Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Myanmar kỳ thú

Cầu U Bein - nơi ngắm hoàng hôn đẹp bậc nhất thế giới

(iHay) Nước chủ nhà Seagame 27 như một thỏi nam châm kỳ lạ thu hút du khách bằng văn hóa đặc sắc chưa bị pha tạp, cùng phong cảnh hữu tình đẹp mê hồn.

.
 
Bởi Myanmar vẫn còn giữ được những truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, những nếp sống đời thường thô sơ giản dị, nên khiến cho nhiều du khách say mê. Tới với Myanmar, bất kỳ du khách nào cũng muốn được một lần ngắm hoàng hôn trên cây cầu gỗ mà người bản địa gọi là cầu U Bein.
Cầu U Bein là một kiến trúc bằng gỗ tếch được cho là dài nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Khoảng từ giữa năm 1.800, cầu được xây dựng trên hồ Taungthaman bằng gỗ tếch tận dụng từ các cung điện hoàng gia cổ xưa. Cây cầu có chiều dài 1,2 km, bao gồm hơn 1.000 cột trụ và hàng ngàn tấm ván, đều làm bằng gỗ.
Cầu U Bein đã trở thành biểu tượng văn hóa của Myanmar với vẻ đẹp cổ kính và lãng mạn. Nó cũng được mệnh danh là một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới.

Cầu U Bein trong nắng chiều

Một nhà sư thư thái ngồi đọc báo trên cầu

Cầu U Bein là nơi đi lại của người dân địa phương hai bên bờ sông

Trên cầu có những băng ghế dài để người dân hay du khách có thể ngồi ngắm cảnh, chuyện trò

Là nơi những nhà sư ngồi đàm đạo

Bạn có thể dạo bước hay ngồi ngắm cảnh trên cầu hoặc ngồi trên một chiếc thuyền giữa dòng sông ngắm toàn cảnh cây cầu trong ánh hoàng hôn

Từ xa bạn có thể ngắm những sinh hoạt của người dân đi lại trên cầu, một khung cảnh yên bình mà đẹp đến nao lòng
Thả chân đong đưa cùng nhau tâm tình

Chuẩn bị đi dự hội

Những nhà sư với áo cà sa nâu đỏ bước vội vã trong ánh hoàng hôn

Nhịp sống bình yên của những người dân trên cây cầu hàng trăm tuổi

Trầm ngâm ngắm hoàng hôn dần buông trên mặt sông

Ấn tượng những nụ cười thanaka

(iHay) Đến với miền đất của Phật giáo Myanmar ngoài cảnh đẹp với những ngôi chùa hoành tráng cầu kỳ, hẳn bất cứ ai cũng phải ấn tượng với những gương mặt được thoa bột thanaka luôn nở nụ cười đầy thân thiện.


Thanaka là loại cây được trồng rất nhiều trên khắp đất nước Myanmar. Loại bột sền sệt được làm từ thân cây thanaka được mài với một chút nước trong chiếc đĩa sành, gỗ hay đá nước có công dụng chống nắng và dưỡng da rất tốt.
Thanaka thường được thoa lên mặt với nhiều hình thù khác nhau như hình tròn, hình chữ nhật hay hình những chiếc lá, bông hoa để tạo thêm nét duyên dáng cho những cô gái Myanmar.

Những cô gái trẻ duyên dáng với bột thanaka được thoa dưới những hình thù khác nhau
 
Những người lần đầu tới Myanmar sẽ thắc mắc không hiểu người dân bản địa bôi gì trên mặt? Quả thực, thanaka đã trở thành nét văn hóa vô cùng đặc sắc mà chỉ Myanmar mới có, tạo ra sự hấp dẫn và tò mò cho cả thế giới.
Người dân Myanmar luôn tự hào sở hữu một loại mỹ phẩm độc đáo có thể tự chế mà tất cả phụ nữ đều yêu thích sử dụng. Mỗi du khách tới Myanmar đều muốn được thử một lần thoa lên mặt loại mỹ phẩm đặc biệt này.
Và tới khi chia tay Myanmar, điều mà du khách không thể quên chính là gương mặt, những nụ cười thanaka dù rạng rỡ hay e ấp thì đều vô cùng thân thiện.

Những em bé hồn nhiên với thanaka trên mặt

Thanaka đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của Myanmar

Những cô gái Myanmar mang một vẻ đẹp duyên dáng, giản dị

Ở bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể bắt gặp những nụ cười e ấp mà thân thiện

Những ngôi chùa lộng lẫy ở Mandalay

(iHay) Vùng đất huyền bí và linh thiêng này là điểm đến mơ ước đối với tất cả những ai quan tâm đến Phật giáo.

.
 
Mandalay là thành phố lớn thứ hai của Myanmar sau thủ đô Yangon. Mandalay từ lâu đã được coi là "thánh địa Phật giáo" với hơn 4.000 ngôi đền, chùa được trang trí điêu khắc một cách tinh xảo. Đặc biệt, có rất nhiều ngôi chùa được dát vàng bên ngoài và các tượng Phật cũng được đúc bằng vàng ròng.

Những ngôi chùa lộng lẫy nằm giữa vùng đất xanh mát nhìn từ đỉnh đồi Sagaing 

Ngôi chùa chính tọa lạc trên đỉnh đồi Sagaing

Những ngôi chùa cổ ở làng Inwa, một trong những  ngôi làng được du khách ưa thích

Những ngôi chùa độc đáo ở làng Mingun

Chùa Kuthodaw

Cổng vào ngôi chùa bề thế Sandamuni ở dưới chân đỉnh núi Mandalay

Vì theo dòng Phật giáo tiểu thừa nên trong các ngôi chùa chỉ thờ duy nhất tượng Phật Thích Ca, với nhiều hình dáng khác nhau và tất cả đều được mạ vàng ròng

Lang thang miền cổ tích Bagan

(iHay) Bagan là một trong những điểm đến được ưa thích nhất ở Myanmar bởi không gian cổ xưa pha chút huyền bí.

.
 
Thành phố cổ Bagan từng là kinh thành của một số vương triều Miến Điện. Hiện tại, khu di tích Bagan trải rộng trên khoảng 42km2, bao gồm rất nhiều công trình mang tính tâm linh được xây dựng cách đây gần 10 thế kỷ, khi triều đại phong kiến đầu tiên của Myanmar định đô tại đây.
Trong các thế kỷ 12 và 13, Bagan là trung tâm Phật giáo của cả vùng Đông Nam Á. Bagan cũng từng là thủ đô của Myanmar trong suốt 230 năm.

Bagan vời hàng ngàn ngôi đền rực rỡ trong ánh bình minh
 
Đến Bagan chúng tôi như lạc vào một miền cổ tích với vô số đền cổ ngàn năm tuổi nằm san sát nhau, uy nghiêm mà trầm mặc giữa những tán cây của vùng đất khô cằn và những con đường nhỏ. Chúng tôi bắt đầu một ngày mới ở Bagan bằng việc ngắm bình minh trên những ngôi đền cổ.
Chiếc xe ngựa đón chúng tôi từ lúc tờ mờ sáng khi cả Bagan vẫn còn chìm trong giấc ngủ.

 Hàng ngàn ngôi đền ẩn hiện dưới những lùm cây lúp xúp, xen giữa là những con đường mòn quanh co

Những ngôi đền cổ trong ánh nắng của ngày mới
 
Ngồi trên bậc cao của một ngôi đền cổ hồi hộp chờ đón những tia sáng bình minh đầu tiên rót trên hàng nghìn ngôi đền cổ quả thực là một cảm giác không thể tuyệt vời hơn. Khung cảnh ấy giúp chúng tôi cảm nhận được nơi đây đã từng có một thời kỳ huy hoàng đạt đến đỉnh cao của văn hóa và kiến trúc.
Sau khi ngắm nhìn những tòa tháp cổ từ từ hiển hiện rõ nét trong ánh nắng ấm áp của một ngày mới, chúng tôi lại ngồi trên chiếc xe ngựa chậm rãi chạy trên những con đường nhỏ quanh co và say mê ngắm nhìn những ngôi đền cổ với kiến trúc đa dạng và tinh xảo.

Những chiếc xe ngựa là phương tiện phổ biến và được du khách yêu thích
Ở Bagan có hai cách tuyệt vời nhất để bạn thưởng ngoạn vẻ đẹp của nơi này là đi xe ngựa hoặc xe đạp. Với xe ngựa thì người lái sẽ trở thành một hướng dẫn viên đưa bạn tới những địa điểm nổi tiếng mà bạn không cần mất nhiều thời gian tìm đường với giá 25 USD/xe chở được 3 người.
Ngồi trên xe ngựa dập dềnh từ từ ngắm nhìn phong cảnh trong tiếng vó ngựa đều đặn là một cảm giác cũng rất thú vị. Bạn chỉ tốn 1 USD/ngày thuê xe đạp và có thể tự mình khám phá những địa điểm không có trong lịch trình.

Ở Bagan có rất nhiều vị trí để du khách có thể quan sát cả quần thể đền đài cổ từ trên cao

Có rất nhiều ngôi đền được xây dựng công phu và tinh xảo
 
Kết thúc một ngày chúng tôi lại tìm về ngọn tháp ban sáng để từ đó ngắm hoàng hôn chậm buông trên miền cổ tích Bagan. Những tia nắng cuối ngày nhiều màu sắc trải dần trên những ngôi đền rồi từ từ biến mất tạo một cảm giác nuối tiếc khi kết thúc một ngày cũng như nuối tiếc một đế chế huy hoàng đã từng tồn tại ở nơi đây. Và cái cảm giác ngày hôm đó có lẽ tôi không bao giờ quên được.

Bagan trong ánh hoàng hôn

Những chiếc xe đạp hay những chiếc xe ngựa vội vã trong ánh chiều len lỏi giữa những đền đài làm nơi đây yên bình như trong cổ tích

Khi hoàng hôn dần tắt chỉ còn lại những ngọn tháp cổ kính, uy nghiêm giữa trời chiều

Phượt ký của Mèo Già

Độc đáo tu viện trên đỉnh núi lửa

(iHay) Bagan (Myanmar) yên bình không chỉ có những ngôi đền cổ hàng nghìn tuổi mà còn rất nhiều ngồi chùa, tu viện độc đáo hấp dẫn du khách.


 
Tu viện Taung Kalat
Đầu tiên phải kể đến tu viện Taung Kalat trên ngọn núi lửa Popa. Cách trung tâm Bagan khoảng 50km về phía đông nam, ngọn núi Popa sừng sững nhô cao trên nền trời xanh.

Tu viện Taung Kalat cheo leo trên đỉnh núi
Đường lên đỉnh núi Popa rất cao và dốc đứng. Người ta đã làm bậc thang đi lên và lan can vịn chắc chắn, có mái che suốt cả đoạn đường. Muốn tới được tu viện trên đỉnh núi, bạn phải vượt qua đúng 777 bậc thang. Trên đường leo lên đỉnh bạn sẽ gặp rất nhiều những chú khỉ bạo dạn đứng ngồi khắp nơi. Những chú khỉ ở đây rất dạn người, nếu bạn sơ hở có thể bị những chú khỉ ở đây giật mất đồ ăn.


Những chú khỉ nghịch ngợm trên đường lên tu viện

Khung cảnh nhìn từ trên tu viện xuống
 
Lên tới đỉnh núi Popa bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ra khung cảnh hùng vĩ núi non trùng điệp với những ngôi chùa ẩn hiện. Đặc biệt, Taung Kalat được cho là tu viện linh thiêng bậc nhất ở Myanmar.
Chùa vàng Shwezigon
Một ngôi chùa linh thiêng ở Bagan là chùa vàng Shwezigon. Được xây dựng từ thế kỷ 12 theo kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa ở Myanmar, Shwezigon là ngôi chùa vàng lớn thứ hai ở đất nước này.

Chùa vàng Shwezigon 
Bất cứ du khách nào tới đây cũng đều bị choáng ngợp trước vẻ nguy nga của Shwezigon. Chùa bao gồm tòa tháp chính khổng lồ được dát vàng lá, những ngôi đền nhỏ xung quanh cùng với nhiều dãy nhà rộng làm nơi tụ họp của Phật tử, nơi chuẩn bị đồ lễ trong những dịp lễ hội.
Đặc biệt, trong khối tháp nguy nga dát vàng cao hơn 70m của chùa Shwezigon được lưu truyền là nơi lưu giữ một xá lợi của Đức Phật. Chính bảo vật này đã khiến chùa Shwezigon trở thành ngôi chùa linh thiêng nhất của Bagan.

Những đàn chim bồ câu bay rợp trời trong chùa vàng

Những nhà sư rảo bước trong khung cảnh nguy nga tráng lệ của chùa vàng

Những người đi lễ chùa với lòng thành kính
Đền Ananda
Đền Ananda là một trong những ngôi đền rộng lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Bagan. Nó được xây dựng vào năm 1105, là biểu thị trí tuệ vô thượng, vô biên của Phật. Ngôi đền được làm bằng đá, có kiến trúc theo hình thập tự, ở trung tâm là khối lập phương và bốn phía có đặt tượng Phật.

Đền Ananda được xây dựng hoàn toàn bằng đá, là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất Bagan
Ngoài ra ở Bagan còn rất nhiều ngôi đền, chùa với các kiến trúc độc đáo khác nhau mang lại cho du khách sự ngạc nhiên và mãn nhãn.

Đền Nanpaya, ngôi đền đạo Hồi duy nhất ở Bagan, được làm bằng đá và cát với kĩ thuật tinh xảo

Rất nhiều ngôi đền với kiến trúc độc đáo khác nhau làm say mê du khách
 
Phượt ký của Mèo Già

Ấn tượng xứ sở đàn ông mặc váy nhai trầu

(iHay) Đặt chân đến xứ sở Myanmar , điều đầu tiên khiến chúng thấy thú vị xen lẫn tò mò ngoài những gương mặt được thoa kem thanaka còn là trang phục truyền thống của nơi này. Đó chính là chiếc váy longyi mà cả nam lẫn nữ đều mặc ở mọi lúc mọi nơi.


 
Longyi là tên của chiếc sarong đặc trưng trong dòng trang phục truyền thống lẫn hiện đại của người Myanmar. Đó là một mảnh vải được quấn quanh người nhưng nam và nữ thì có cách mặc khác nhau. Đàn ông thì quấn mảnh vải lớn và thắt nút ở đằng trước còn phụ nữ thì gấp tà lại và khâu ở bên hông.

Các cô gái với những chiếc váy longyi đa dạng, nhiều họa tiết và màu sắc nổi bật

 Chiếc longyi đã trở thành văn hóa đặc trưng của người Myanmar 
Thông thường nam sẽ mặc longyi có màu sẫm, kẻ caro còn nữ sẽ mặc longyi có nhiều màu sắc sặc sỡ và nhiều họa tiết khác nhau. Họ chỉ thay đổi thời trang bằng cách thay đổi chất liệu, họa tiết, màu sắc của longyi. Và nó được kết hợp với tất cả các loại áo, từ áo phông, áo sơ mi, cho tới áo khoác, áo vest.

Với chúng tôi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy một xứ sở mà tất cả đàn ông đều mặc loại váy này, phải nói là đầy tò mò lạ lẫm. Trên suốt hành trình khám phá Myanmar, thỉnh thoảng chúng tôi lại bàn tán sôi nổi về váy longyi, về việc những người đàn ông sẽ sinh hoạt, đi lại và hoạt động thế nào với nó.






Quả thực hiếm có đất nước nào mà người dân lại mặc trang phục truyền thống ở khắp mọi nơi, từ nơi sang trọng tới nơi bình dân vỉa hè. Từ lúc vui chơi tới khi lao động, và ngay cả khi chơi thể thao, người Myanmar vẫn mặc nguyên chiếc longyi ấy, nhưng được xắn cao lên đùi để tiện di chuyển.

Theo như lời giải thích của nhiều người dân bản xứ, nguồn gốc của tập tục mặc longyi là do để chống chọi với thời tiết vô cùng nóng nực của vùng đất khô hạn Myanmar.


Và trong những lễ hội 
Chiếc váy longyi thực sự đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Myanmar. Mỗi khách du lịch khi tới đây đều muốn mua một chiếc longyi để mặc thử để thực sự cảm nhận nền văn hóa Myanmar và để lưu lại kỷ niệm về vùng đất đặc biệt này.

Chúng tôi khi rời khỏi xứ sở này vẫn không thể quên hình ảnh ấn tượng của những người đàn ông miệng nhai trầu bỏm bẻm, mặc váy longyi, đi dép xỏ ngón và lướt trên những con phố Myanmar.
Phượt ký của Mèo Già


Váy longyi ở Myanmar

Ở Myanmar, tôi thích nhất là được ngồi bên lề con phố, nhâm nhi ly trà sữa nóng và ngắm nhìn những người đàn ông bỏm bẻm nhai trầu, loẹt xoẹt trên đôi dép tông và chỉnh váy.   
Nơi tôi dừng chân đầu tiên và kết thúc chuyến hành trình khám phá Myanmar là Yangon, thành phố có chuyến bay quốc tế đi khắp nơi trên thế giới. Đó có lẽ cũng là nơi để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn bất cứ nơi nào trên khắp đất nước này vì tôi được trở lại thời thơ ấu trong hình ảnh Hà Nội những năm 1980.
IMG-8517-JPG-4647-1386926158.jpg
Yongon với những ngôi nhà tập thể cũ kỹ, tối màu.
Yangon nối nhau bằng những con phố cũ kỹ với những tòa nhà tập thể đã tróc lở, bạc màu theo năm tháng, những thang gác xập xệ, những ô cửa sổ với chấn song xiên xẹo cùng hàng trăm chiếc angten vươn lên trời cao. Đi giữa hai căn nhà tập thể, thấy mình đi lạc về quá khứ, sao mà giống những ngôi nhà ngày xưa ở Hà Nội đến thế, cũng là những cái hộp diêm chất đầy quần áo phơi lủng liểng, những phòng khách tí hon và những câu chuyện rôm rả từ ô cửa sổ này sang ô cửa sổ khác, những chú chim sẻ ríu ran.
Đêm nay, Yong Gun mất điện. Điện chính phủ chỉ đến với mỗi nhà trong 4 tiếng đồng hồ. Trong đêm, chỉ có tiếng máy nổ rì rì xen lẫn tiếng quạ kêu liên hồi, bay xuyên trong bóng đêm trầm mặc. Người dân Myanmar hay chuyện và thích thú với những bữa tiệc trà trên hè phố. Một quán trà sữa với những chiếc bánh trứng đơn giản ngay trên vỉa hè. Vừa nhâm nhi vị đắng của tách trà pha lẫn với vị sữa tươi mát dịu, tôi vừa phe phẩy chiếc quạt lá trên tay và ngắm nhìn dòng xe cộ cũ kỹ qua lại.
Chợ cứ mặc nhiên mà họp ngay trên những con phố. Người ta bán đủ thứ trên cái vỉa hè con con ấy, từ những sạp báo, quầy sách vở, những cuốn sách tiếng nước ngoài cũ với giá rẻ giật mình, cho đến những vật đồ cổ có giá trị, tiền xu. Chợ hoa quả và bánh trái cùng đồ ăn thức uống họp muộn hơn mỗi chiều. Những gánh chuối, hàng đu đủ, dưa hấu ngon lành, hoa và rau xanh. Ở Myanmar, điện thoại di động là một thứ xa xỉ. Người ta vẫn dùng điện thoại công cộng ngoài phố, trên những chiếc bàn đơn giản với những máy điện thoại quay số cũ.
12-JPG-5965-1386926159.jpg
Trà sữa vỉa hè mỗi chiều.
Trên phố, những người đàn ông Myanmar loẹt xoẹt trên đôi dép tông, vừa đi vừa chỉnh váy. Những chiếc váy truyền thống dành cho đủ mọi kích cỡ, người béo người gày đều có thể mặc được. Chiếc váy quây với một động tác đơn giản túm đầu và buộc lại, bởi thế chiếc váy dễ tuột nên người đàn ông đi đường thi thoảng phải chỉnh lại váy.
Váy longyi không có túi. Quanh váy dắt đủ loại đồ cần dùng, từ cọc tiền Kyat cho đến chiếc điện thoại di động, từ cái quạt cho đến bao thuốc lá quấn. Không trộm cắp, không cướp giật hay cãi nhau, chỉ có những nụ cười bỏm bẻm màu đỏ của trầu và sáng lấp lóa của bột phấn Thanaka.
Kể từ lúc phát hiện ra khu chợ nằm ngay cạnh nhà nghỉ của mình, chiều nào tôi cũng dành cả tiếng đồng hồ để ra ngồi một góc trên quán vỉa hè gần đó, uống trà sữa và ngắm cuộc sống thường nhật chầm chậm trôi qua.
yangon-men-walking-8516-1386926159.jpg
Váy longyi sột soạt.
Bài và ảnh: Lam Linh

Không có nhận xét nào: