Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Vài nét về Cubanos - chiếc bánh mì của 'Siêu đầu bếp'


Depplus.vn -
Đã là một tín đồ của môn nghệ thuật thứ 7, không mấy người là không biết tới tác phẩm điện ảnh về ẩm thực gây tiếng vang lớn năm 2014 - "Chef'" (Tựa Việt: "Siêu đầu bếp"). 

Hành trình từ một bếp trưởng một nhà hàng tên tuổi nhưng bị bó buộc trong đủ các công thức chuẩn mực tới một người bán bánh mì, rong ruổi trên chiếc xe tải lưu động là một chặng đường dài, đong đầy cảm xúc của chính nhân vật đầu bếp Carl trong phim cũng như người theo dõi.
 
Nhưng ở đây, khoan chưa nhắc tới bộ phim, tôi muốn nói tới...chiếc bánh mì.
Loại đồ ăn được Carl chọn để kinh doanh trên chiếc xe tải, cũng là để "tái khởi động" cuộc sống và ước mơ là chiếc bánh mì Cubanos (hay bánh kẹp kiểu Cuba). Không hiểu sao, hình ảnh Carl cùng cậu con trai láu lỉnh và người bạn thân Martin đứng bán bánh mì cho người trên phố trở nên ám ảnh tôi đến mức tôi trở nên mê mẩn và ham thích tìm hiểu về loại bánh ấy.
Lịch sử li kì
 
Nguồn gốc của chiếc bánh mì Cubanos rất lí thú, được nhiều người đánh giá là bí ẩn và không kém phần hấp dẫn bởi cho tới tận ngày nay, người ta vẫn còn tranh luận xem đây là chiếc bánh gốc Mỹ hay Cuba. Vào cuối những năm 1800, đầu những năm 1900, việc đi lại giữa Cuba và tiểu bang Florida của Hoa Kỳ khá dễ dàng, đặc biệt là tới Key West và Tampa nên người Cuba thường xuyên đi thuyền qua lại để làm việc, giải trí hoặc thăm nom gia đình. Người ta tin rằn Cubanos là biến thể của bánh mì với giăm bông và phô mai thông thường, ban đầu được bán tại các quán cà phê bình dân phục vụ cho công nhân trong nhà máy xì gà và nhà máy đường tại Cuba, cũng đồng thời xuất hiện trong bữa trưa của người lao động trong cộng đồng người di cư từ Cuba tới Key West (Florida) để làm việc trong các nhà máy sản xuất xì gà. 
 
Khi ngành công nghiệp xì gà ở Florida được chuyển sang Tampa vào những năm 1880, chiếc bánh kẹp cũng bắt đầu xuất hiện trong các quán cà phê tại Ybor và sau đó là vùng phía Tây Tampa. Nhà sử học Loy Glenn Westfall đã đưa ra nhận định, Cubanos là chiếc bánh sinh ra ở Cuba nhưng được phát triển ở Key West. Sau đó, những người Cuba lưu vong đã mang công thức đó tới Miami, nơi cubanos rất được ưa chuộng cho tới ngày hôm nay, cũng là bối cảnh chính trong bộ phim “Chef” lừng danh. 
Công thức đơn giản bất ngờ và ‘vạn người mê’
Dù vẫn có nhiều cuộc tranh luận về nguyên liệu để tạo nên một chiếc bánh sandwich Cuba “chuẩn” nhưng công thức phổ biến cho một chiếc bánh Cubanos được nhiều người công nhận bao gồm giăm bông, thịt lợn nướng, pho mát Thụy Sĩ, dưa chua, mù tạt, đôi khi cả xúc xích ý salami đặt trong chiếc bánh mì Cuba. 
 
Bánh mì Cuba là loại bánh mì trắng đơn giản, tương tự bánh mì Pháp hay Ý nhưng có một chút khác biệt trong phương pháp nướng cũng như thành phần ( thành phần chứ một lượng nhỏ chất béo dạng mỡ lợn hoặc dầu thực vật). Chiếc bánh thường có hình chữ nhật chứ không phải hình tròn như bánh mì Pháp hay Ý.Các ổ bánh được cắt theo từng đoạn dài khoảng 20-30 cm, phết nhẹ bơ hoặc chải dầu ô liu trên lớp vỏ rồi được cắt làm đôi theo chiều ngang, phần mù tạt được phết vào bên trong, sau đó đến các nguyên liệu đã kể trên.
 
Sự bất đồng về nguồn gốc chính thức của chiếc bánh Cubanos nằm ở phần có hay không có thêm xúc xích Ý trong thành phần. Nếu ở Tampa, xúc xích ý Genoa salami là thành phần không thể thiếu (có thể do ảnh hưởng của người Ý nhập cư cùng sống trong cộng đồng với người Cuba và Tây Ban Nha trong thành phố Ybor) thì ở Nam Florida hay Miami, xúc xích Ý được coi là nguyên liệu “thừa”.
 
Cuối cùng, từng chiếc Cubanos được nướng bằng cách ép trong máy nướng, để bề mặt bánh giòn tan và lớp phô mai chảy ra. Người đầu bếp thực hiện công đoạn cắt bánh theo đường chéo trước khi phục vụ thực khách. Vị ngon chỉ đơn thuần tới từ lớp phô mai mềm dai tan ra trong miệng, giăm bông, thịt lợn nướng, nước xốt mojo nhưng chính sự kết hợp giản dị, kết hợp với hồn cốt của món ăn địa phương tạo nên món ăn đầy mê hoặc, cũng như tạo nên “hình ảnh” (với tôi chính xác chỉ là hình ảnh) đầy kích thích cho những người đam mê đủ thứ…ăn được như tôi.
Kết
 
Cubanos thực chất là món bánh địa phương, không phải sáng tạo mới của nhân vật trong phim, nhưng tính biểu tượng của món ăn trong phim cũng như cơn sốt của “Chef” khiến nhiều người mang tâm niệm, đây là chiếc bánh mì của “Siêu đầu bếp”. Trong hàng trăm thứ thực đơn mới lạ, người ta vẫn thèm thuồng những điều giản dị mà nhẹ nhàng, Có những món ăn được nấu bởi tình yêu và sự đam mê, là hồn cốt của một quê hương vùng xứ mà khi nhắc đến nơi đó, họ lại thèm được nhấm nháp hương vị tuyệt vời đó, như Cubanos và Miami, nhưng bánh mì Việt Nam và…tôi.
T.H (Depplus.vn/MASK)

Không có nhận xét nào: