau khi xem chương trình biểu diễn, với các tiết mục từ ca, múa, nhạc, trống... do các em biểu diễn đều đạt trình độ đỉnh cao.
Chương trình đại học: cũng có đổi mới
Một cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán VN ở Bình Nhưỡng là người vừa tốt nghiệp đại học ở Trường ĐH Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng hai năm trước. Anh cho biết mình học chương trình đã được cải cách dành cho người nước ngoài.
Trong bốn năm đại học, năm 1 và năm 2 chuyên học tiếng: đọc văn, nghe và nói, viết văn và học tiếng Anh. Lên năm 3 học thêm địa lý, lịch sử, tin học và toán học. Năm 4 thì có các môn chuyên ngành. Mỗi học kỳ duy trì năm hoặc sáu môn học.
Người nước ngoài thì sau khi học tiếng bốn năm tốt nghiệp đại học, được chọn chương trình thạc sĩ kinh tế học trong ba năm, hoặc thạc sĩ ngôn ngữ học trong hai năm. Nếu học tiếp lên tiến sĩ thì thêm ba năm nữa.
“Chương trình hiện nay không nhiều môn liên quan đến chính trị như hồi xưa, tuy cũng có nhưng chỉ học để cho biết. Trong đó, môn tư tưởng chủ thể và hiến pháp Triều Tiên được học trong một học kỳ, coi như giới thiệu qua thôi chứ không chuyên sâu!”, anh nói.
Điều này khá bất ngờ đối với những người từng học ở Bình Nhưỡng trước đây, khi người nước ngoài còn học chung với người bản xứ.
Theo cựu đại sứ Dương Chính Thức: “Chế độ giáo dục ở Triều Tiên đương thời cũng na ná kiểu VN trước đây, áp dụng theo hệ thống giáo dục Liên Xô ngày xưa. Thậm chí có chương trình học bằng sách tiếng Nga và làm cái gì cũng tương tự kiểu người Nga làm trong sách”.
Ông Phạm Ngọc Cảnh, người từng theo học nhiều năm ở Trường ĐH Hóa công nghiệp Hàm Hưng, Triều Tiên, cho biết bốn năm đại học của ông “toàn môn chính trị”.
“Học chính trị liên tục, những môn như: lịch sử Đảng Lao động Triều Tiên, lịch sử đấu tranh cách mạng của đồng chí Kim Nhật Thành và gia đình, học các tuyển tập của Kim Nhật Thành cũng đồng thời là giáo trình... Triết học thì tất cả nội dung đều liên quan đến lãnh tụ Kim Nhật Thành...” - ông Cảnh kể.
Cho đến hiện nay ở Triều Tiên, cán bộ làm việc cả ngày thứ bảy. Nhưng vào chiều thứ bảy thì tất cả cán bộ đều phải đi học chính trị.
Theo một vị cán bộ ngoại giao: “Nội dung thường là nâng cao sức chiến đấu của Đảng và Đảng trong sạch, tuyên dương những đảng viên tốt, phê bình những thói hư tật xấu”.
Vị này cũng cho biết ngay cả người bán hàng ở trong siêu thị, ngày thường khi rảnh rỗi cũng thấy lôi ra các tờ giấy rồi ê a đọc thuộc những nội dung liên quan đến chính trị...
“Vương quốc” hầm và cầu
TTO - Qua khỏi Thống Nhất môn ở thủ đô Bình Nhưỡng, con đường hướng về phía nam rộng sáu làn xe, mỗi bên ba làn, ở giữa là dải phân cách trồng cây trắc bá diệp tỉa tót phẳng phiu, tạo thành dải xanh thẳng tít tắp.
“Đừng nói chuyện tốn kém”
Cả đoàn ai cũng trầm trồ khen ngợi vẻ hiện đại khó tin của con đường tưởng chừng chỉ có ở phương trời Âu - Mỹ. Tuy nhiên, chưa dứt lời khen thì xe xóc kinh khủng. Trông xuống mặt đường có đoạn vá chằng vá đụp nên xe chạy chỉ khoảng 70 km/h dù đường vắng rộng thênh thang.
Điều đáng ngạc nhiên là đường được thiết kế rất hiện đại, không chỉ thẳng tắp mà còn không hề có ngã tư nào cả. Tất cả đường ngang đều được giao cách bởi hầm chui hoặc cầu vượt, đấu nối với lộ chính bằng lối rẽ bên phải.
Con đường này được Choe giới thiệu mở mới vào năm 1999 nối Bình Nhưỡng đến Khai Thành, được phóng thẳng tối đa, không ngoằn ngoèo như tuyến đường cũ. Vì vậy ven đường không có khu dân cư nào.
Những đô thị thuộc tỉnh Hoàng Hải Bắc Đạo như: Sa Lý Viện, Đoan Hương, Bình Sơn... chỉ thấy thấp thoáng xa xa. Điều lạ lùng nhất trên tuyến đường gần 170km này là quá nhiều hầm đường bộ, càng về phía nam thì hầm càng dày đặc.
Tất cả đều là hầm đôi, chừng 100km đầu mỗi bên ba làn xe tương thích với độ rộng con đường. Nhiều hầm dài đến 4-5km, bên trong không có điện chiếu sáng nên tối om.
Tôi quan sát nhiều đoạn cuối những mạch núi rất thấp, chỉ cần nắn nhẹ tuyến đường có khi tránh được đến mấy đôi hầm, nhưng người ta vẫn đào hầm xuyên qua. Khoảng 50km cuối của tuyến đường này hầm dày đặc đến mức có ít nhất năm hầm liên tiếp từ miệng hầm này nhìn thấy miệng hầm kia. Có trường hợp đi trong hầm này nhìn thấy miệng hầm thứ ba xuyên qua một hầm ở giữa...
Choe cho biết tuyến đường này có khoảng 40 hầm đôi như thế. Tôi thắc mắc: “Vì sao tuyến đường này đào nhiều hầm như vậy?”. “Thì có hầm để được đi thẳng và khỏi leo dốc” - Choe bảo. “Nhưng mà tốn kém một cách không cần thiết!”.
“Đừng nói chuyện tốn kém ở đất nước chúng tôi. Hễ có ý chí là đều làm được cả” - Choe trả lời ngay.
Hôm sau, chúng tôi được dẫn đến thăm chùa cổ Bohyeon ở phía tây bắc, cách thủ đô chừng hơn 100 cây số thuộc tỉnh Bình An Nam. Cũng với tuyến đường sáu làn có dải phân cách thẳng tít tắp tương tự con đường hôm trước, nhưng ở đây lại là “kỳ quan cầu”.
Càng về phía bắc càng nhiều cầu. Thay vì đẽo núi để làm đường ngoằn ngoèo như nhiều nơi thường làm, người ta xây cây cầu cạn dài cả chục cây số, một bên dựa vào thành núi, một bên nằm hẳn trên sông, cũng ba làn xe mỗi bên thẳng tít tắp...
Con đường nhiều cầu này được giới thiệu xây dựng từ thập niên 1990, sau gần 20 năm vẫn không có nhiều người đi; mặt đường xuống cấp vì thời gian chứ không phải vì sử dụng quá tải, với những người nước ngoài như chúng tôi đều mông lung nghĩ chuyện lãng phí...
Biểu tượng hoành tráng và dang dở
Khi đến Triều Tiên, không riêng chúng tôi mà rất nhiều người có cảm nhận về nhiều công trình hoành tráng một cách thái quá.
Đó có thể là sân vận động May Day thuộc hàng lớn nhất thế giới với 150.000 chỗ ngồi, sân vận động trong nhà 20.000 chỗ ngồi, những cung thể thao, công viên nước, nhà hát hay các dãy cao ốc vô cùng hoành tráng đối xứng qua những tuyến phố rộng rãi và thẳng tắp...
Hầu hết kiến trúc to lớn ấy xây dựng để trở thành những điểm nhấn của không gian, rất đẹp đẽ và hoành tráng, trong khi công năng sử dụng rất khó có nguồn để kiểm chứng hiệu quả đến mức nào.
Công trình đáng chú ý nhất vẫn là khách sạn Ryugyong, một biểu tượng mới của Bình Nhưỡng hình kim tự tháp trong tư thế lao vút lên không gian.
Khách sạn Ryugyong nằm cuối đường Potong Bridge ở quận Lạc Lãng, cao 105 tầng, 330m, nằm trong “top 50” tòa nhà cao nhất thế giới đến thời điểm hiện tại.
Khởi công từ năm 1987, kế hoạch sẽ hoàn thành ban đầu vào năm 1989 để kịp phục vụ Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 ở Bình Nhưỡng và khánh thành vào năm 2012 nhân dịp 100 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành.
Tuy nhiên, khi xây xong phần thô và cất nóc vào năm 1992, công trình bị treo hơn 15 năm mới khởi động lại. Trong khoảng thời gian ấy, công trình trở thành một khối bêtông thô ráp, lừng lững chẳng khác nào một cái đinh xấu xí chĩa lên trời xanh.
Một nhà ngoại giao cho biết vào khoảng năm 2008, công trình bắt đầu được dát kính quanh tòa nhà để che toàn bộ phần xây thô xấu xí.
Toàn bộ số tiền do Công ty Orascom Telecom của Ai Cập đầu tư. Đổi lại công ty này độc quyền kinh doanh mạng di động ở Triều Tiên trong vòng 4-5 năm. Dù vậy, biểu tượng này sẽ còn dang dở không biết đến lúc nào...
Theo nhận xét của PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những công trình to lớn của Triều Tiên được xây dựng trong giai đoạn “hoàng kim” vào những năm thập niên 1980 nhìn chung khá ổn, cơ bản tuân theo đúng nguyên tắc kết cấu thiết kế và tiếp cận với thế giới.
Song, những công trình mới xây sau này thì “biểu lộ lối tư duy, quyền quyết định của lãnh tụ”.
Kiến trúc đối lập ở Bình Nhưỡng
TTO - Đầu tháng 8-2016, PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, có chuyến công tác liên quan đến lĩnh vực kiến trúc tại Bình Nhưỡng trong hơn một tuần.
Ông đã chia sẻ với Tuổi Trẻ góc nhìn chuyên môn về kiến trúc và quy hoạch Bình Nhưỡng, một thành phố từng có rất nhiều luồng ý kiến khen chê...
Những đại lộ “y như bài học”
Từ Trung Quốc bay sang Triều Tiên tầm bay khá thấp, tôi háo hức nhìn xuống cửa sổ. Kiến trúc đầu tiên tôi nhìn thấy là sân bay Bình Nhưỡng. Nó nhỏ nhắn tựa như sân bay một tỉnh lẻ nào đó.
Sân bay khá duyên dáng, có chiều sâu, có sự đăng đối, cân đối của những nét thẳng, đường cong của kiến trúc Triều Tiên truyền thống nhưng cũng phảng phất tính hiện đại, đồng thời có chút ngồ ngộ.
Từng có người cho rằng đó là hình cái mũ hay gì đấy. Nhưng không phải. Cho dù nó không đẹp nhưng nhìn chung cũng khá ấn tượng.
Đến Bình Nhưỡng đã cuối giờ chiều, thủ đô cũng vắng xe cộ. Đường phố có nhiều người đi bộ và đạp xe, nhìn họ đen, gầy và gương mặt không biểu lộ nhiều cảm xúc.
Tất nhiên cũng như tất cả các đoàn khi đến Bình Nhưỡng, chúng tôi được đưa đi xem các công trình vĩ đại, với một hành trình gần như giống nhau. Nhưng cảm nhận đầu tiên ở thành phố này chính là màu xanh, y như cảm giác ban đầu khi bay qua biên giới.
Đường phố thì thẳng tắp, họ làm rất đúng quy tắc, có đường cho xe buýt, tàu điện, có đường cho ôtô, có đường cho xe thô sơ và vỉa hè rộng lớn cho người đi bộ. Kèm theo đó là những hàng cây, y như bài học về quy hoạch đô thị mẫu mực mà chúng tôi vẫn thường dạy sinh viên.
Tôi cứ ngỡ đại lộ mẫu mực y như bài học ấy chỉ là một đoạn, nào ngờ hàng chục tuyến phố khác ở khu trung tâm họ cũng làm giống như vậy, rất quy củ, có thứ bậc, sạch sẽ và ngăn nắp...
Cuối những tuyến đường chính hoặc ở những giao lộ lớn, nơi thì thấy cung văn hóa, chỗ thì Khải Hoàn Môn, nơi là một tượng đài lừng lững.
Kiến trúc hai bên đường thì đều đặn, đăng đối, có những khu tập thể giống y hệt khu Kim Liên ở Hà Nội, cũng cái mẫu ấy họ mang từ Triều Tiên sang xây ở VN. Hai bên đường phố thì những dãy nhà rộng, ngăn nắp và đều đặn.
Ở những ngã tư có mấy kiôt bán hàng, về hình thức rất giống với những khu phố ở Đông Âu hơn 40 năm trước, duy chỉ có điều là vắng vẻ hơn.
Người ta quy hoạch thành phố rất bài bản và nghiêm túc. Và giờ đây, sau mấy chục năm xây dựng, thời hoàng kim XHCN có thể nói đã qua rồi, những nhà cửa cũng nhạt dần vì thiếu bảo dưỡng.
Đường sá thì sần sùi, vá víu, xe cộ cũ kỹ, có thể sử dụng mấy chục năm rồi nay đã xuống cấp. Nhưng có điều tuyệt vời là cây xanh lớn lên trở thành cổ thụ, tạo nên vẻ đẹp tuyệt vời cho thành phố. Tôi thích nhất cảm giác đi trong những hàng cây thành vòm ấy, cảm nhận đầy đủ sự xanh mát, sạch sẽ và ngăn nắp tuyệt đối...
Đối lập cũ và mới
Ở thành phố này tôi có rất nhiều cảm xúc. Những ai đã sống qua thời bao cấp ở VN thì mới có được cảm nhận đó, mới có sự chia sẻ, như là sự tìm về, như là sự tự vấn. Và đó như là nỗi ray rứt, rằng sao nó vẫn còn tồn tại.
Có lẽ đó cũng là cảm giác chung cho những ai sống ở Đông Âu giai đoạn “hoàng kim của XHCN” thập niên 1960-1970 (như tôi từng học ở Ba Lan giai đoạn 1968-1975).
Sau chiến tranh năm 1953, thành phố Bình Nhưỡng gần như bị san phẳng, thông tin cho biết chỉ còn khu nhà Bách hóa số 1 ở trung tâm bây giờ vẫn còn gìn giữ. Lúc ấy khối XHCN, mà đứng đầu là Liên Xô, xem Bình Nhưỡng là tiền đồn của XHCN ở phương Đông, nên đã giúp đỡ trong việc quy hoạch và xây dựng ngay từ đầu chứ không chắp vá như ở các nước.
Vì vậy việc thực hiện quy hoạch cũng dễ dàng hơn. Vả lại ở Triều Tiên họ làm theo kiểu “quân lệnh”, trên bảo dưới phải nghe, cho nên trong quá trình thực hiện hầu như không có điều gì lệch đi so với quy hoạch.
Đứng từ tháp Chủ Thể, có thể nhận ra quy hoạch hoàn thiện của thành phố, với trục chính nhìn từ quảng trường Kim Nhật Thành và trục ngang là sông Đại Đồng phía trước, hai hòn đảo Rung Ra và Yang Kak khá đăng đối hai bên. Nhìn từ trên cao ta sẽ đánh giá được ngay các giai đoạn phát triển của thành phố này.
Những công trình, ô phố được xây dựng giai đoạn đầu rất tuyệt vời, những tòa nhà bốn năm tầng nghiêm cẩn trong các ô phố vuông vức, không phô trương, nằm ở những vị trí chuẩn xác trong một cái nhìn tổng thể.
Những không gian công cộng, không gian trung tâm, kể cả ngọn đồi có các công trình được chia ô ngăn nắp, quy củ và những trục đường lớn thì rất ngay ngắn.
Tôi đặc biệt ấn tượng không gian của “trục ngang” thành phố, đó là hai bờ sông Đại Đồng với những công viên, vườn hoa, lối đi dạo và những ngọn đồi trồng cỏ, những thảm cây xanh mướt...
Những khu phố muộn hơn, cao vài ba chục tầng nằm kế khu trung tâm, được xây khoảng thập kỷ 1980-1990 dù không đẹp đẽ nhưng hài hòa, dễ nhìn.
Điển hình cho kiểu kiến trúc này là tuyến phố Yonggwang từ mặt trước ga Bình Nhưỡng phóng thẳng ra phía bờ sông, với những dãy nhà cao tầng có lối kiến trúc ngăn nắp, quy củ, tầng trệt dùng làm cửa hàng có mặt tiền sạch sẽ, không cầu kỳ...
Tuy nhiên, càng xa khu trung tâm càng nhìn thấy những khu phố mới 40-60 tầng san sát, phô trương, xa rời hẳn so với khu trung tâm vốn xinh xắn và tuyệt đẹp. Đặc biệt nhất là dãy kiến trúc ở đại lộ Bình Xuyên Giang bên dòng sông Đại Đồng với nhiều cao ốc có hình thức là lạ.
Tàu điện ngầm Triều Tiên sâu hơn mức bình thường
TTO - Ngày tham quan cuối cùng sắp kết thúc, vào cuối buổi chiều chúng tôi được đồng chí hướng dẫn Choe Un Mi thông báo: “Lát nữa sẽ đi tàu điện ngầm!”, làm mọi người rất háo hức.
Sâu ngoài tưởng tượng
Xe chở chúng tôi đến ga tàu điện ngầm nằm phía bên trái và chỉ cách nhà ga Bình Nhưỡng non 100m, trên đường Kyeong Hung. Choe dẫn đầu đoàn, còn Hong Guk “khóa đuôi”, chúng tôi được dẫn xuống một hành lang sâu lát đá khá cũ kỹ.
Tất cả người dân đều mua vé và có nhân viên kiểm soát. Nhưng Choe, dường như là người “quyền lực”, chỉ cần ghé vào tai nói một điều gì đó rất nhanh với cô nhân viên kiểm soát và chúng tôi cùng trót lọt qua cửa.
Thực ra chỉ vì không được phép mua mà thôi, chứ còn vé xe điện ngầm dành cho người dân ở đây rất “bèo”, chỉ là 5 won, chưa đến 20 đồng tiền Việt, có nghĩa 1 USD có thể đi đến... hơn 1.000 lần.
Sau khâu kiểm soát, chúng tôi được dẫn vào cổng vòm với thang cuốn xuống sâu dưới lòng đất. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi thang cuốn sâu vào lòng đất ngoài mức tưởng tượng như thế.
Hết thang cuốn, chúng tôi tiếp tục đi một đường hầm dài là đến điểm tàu đón đỗ. Tàu đi và đỗ trên hai tuyến đường sắt song song hai bên. Một chiếc tàu số hiệu 853 xình xịch từ phía bên phải đang đến, mọi người đều hối hả xuống và lên tàu.
Chúng tôi được Choe ra hiệu chờ bên tuyến ngược lại, lên chuyến tàu 857. Trên tàu cũng khá chật chội, không những số ghế được ngồi kín bởi những người bản địa lớn tuổi, mà chỗ đứng cũng chật. Vì tàu chạy khá nhanh nên chưa đến hai phút đã đến ga kế tiếp.
Xuống tàu, nhà ga ở điểm đến cũng có lối kiến trúc và hệ thống chiếu sáng tương tự tại ga đi. Cũng lại bức bích họa về lãnh tụ Kim Nhật Thành chiếm trọn bức tường lớn. Ngay điểm đỗ này, có mấy người dân xúm quanh chỗ đọc báo niêm yết trong khung kính. Chúng tôi hòa vào dòng người có chút hối hả đi theo đường hầm đến chỗ thang cuốn “dài hơn mức bình thường” để lên mặt đất.
Một cán bộ ngoại giao sống nhiều năm tại Bình Nhưỡng cho biết tàu điện ngầm ở thành phố này có hai tuyến, mỗi tuyến dài trong khoảng 10km. Tuyến thứ nhất có chín ga, điểm đầu là ga Sao Đỏ ở quận Daesong và điểm cuối là ga nằm trên đường Saemaul thuộc quận Pyeongcheon. Tuyến này chạy ven bờ sông Đại Đồng, qua đồi Mansudae, quảng trường Kim Nhật Thành và khách sạn Koryo...
Tuyến thứ hai có tám ga, điểm đầu là ga gần vườn Bách thú ở quận Daesong và ga cuối trên đường Kwangbok tại quận Mankyeongdae. Tuyến này chạy qua cung điện Thái Dương, nơi yên nghỉ của hai vị lãnh tụ. Hai tuyến tàu điện ngầm này giao nhau ở ga Chiến Thắng và ga Chiến Hữu thuộc quận Moran, chỗ gần Đại sứ quán Trung Quốc.
Trong tấm bản đồ TP Bình Nhưỡng mà chúng tôi đem về từ Triều Tiên không hề thể hiện tuyến và ga tàu điện ngầm. Điều này, theo giải thích của một cán bộ ngoại giao một nước châu Âu tại Bình Nhưỡng: “Họ không in lên bản đồ vì ga tàu là đường hầm cũng là một vị trí ẩn nấp bom, sợ bị lộ khi khách du lịch mang ra ngoài!”.
Nhiều phương tiện dùng điện
Trong mấy ngày ở thủ đô Bình Nhưỡng, chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy một chiếc xe máy hay xe đạp điện, ngoại trừ một số xe môtô chuyên dụng của cảnh sát. Người dân ở thủ đô này hầu hết đi bộ, đi xe đạp và các phương tiện công cộng.
Ngoài tàu điện ngầm, có hai loại xe chạy điện trên đường phố, một loại xe “đôi” dùng đường ray và một loại xe “đơn” dùng bánh lốp, chạy rất chậm và phát âm thanh khá ồn, dường như đã quá cũ kỹ. Ngoài ra còn có xe buýt.
Đáng chú ý là có một số xe buýt hai tầng sơn xanh và trắng, còn mới, có người nói vừa được nhập từ Trung Quốc về trong năm nay, nhưng có người nói do Triều Tiên sản xuất vừa đưa vào hoạt động.
Xe taxi cũng khá phổ biến, thường tập trung ở ga Bình Nhưỡng, trước các khách sạn khu vực trung tâm. Tôi từng thử gõ cửa một chiếc taxi đỗ ngay trước khách sạn Koryo, anh tài xế chỉ cười và ra hiệu “không chở”. Một vị cán bộ ngoại giao cho biết người nước ngoài nói chung thì “không được đón” và “không đón được” taxi ở Bình Nhưỡng. Tôi chưa nghe ai giải thích thuyết phục vì lý do gì...
Đường phố thì thoáng đãng, mặt đường rộng rãi, xe cộ rất thưa thớt. Chỉ có hai bên vỉa hè khá đông người dân đi bộ. Tại tất cả các tuyến phố, xe đạp đi chung với người đi bộ trên vỉa hè. Có khá nhiều tuyến phố người ta thiết kế lối xe đạp đi riêng, khá hẹp cạnh bên lối đi bộ, rộng hơn. Người dân băng ngang đường cũng tương đối tùy tiện, kể cả những nơi không có kẻ vạch.
Lại nói về xe điện, trên nhiều tuyến đường ở thủ đô này, chúng tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp xe điện nối đuôi nhau hoặc chỉ cách nhau vài mét. Trong khi ở những trạm kế tiếp người dân chờ đã khá đông. Theo giải thích của một cán bộ ngoại giao, điện ở Bình Nhưỡng khá chập chờn, đặc biệt là về đêm. “Vì điện chập chờn như vậy nên xe khi nhanh khi chậm. Có khi không chạy nổi thì dồn ứ khá lâu!”.
Đó cũng là lý do mà nhiều người dân Bình Nhưỡng đi làm về rất khuya, có khi sau 11g đêm, xe điện vẫn chạy và còn khá đông người. Hệ thống xe điện ở Bình Nhưỡng đã cũ kỹ nên thỉnh thoảng thấy xảy ra tình trạng lệch cần tiếp điện, khiến xe phải dừng lại. Cảnh tượng tài xế phải chạy lui dùng tay kéo cần “móc” vào dây điện ở trên rất thường diễn ra...
Ước nguyện thống nhất
TTO - Ước nguyện thống nhất và sự kiểm soát chặt chẽ là hai ấn tượng lớn nhất trong suốt hành trình của chúng tôi trên đất nước Triều Tiên.
Đặc biệt nhất vẫn là những cuộc lục soát như là “đặc sản” ở đất nước này, mà không phải ai cũng muốn một lần trong đời được trải nghiệm...
Chúng tôi đã có một chuyến “du lịch ức chế”, theo cách gọi của anh bạn cùng đoàn, nhưng ở khía cạnh nào đó đã trở thành kỷ niệm đặc biệt thú vị khó có thể gặp lần nữa ở một đất nước nào...
Arirang
Đồng chí hướng dẫn viên Choe Un Mi năm nay 30 tuổi, “đang phấn đấu” vào Đảng Lao động Triều Tiên. Có lẽ vì vậy mà mọi lời nói đều răm rắp đúng quan điểm, đường lối.
Có lần Phương Giang, một thành viên trong nhóm người Việt, nói chuyện về địa lý với Choe: “Ở phía Bắc thì giáp Nga và Trung Quốc. Còn ở phía Nam thì giáp Hàn Quốc. Vậy là giáp với ba nước”. “Không, chỉ giáp hai nước thôi, đó là Nga và Trung Quốc” - Choe trả lời ngay.
Chúng tôi hỏi về lễ hội Arirang và bày tỏ thán phục trước màn đồng diễn tuyệt đối răm rắp của hơn 10 vạn diễn viên ở sân vận động lớn nhất thế giới May Day, vừa thắc mắc vì sao không tổ chức tiếp tục cho khách xem.
Tôi kể thêm rằng từ năm 2012, báo chí thế giới đưa tin lãnh đạo Kim Jong Un chủ trương không tổ chức để đỡ tốn kém sức lực và tiền bạc của đất nước. Choe lắc đầu, nói lễ hội Arirang bị gián đoạn do sân vận động đang... sửa chữa.
Choe cho biết lễ hội Arirang có liên quan đến câu chuyện ước nguyện thống nhất đất nước. Arirang là truyền thuyết kể về đôi vợ chồng trẻ.
Ngày đất nước có ngoại xâm, người chồng lên đường ra trận. Ở nhà, người vợ vừa phụng sự mẹ chồng, vừa giữ lòng son sắt trước sự tán tỉnh của công tử nhà địa chủ trong làng.
Giặc tan, người chồng trở về, bắt gặp cảnh công tử lẽo đẽo tán tỉnh vợ mình. Người mẹ mù cũng nói có nghe lời tán tỉnh.
Trong cơn ghen tột độ, người chồng bỏ đi. Người vợ chạy theo gọi giật “a-ri-rang” (đừng đi). Sau khi biết rõ ngọn ngành, người chồng quay về thì đã muộn, người vợ đã tự vẫn.
Choe diễn giải với ý nghĩa như thế, lễ hội Arirang được tổ chức như để biểu dương sức mạnh của sự đồng lòng chung sức của người dân Triều Tiên. Đó cũng là lời nhắn nhủ rằng “đừng đi” trước tình trạng người dân rời miền Bắc chạy vào miền Nam kể từ ngày đất nước chia cắt.
Choe hỏi chúng tôi đã đến phía nam của Triều Tiên hay chưa. Một số thành viên gật đầu và kể dăm điều ba chuyện về Hàn Quốc.
Choe mỉm cười bảo rằng: Ở miền Nam thì họ mạnh về kinh tế. Nhưng họ không tự chủ mà bị lệ thuộc vào Mỹ. Còn miền Bắc mạnh về quân sự. Đồng chí Choe kết luận: “Nếu hai miền thống nhất thì đất nước Triều Tiên sẽ là một cường quốc hùng mạnh trên thế giới”.
Cuộc lục soát cuối cùng
Trước giờ lên tàu, Choe dẫn đoàn sang cửa hàng tem gần khách sạn và nói đây là nơi mua quà cuối cùng của chuyến đi.
Trong khi mọi người đang chọn cho mình những món quà thì Choe bảo tôi mở máy để kiểm tra hình ảnh. Dù rất muốn mua sắm nhưng tôi OK, mở cả máy tính xách tay, điện thoại thông minh lẫn máy ảnh.
Choe lướt xem trong chừng 15 phút và cô xóa khá nhiều hình ảnh chụp về người dân Triều Tiên. Cho đến khi lên xe và vào ga lên tàu, Choe tiếp tục đề nghị tôi mở lại các thiết bị để cô kiểm tra. Lần này thì có nhiều thời gian hơn nên Choe cũng xóa nhiều hơn.
Trước khi tàu hụ còi chuyển bánh, lời cuối cùng cô bảo tôi sau khi từ biệt: “Trên đường đi bạn không được chụp hình nữa, nếu tiếp tục chụp sẽ bị xóa toàn bộ”...
Tàu vừa dừng ở ga biên giới Tân Nghĩa Châu, mọi người trong toa có vẻ căng thẳng, có lẽ cảm giác lục soát khi nhập cảnh mấy ngày trước vẫn còn. Nhưng cuộc lục soát này căng thẳng hơn hẳn, ngoài sự mong đợi của mọi người.
Ban đầu một “đồng chí cán bộ” đề nghị đưa hộ chiếu. Chúng tôi đưa xấp hộ chiếu của cả sáu người. Vị cán bộ không chịu, kêu mỗi người đưa trực tiếp, hộ chiếu của ai người đó đưa. Chúng tôi đưa kèm lời khai xuất cảnh thì bị gạt ra.
Sau khi vị cán bộ thu hộ chiếu đi, mới tới vị thứ hai đi lấy tờ khai xuất cảnh. Thêm vị cán bộ thứ ba đến hỏi visa, chúng tôi chỉ trưởng đoàn. Vị này gọi riêng tôi, yêu cầu tôi chỉ vào ô ghi thông tin của mình rồi đánh dấu.
Họ đọc tên và phiên âm theo tiếng Triều Tiên. Một vị cán bộ nam khác đến hỏi “camera, iPad, iPhone!”.
Chúng tôi đưa ra cả loạt, nào máy chụp hình, smartphone và table đọc sách. Một vị cán bộ khác đến lục soát hành lý. Vị cán bộ này lục từng áo quần một, soát cả mấy cái áo
là món quà tôi mua ở Bàn Môn Điếm. Những cái áo
phông xếp mỏng được họ bẻ từng tí một xem có giấu gì
ở trong không.
Chúng tôi cũng tiếp tục chờ đợi trong sự hồi hộp ở phần quan trọng nhất, đó là lục soát máy ảnh và smartphone. Việc này do một cán bộ nữ đảm trách.
Đến điện thoại của tôi, vị cán bộ nữ coi rất kỹ từng loạt ảnh. Tất nhiên, trong mấy nghìn cái ảnh không thể coi hết, vị này lướt qua từng group và chú ý đến những loạt ảnh lãnh tụ và có người dân Triều Tiên. Những ảnh này được soi rất kỹ từng cái một.
Những bức ảnh chụp người dân hơi xấu đều bị xóa, đúng như nhận xét của một cán bộ ngoại giao đoàn từng lăn lộn nhiều năm ở Triều Tiên: “Họ sợ đưa hình ảnh không đẹp của đất nước ra với thế giới!”.
Đến phần laptop, trong đoàn chúng tôi có hai cái laptop, một của bạn làm cán bộ ngân hàng chỉ được kiểm tra qua loa. Nhưng laptop của tôi thì một vị cán bộ nam khác đến gí tay vào máy, có ý nhấn mạnh. Máy của tôi được soi kỹ lưỡng.
Sau gần hai tiếng lục soát căng thẳng, các vị cán bộ xuống tàu. Tàu chuyển bánh và sau chừng vài phút thì đến cầu hữu nghị Trung - Triều. Chúng tôi cùng thở phào...
THÁI LỘC |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét