Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

Một ngày ở thành phố Vientiane

Đạp xe đến tháp chùa, uống cà phê nohm hay mua những món thủ công mỹ nghệ là hoạt động bạn nên thử khi đến Vientiane. 

Vientiane của Lào trước đây như một thành phố còn ngủ vùi theo thời gian. Không có những trụ rút tiền ATM hoặc đường trải nhựa, truyền thông sơ sài và người dân địa phương di chuyển trên đường bằng xe đạp hoặc xe tuk-tuk.
Giờ đây, Vientiane đã trở mình tỉnh giấc. Những quán bar phục vụ cocktail, chuỗi nhà hàng bắt đầu xuất hiện. Khách sạn và biệt thự sang trọng được đầu tư phát triển để dân du lịch dễ tiếp cận với thành phố hơn. Mặc dù diện mạo có thay đổi, trong mắt du khách Vientiane vẫn là một thành phố còn ngái ngủ. 24 giờ ở Vientiane là 24 giờ để bạn khám phá thành phố theo một cách hoàn toàn mới mẻ. 
Ăn sáng bằng bánh sừng bò
Để chào buổi sáng ở Vientiane, bạn có thể ăn một cái bánh sừng bò và uống một ly cà phê espresso tại Le Croissant d'Or trên đường Nokeo Khoummane và ngắm nhìn thành phố Vientiane trôi chậm chậm. Chỉ với một chiếc bánh sừng bò, bạn cũng đã nạp năng lượng vừa đủ để bắt đầu hành trình khám phá Vientiane. 
Đạp xe đến tháp chùa 
Khi không khí vẫn còn mát rượi, bạn hãy thuê một chiếc xe đạp với giá khoảng 4,8 USD một ngày từ nhà khách hay khách sạn, hoặc leo lên xe tuk-tuk và tiến thẳng đến Pha That Luang, khu tháp thờ và chùa với kiến trúc độc đáo của Lào nằm cách trung tâm thành phố 4 km về hướng Đông Bắc. Theo truyền thuyết, trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Pha That Luang là di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của quốc gia Lào, được in trên tiền giấy của đất nước. Vé vào tham quan khoảng 5.000 kip một người (khoảng 13.000 đồng). 
Trên đường rời đi, bạn có thể ghé qua khải hoàn môn Patuxay. Patuxay cao khoảng 55 mét, có bốn mặt, gồm bảy tầng tháp và hai tầng phụ. Đây là niềm tự hào của người Lào, được mô phỏng theo kiến trúc của khải hoàn môn Paris nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt ảnh hưởng nhiều của Phật giáo. Để leo lên Patuxay, bạn sẽ phải trả phí 3.000 kip (tương đương 8.000 đồng). 
Uống cà phê nohm
Người dân địa phương thường uống cà phê truyền thống ở những chiếc xe đậu trên vỉa hè. Được xay từ hạt cà phê robusta trộn với chút sữa, cà phê nohm của Lào mạnh đến nỗi bạn có thể không chịu được một muỗng. Nó hoặc làm bạn nhăn nhó nhè ra hoặc khiến bạn mê mẩn không quên suốt đời. Hãy thử tạt ngang và làm một ly cà phê đặc trưng.
moto-9860-1411465935.jpg
Một phong cách uống cà phê kiểu Lào, khá giống cà phê vỉa hè ở Việt Nam. Ảnh: ytravelblog
Chọn đồ ăn Lào hay đồ Việt
Buổi trưa bạn có thể chọn ăn món Lào hoặc món Việt Nam. Nếu chọn món Việt, bạn có thể tìm đến nhà hàng Việt Nam PVO nằm trên đường Simeaung, chuyên phục vụ những món ăn hấp dẫn nổi tiếng trong thành phố. Một bữa ăn dành cho hai người sẽ dao động mức giá 30.000 kip (khoảng 80.000 đồng).
POV-JPG-8998-1411465935.jpg
Món ăn phong cách Việt được bán trong nhà hàng POV ở Vientiane, Lào. Ảnh:Tripadvisor
Còn nếu bạn muốn thưởng thức đồ ăn Lào, bạn có thể dùng bữa ở Makphet, một nhà hàng của tổ chức phi chính phủ thành phố, nơi trẻ được đào tạo và sau này trở thành nhân viên nhà hàng. Nhiều món ngon của Lào được phục vụ ở đây, đặc biệt là món laap gồm salad thịt lợn xay với rau mùi, tương ớt và bạc hà hay thức uống trà hoa dâm bụt với nước chanh. 
Tìm hiểu lịch sử khủng khiếp
Cũng giống như Việt Nam, Lào cũng có một quá khứ đau thương và để tìm hiểu về lịch sử khủng khiếp đó, bạn nên đến trung tâm COPE trên con đường Khouvieng. Giữa năm 1964 đến 1973, Mỹ đã ném hơn 260 triệu quả bom xuống Lào, đưa Lào trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Khoảng 30% số bom đó vẫn chưa phát nổ khiến 20.000 người chết và bị thương tính đến nay. Đến trung tâm COPE, bạn sẽ hình dung được những trang sử mà Lào đã phải đi qua. Những món tiền quyên góp ở đây được dùng để làm tay chân giả cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn. 
cope-JPG-8375-1411465936.jpg
Đến trung tâm COPE, bạn có thể hiểu rõ hơn sự tàn khốc của chiến tranh. Ảnh:Tripadvisor
Mua sắm buổi chiều mát
Nếu muốn mua những bộ trang phục hợp gu, hãy tìm đến Couler d'Asie, nơi quy tụ rất nhiều cửa hàng thời trang. Hoặc bạn có thể đi dọc công viên Chao Anouvong, gần sông Mekong, bạn sẽ tìm thấy những gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, quần áo hoặc những món linh tinh khác. 
Uống bia Lào ngắm hoàng hôn
Khi mặt trời bắt đầu lặn, bạn có thể đến bar Baw Pennyoung để ngắm hoàng hôn. Đây là nơi có vị trí đẹp nhất để ngắm mặt trời. Bạn hãy gọi một chai bia Lào ướp lạnh khoảng 15.000 kip (40.000 đồng) vừa nhấp một ngụm vừa nhìn về phía sông Mekong. 
Ăn tối ở Bếp Lào
Đây là một trong những nơi phục vụ nhiều món ăn ngon truyền thống và được du khách đến Lào yêu thích. Đến với Bếp Lào trên đường Hengboun, bạn có thể thưởng thức món xúc xích Lào, thịt hầm hoặc cá nướng. Ngoài Bếp Lào, bạn cũng có thể ghé Vieng Savanh để ăn món mì với xúc xích và đậu phộng.
Chân Phương

Thăm những ngôi chùa cổ kính ở Viêng Chăn

Đăng Bởi  - 
Vieng Chan

Khi các thành phố thủ đô trên thế giới đang ngày từng ngày nỗ lực phô bày sự phát triển, sự nhộn nhịp và bận rộn, thì Viêng Chăn, thủ đô của Vương quốc Lào, đất nước láng giềng chung thủy của nước ta, vẫn là một thành phố cổ kính hiền hòa, trầm mặc, bình yên.

Nằm thoai thoải ven dòng Mê Kông, trở thành thủ đô của Lào từ năm 1563 dưới triều đại vua Setthathirat, Viêng Chăn qua mấy trăm năm phát triển vẫn không màng tới những tòa nhà chọc trời, những khu thương mại rực sáng, những đại lộ rộng thênh thang. Thủ đô này vẫn bình yên với những công viên rợp bóng cây xanh, những con đường hiền hòa thấp thoáng bóng những nhà sư trẻ, những mái chùa ẩn hiện trong màu xanh của cây cối. Một nhịp sống yên bình, xa rời tất cả những sự phô trương bề bộn giữa thời đại này, sẽ là một điều thú vị khó tìm thấy ở một thủ đô nào khác.
Trên đại lộ Lane Xang, đại lộ lớn nhất Viêng Chăn là Khải hoàn môn Patuxay, một biểu tượng của thành phố bình yên này. Patuxay được xây dựng từ năm 1958, với lối kiến trúc bên ngoài được mô phỏng Khải hoàn môn của Paris. Bên trong của Tháp là những phù điêu,  kiến trúc, biểu tượng của quốc gia Lào. Lần theo từng bậc thang bên trong tháp để lên đỉnh cao, bạn có thể nhìn ngắm nhiều biểu tượng Phật giáo, những ô cửa dễ thương hướng ra bên ngoài một không gian thoáng đãng. Trên tầng cao nhất, bạn có thể nhìn ngắm toàn bộ thành phố Viêng Chăn với cây cối xanh xanh, rất mực hiền hòa.

Vieng Chan
 Pha That Luang, biểu tượng của văn hóa và tôn giáo của Quốc gia Lào
Vieng Chan
 : Khải hoàn môn Patuxay, biểu tượng của thành phố thủ đô Viêng Chăn
Rời Khải hoàn môn, cách đó khoảng 2km là Pha That Luang, di sản văn hóa thế giới và là biểu tượng của quốc gia cũng như của tôn giáo trên vương quốc Lào. Công trình này được xây dựng từ năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Ấn Độ. Đây là tháp xá lị đẹp nhất và lớn nhất ở Lào, tương truyền rằng bên trong có chứa xá lợi là một sợi tóc của Đức Phật và nhiều vàng bạc châu báu. Bên ngoài tháp lóng lánh dát vàng, ngọn tháp vươn cao lên nền trời vời vợi, mang một vẻ uy nghiêm mà cũng rất hiền từ, khiến người xem choáng ngợp nhưng cũng thấy bình yên.

Vieng Chan
 Trường Đại học Phật giáo ở Viêng Chăn, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp
Vieng Chan
 Nhiều công trình kiến trúc của Viêng Chăn thường có cách trang trí đậm tính truyền thống của Lào, với những họa tiết đặc trưng
Lào là một quốc gia Phật giáo. Có khoảng 1.600 ngôi chùa trải rộng trên đất nước này, riêng Viêng Chăn đã sở hữu vài trăm ngôi chùa. Đến với Viêng Chăn, là đến với thành phố của những ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa là một vẻ đẹp, một nét bình yên. Nhưng có hai ngôi chùa quý giá bạn nhất định phải tìm đến, đó là chùa Phra Keo và chùa Sisaket.
Chùa Phra Keo là ngôi chùa cổ kính nhất và quan trọng nhất của Lào, chỉ đứng sau Pha That Luang. Chùa được vua Setthathirat xây dựng vào năm 1565 sau khi ông lên ngôi để bảo vệ bức tượng Phật ngọc và làm nơi cầu nguyện cho Hoàng tộc. Vì thế, ngôi chùa này hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều báu vật cổ của Hoàng tộc Lào, và còn được gọi là Chùa Hoàng gia.
Vieng Chan
Chùa Wat Phra Keo: ngôi chùa cổ kính và quan trọng nhất trên đất nước Lào, chỉ đứng sau Pha That Luang.
Chùa Sisaket nằm trên đường Setthathirat, được xây dựng từ năm 1818 dưới triều vua Chao Anou. Ngôi chùa linh thiêng này còn được xem là một bảo tàng quốc gia vĩ đại bởi nơi đây hiện lưu giữ đến 6.840 bức tượng đủ kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và vô cùng quý hiếm. Chỉ riêng khu vực hành lang của ngôi chùa đã có đến 2.000 tượng Phật bằng nhiều nguyên vật liệu khác nhau như đồng, mạ vàng, mạ bạc, gốm sứ.
Vieng Chan
 Hành lang tượng Phật trong chùa Wat Sisaket.
Vieng Chan
 Chùa Wat Sisaket, còn là bảo tàng với  hàng ngàn tượng Phật quý hiếm.
Sau khi thăm các ngôi chùa, bạn có thể gọi một chiếc xe tuk tuk để đi đến Vườn Tượng Phật, cách Viêng Chăn khoảng 25km. Tuk tuk ở Lào rất hiền, có bảng giá treo ở xe, người chở sẽ sẵn lòng chờ bạn tham quan xong để chở bạn về lại thủ đô, rất dễ chịu. Vườn Tượng Phật là một điểm đến vô cùng độc đáo, bởi trên một quang cảnh rộng, nằm ở phía Đông Nam Viêng Chăn, có đến hàng trăm bức tượng Phật độc đáo làm bằng bê tông, dáng nằm ngồi khác nhau, xen lẫn với các nhân vật trong Hindu giáo, và những bức tượng thần linh, động vật, quỷ thần.. Giữa khu vườn là một căn hầm nhỏ giống hình quả bí ngô, bên trong mô phỏng ba tầng Thiên đường, trần gian và địa ngục.

Vieng Chan
  
Phong cảnh bình yên thường thấy ở các ngôi chùa trong thành phố.
Vieng Chan
Các biểu tượng Phật giáo xuất hiện ở những ngôi chùa khác nhau trong thành phố. 
Vieng Chan
  
Một con đường có tên “Sài Gòn” ở thủ đô Viêng Chăn, ghi dấu tình cảm giữa Viêng Chăn và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trở về Viêng Chăn, bạn đừng quên ghé chợ Talat Sao, còn gọi là chợ Sáng, ngôi chợ trung tâm của thành phố, mở cửa từ 7h30 sáng đến 4 giờ chiều. Là một ngôi chợ sầm uất nhưng chợ Sáng vẫn mang phong cách của người Lào: hiền lành, nhỏ nhẹ, thân thiện. Nơi đây bạn có thể chọn mua cho mình một bức tượng gỗ, một món đồ nhỏ biểu tượng của Viêng Chăn, của Lào để khi ra về, thỉnh thoảng sẽ nhìn ngắm để nhớ về một thành phố thủ đô dịu dàng hiếm có, một thành phố xanh yên bình, nhẹ nhàng, với con người nơi này thật đôn hậu, dễ thương.
Bài và ảnh: Huỳnh Thu Dung

Không có nhận xét nào: