Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Độc đáo: Lễ hội tưới dầu ô liu thi đấu vật ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cứ đến đầu tháng 7 hàng năm, quận Sarayici ở thị trấn Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ lại nhộn nhịp, đông đúc và vang rền những tiếng hò reo. Tất cả dân bản địa và du khách đều tập trung ở sân vận động để tham gia sự kiện lớn nhất trong năm: đấu vật dầu ô liu Kirkpinar, một trong những bộ môn đấu vật cổ nhất đất nước. 
Bộ môn đấu vật độc đáo này dã được tổ chức từ năm 1361 và có một vài truyền thuyết xoay quanh sự ra đời của nó.  
 
Truyền thuyết nổi tiếng nhất cho rằng bộ môn ra đời từ thời đế chế Ottoman. Khi đó, vị vua Ottoman là Orhan Gazi tới đánh chiếm vùng đất Thrace. Cùng với 40 chiến binh, ông đã mở rộng lãnh thổ tới tận biên giới Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgary. Trên đường trở về, các binh lính của Orhan Gazi đã quyết định tiêu khiển bằng cách chơi đấu vật.  
Trong đội binh sĩ đó, có hai anh em ruột là Ali và Selim, là những người giỏi nhất. Họ đấu vật trong hàng giờ liền nhưng bất phân thắng bại. Trận đấu kéo dài tới tận dịp lễ hội mùa xuân và vị vua đã hứa sẽ tặng thưởng cho người thắng cuộc một chiếc quần da. Màn đấu vật bắt đầu lúc sáng sớm và kết thúc lúc nửa đêm. Kết quả là cả hai anh em đều kiệt sức mà chết. 
 
 
Để tưởng nhớ sức mạnh và lòng dũng cảm của họ, vị vua đã cho chôn họ dưới một cây sung và cho binh sĩ rời đi. Nhiều năm sau khi họ trở lại thăm mộ, họ phát hiện ra từ khu vực xây cất hai anh em chảy ra một dòng suối mát. Người dân gọi tên dòng suối này là Kirkpinar (nghĩa là 40 dòng suối, tượng trưng cho 40 binh sĩ). Cái tên này cũng được dùng cho bộ môn đấu vật truyền thống được duy trì mãi sau này. 

 
 
Tượng đồng của các đấu sĩ huyền thoại được dựng trong thành phố.
 
Các trận đấu vật dầu ô liu này thường kéo dài lâu hơn đấu vật thông thường. Điều đặc biệt nhất là người tham gia phải tưới lên mình hàng lít dầu ô liu để làm cơ thể trơn hơn, gây khó dễ cho đối thủ trong việc bắt được mình. Họ cũng phải mặc quần da khi thi đấu theo đúng tích truyện cổ năm nào. 
 
 
Chiếc quần da này được gọi là Kispet, làm từ da của trâu nước và nặng tới 12 kg. Những chiếc quần này được đựng trong giỏ mây gọi là Zembil. Sau mỗi trận đấu, các Kispet được giặt sạch và ngâm nước để tránh bị khô, vỡ. Khi một đấu sĩ treo chiếc giỏ Zembil lên tường, anh ta muốn thông báo cho mọi người biết rằng mình sẽ giải nghệ và không bao giờ đấu vật nữa. 
 
Trong khi các đấu sĩ vật nhau lịch liệt, các ban nhạc vẫn thản nhiên chơi kèn, trống, hát để cổ vũ tinh thần. Khác với truyền thống, người chiến thắng sẽ giành được một chiếc thắt lưng bằng vàng 14 carat nặng 1,5 kg, một phần thưởng mà mọi đấu sĩ vật đều mơ ước. 
 
 
Supertramp

Không có nhận xét nào: