Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng trên thế giới

(Toquoc) – Dường như bầu không khí của mùa xuân đã chạm tới từng ngọn cỏ, nhành hoa, len lỏi trong những tiếng cười vui, những âm thanh sôi động của vô số các lễ hội từ châu Á cho tới châu Âu, châu Mỹ. 
Trong không khí Tết đến xuân về rộn ràng khắp nẻo này, hãy cùng chúng tôi khám phá những lễ hội mùa xuân tạm được coi là tiêu biểu nhất trên thế giới.
1. Lễ hội Nước Songkran, Thái Lan
Lễ hội Nước Songkran là một sự kiện hàng năm – một trong những lễ hội quan trọng nhất của đất nước Chùa Vàng, diễn ra vào khoảng tầm tháng Tư và còn được du khách nước ngoài biết đến với tên gọi khác, Lễ hội nước. Người Thái Lan tổ chức lễ hội Songkran để chào đón năm mới. Ngoài tục té nước với ý nghĩa gột rửa những điều chưa tốt trong năm cũ, đón nhận sự tươi tắn và may mắn trong năm mới, lễ hội Songkran còn đi kèm với truyền thống đi thăm hỏi người cao tuổi, đến chùa lễ Phật…Năm nay lễ hội Songkran rơi vào ngày 13/4 và bạn hãy nhanh tay đặt vé giá rẻ tới Thái Lan để cùng tham dự lễ hội độc đáo còn có sự xuất hiện của những chú voi rất dễ thương này. 
2. Lễ hội Lăn Trứng Phục Sinh ở Nhà Trắng, Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tập hợp cùng các học sinh trên bãi cỏ trước Nhà Trắng để tham gia lễ hội Lăn Trứng Phục Sinh. Lễ hội diễn ra vào Ngày Thứ Hai Phục Sinh và quy định này được cho là bắt đầu vào năm 1814, do Đệ Nhất Phu Nhân lúc đó là bà Dolley Madison tổ chức. Năm nay, Lễ hội Lăn Trứng Phục Sinh sẽ diễn ra vào ngày 21/4. Nhà Trắng sẽ mở cửa bãi cỏ phía Nam (South Lawn) và mời các gia đình có trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở xuống tới tham dự lễ hội lăn trứng cùng nhiều hoạt động giải trí khác như nấu ăn, chơi thể thao, biểu diễn âm nhạc... 
3. Lễ hội Semana Santa ở Mexico, Tây Ban Nha
Semana Santa còn có tên gọi khác là Tuần lễ Thiêng, diễn ra trước lễ Phục sinh. Đây là một lễ hội quan trọng đối với nhiều nước Công giáo như Mexico, Tây Ban Nha, trong đó người ta sẽ tổ chức những buổi diễu hành tập thể, đốt pháo hoa nhiều màu sắc. Semana Santa cũng trùng với kỳ nghỉ xuân và bạn có thể nhìn thấy một bức điêu khắc bằng cát của bức tranh Bữa tối cuối cùng trên một bãi biển của Mexico vào dịp này. Trong khi đó, nếu bạn có điều kiện đến với đất nước của những chú bò tót, dù ở bất kỳ thành phố nào, bạn cũng có cơ may được chiêm ngưỡng những sân khấu do chính người dân địa phương dàn dựng theo phong cách thời Trung cổ hoặc vô số những bữa tiệc ngọt thú vị (người Công giáo không ăn thịt trong tuần lễ Phục sinh) không phải lúc nào cũng có trong năm hoặc những màn trình diễn thánh ca đầy ngẫu hứng trên ban công của nhiều gia đình. Năm nay lễ hội Semana Santa kéo dài từ ngày 11-20/4. 
4. Lễ hội Holi, Ấn Độ
Mùa xuân của miền Bắc Ấn Độ hẳn sẽ thiếu đi khá nhiều sắc màu nếu thiếu đi sự hiện diện của lễ hội Holi. Một trong những đặc trưng làm nên lễ hội Holi chính là việc những người Hindu sẽ ném các bột màu vào nhau, tạo nên vô số những mảng màu đa sắc và hết sức sôi động trong không gian. Holi còn được coi là lễ hội của tình yêu và kèm theo nhiều hoạt động mang tính truyền thuyết của Ấn Độ giáo cũng như các màn nhảy múa, ca hát. Dù bạn là người địa phương hay khách du lịch, dù bạn là nam hay nữ, giàu hay nghèo, già hay trẻ, tất cả đều không quan trọng. Mọi người đều bình đẳng với nhau và chỉ có niềm vui là điều được quan tâm nhất. Đến tối, các gia đình tạm dừng hoạt động vui chơi và cùng nhau đi thăm bạn bè, họ hàng. Khi đến với lễ hội Holi, ai cũng mang trong mình sự khoan dung, độ lượng, tất cả những hiểu lầm đều được xí xóa, do đó người ta còn coi đây là một dịp may để hàn gắn các mối quan hệ. Năm 2014, lễ hội Holi rơi vào ngày 17/3. 
5. Lễ hội Nowruz
Được biết đến rộng rãi với tên gọi Năm Mới Ba Tư, lễ hội hàng năm này đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân. Nó được tổ chức vào đúng ngày Xuân Phân (thường rơi vào ngày 21/3 hàng năm). Nowruz được tổ chức ở Iran cũng như một số vùng Trung Á, Nam Á cũng như ở thủ đô Bishek của Kyrgyzstan. Năm 2010, người ta đã tổ chức lễ hội Nowruz quốc tế lần đầu tiên ở thủ đô Tehran của Iran.
Vì đây là một lễ hội đón mừng năm mới, nên khi tham dự Nowruz bạn sẽ được tham gia những bữa tiệc lớn hoặc các tiết mục biểu diễn truyền thống. Đặc biệt rất có thể bạn sẽ gặp những người đàn ông mặc trang phục đỏ và bôi mặt đen (trong văn hóa của người Ba Tư cổ đại, màu đen là biểu tượng của may mắn) ca hát với kèn và trống lục lạc trên đường phố để chào đón năm mới.
6. Lễ hội Passover
Lễ hội Passover là một trong những lễ hội Do Thái được chờ đón nhất, được tổ chức để kỷ niệm ngày người Israel được giải phóng khỏi chế độ nô lệ ở Ai Cập cách đây hơn 3000 năm. Trong lễ hội này người ta sẽ cùng gia đình và bạn bè ngồi quanh bàn ăn, đọc kinh hồi tưởng lại cuộc hành hương rời khỏi Ai Cập. Họ cũng ăn những loại thực phẩm mang tính biểu tượng trên một chiếc đĩa mang tên Seder. Đây là một lễ hội tôn giáo thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn của người Do Thái đối với Chúa cũng như thể hiện khát khao tự do của họ. Năm nay, lễ hội Passover kéo dài 8 ngày, bắt đầu vào ngày 14/4 và kết thúc vào ngày 22/4. 
7. Lễ hội Lăn Pho Mát Đồi Cooper, Anh
Người ta sẽ cho lăn một khoanh pho mát Double Gloucester nặng khoảng 4kg từ đỉnh một ngọn dồi dốc đứng, có tên là đồi Cooper ở gần Gloucester, Anh. Sau đó các thí sinh tham dự phải chạy đuổi theo miếng pho mát đó. Người chiến thắng sẽ được nhận khoanh pho mát Double Gloucester. Hoạt động đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ này bắt nguồn từ tập tục đốt những bó củi khô rồi cho chúng lăn xuống đồi của người Anh, với ý nghĩa kết thúc một mùa đông và chào đón năm mới, hy vọng những mùa màng bội thu.
Từ thế kỷ thứ 15, những bó củi khô mới được thay bằng một khoanh pho mát và người ta phải chạy theo để bắt được nó. Tuy nhiên, với sức nặng và tốc độ mà khoanh pho mát có thể đạt được khi lăn xuống đồi là rất lớn (ước tính là hơn 100km/h) nên từ năm 2013, nó đã được thay thế bằng một miếng bọt biển để đảm bảo an toàn cho thí sinh cũng như người xem. Lễ hội Lăn Pho Mát Đồi Cooper được tổ chức vào ngày thứ Hai cuối cùng trong tháng 5, thu hút không chỉ người dân địa phương ở ngôi làng Brockworth gần đó, mà cả những người tới từ khắp nơi trên thế giới. Năm ngoái, một anh chàng người Mỹ 27 tuổi và một phụ nữ người Nhật 39 tuổi là những người đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua nổi tiếng ở đồi Cooper.
8. Lễ hội Holla Mohalla, Ấn Độ
Một ngày sau lễ hội Holi của người Hindu, một sự kiện chào đón mùa xuân nữa lại được tổ chức ở Ấn Độ, đó là lễ hội Holla Mohalla của người Sikh. Lễ hội này kéo dài 3 ngày, với những màn biểu diễn âm nhạc, thơ ca, võ thuật, thổi lửa hay các bữa tiệc trên đường phố ở bang Punjab của Ấn Độ. Đây cũng là thời điểm mà những tín đồ của đạo Sikh bày tỏ sự tận tâm của mình đối với Khalsa Panth – một đoàn thể của các tín đồ đạo Sikh.
Lễ hội Holla Mohalla được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên theo lịch Nanakshahi, đôi khi trùng với Năm mới của người Sikh. Năm nay, nó sẽ rơi vào ngày 17/3.
9. Lễ hội Cimburijada, Bosnia
Mỗi năm, người dân ở thành phố Zenica của Bosnia lại tổ chức một lễ hội mang tên Cimburijada, còn gọi là lễ hội Bác trứng vào tháng Ba. Từ sáng sớm, họ đã tập trung ở sông Bosna để chào đón ngày đầu tiên của mùa xuân. Lễ hội bắt đầu bằng việc chuẩn bị một bữa sáng truyền thống với rất nhiều quả trứng trong một chiếc chảo lớn trên bếp củi. Sau đó các gia đình hoặc bạn bè, đôi khi là những vị khách đến thăm thành phố sẽ cùng tập hợp lại, ăn sáng với món trứng bác và bánh mỳ sandwich.
10. Lễ hội Đêm Walpurgis
Lễ hội này được đặt tên theo Thánh Walpurga và được tổ chức ở cả vùng Bắc Âu và Trung Âu (Cộng hòa Sec, Estonia, Phần Lan, Thụy Điển, Đức, Hà Lan…) vào khoảng 30/4 hoặc mồng 1/5 hàng năm với ý nghĩa kết thúc một mùa đông lạnh giá và chào đón những tia nắng ấm áp đầy sức sống của mùa xuân. Các hoạt động chính trong lễ hội này bao gồm hóa trang, ca hát, nhảy múa và đốt lên những đống lửa lớn để xua đuổi ma quỷ. Một trong những nơi tổ chức các sự kiện chào mừng lễ hội Đêm Walpurgis tưng bừng nhất là bảo tàng ngoài trời Skansen ở Stockholm, Thụy Điển.
11. Lễ hội Las Fallas, Tây Ban Nha
Sự xuất hiện của các nhân vật kỳ quái, những âm thanh đôi khi vượt quá tầm kiểm soát và khiến bạn cảm thấy mặt đất dưới chân mình như đang rung chuyển là những hình ảnh quen thuộc trong lễ hội Las Fallas kéo dài 5 ngày – một trong những lễ hội sôi động, ầm ĩ nhất ở đất nước của những chú bò tót. Dù bạn có chuẩn bị tinh thần trước đến thế nào thì khi tham gia, chắc hẳn bạn cũng sẽ bị bất ngờ với lễ hội không được khuyến khích cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai này.
Hiện người ta còn chưa rõ về nguồn gốc của lễ hội Las Fallas, tuy nhiên theo một số người, Las Fallas bắt đầu từ thời kỳ Trung Cổ, khi các nghệ nhân đốt những thanh củi mà họ đã tiết kiệm trong cả một mùa đông trước đó để chào đón mùa xuân. Theo thời gian, dưới ảnh hưởng của nhà thờ Cơ Đốc giáo, lễ hội Las Fallas đã phát triển thành một dịp để tưởng niệm Thánh Joseph. Lễ hội Las Fallas rơi vào tháng Ba hàng năm và là một trong những sự kiện giúp thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài nhất tới Tây Ban Nha.
12. Lễ hội Xuân Phân ở Teotihuacán, Mexico
Mỗi năm, vào ngày 20 hoặc 21 tháng Ba, tức là ngày Xuân Phân hàng ngàn người lại tập trung tại khu khảo cổ họcTeotihuacán ở thủ đô Mexico của Mexico. Từ 9 giờ sáng cho tới 1 giờ chiều, những người tham gia mặc trang phục trắng sẽ leo lên 360 bậc thang tới đỉnh của Kim tự tháp Mặt trời, công trình kiến trúc lớn nhất trong khu vực để đón lấy nguồn năng lượng của mặt trời, với hy vọng sẽ có sức khỏe thật tốt. Vì người ta cho rằng, vào ngày Xuân Phân, các cổng năng lượng mặt trời sẽ được mở ra, và họ sẽ dễ hứng được nguồn năng lượng ấy nhất. Lễ hội Xuân Phân này rất nổi tiếng và thường thu hút tới hơn một triệu lượt khách tới đây mỗi năm.
Nguyễn Hương (Tổng hợp từ báo nước ngoài)

Không có nhận xét nào: