Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Thác Iguazu

Nằm trên đường biên giới giữa hai nước Brazil và Argentina, được bao bọc bởi những khu rừng nhiệt đới hoang sơ, thác nước Iguazu được xem là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Iguazu – kỳ quan thiên nhiên kỳ vỹ của thế giới
Iguazu là thác nước lớn thứ hai trên thế giới, được hợp thành từ gần 300 thác nước lớn nhỏ, trải dài hơn 3 kí lô mét. Theo người dân bản địa, tên gọi là Iguazu có nghĩa là “dòng nước lớn”. Cũng chính vì sự to lớn và hùng vĩ của Iguazu mà người còn gọi nó là dãy thác.
Mỗi ngày, có khoảng 150 triệu mét khối nước đổ xuống từ các ngọn thác thuộc Iguazu. Những dòng nước ào ào tuôn xuống một hồ nước khổng lồ tạo nên chuỗi cầu vồng lấp lánh và những thanh âm vang vọng núi rừng.
Ấn tượng nhất trong cụm thác Iguazu là thác Devil’s Throat, có nghĩa là “Họng của quỷ”. Thác nước này hình móng ngựa, đổ xuống từ độ cao 82 mét, rộng 150 mét và dài 700 mét.
Devil’s Throat có hình móng ngựa
Mỗi năm, có khoảng 1 triệu hai trăm ngàn lượt người đổ về đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Iguazu. Đỉnh điểm của mùa du lịch đến Iguazu là đầu mùa hè.
Rất đông du khách tìm đến đây để chiêm ngưỡng
Khi mặt trời sắp lặn và du khách đã ra về, từ trên cao, những con chim đang lao mình xuống dòng nước. Chúng bay xuyên qua làn hơi nước mờ ảo rồi mất dạng. Ngay sau khi hàng trăm con chim này biến mất thì hàng trăm con khác lại hiện ra trên bầu trời và hiện tượng kỳ lạ ấy lại tái diễn. Ngay phía sau dòng nước chảy ào ào kia có rất nhiều con chim đang bám vào vách đá. Chúng thuộc loài nhạn xám lớn (Great dusky swift). Thì ra, việc bất chấp tất cả để vượt qua dòng nước chảy xiết chỉ là phần cuối cùng trong hành trình trở về tổ của chúng.
Hàng trăm con chim nhạn xám lớn lao mình vào dòng thác
Với chiều dài trung bình 80 cm, chim nhạn xám lớn có thể thích nghi tốt với cuộc sống phía sau thác nước. Những móng vuốt sắc nhọn cho phép chúng bám chặt vào vách đá dựng đứng. Cái đuôi dài và linh hoạt cũng góp phần hỗ trợ cho cơ thể của chim nhạn xám. Đầu của con chim nhạn có thể xoay hơn 180 độ, giúp nó có thể quan sát mọi thứ xung quanh.
Chúng cũng có đôi mắt rất đặc biệt, thụt sâu vào bên trong, vì thế chúng có thể bay rất nhanh mà không hề lo lắng bụi nước rơi vào mắt.
Chim nhạn xám có đôi mắt thụt sâu vào trong
Không chỉ chọn nơi làm tổ thật đặc biệt, chim nhạn xám còn nổi tiếng là loài chim bay rất nhanh. Vận tốc bay của chúng có thể lên đến 170 km/giờ, nhanh hơn bất kỳ loài chim nào khác trên hành tinh này. Chim nhạn xám còn có tài nhào lộn rất đáng nể. Trong khi đang ở giữa bầu trời, chúng có thể buông mình xuống như đang rơi tự do. Loài chim này có thể đổi hướng chỉ trong tích tắc. Đôi cánh là một công cụ hữu hiệu để chúng tăng tốc.
Chúng bám vào vách đá dựng đứng và trơn trượt nhờ móng vuốt sắc nhọn
Khi đang thả mình rơi tự do như vậy, chim nhạn xám có thể bay ngược lên phía trên mà chỉ tốn rất ít sức mặc dù không khí xung quanh đầy hơi nước.
Sở dĩ chim nhạn xám có thể tự do bay xuyên qua thác nước là nhờ cách thức chúng sử dụng đôi cánh. Sự tài tình và khéo léo của chim nhạn xám có lẽ chưa có loài vật nào khác sánh kịp.
Từ trên cao nhìn xuống, cụm thác Iguazu nước chảy trắng xóa và được bao bọc bởi những khu rừng già. Và chúng ta có khi nào tự hỏi, thác nước khổng lồ này được hình thành như thế nào?
Cách đây hơn 100 triệu năm, tại khu vực này đã xảy ra một vụ phun trào dung nham khủng khiếp, tạo ra những vùng bằng phẳng rộng lớn. Những vết nứt sau vụ phun trào này cũng đã tạo ra những rãnh sâu hàng kí lô mét. Các rãnh này cũng giống như những dòng sông chảy ngang dọc qua các vùng bằng phẳng kia. Theo thời gian, các lớp đá bazan nằm ở đáy của các con sông được hình do núi lửa này đã bị dòng nước làm xói mòn. Sự thay đổi về địa hình do các dòng chảy tạo ra đã hình thành nên thác Iguazu ngày nay.
Tùy theo mùa mà thác Iguazu sẽ ào ạt gào thét, hay yên bình nhẹ nhàng đổ xuống những màng nước trong vắt. Song tất cả đều tạo nên một khung cảnh thật tráng lệ.
Lượng nước chảy từ trên thác xuống phía dưới nhiều đến nỗi lúc nào nơi đây cũng có hơi nước dày đặc như sương mù bao phủ. Mỗi khi có ánh nắng thì phía trên thác lại xuất hiện cầu vồng. Đặc biệt, vào mùa hè, du khách có thể nhìn thấy rất nhiều cầu vồng xuất hiện đủ mọi hướng xung quanh thác.
Lúc nào nơi đây cũng có hơi nước dày đặc như sương mù bao phủ
Lượng hơi nước rất lớn ấy đã trở thành nguồn sống của hệ động thực vật cực kỳ phong phú bao quanh thác. Độ ẩm trong những khu rừng ở đây luôn ở mức từ 70 đến 90%. Những khu rừng luôn ẩm ướt xung quanh thác mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá kỳ quan thiên nhiên này.
Cầu vồng xuất hiện xung quanh thác
Thực vật biểu sinh mọc trên thân của những cây khác. Mặc dù chỉ sống bám vào cây khác nhưng chúng lại phát triển rất tốt do nhận đủ lượng nước và hơi ẩm cần thiết. Đó cũng là lý do có rất nhiều loài thực vật biểu sinh trong các khu rừng quanh thác Iguazu. Một loài thực vật biểu sinh có mặt rất nhiều là loài Bromieliad – một thành viên của họ dứa.
Bromeliad có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và hơi ẩm từ không khí, vì vậy, chúng còn được gọi là cây lọc không khí. Loài thực vật biểu sinh này có lá cứng và chồng lên nhau nên có thể giữ nước trong các bẹ lá. Hình dạng trên khiến cho bản thân chúng giống như những hệ sinh thái thu nhỏ. Nhiều loài động vật như ếch, ốc sên, sán dẹp, kỳ nhông… và nhiều loài ấu trùng có thể sống hết vòng đời của chúng bên trong các bẹ lá của loài cây này.
Bromeliad có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và hơi ẩm từ không kh
Không chỉ có rất nhiều thực vật mà các khu rừng quanh thác Iguazu còn có rất nhiều loài động vật kỳ lạ sinh sống. Người ta xác định được hơn 40 loài động vật lưỡng cư, hơn 350 loài bướm, khoảng 500 loài chim đã chọn nơi đây làm nơi trú ngụ.
Loài chim red-rumped cacique thuộc họ chim sẻ là một trong những loài chim trú ngụ trong khu rừng xung quanh thác Iguazu. Loài chim này dài khoảng 40 cm và có một chỏm lông màu đỏ trên lưng. Chúng tạo ra những chiếc tổ lơ lửng trên những cây cao trong rừng nhằm giữ cho trứng không bị khỉ hay đại bàng ăn mất. Để tạo ra được một cái tổ như vậy chúng phải mất từ 4 đến 5 ngày.
Thông thường, cả chim cha và chim mẹ sẽ đi kiếm thức ăn về nuôi con. Tổ của chim red-rumped cacique rất chắc và thông thoáng. Chim non sẽ được chim cha mẹ mớm mồi cho đến khi chúng được 1 tháng tuổi. Sau thời gian trên, chúng sẽ phải tự đi kiếm ăn.
Loài chim red-rumped cacique có một chỏm lông màu đỏ trên lưng
Những khu rừng quanh thác Iguazu còn là nơi sinh sống của khoảng 100 loài động vật có vú, trong đó có loài Coati Nam Mỹ hay còn được gọi là Coati đuôi vòng. Thức ăn chính của chúng là quả, hạt và chồi non.
Con cái thường đẻ khoảng 5 đến 6 Coati con mỗi lứa. Những con croati con ra đời thường nhận được sự chăm sóc của cả đàn. Và mỗi đàn như vậy có thể có đến 50 con Coati cần được chăm sóc. Vì thế, gia đình Coati lúc nào cũng giống như một nhà trẻ. 
Coati
Người Châu Âu đầu tiên phát hiện kỳ quan Iguazu xinh đẹp là một người Tây Ban Nha, ông Cabeza de Vaca. Vào năm 1542, khi đang trong hành trình thám hiểm qua khu vực của những người bản địa Tupi-Gurani, ông đã nhìn thấy một thác nước lớn thật kỳ vĩ. Ông đặt tên cho nó là Thác Thánh Mary. Tuy nhiên, trước đó, những người bản địa đã gọi nó là Iguazu, tức theo tên của con sông Iguazu, nơi có dòng thác này.
Những người bản địa lưu truyền rất nhiều câu chuyện về sự ra đời của thác Iguazu. Một trong số các truyền thuyết kể rằng Iguazu là hậu quả của một cơn giận của thủy thần. Theo đó, vào thời xa xưa, thủy thần muốn cưới Napi, một cô gái xinh đẹp là con của một tộc trưởng trong vùng. Nhưng cô gái này đã bỏ trốn theo một chiến binh tên là Taroba. Khi phát hiện sự việc, thủy thần rất tức giận và đã chặn dòng chảy của con sông Iguazu để tạo ra một thác nước thật lớn nhằm nhấn chìm chiếc thuyền của họ. Đó là câu chuyện của ngày xưa, còn ngày nay ít có một thác nước lớn nào trên thế giới lại được hai quốc gia cùng ra sức bảo vệ như Iguazu.
Năm 1934, Argentina, quốc gia sở hữu 80% thác Iguazu, đã thành lập công viên quốc gia Iguazu, đánh dấu sự ra đời của một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất thế giới. Hiện nay, đây là một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng nhất ở Argentina.
Ở bên kia biên giới, giáp với công viên quốc gia Iguazu là một công viên quốc gia rất nổi tiếng của Brazil được thành lập vào năm 1939 với tên gọi Iguaçu. Thật ra, Iguaçu hay Iguazu cũng đều là một, do được đặt theo tên của dòng sông Iguazu, song chữ Iguaçu là do được phát âm theo tiếng Bồ Đào Nha. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên ở Brazil có kế hoạch quản lý cụ thể và rất chặt chẽ. Mục tiêu cơ bản của vườn quốc gia này là bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và danh lam thắng cảnh, cho phép các nhà khoa học đến đây để tiến hành nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường cũng như tổ chức các chương trình tham quan du lịch sinh thái. Đây cũng là khu bảo tồn sinh thái quốc gia đầu tiên của Brazil được chính phủ thành lập nhằm giữ gìn môi trường và cảnh quan tự nhiên cho các thế hệ tương lai.
Hai công viên quốc gia nói trên đã tạo nên một quần thể đa dạng sinh học liên tục kéo dài từ miền Trung đến miền Nam của châu Mỹ và được xem là những di sản tự nhiên đặc biệt quan trọng của nhân loại. Trong hai công viên quốc gia này còn hàng trăm khu rừng nguyên sinh chưa hề có sự tác động của con người. Vì lẽ đó, cả hai vườn quốc gia có diện tích tổng cộng 2.400 km vuông này đều đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Hồng Anh
 

Không có nhận xét nào: