Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Hành trình đi tìm thượng nguồn sông Nile

Cuộc tranh cãi nảy lửa

Suốt một thời gian dài, nơi khởi nguồn của dòng sông huyền thoại châu Phi vẫn còn là một bí ẩn. Đầu thế kỷ 19, thượng nguồn Nin Xanh, một trong hai nhánh chính của sông Nile, đã được các nhà truyền giáo dòng Tên và James Bruce, người Xcốtlen, phát hiện. Nhưng với Nin Trắng, tất cả mới chỉ là phỏng đoán.

Kỳ 1: Cuộc tranh cãi nảy lửa

Giữa thế kỷ 19, tin tức về một vùng biển trong đất liền châu Phi đã được giới thương nhân và nhà buôn nô lệ Arập loan báo. Sau khi các nhà truyền giáo phương Tây theo chân thương nhân tới đây thì phong trào chống nô lệ ở Đông Phi dấy lên. Điều đó khiến cho sự quan tâm của công chúng tập trung vào khu vực. Và chẳng bao lâu sau, người ta bắt đầu sốt sắng với việc tìm kiếm thượng nguồn của sông Nile.

 
Chân dung John Speke vào năm 1860.
Vào năm 1856, Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh đã đồng ý với đề xuất của một sĩ quan quân đội tại Ấn Độ, Đại úy Richard Burton. Burton khao khát dẫn đầu một cuộc thám hiểm để tìm ra “vùng biển Ujiji” (một địa danh ở tây Tandania), khi đó được ngờ là thượng nguồn sông Nile. Tháng 8/1857, đoàn thám hiểm rời khỏi bờ biển bên kia Dandiba, một chuyến đi đã dẫn đến tranh cãi gay gắt và bi kịch bậc nhất thế kỷ trong giới địa lý.

Burton là người có tính cách ngông cuồng, khoa trương, coi thường các tục lệ. Ông thích gây sốc. Vì luôn cho mình là trên hết và rất nhạy cảm với chỉ trích nên ông không phải là một người bạn đường lý tưởng. Đối với người đồng hành John Hanning Speke, ông quả là người không thể chịu đựng nổi. Speke còn trẻ và khá kín đáo, rụt rè. Và điều tồi tệ hơn là họ không tin tưởng lẫn nhau. Hai người đã từng đi thám hiểm cùng nhau khi Burton khám phá thành Harar ở Abyssnia. Trên đường trở về họ bị người Xômali tấn công và cả hai đều bị thương. Người ta nghi ngờ Burton đã không hành động thực sự dũng cảm như những gì ông tự nhận. Burton biết rõ Speke hoài nghi lòng can đảm của ông. Có thể ông đã mời Speke tham gia chuyến thám hiểm này để xóa bỏ sự hoài nghi đó. Về phần mình, Speke đã đồng ý vì thà gặp nguy hiểm còn hơn là không có gì, và ông cũng muốn có một khám phá quan trọng sau khi rời quân ngũ.

 
Speke và Grant mô tả cuộc thám hiểm sông Nile tại Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh, tháng 6/1863.
Ban đầu chuyến đi rất thuận buồm xuôi gió, ngoại trừ việc Burton ngày càng căm ghét đối tác của mình, còn phản ứng của Speke càng khiến Burton cảm thấy mình như một kẻ hèn nhát. Nhưng khi ra khỏi Taboya, khó khăn mới thực sự bắt đầu. Các bộ lạc tỏ ra vô cùng thù địch. Burton liên tục bị sốt cao trong khi Speke thì bị viêm mắt. Trong điều kiện đó họ đã tới hồ Tanganyika, nơi Burton nói rằng người đồng hành chậm hiểu của ông cứ phàn nàn về “sương mù và ánh sáng” trước mắt mình. Nhưng đó là tất cả những gì Speke có thể thấy được ở hồ Tanganyika.

Đó đã là một phát hiện lớn. Tin tức về việc đã tìm được vùng biển trong đất liền rộng lớn bay về Luân Đôn. Hơn thế nữa, một thương nhân Arập cho họ biết có 3 cái hồ như thế chứ không chỉ một. Speke muốn đến hồ lớn ở phía bắc Tanganyika để tìm kiếm thượng nguồn sông Nile ngay lập tức, nhưng Burton lại muốn ở lại Tabora. Vậy là họ chia tay.

Bản đồ thể hiện dòng chảy của sông Nile.
Sau đó Speke thắng lợi trở về. Ông đã tìm ra hồ Victoria với kết luận là hồ chứa nước lớn của sông Nile. Đối với Speke vấn đề đã được giải quyết, nhưng Burton tức tối không chấp nhận khám phá này. Ông chỉ ra họ không có bằng chứng nào cho thấy các hồ này liên kết với con sông huyền thoại, điều mà Speke cũng chỉ có thông tin từ dân địa phương. Burton cho rằng vì dốt ngôn ngữ nên Speke không hiểu chính xác bất kỳ tin tức nào. Speke tức điên vì Burton quyết không tin đến ngay cả một lời trong báo cáo của mình.

Căng thẳng lớn đến mức ai đi đường nấy trở về Anh; nhưng khi chia tay, Burton đã bắt Speke hứa không đưa những khám phá này ra công chúng trước khi cả hai cùng về đến nơi, vì Burton còn ở lại để dưỡng thương. Speke đã không giữ lời hứa khi tiết lộ cho một phóng viên trên đường đi. Lúc Burton về Anh, Speke đã rất nổi danh vì những khám phá đó. Burton nhấn mạnh những điểm yếu trong lý thuyết của Speke, nhưng chẳng ai nghe ông. Còn Hiệp hội Địa lý Hoàng gia lại tài trợ một số tiền lớn cho Speke để dẫn đầu một chuyến thám hiểm mới.

Cùng với James Grant, Speke khởi hành từ Dandiba vào tháng 10/1860. Họ đã tìm đường đến thác Ripon và bắt đầu theo dòng Nile về phía bắc, nhưng lại bị các chủ nô lệ người Thổ, vốn thù địch người da trắng, đẩy đi hướng khác. Speke khó khăn đi tới Gondokoro ở nam Xuđăng, nơi ông gặp Samuel Baker, một thợ săn giàu có. Được Speke cho hay tin tức về một hồ lớn nữa, Baker không sợ nguy hiểm liền đi tìm thượng nguồn sông Nile. Baker đã khám phá ra hồ Albert và cho rằng nó và hồ Victoria là hai nguồn của sông Nile. Từ Alexandria, Speke đánh điện: “Vấn đề sông Nile đã được giải quyết”.

Nhưng Speke vẫn thiếu bằng chứng thuyết phục. Hồ Tanganyika chưa bao giờ được đi hết vòng quanh. Ông đã quá vội vàng khi phủ nhận khả năng nó đổ vào hồ Albert. Hơn nữa ông cũng gạt bỏ tin đồn có những ngọn núi lớn gần hồ Albert trong khi chúng rất quan trọng với vấn đề này. Và dòng chảy sông Nile từ thác Ripon đến Gondokoro thì lại chưa bao giờ được Speke hay Baker lần theo.

Burton nắm lấy điểm yếu đó. Một cuộc tranh luận công khai giữa ông và Burton được tổ chức tại Anh. Nhưng Speke đã không đến. Ông đã chết vì tự bắn vào mình khi đi săn buổi sáng. Đó là một tai nạn hay là do cố ý, không ai có thể nói rõ. Vậy là dư luận ngả về phía Burton trong khi không ai nghe lời Baker khi ông này xác nhận lý thuyết của Speke.

Bí ẩn được khám phá

Trong hơn 20 năm tiếp theo, vấn đề sông Nile tiếp tục làm giới địa lý dậy sóng. Mọi thứ chỉ được làm sáng tỏ khi câu chuyện của hai nhà thám hiểm David Livingstone và Henry Stanley cuối cùng đã tìm ra câu trả lời.


Tranh minh họa cuộc thám hiểm của Livingstone ở châu Phi.
Livingstone là một nhà truyền giáo có tiếng người Xcốtlen. Tuổi trẻ nghèo khó và bi kịch khiến ông trở thành một người sâu sắc và đầy lòng thương hại. Sự tàn bạo của việc buôn bán nô lệ châu Phi làm ông sợ hãi. Livingstone có nhiều tham vọng với châu Phi và nhận ra mục đích của đời mình tại đây. Việc tìm kiếm thượng nguồn sông Nile đã chi phối cuộc sống của ông. Còn Stanley là một nhà thám hiểm người Mỹ gốc xứ Wales. Vốn được nuôi dưỡng ở những trại trẻ mồ côi và nhà tế bần, ông lớn lên và phải tự lo liệu cho mình. Vì thế con người Stanley mang một tính cách mạnh mẽ, tháo vát và quyết đoán nhưng cũng rất tàn nhẫn.

Cho tới năm 1970, Livingstone đã mất tích ở châu Phi được vài năm khi thực hiện các chuyến thám hiểm. Không ai nghe được ông ở đâu và còn có tin ông bị sát hại. Tuy vậy, ông đã tìm ra sông Lualaba gần thị trấn Nyangwe, nhưng lầm tưởng đó là một phần của sông Nile. Trên thực tế nó chảy vào sông Cônggô.

 
Cuộc gặp gỡ giữa Livingstone và Stanley.
Stanely, khi đó đang là một nhà báo Mỹ, đã nhận thấy giá trị to lớn của một cuộc thám hiểm có tổ chức. Ông thuyết phục chủ báo cho phép ông tới châu Phi để tìm kiếm nơi bắt đầu của sông Nile. Dù chưa có kinh nghiệm gì về châu Phi nhưng vào ngày 10/11/1871 ông đã đến được hồ Tanganyika và gặp Livingstone với thời gian nhanh kỷ lục. Khi gặp nhau ở Ujiji, Stanley hoàn toàn bất ngờ vì người ta tôn thờ Livingstone như một vị anh hùng.

Cả hai đã khám phá Tanganyika và chứng minh được nó không có cửa ra ở phía bắc. Điều đó có nghĩa lý thuyết của Burton coi hồ này là thượng nguồn sông Nile là hoàn toàn sai. Nhưng những phát hiện của họ lại càng làm rắc rối thêm thay vì giải quyết được vấn đề.

Stanley thuyết phục Livingstone cùng quay về Anh nhưng không nhận được sự đồng tình. Sau khi chia tay Stanley, Livingstone bắt đầu chuyến thám hiểm cuối cùng của mình, một chuyến đi ác mộng đưa ông tới dòng sông ở Cônggô. Tại đó, ông đã chứng kiến một cuộc thảm sát 400 người châu Phi do các chủ nô lệ gây ra. Sự kiện này khiến ông quá khiếp sợ và từ bỏ ý định tiếp tục đi tìm thượng nguồn sông Nile. Ngày 1/5/1873, tại một ngôi làng gần hồ Bangwelu, người ta phát hiện Livingstone đã chết vì sốt rét và bệnh lỵ.

 
Đoàn giải cứu Emin Pasha của Stanley bị thổ dân tấn công.
Chính những vấn đề này đã đưa Staney quay lại châu Phi. Ông nổi tiếng là một nhà thám hiểm hà khắc và tàn bạo, sẵn sàng đánh đập những người đi theo mình. Trong chuyến đi từ năm 1874 đến 1877, Stanley đã đi vòng quanh hồ Victoria, khẳng định dòng chảy của thác Ripon vào bờ bắc của hồ này, qua đó xác nhận phát hiện chưa được chứng minh của Speke trước đây. Lần theo sông Cônggô, ông cũng xác định được lập luận của Livingstone là sai.

Cuối cùng, vào năm 1888, Stanley đã giải đáp được toàn bộ mối nghi ngờ thông qua một chuyến đi hoàn toàn khác. Đó là cuộc giải cứu Emin Pasha, thống đốc tỉnh Equatoria của Ai Cập. Vùng đất mà Emin quản lý bị những người Hồi giáo Mahdi ở Ai Cập đe dọa và cắt đứt liên lạc với bên ngoài. Một quỹ cứu tế Emin Pasha nhanh chóng được quyên góp, sau khi người châu Âu hay tin ông này có cả một kho ngà voi lớn.

Stanley được chọn làm người dẫn đầu cuộc hành trình này. Ông quyết định đi theo ngả Cônggô. Với sức khỏe suy sụp khi tới hồ Albert, ông đã gặp được Emin Pasha. Điều bất ngờ là Emin không hề lo lắng và không muốn được giải cứu. Tất cả những gì ông cần là vũ khí, thứ mà Stanley không thiếu. Nhưng Stanley mới là người có tiếng nói cuối cùng, nên Emin cũng như các quan chức Ai Cập phải đóng gói cho chuyến đi đầy hiểm nguy về Dandiba.
Một buổi sáng trước hôm khởi hành, trời bỗng trong xanh lạ thường và Stanley kinh ngạc khi nhìn thấy một dãy núi phủ tuyết cách xa khoảng 70 dặm. Đó là Dãy núi Mặt trăng huyền thoại, ngày nay có tên Ruwenzori. Ngay cả Emin cũng chưa bao giờ nhìn thấy dãy núi này trước đây. Từ đó, Stanley thực hiện một cuộc thám hiểm nhanh chóng, phát hiện ra hồ Edward, lần theo con sông nối nó với hồ Albert. Vấn đề nơi khởi nguồn của sông Nile đã được giải đáp sau 40 năm. Stanley đã chứng minh được hồ Albert là một nơi bắt đầu của dòng sông lớn nhất châu Phi, cũng như hồ Victoria.

Sau chuyến đi và những phát hiện của mình, Stanley nổi danh khắp toàn cầu. Ông được Hiệp hội Địa lý Hoàng gia trao tặng huy chương vàng. Năm 1899, Stanley được phong tước hiệp sĩ và trong những năm 1895 - 1900 ông có chân trong Nghị viện.

Những cuộc thám hiểm đi tìm thượng nguồn sông Nile đã mở thêm cơ hội cho thương mại và công cuộc thực dân hóa của người châu Âu. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cường quốc phương Tây đã xâu xé châu Phi sau một cuộc tranh giành thuộc địa đẫm máu và đầy khói lửa.
 Trần Anh

Không có nhận xét nào: