Thứ Hai, 6 tháng 1, 2014

Dubai - Bước đi trên hai sợi dây

Phương Mai

Tác giả Phương Mai ở Dubai
Dubai vừa mở toang vừa đóng kín, gần như trong vấn đề gì cũng nhìn thấy hai thái cực rõ ràng, hai hướng đi đối chọi hẳn nhau. Nếu bảo Dubai hiện đại cũng sai mà cổ hủ cũng sai nốt. Kết quả là những người dân Dubai và cả những kẻ thập phương đến đây cũng bị căng ra, cuốn theo những dòng chảy chéo ngược về hai phía.
Dubai vàng son
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi khi đặt chân đến Dubai là một mớ những làn đường cao tốc xoắn xuýt đan quấn vào nhau như một đám DNA khổng lồ sáng rực dưới kính hiển vi. Ở cuối làn sóng ánh sáng đó, Dubai hiện ra lộng lẫy và kiêu ngạo như bà chúa kim sa, khinh khỉnh nhìn xuống từ trên những tháp ánh sáng chói lòa như được dát bằng hàng triệu viên kim cương ngũ sắc. Xe tôi lướt đi giữa tầng tầng lớp lớp váy áo lấp lánh, mỗi khúc quanh tối đặc bởi ánh đêm lại bất thần mở ra một miền dải lụa dát sáng.

Dubai nhiều cái nhất. Nổi tiếng nhất có tháp Khalifa cao nhất thế giới. Guinness thậm chí đã quyết định mở hẳn một văn phòng đại diện tại Dubai vào năm 2014 để đáp ứng nhu cầu đánh bại các kỷ lục thế giới của người Tiểu Vương Quốc. Nhưng có lẽ cái nhất ngang ngược số 1 mà chỉ có cái kiểu ngạo mạn của Dubai mới có thể nghĩ ra là dự án The World, Palm Jumeirah và hai quần thể đảo khác. Trong suốt bốn năm, gần một tỷ mét khối đá và cát được đào lên từ đáy biển và phun vòi rồng trùm lên trên vùng san hô ngoài khơi Dubai, tạo thành bốn quần thể đảo nhân tạo, lấn biển hàng trăm nghìn mét vuông. Lượn vòng trên bầu trời Dubai, tôi tận mắt nhìn thấy một thành phố siêu hiện đại mọc lên từ sa mạc cằn cỗi chỉ trong vòng vài thập kỷ. Mà thực ra từ “mọc lên” hoàn toàn không chính xác. Bởi cái sự “mọc” có vẻ chậm rãi và thông thường quá. Với tốc độ phát triển kinh hoàng, nhiều người ví sự xuất hiện của Dubai trên đời giống như thể một mô hình siêu đô thị được người ngoài trái đất bất thần thả xuống trên bát ngát cát trắng, qua một đêm bất thần lững lững chiếm ngự vùng Vịnh heo hút với những công trình ngạo ngược lấn biển, chọc thủng mây, ngang nhiên thách thức cả Tạo hóa.

Tình cảm của tôi dành cho Dubai khá phức tạp, vừa yêu vừa ghét vừa nể phục. Không thể phủ nhận tầm nhìn xa trông rộng của những ông hoàng Dubai, khởi đầu từ việc sau khi thực dân Anh rút lui đã mải miết kiên trì thuyết phục các tiểu vương lân cận hợp sức thành lập một mô hình Hợp chủng quốc để cùng tồn tại. Vào những năm 1940 ngay giữa thời huy hoàng của ngọc trai, Dubai đã sớm đi trước một bước, nhìn thấy con đường cụt của nền công nghiệp này và mạnh dạn đầu tư vào thương mại. Vào những năm 1960 khi Trung Đông bất ngờ trở nên giàu có tột đỉnh bởi dầu lửa, Dubai đã sớm nhìn thấy con đường cụt của những giếng dầu và đầu tư mạnh vào du lịch. Không có kỳ quan thiên nhiên cũng như kỳ quan văn hóa, Dubai tự tạo nên kỳ quan từ bàn tay con người và biến du lịch thành nguồn thu chính của vương quốc trong khi dầu lửa chỉ chiếm 5% thu nhập quốc gia. Dubai tua băng chạy vùn vụt từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 21 chỉ trong vòng hai thế hệ, biến một vùng chài lưới nghèo khó ven biển nơi chỉ có cát, xương rồng và cướp biển trở thành một trung tâm tiền tệ và thương mại của cả thế giới. Ai cũng biết ở Trung Đông, việc yêu kính những ông bà hoàng gần như là một nghĩa vụ, nhưng chỉ cần ở Dubai một thời gian, thật dễ dàng nhận thấy tình cảm của người Dubai dành cho tiểu vương Zayed xuất phát từ sự tôn kính và yêu quý thực lòng.

Vậy vì sao tôi ghét Dubai?


Thứ nhất vì chính cái tên của tiểu vương quốc vàng son này: Do – Buy, hay đơn giản là: Mua đi! Sắm đi! Tiêu tiền cho thật nhiều vào! Tôi ở Dubai đúng vào thời điểm diễn ra Tuần lễ mua sắm, cũng không phải ngẫu nhiên mà được tổ chức trùng với tuần nghỉ lễ của người láng giềng giàu có Ả Rập Saudi. Những cô gái Saudi nhìn thoáng qua ai cũng màu đen giống hệt nhau nhưng để ý kỹ sẽ thấy họ quàng khăn trùm đầu hiệu Louis Vuiton, áo choàng và khăn trùm đầu hijab đen gắn đá quý lấp lánh quét đất để lộ thấp thoáng những đôi xăng đan Jimmy Choo cao ngất ngưởng hàng chục phân. Dubai dường như quá sức tự hào về cái danh tính một xứ sở ăn chơi hào nhoáng của mình đến mức từng lấy hình ảnh khách sạn 7 sao Burj Al Arab làm biểu trưng cho đất nước và dập nguyên xi hình ảnh này lên tất cả các biển số xe hơi.

Lý do thứ hai để tôi ghét Dubai là sự hào nhoáng đó được tạo dựng bởi bàn tay của công nhân từ các quốc gia thế giới thứ ba nghèo đói, và khối óc của các doanh nghiệp trí thức châu Âu. Dân bản xứ Dubai không hẳn đã ưa những người ngoại quốc đến đây sống và làm việc. Nhưng họ lại cần những kẻ lấm lem và ngoại lai này để tồn tại, hệt như một vị chủ nhà không thể sống nổi nếu thiếu đám khách khứa đông đúc, xa lạ và hạ đẳng đến trú ngụ trong nhà.

Bạn không đọc nhầm đâu! Đúng là tôi vừa dùng từ “hạ đẳng” đấy. Thậm chí lương bổng ở Dubai như một luật bất thành văn được trả theo quốc tịch: Mỹ và Tây Âu ở bậc trên, mấy nước châu Á phát triển nối đuôi cùng với Đông Âu, gần chót là người Philippines làm việc trong ngành dịch vụ, và đáy cùng là những lao động chân tay người Ấn Độ và Pakistan. Họ oằn lưng hơn 10 tiếng một ngày trên sa mạc nóng trên 50 độ đến mức cả tuần có thể không hề đi tiểu. Hệ thống quản lý kafala cho phép chủ thuê giữ hộ chiếu của công nhân, đặt vào tay họ quyền sinh sát với toàn bộ đời sống của người làm thuê. Không tiền, không hộ chiếu, cộng thêm một gánh nợ trên vai, có bị ném vào địa ngục cũng đố ai dám bỏ trốn. Mà nếu có bỏ trốn thì cũng là sự trốn chạy thương tâm nhất: cái chết. Rất nhiều người ốm đau và tự vẫn. Thậm chí có người quẫn bách đến mức đã đâm đầu vào xe ô tô để chết, hy vọng đổi mạng sống của mình để kiếm tiền máu diya đền bù nhằm trả nợ cho gia đình. Chỉ trong năm 2005 đã có 971 công nhân Ấn Độ lìa đời. Khi con số này được công bố thì Đại sứ quán Ấn Độ nhận trát yêu cầu im lặng và thôi đừng có đếm nữa. Mặt trái của Dubai vàng son khiến tôi quặn lòng khi nghĩ đến một bộ phận nhỏ những người lao động Việt Nam cùng chịu chung số phận. Ba mẹ dạy tôi đói cho sạch rách cho thơm. Nhưng rách ở cái ao nhà thì còn hy vọng chứ rách rưới ở xứ người thì thật lắm đắng cay.

Vừa mở toang vừa đóng kín


Sẽ không ngoa khi nói rằng mỗi người dân của tiểu vương này đang bị xé ra làm hai: một nửa đầy tự hào và kiêu ngạo về một Dubai sáng choang giữa lòng sa mạc, nửa kia ngậm ngùi quặn thắt vì chính họ cũng hiểu rằng mình đã mua một Dubai hào nhoáng chứ không phải đã xây một tiểu vương quốc rực rỡ bằng công sức và tài trí của chính mình. Chỉ chiếm có 5% dân số trong một tiểu vương được xây dựng và quản lý chủ yếu bởi người nước ngoài, dân Dubai đang cố tình nhấn mạnh rằng họ khác với đám khách khứa hạng sang sặc mùi Âu Mỹ và đám lao động cùng đinh từ châu Á bằng cách bám chặt lấy từng mẩu văn hóa dù nhỏ nhất của mình. Dubai là ví dụ đặc trưng nhất của hiện tượng “càng mở cửa thì càng truyền thống”, đến mức thành cố chấp khi hàng loạt dân tình bất chấp lý do an toàn kêu gào lên án các trung tâm thể thao là “phân biệt chủng tộc” khi họ không được phép mặc nguyên xi bộ kandura và  abaya truyền thống lướt tha lướt thướt quét đất hoặc lùng thà lùng thùng như cái dù để tham gia các môn thể thao cảm giác mạnh và mạo hiểm như trượt tuyết, ném bowling, nhảy dù và lặn biển.

Hằm hè ra về, thà hy sinh niềm vui cá nhân còn hơn là phải trút bỏ bộ đồ truyền thống, mỗi ông bà khách khó tính của các trung tâm thể thao thực ra là đại diện cho cuộc khủng hoảng danh tính đang ngấm ngầm cắn rứt và xâu xé sự tự tin của nền văn hóa non trẻ Dubai.

Chưa ở đâu tôi được chứng kiến một sự đối chọi khủng khiếp như thế giữa các giá trị đối lập của cái mới và cái cũ, cái được và không được, cái hợp pháp và phi pháp. Là một nền kinh tế dựa vào du lịch, Dubai buộc phải chấp nhận những thái cực Đông Tây khác biệt. Trên đường phố Dubai, những người đàn ông trong bộ kandura trắng muốt bước đi bên cạnh những cô gái cổ áo hở hang khiêu khích, mỗi bước đi ngoáy mông lại để lộ ra cái “đuôi cá voi” của quần lọt khe phía bên trên thắt lưng cạp trễ. Đám trẻ tuổi teen đội mũ lưỡi trai bẻ ngược, khuyên mũi khuyên lưỡi chi chít trượt ván veo veo trước mặt những cô gái trùm burka đen kín mặt chỉ hở hai con mắt. Du lịch gắn liền với sex. Đêm nào Dubai cũng rùng rùng chuyển động với vô số quán nhạc và câu lạc bộ đồng tính, với những cô gái điếm hạng sang bước chân vào vũ trường như những bà quý tộc và cả những ả bán hoa bình dân lấp ló đâu đó khuất nẻo dưới đường phố tối bưng.

Nhưng sự cởi mở trong ngành công nghiệp phấn hương và xã hội đồng tính không có nghĩa là bạn có thể hồn nhiên mở một trang sex trên internet. Nói một cách ngắn gọn, bạn có thể mua sex, nhưng xem sex hoặc làm sex thì rất dễ bị ăn đòn. Cách đây không lâu, một đôi nam nữ chưa kết hôn bị bắt quả tang trao đổi tin nhắn sex với nhau trên điện thoại kết thúc câu chuyện tình tang của họ trong nhà tù, hay một cặp anh ả hôn nhau mùi mẫn trong nhà hàng thoắt cái thấy mình bị án giam một tháng.

Tương tự, Dubai cởi mở với nền công nghiệp hương phấn bao nhiêu thì lại hà khắc đến cứng nhắc với các loại thuốc kích thích và cần sa bấy nhiêu. Một danh sách dài các loại thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm bị coi là chất kích thích và kết quả là những án tù vài năm, nạn nhân bao gồm cả đạo diễn người Đức gốc Việt Cat Le-Huy. Cảnh sát chặn anh ở sân bay vì một lọ thuốc an thần, rồi lại bắt anh thử nước tiểu, thấy không có vấn đề gì vẫn cố kiết nạo vét tí bụi bặm trong vali để được 0,03 gram, một mẩu bé đến mức mắt thường không dễ nhìn thấy, mà họ cương quyết khẳng định là cần sa. Cat Le-Huy chỉ thoát án bốn năm tù sau khi cộng đồng mạng làm ầm ĩ với hơn 5.000 chữ ký gửi đến Dubai.

Dubai vừa mở toang vừa đóng kín, gần như trong vấn đề gì cũng nhìn thấy hai thái cực rõ ràng, hai hướng đi đối chọi hẳn nhau. Nếu bảo Dubai hiện đại cũng sai mà cổ hủ cũng sai nốt. Kết quả là những người dân Dubai và cả những kẻ thập phương đến đây cũng bị căng ra, cuốn theo những dòng chảy chéo ngược về hai phía.

Bối rối danh tính quốc gia


Trong bộ phim “Lawrence of Arabia”, vào thời kỳ đế chế Hồi giáo khổng lồ Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) đang mất dần quyền bá chủ trên lãnh thổ rộng lớn kéo dài khắp ba lục địa của mình vào tay người Anh và Pháp, viên sĩ quan người Anh Lawrence được cử đến bán đảo Ả Rập để hối thúc các bộ lạc nơi đây nổi lên chống lại nhà cầm quyền người Thổ, đưa cuộc chiến vào thế có lợi cho quân Anh. Khi chàng sĩ quan trẻ khơi gợi ý chí phải thoát ra sự đô hộ của người Thổ, một thủ lĩnh bộ lạc đã trả lời mỉa mai: “Người Thổ à? Người Thổ là bộ lạc nào vậy?”

Cho đến bây giờ, trong những tranh chấp xung đột ở Trung Đông, câu hỏi này vẫn là một trong những thông tin quan trọng nhất: “Lãnh tụ mới à? Ông ấy là người bộ lạc nào vậy? Tôi chỉ bỏ phiếu cho ứng cử viên từ bộ lạc của tôi thôi!” Văn hóa của Trung Đông và toàn bộ bán đảo Ả Rập là văn hóa bộ lạc. Người Ả Rập biết đến một khái niệm mới có tên là “quốc gia” chỉ sau khi đế chế Ottoman sụp đổ và các nước lớn Anh, Pháp bắt tay vào chia sẻ chiến lợi phẩm là đất đai và các vùng đô hộ, vạch ra các đường biên giới để dễ bề cai quản. Tuy nhiên, hàng nghìn năm gắn rễ với cấu trúc văn hóa bộ lạc khiến đất nước được thành lập nhưng lòng người vẫn bị chia năm xẻ bảy, trung thành với bộ lạc và gia tộc của chính mình. Thật khó để người vùng Tiểu Vương Quốc nhìn nhận về bản thân mình như một công dân cùng một quốc gia, nhất là khi trong một quá khứ chưa đầy 100 năm trước, kẻ này sẵn sàng bắn chết kẻ kia chỉ vì trong cơn khát giữa sa mạc, gã lữ hành xấu số dám cả gan uống một ngụm nước từ chiếc giếng không nằm trong vùng lãnh thổ của bộ lạc mình.

Thiếu vắng một độ dày văn hóa gốc rễ và gần như bị đô hộ về mặt trí tuệ (intellectually colonized), tôi nhận thấy Dubai thực ra đang bám vào Hồi giáo như một cứu cánh để xác nhận và tạo lập danh tính văn hóa bản địa của chính mình. Tôi tự khẳng định điều này khi có dịp gặp Ines và Tefridj – hai trong số vài người bản địa hiếm hoi ở Dubai. Họ đều trẻ trung, giỏi giang, và diện những bộ cánh chỉ nhìn qua đã biết là thứ hàng sang trọng đắt tiền: khăn trùm đầu hiệu Chanel điệp màu với giày cao gót Christian Louboutin. Khi tôi buột miệng khen phong cách ăn mặc của họ, cả hai lập tức phá lên cười. Ines mở điện thoại cho tôi xem hàng chục bức ảnh của một Ines cách đây chưa đầy hai tháng: tóc nhuộm vàng rực xõa tung gợi cảm và quần áo không khác gì một ca sĩ chuẩn bị lên sàn diễn.

“Điều gì đã xảy ra thế này hả trời?” – tôi không tin vào mắt mình.

Lý do để Ines và Tefridj quyết định thay đổi diện mạo của mình là vì họ được nhận vào làm ở một công ty truyền thông danh tiếng trong một dự án nhằm thúc đẩy nữ quyền và bình đẳng giới. Cái khó không phải là làm thế nào để bản thân họ nổi bật với tư cách là những phụ nữ tham vọng, mà là làm thế nào để họ được biết đến như những phụ nữ Emirati tham vọng. Quá trình đi tìm kiếm một danh tính quốc gia đưa những cô gái trẻ đậu lại trên một cột trụ vững chãi có tên là Hồi giáo. Thế là cả tủ quần áo thời trang bị tống vào xó nhà, tất cả mọi tấm ảnh trước kia quẳng lên facebook đều phải gỡ bỏ. Những cô gái trẻ quyết tâm chứng minh cho thế giới thấy rằng một phụ nữ Hồi giáo hoàn toàn có thể xông pha trên tuyến đầu, năng động, tự tin, quyết đoán mà vẫn đầy chuẩn mực. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi Ines và Tefridj lại một câu cho chắc: “Vậy thì đây là danh tính quốc gia hay danh tính tôn giáo vậy?”

“Cả hai!” – các cô gái trả lời không cần suy nghĩ.

Vậy là đã rõ.

Từ bao đời nay, vùng đất sa mạc cằn khô này chưa bao giờ có một sắc màu văn hóa ổn định. Khi những bộ lạc rời rạc tụ lại thành một quốc gia vào năm 1971, tôn giáo trở thành điểm chung duy nhất và cũng là chất kết dính duy nhất cho một đất nước non trẻ thiếu chiều dày văn hóa. Đạo Hồi không những thay thế lịch sử của Tiểu Vương Quốc mà còn có sức mạnh định nghĩa văn hóa nền cho cả một dân tộc vừa mới bỡ ngỡ chào đời. Và với sự phát triển kinh tế nhanh đến chóng mặt cộng với sự áp đảo của hơn 90% dân số là người ngoại quốc, cả một thế hệ trẻ bỗng dưng ngơ ngác với câu hỏi mình là ai. Hẳn nhiên khi chẳng còn chỗ bám víu nào khác hơn là một tôn giáo chung để xác lập một bản sắc riêng, những Layla, Ines và Tefridj bỗng thấy chiếc khăn hijab trở thành câu tuyên thệ cho sự khác biệt của chính mình. Danh tính tôn giáo đã chính thức thay thế văn hóa quốc gia. Xét cho cùng, họ cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Một Hồi giáo “xấu xí”

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn cho rằng Hồi giáo – một khi đã đóng vai trò thay thế văn hóa quốc gia và tạo hình cho lịch sử dân tộc – thì sẽ luôn luôn được trọng vọng.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cái phiên bản Hồi giáo của nhà cầm quyền và phiên bản Hồi giáo của kẻ quấy rối kỵ nhau còn hơn nước với lửa. Tổ chức Al-Islah, một nhánh của Huynh Đệ Hồi giáo bắt rễ từ Ai Cập, đại diện cho một làn sóng phục hưng Hồi giáo, phản đối mạnh mẽ cuộc sống Âu hóa tột cùng của Các Tiểu vương quốc. Tôi nhớ khi mình chót dại mở miệng nói về một buổi sinh nhật rất vui ở quán bar Barasti, chưa kịp kết thúc câu khen ngợi thì đã bị nói như tát nước vào mặt: “Đủ rồi! Cái xứ này mục ruỗng đạo đức vì có cả những người như cô đến đây xả tiền mua vui một cách đáng xấu hổ như vậy!”

Tôi im re.

Tuy nhiên, điều khiến chính quyền Các Tiểu vương quốc cảm thấy khó chịu với Al-Islah lại là việc tổ chức này có biểu hiện đòi cải tổ hệ thống độc tài, đòi người dân phải có quyền bỏ phiếu, đòi xây dựng một thể chế chính trị dựa trên giáo lý Hồi. Cái phiên bản Hồi giáo này nguy hiểm quá bởi nó có mùi dân chủ, rất dễ dụ khị tầng lớp thanh niên trí thức đang hoang mang, bế tắc và quẫy đạp. Tức là phải diệt!

Khi tôi đang viết những dòng này, hơn 100 thành viên của Al-Islah đã bị bắt và đang chờ ngày ra tòa. Họ bị kết tội phản quốc do bí mật thề trung thành với tổ chức mẹ Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Năm 2012, cùng với hoàng gia Saudi và các thầy tu Wahhabi, các Tiểu vương Ả Rập thấy tim mình đập thùm thụp khi thủ lĩnh Huynh Đệ Hồi giáo là ông Mursi lên nhận chức Tổng thống. Họ lo sợ tầng lớp có học thức trong nước bỗng nhiên phát hiện ra rằng Hồi giáo hoàn toàn có thể kết hợp với các thể chế bầu cử dân chủ và sẽ nổi lên chống lại nhà nước độc tài. Khi Mursi bị nhà binh đảo chính, cả Saudi và các Tiểu vương Ả Rập như trút được gánh nặng ngàn cân, hào hứng móc túi trích ra tận tám tỷ đô la để giúp đỡ chính quyền mới. Cái ghế quyền lực được đóng thêm một cái đinh, đã vững chãi giờ lại càng khó đổ.

Đêm cuối cùng ở Dubai, tôi được rủ tới một quán bar sang trọng cùng với một nhóm bạn mới quen. Trên màn hình TV khổng lồ, với bộ đồ hai mảnh bó sát, Beyoncé đang làm cho khán giả phát cuồng với vũ điệu nóng bỏng của “Put a ring on it”. Ngay dưới chân màn hình, những dòng tin thời sự nhỏ chạy liên tục, thông báo về diễn biến vụ xử án những thành viên của Al-Islah. Anh bạn người bản xứ ngồi bên vừa dụi tàn thuốc vừa kể cho tôi nghe rằng con trai của một trong số những người bị xử án sẽ bị tống giam 10 tháng vì dám cả gan lên mạng twit về phiên tòa.

“Chế độ hà khắc này hệt như cái nồi áp suất. Đến một ngày chúng tôi sẽ nổ tung ra mất!” – anh thở dài.

“Này cô em!” – tôi giật mình quay sang anh bạn bên tay trái – “Sao mặt mũi lại phụng phịu thế kia?” Anh ta cười sảng khoái, liến thoắng một hồi rồi dí vào tay tôi một ly cocktail mới pha, nói đầy vẻ trịnh trọng: “Khi người ta trẻ, người ta phải sống ở Dubai!”
Chà chà! Hai câu nói này có lẽ tổng kết một cách hoàn hảo danh tính của Dubai – một tiểu vương quốc được sinh ra với số phận của kẻ đi trên hai sợi dây, trên tay nắm cây gậy thăng bằng giữa hai thế giới của giàu và nghèo, của bình đẳng và bất công, của nỗi lo sợ và niềm tự hào, của truyền thống và hiện đại, của những phiên bản tôn giáo cùng nguồn gốc nhưng có lẽ sẽ không bao giờ nắm tay chung bước.
----

Không có nhận xét nào: