Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Đi bụi ở Nhật

Khi đang làm thủ tục nhận phòng khách sạn ở Tokyo, tôi phát hiện mình mất điện thoại. Trong lúc lo lắng, anh lễ tân trấn an nếu để quên trên taxi thì tài xế sẽ liên hệ trả ngay trong ngày.

Một góc phố cổ Gion ở Tokyo - Ảnh: N.T.Tâm
Một góc phố cổ Gion ở Tokyo - Ảnh: N.T.Tâm
Người Nhật tử tế
Liên lạc với hãng taxi và sau đó nối máy với tài xế, anh lễ tân nói với tôi rằng đã tìm thấy điện thoại rớt trên sàn xe. Bác tài bảo sẽ tới khách sạn sau 10 phút. Trao lại điện thoại cho khách làm rớt nhưng bác tài xế liên tục cúi đầu xin lỗi vì đã… khiến người khác lo lắng. Việc phải quay trở lại khách sạn trong quãng thời gian đó không chỉ khiến tài xế tốn tiền xăng dầu mà còn mất cơ hội đón thêm khách khác, thế nhưng tài xế từ chối nhận chi phí.
Cước taxi ở Nhật rất đắt, khi chỉ cần ngồi lên xe đã ở mức (quy ra thành tiền Việt) 152.000 đồng và đồng hồ vẫn chạy cả khi xe dừng đèn đỏ hoặc kẹt đường.
Chuyện làm rơi điện thoại của mình làm tôi nhớ đến bài báo gần đây. Một người Mỹ tên Kevin Whitney làm rơi điện thoại vào đống ngũ cốc ở bang Oklahoma mà không hề hay biết. Số ngũ cốc này sau đó được xuất khẩu cho một nhà máy ở đảo Hokkaido tại Nhật. Sau đó, Whitney bất ngờ nhận cuộc điện thoại từ Nhật Bản cho biết một công nhân làm cho nhà máy đã nhặt được điện thoại trong đống ngũ cốc và nhờ trả lại cho công ty Mỹ. Vậy là, Whitney nhận lại điện thoại sau 8 tháng thất lạc. Dưới các bài báo, nhiều độc giả bình luận chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Nhật Bản!
Người Nhật có lúc nguyên tắc đến cứng nhắc nhưng thường tử tế một cách lạ thường. Hầu như người Nhật chỉ nói thì thầm, không ồn ào, cả trên đường phố hay trong các ga tàu điện ngầm. Cứ như họ không thể nói lớn được. Các chuyến tàu điện ngầm hay tàu siêu tốc (Shinkansen) ở Nhật chạy cực kỳ đúng giờ. Các chuyến xe đón khách cũng vậy, khởi hành như được cài đặt sẵn và không chờ người nào đến trễ.
Kỳ quan con người
Không dễ cho những ai không biết tiếng Nhật đi du lịch tự túc ở đất nước này, bởi tiếng Anh là ngôn ngữ không phổ biến. Ở các khách sạn lớn, lễ tân hay phục vụ nói tiếng Anh tương đối dễ nghe, còn ở các khách sạn trung bình, ngôn ngữ cơ thể là giao tiếp chủ yếu với khách nước ngoài. Trên đường phố Tokyo, trong các trung tâm mua sắm, để tìm một người có thể trao đổi bằng tiếng Anh là hiếm hoi.
Đó có thể là trở ngại duy nhất trong hành trình 12 ngày ở Nhật của tôi. Nhưng sự tử tế của người Nhật bù lại trở ngại trên, khiến khách cảm thấy rất thoải mái khi tìm đường hay cần sự trợ giúp. Người Nhật sẵn lòng chỉ đường cho khách dù không biết tiếng Anh, bằng cách mở bản đồ trên mạng. Hôm tôi tìm một quán ăn nổi tiếng trong hẻm khu Roppongi (Tokyo), chị người Nhật dẫn tôi đi 500 m để tới tận cửa quán, xong cúi đầu chào tạm biệt khách. Hành động cúi gập đầu xuất hiện ở khắp nơi trên đất nước mặt trời mọc.
Sự tử tế của người Nhật còn thể hiện trong cung cách bán hàng cho du khách. Họ nhiệt tình hướng dẫn du khách cách ăn một cái bánh như thế nào, dù khách có mua hay không. Họ cẩn thận đến nỗi khiến khách áy náy vì đã làm phiền người bán. Hai bên đường lên chùa Thanh Thủy (Kiyomizu) ở Kyoto có nhiều hàng quán bán bánh, trà, rong biển… Khách không cần mua, chỉ ăn thử thôi là đã biết tất cả các loại bánh Nhật. Kiểu bán hàng của người Nhật là ăn thử, uống thử. Ở các cửa hàng bán quà lưu niệm có đông du khách, người bán hàng chuẩn bị sẵn một tờ giấy ghi những câu chào hỏi bằng nhiều ngôn ngữ, có cả tiếng Việt, để làm thân với du khách. Tại bến tàu hồ núi lửa Ashi ở Hakone (gần núi Phú Sĩ), khi tôi hỏi đường về khách sạn, người hướng dẫn ở quầy thông tin biết tôi là người VN nên ngay lập tức nhìn tờ giấy dán các câu chào nhiều thứ tiếng trên cây cột rồi nói “xin chào” rất vui vẻ.
Bản thân con người Nhật Bản đã là một kỳ quan. Sự tử tế, lịch thiệp, phục vụ chu đáo, ân cần của người Nhật khiến nước này trở thành “điểm nóng” của du lịch châu Á trong những năm gần đây.
N.Trần Tâm


Người Nhật chạy theo

(TNO) Người Nhật đi đầu thế giới trong hàng loạt lĩnh vực. Và trong đời sống hằng ngày, họ hay chạy theo người khác theo đúng nghĩa đen.

Người Nhật chạy theo - ảnh 1Trẻ con cúi chào cô giáo, cô giáo cúi chào trẻ con - Ảnh: Reuters
1. Cúi đầu sâu chào một cách cung kính là nét văn hóa rất đặc trưng ở xứ sở hoa anh đào. Nhưng cách mà họ tiễn khách cũng thật đặc biệt. 
Trong chuyến đến thăm nước Nhật trong 10 ngày, đoàn chúng tôi đến thăm nhiều địa điểm khác nhau. Cho dù đó là trang trại của nông dân, công ty du lịch hay cơ quan chính phủ, người Nhật sẽ luôn chạy theo bạn ra tới tận xe, vẫy tay chào với nụ cười tươi tắn cho tới khi xe khuất hẳn, để lại cho khách cảm giác mình được trân trọng, được tiếp đón ở đất nước xa lạ này.
Một lần được chia tay theo cách đó, bạn sẽ thấy mình đặc biệt. Lần nào cũng được chia tay theo cách đó, bạn nhận ra đó là một dân tộc đặc biệt.
2. Trong một lần mua sắm ở Don Quixote, chuỗi cửa hàng giảm giá siêu rẻ ở Nhật chuyên dành cho những khách hàng “ví mỏng”, tôi bất ngờ thấy một cô nhân viên mồ hôi nhễ nhại chạy theo. Thấy tôi, cô mừng rỡ chìa ra đồng xu 1 yen, đơn vị tiền tệ nhỏ nhất ở Nhật.
Cô không nói tiếng Anh, còn tôi không nói tiếng Nhật nhưng qua cách cô kiên nhẫn ra dấu (kèm theo nụ cười rất tươi), tôi hiểu đó là đồng xu tôi đã để quên khi tính tiền ở lầu 2 của cửa hàng cách đó 15 phút. Lúc cô nhân viên tìm ra tôi, tôi đang ở lầu 5.
3. Gần nửa đêm còn ở ngoài đường một mình mang lại cảm giác bất an cho một người nước ngoài lần đầu đến thành phố lạ, dẫu đó là Tokyo an toàn thuộc loại bậc nhất châu Á. Hối hả đi vào ga điện ngầm, tôi hỏi một người dân địa phương tuyến đường cần phải chọn. Tôi đang bối rối về 2 tuyến đường khác nhau.
Người Nhật chạy theo - ảnh 2Nhà ga Tokyo là nơi lúc nào người ta cũng hối hả, nhưng bạn có thể dễ dàng hỏi đường - Ảnh: K.O
Tokyo là nơi dường như con người ta lúc nào cũng bận rộn. Ai ai cũng bước những bước chân thật dài, thật nhanh trong im lặng. Nhưng đó cũng là nơi dường như bạn có thể chặn lại bất kỳ ai để nhận được những chỉ dẫn cặn kẽ, cho dù người ta thông thạo hay chỉ biết rất ít thứ ngôn ngữ bạn đang nói.
Quay lại với người đàn ông bị tôi “chặn đường”, cũng với dáng vẻ rất hối hả vào lúc gần nửa đêm, ông đưa cho tôi một đáp án trong 2 con số mà tôi vừa hỏi. Tôi an tâm chạy lên cầu thang, đứng chờ ngay ở tuyến đường vừa được hướng dẫn. Tàu chưa đến.
Bất chợt tôi thấy người đàn ông tóc bạc ban nãy đang hối hả chạy lên cầu thang. Ông đi cùng chuyến tàu chăng? Không, ông chỉ chạy đến để nói với tôi rằng chỉ dẫn lúc nãy của ông chưa chính xác, cả hai tuyến đường tôi hỏi đều dẫn tới cùng nhà ga mà tôi cần đến! Nói xong, ông lại vội vã chạy xuống cầu thang khi tôi còn đang há hốc mồm vì kinh ngạc. Nếu cả hai tuyến đường đều đúng, mà tàu chỉ đến cách nhau một vài phút thì vì lẽ nào ông phải vất vả chạy ra khu vực hướng dẫn thông tin, xem lại cặn kẽ và cố chạy theo một người xa lạ vào lúc nửa đêm? Câu trả lời chỉ có thể là vì ông là người Nhật.
4. Đến thăm Trường ẩm thực và dinh dưỡng Hattori ở Tokyo, chúng tôi được thầy hiệu trưởng, tiến sĩ Yukio Hattori giới thiệu về Shoku-iku, một chương trình của chính phủ giúp nâng cao nhận thức về cách lựa chọn chế độ ăn uống khôn ngoan.
Người Nhật chạy theo - ảnh 3Thầy hiệu trưởng Yukio Hattori đang giới thiệu về Shoku-iku - Ảnh: K.O
Thầy Hattori cho biết ở trường học, chương trình ưu tiên triển khai cho học sinh cấp 1 đầu tiên, sau đó đến cấp 2 rồi đến cấp 3. Tôi bất chợt tìm ra câu trả lời cho những nét văn hóa đáng ngưỡng mộ “made in Japan”: giáo dục từ gốc đi lên, khi những gì tốt đẹp được ưu tiên gieo vào những tâm hồn trong trắng của con trẻ.
Kiều Oanh

Không có nhận xét nào: