Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Từ tro tàn của đế chế

Sức mạnh nền cộng hòa

(TNO) Dù đã đọc hàng tá tài liệu về vùng đất này nhưng khi đặt chân đến đây, chúng tôi vẫn không khỏi sửng sốt trước những điều tai nghe mắt thấy.

Vịnh Sừng Vàng của eo biển Bosphorus (Istanbul) - Ảnh: Hải Thành
Vịnh Sừng Vàng của eo biển Bosphorus (Istanbul) - Ảnh: Hải Thành
Elif Ciftcioglu, hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi trong suốt một tuần ở Thổ Nhĩ Kỳ, là một cô gái năng động. Thành thạo tiếng Anh, hoạt động liên tục, đi và nói không lúc nào dừng. Tất nhiên Elif là tín đồ đạo Hồi, nhưng chẳng bao giờ thấy cô giấu mình trong bộ burqa với áo thụng, khăn và mạng che mặt tuyền một màu đen buồn thảm. Trang phục ưa thích của cô là váy ngắn hoặc áo thun trễ cổ, quần jean lửng, kết hợp với mái tóc nhuộm màu gạch cua được ép sấy cẩn thận. Elif hút thuốc, uống rượu vang, trò chuyện thân mật và cười ngặt nghẽo với đàn ông... Đó là những hành vi bình thường nhưng có thể khiến đạo hữu của cô bị ném đá đến chết ở các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Elif hay cô gái xinh đẹp và sành điệu Gamze Esin, Giám đốc Phát triển kinh doanh Dorak Tour, không phải là những phụ nữ cá biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đất nước này, bạn có dùng kính hiển vi cũng không thể nào soi ra một chút dấu vết của luật Sharia hà khắc dù tuyệt đại đa số người dân theo Hồi giáo (99,8%). Từ bán đảo Đông Dương xa xôi, ngày ngày đọc tin tức về những phụ nữ Hồi giáo bị cấm đi học, cấm đi làm, bị hành quyết chỉ vì họ đã thực hiện những quyền tối thiểu của con người và sau đó chứng kiến sự tự do của những người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, có gì đó xúc động đến rưng rưng.
Ai đã đem lại cuộc sống tốt lành cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ nói chung, cho Elif, Gamze và phụ nữ xứ sở này nói riêng? 
***
Từ tro tàn của đế chế - Bài 1: Sức mạnh nền cộng hòa - ảnh 2Lăng Mustafa Kemal Ataturk tại Ankara - Ảnh: Hải Thành 
Đó là một khối kiến trúc đơn giản mà hùng vĩ, tọa lạc trên một ngọn đồi cao ở Ankara, sừng sững trên nền trời xanh ngắt vùng Tiểu Á. Chớm thu, trời vẫn nắng như đổ lửa với nhiệt độ trên dưới 35 độ C, thế mà dòng người vẫn nườm nượp không dứt tiến vào lăng của người kiến tạo và là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ: Mustafa Kemal Ataturk.
Trước hàng cột đá uy nghi là một phiến cẩm thạch trắng hình chữ nhật ghi hàng chữ Thổ Nhĩ Kỳ "Hakimiyet kayitsiz sartsiz milletindir" (Chủ quyền vô điều kiện thuộc về quốc gia). Sảnh chính của lăng là một căn phòng rộng với trần thật cao nhưng hầu như trống không, với chỉ một khối đá xám tượng trưng cho một ngôi mộ. Sâu dưới đó 40 m mới là nơi yên nghỉ thật sự của vị cha già dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Khu vực bảo tàng tràn ngập các di vật, bút tích, những câu nói để đời của Ataturk. Đặc biệt thu hút là những bích họa khổ rộng rực rỡ màu sắc kết hợp với cụm tượng sáp tái hiện các trận đánh oanh liệt của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ thời đầu lập quốc, tất nhiên không thể thiếu hình ảnh vị thống soái oai phong đẹp trai lồng lộng. Còn trong ảnh thật, Ataturk là một người đàn ông cương nghị với khuôn mặt như được đúc bằng thép và đôi mắt rực lửa.
Cụm tranh tượng mô tả cuộc chiến đấu giành độc lập của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Hải Thành
Cụm tranh tượng mô tả cuộc chiến đấu giành độc lập của quân dân Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Hải Thành
Ngày 23.4.1920, Ataturk được bầu làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, ông phải lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua 3 cuộc chiến tranh giành độc lập với Hy Lạp, Armenia, Pháp cùng với việc ổn định tình hình trong nước. Ngày 29.10.1923, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời và Ataturk bắt đầu tiến hành các cuộc cải cách rung chuyển thế giới Hồi giáo, bằng việc xây dựng một nhà nước thế tục, hiện đại. 
Ông đóng cửa tòa án tôn giáo, xóa bỏ vai trò của Hồi giáo trong hiến pháp, cho phép phụ nữ được quyền bầu cử và tham gia bộ máy hành chính. Ông xây dựng hệ thống tư pháp mới dựa vào các bộ luật của các quốc gia tiên tiến châu Âu. Chữ Ả Rập bị loại bỏ và thay vào đó là bảng chữ cái Latinh cùng với Dương lịch, hệ thống đo lường phương Tây. Từ khi Ataturk cầm quyền, người Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu có họ trong tên đầy đủ của mình... Định nghĩa của ông về nền cộng hòa, được khắc trên tấm bảng đồng trong khu lăng mộ, thật đơn giản và dứt khoát: "Cộng hòa có nghĩa là thực thi chế độ dân chủ của quốc gia. Chúng ta thiết lập nền cộng hòa đã được mười năm. Cần phải thi hành tất cả những đòi hỏi của dân chủ khi thời gian đến".
Cuộc cách mạng của Ataturk dĩ nhiên vấp phải sự chống đối gay gắt của các thế lực tôn giáo và tàn dư của chế độ phong kiến Ottoman. Nếu không lãnh đạo bằng bàn tay sắt, ông khó lòng duy trì và củng cố nền cộng hòa non trẻ. Và cũng dễ hiểu khi các sử gia phương Tây mô tả ông như một nhà độc tài tàn nhẫn, độc đoán. Tuy nhiên, như chính khách người Ý nổi tiếng thế kỷ 16 Niccolò Machiavelli từng nói "cứu cánh biện minh cho phương tiện", đối với Thổ Nhĩ Kỳ, Ataturk vẫn luôn là một lãnh tụ vĩ đại.
Vào lúc 9 giờ 5 phút sáng 10.11 hằng năm, toàn bộ hoạt động trên cả nước Thổ Nhĩ Kỳ dừng lại và trong một phút, người dân cúi đầu tưởng niệm ngày mất của Mustafa Kemal Ataturk.  
***
Quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập trong trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar - Ảnh: Hải Thành
Quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập trong trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar - Ảnh: Hải Thành
Ai lại không yêu lá cờ Tổ quốc mình, nhưng cuồng si như người Thổ Nhĩ Kỳ thì quả thực hiếm thấy. Trên khắp các nẻo đường, góc phố từ Istanbul sang Ankara đến Cappadocia thuộc tỉnh Nevsehir, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những lá cờ khổ lớn, đỏ rực rỡ với lưỡi liềm và ngôi sao trắng. Dù đó chỉ là một ngày bình thường chẳng phải hội hè lễ tết gì nhưng quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện khắp nơi, từ quảng trường, công sở, quán ăn, căn hộ chung cư, tại tất cả sạp hàng trong khu chợ lớn nhất thế giới Grand Bazaar; thậm chí phất phới trên một một chiếc xe lu cô đơn ở một vùng hẻo lánh thuộc thung lũng Goreme (Cappadocia) hay tung bay đến 2 lần trong một đêm nhạc dân tộc có tiết mục belly dance lừng danh. 
Bán đảo Tiểu Á đã trải qua vô vàn những cuộc bể dâu. Thành Constantinople (Istanbul ngày nay) đã 4 lần đổi chủ để lần lượt trở thành kinh đô của những đế chế vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại (Rome, Byzantine, Latin, Ottoman). Có lẽ, niềm tự hào chất ngất về một di sản văn hóa khổng lồ và bước chuyển đổi kỳ diệu từ tro tàn của một đế chế đã tạo ra tình yêu kỳ lạ dành cho lá cờ của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay không còn sự ngạo nghễ của kẻ xâm lược như vào thời hoàng kim của đế quốc Ottoman thế kỷ 16-17. Lúc đó, nhờ vào đội quân hùng mạnh và hiếu chiến bậc nhất, lãnh thổ của các sultan trải dài trên cả 3 châu lục: từ Bắc Phi, Trung Đông, vùng Tiểu Á, đến hầu hết đông nam châu Âu. Hãy thử hình dung về một con số kinh khủng: sau này, đã có tới gần 30 quốc gia được thành lập từ các vùng đất thuộc Ottoman ngày xưa.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cũng không còn sự tự ti của một nước chậm phát triển như nhà văn nổi tiếng Aziz Nesin đã tự trào trong tác phẩm Những người thích đùa. Đất nước này đang trỗi dậy mạnh mẽ để tranh chấp vai trò bá chủ khu vực với Iran và Ả Rập Xê Út. Từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan (hiện đã trở thành tổng thống) lên nắm quyền vào năm 2003, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng gấp 3 lần. GDP nước này đang xếp hạng 17 thế giới và chính quyền Ankara đang nuôi tham vọng đưa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ lên hạng 10 vào năm 2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. 
Cột tháp Ai Cập tại Quảng trường Hippodrome (Istanbul), do hoàng đế La Mã Théodosius lấy về - Ảnh: Hải Thành
Cột tháp Ai Cập tại Quảng trường Hippodrome (Istanbul), do hoàng đế La Mã Théodosius lấy về - Ảnh: Hải Thành
***
Khoảng 5 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 9 tại Istanbul, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng kinh cầu nguyện từ phía bên kia đường. Có một cảm giác không thật khi ý thức rằng mình đang hiện diện trong một đất nước Hồi giáo, với tất cả nhà thờ đều có tháp cao gắn loa phóng thanh chĩa ra bốn hướng. Đó là Hồi giáo với hơn 75 triệu tín đồ trong một nhà nước thế tục, trong một quốc gia đã vào danh sách các nước phát triển.
Những vàng son của triều đại Ottoman, cũng như di sản của các đế chế trước đó đang được người Thổ Nhĩ Kỳ khai thác tối đa để thu hút gần 40 triệu lượt khách du lịch/năm. Dường như dòng ngoại tệ dồi dào này là giá trị cụ thể và thực dụng nhất mà quá khứ của những cuộc chinh phạt lẫy lừng để lại cho hậu thế. Bởi trong mối quan hệ chằng chịt của thế giới hiện đại, thời của những cuộc mở rộng lãnh thổ bằng sức mạnh quân sự có lẽ đã chấm dứt vĩnh viễn. Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay đang hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc, bằng một cách hoàn toàn khác.

Báu vật Cappadocia

(TNO) Cappadocia, hay Kapadokya theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là Vùng đất của những con ngựa đẹp. Thế nhưng trong hai ngày lang thang ở đây chúng tôi chỉ thấy bọn cừu và lạc đà, còn ngựa thì không. Mà có lẽ cũng chẳng cần thêm những con vật xinh đẹp nào khác khi cả Cappadocia đã là một kỳ quan thiên nhiên.

Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 1
Giữa làng xì trum
Midas là một vị vua trị vì xứ Phrygia (nay thuộc trung tâm Thổ Nhĩ Kỳ) thế kỷ thứ 8-7 trước Công nguyên. Xác ướp của ông đã được tìm thấy tại thành phố Gordion năm 1957. Trong thần thoại Hy Lạp, Midas là một ông vua giàu có và tham lam. Đã có nhiều vàng nhất thế giới, nhà vua vẫn muốn hơn thế nữa nên cầu khẩn thần linh ban cho ông khả năng biến mọi thứ thành vàng khi chạm tay vào. Cuối cùng ông cũng được toại nguyện và đó là khởi đầu cho bi kịch của nhà vua khi mọi thứ thức ăn, đồ uống, cả đứa con gái yêu dấu đều biến thành những thỏi vàng vô tri…
Đây chỉ là một câu chuyện hoang đường mang tính chất răn đe những kẻ tham lam. Khả năng thần kỳ của vua Midas chỉ đem lại bất hạnh cho ông, trong khi cú chạm tay của Mẹ thiên nhiên đã đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ những báu vật quốc gia thật sự tại vùng Cappadocia.
Và tất cả đều từ đá.
Cappadocia nằm trong địa bàn hai tỉnh Nevsehir và Kayseri của Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây hàng triệu năm, núi lửa phun trào mạnh tạo ra các cột đá lớn trên mặt đất. Trải qua bao thời gian, gió và nước đã đóng vai trò những điêu khắc gia của tự nhiên để tạc thành những tạo vật gây sửng sốt.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 2Làng xì trum
Pasabag được gọi là Thung lũng Thầy tu do các cột đá ở đây có hình dạng như các tu sĩ, theo cư dân bản địa. Thế nhưng chúng tôi lại thấy như lạc vào xứ sở xì trum, những xì trum khổng lồ với vô số căn nhà hình nấm được tạc từ đá nguyên khối. Tai nấm, là một loại đá sẫm màu, vắt vẻo trên thân nấm tưởng như ai đó vừa đặt vào để du khách chiêm ngưỡng, chứ không phải do hình thành tự nhiên.
Đang mê mẩn giữa các căn nhà xì trum, chợt nghe tiếng cười của các nữ du khách châu Âu. Theo hướng tay họ đang chỉ trỏ là một khối đá vừa giống một cây nấm mối, vừa có hình dạng như sinh thực khí nam. Cũng như khối đá nổi tiếng gần đó thoạt nhìn thì giống lạc đà, nhìn kỹ hơn thì như một con ốc sên. Ừ thì tùy theo tưởng tượng...
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 3 Cột đá hình nấm mối
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 4 Tảng đá vừa giống lạc đà, vừa giống ốc sên
Bảo tàng ngoài trời Goreme là một tuyệt tác khác mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Cappadocia. Đó là một khối đá khổng lồ hình thành từ nham thạch núi lửa, mà cư dân bản địa đã khoét vào để xây hàng loạt tu viện từ thế kỷ 3-12. Tường, mái vòm của các hang động nhân tạo này được trang hoàng bằng những bích họa chủ đề tôn giáo màu sắc rực rỡ, được phục chế và tôn tạo kỹ lưỡng.
Cappadocia còn có 36 thành phố, khu dân cư ngầm trong lòng núi, do những người Cơ đốc giáo xây dựng và ẩn cư để tránh sự truy lùng của quân La Mã. Trong đó, lớn nhất là thành phố ngầm Kaymakli với sức chứa khoảng 4.500 người, bao gồm vô số căn phòng được nối với nhau bằng một hệ thống đường hầm chằng chịt.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 5 Trong thành phố ngầm Kaymakli
Bay trên khinh khí cầu
200 USD là một số tiền không nhỏ, nhưng hoàn toàn xứng đáng cho một chuyến du ngoạn kéo dài hơn 1 giờ ở độ cao vài trăm mét.
Chúng tôi bay đợt thứ hai, vào khoảng 6 giờ sáng. Xe vừa tới "phi trường", một khung cảnh kỳ vĩ và đầy kích động hiện ra trước mắt: Trên bãi đất rộng bát ngát, cả trăm chiếc khinh khí cầu màu sắc sặc sỡ hoặc đã cất cánh, hoặc đang dần phồng to.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 6"Phi trường" của khinh khí cầu
Người lái khí cầu của chúng tôi là một gã Thổ Nhĩ Kỳ điển trai tên Vural Demircioglu, được gọi rõ ràng là "pilot" (phi công). Mỗi người được phát một tờ hướng dẫn an toàn bay trước đó, với lưu ý đặc biệt về động tác ngồi xổm khi khí cầu tiếp đất.
Những ngày gió mạnh, toàn bộ các chuyến bay bằng khí cầu sẽ bị hủy để bảo đảm an toàn cho hành khách. Mới tháng 6 vừa rồi, 18 du khách đã bị thương khi gió mạnh làm một khí cầu mất kiểm soát và rơi xuống đất. Còn 2 năm trước, 3 du khách Brazil đã thiệt mạng khi 2 khí cầu va vào nhau trên không trung. Ơn trời, buổi sáng chúng tôi ở đây là một ngày gió rất nhẹ và nắng rất mạnh.
Khí cầu đã phồng căng, 14 hành khách chen chúc trong một cái giỏ bằng gỗ, khá chật chội. Dây buộc được tháo ra và Vural cho khí cầu từ từ bay lên, rồi chỉ bằng cách điều khiển những sợi dây, bắt đầu lượn quanh thung lũng Goreme.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 7Khung cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Goreme
Trong nắng vàng như mật của buổi bình minh Cappadocia, chúng tôi lơ lửng bên trên, hoặc bay lướt qua những kiến trúc đá tuyệt đẹp. Xung quanh chúng tôi những khí cầu khác chầm chậm trôi qua...
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 8 Phi công Vural là một tay lái lụa
Một tiếng mười lăm phút sau, phi công bắt đầu cho hạ độ cao. Chúng tôi cứ cho rằng khí cầu sẽ tiếp đất ở một khoảnh bằng phẳng và rộng rãi, nhưng tay lái lụa Vural không nghĩ như thế. Chậm và khoan thai, anh ta cho chiếc giỏ hạ cánh êm ái trên rơ moóc một chiếc xe bán tải, không trật một cm. Tuyệt vời!
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 9Hạ cánh
Đón những vị khách Việt Nam là Ban giám đốc Công ty Kapadokya Balloons với biểu ngữ chào mừng, hoa và rượu champagne cùng giấy chứng nhận đã "vượt qua thử thách" in trang trọng tên từng người. Dân làm du lịch Thổ Nhĩ Kỳ thật biết cách bày trò. Chỉ là một chuyến du ngoạn vui vẻ nhẹ tênh, vậy mà họ tiếp chúng tôi như những người vừa trải qua 5 tuần khốc liệt trên khinh khí cầu trong tiểu thuyết giả tưởng của Jules Verne!
Thung lũng yên tĩnh
Khách sạn chúng tôi lưu trú nằm lọt thỏm trong Thung lũng Bồ câu. Nơi đây có vô số phiến đá trắng toát mà từ xa xưa, người dân đã khoét thành tổ cho bồ câu cư ngụ. Sau đó, thỉnh thoảng họ lại tới thu thập phân của chúng về bón cho cây trồng. Lũ bồ câu ở đây lười nhác, béo ú và không hề e sợ con người.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 10Thung lũng bồ câu
Những cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Cappadocia cũng không có vẻ gì e sợ con người. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi giữa đêm vắng, chứng kiến những cửa hàng còn bày đầy hàng hóa trên vỉa hè, trong khi cửa đã đóng kín mít và không hề có dấu hiệu của một người trông coi hay camera an ninh.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 2: Báu vật Cappadocia - ảnh 11Một cửa hàng trên đường phố Cappadocia lúc nửa đêm
Tour guide Elif tiếp tục dẫn chúng tôi vòng vèo trên các con phố, rẽ vào những ngõ nhỏ, rồi lên cầu thang đến một sân thượng. Một ngóm người địa phương đủ già trẻ lớn bé đang quây quần chuyện trò rôm rả trên một tấm bạt, uống nước ngọt và cắn hạt bí rang. Thấy người lạ, họ có chút ngỡ ngàng nhưng rồi rất nhanh, kéo chúng tôi nhập cuộc. Họ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi nói tiếng Việt và tiếng Anh. Nói chung đây là một cuộc trao đổi vô cùng lộn xộn và ồn ào nhưng điều lạ lùng là cả hai bên đều có vẻ hiểu nhau. Sau một hồi "trò chuyện", họ rủ chúng tôi cùng thả đèn trời. Mười mấy đôi bàn tay cùng nâng chiếc đèn lên và đẩy nhẹ. Trắng sáng lấp lánh, chiếc đèn nổi bật trên bầu trời đêm đen thẫm, trong veo và yên lành của vùng Cappadocia.
Bài, ảnh: Hải Thành

Không có nhận xét nào: