Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

Kỳ thú ‘bức tường nước mắt’ ở Hawaii

Waialeale là tên của đỉnh núi lửa cao thứ hai trên hòn đảo Kauai, thuộc quần đảo Hawaii xinh đẹp.

Trong ngôn ngữ Hawaii, Waialeale (hay Wai’ale’ale) có nghĩa là “nước chảy”. Với lượng mưa trung bình 11.500 mm nước mưa một năm, đây là một trong những nơi ẩm ướt nhất trên khắp hành tinh. 





Lượng nước mưa dồi dào này tạo ra vô vàn dòng chảy nhỏ, các lạch suối, thác nước len lỏi từ đỉnh cao hơn 2.000 mét dốc đứng xuống phía dưới. Một trong những mặt cắt của núi Waialeale thậm chí đã được mệnh danh là “Bức tường nước mắt” vì có quá nhiều thác nước chảy xuống trên cùng một bề mặt, nhìn từ xa như một khuôn mặt đầm đìa nước mắt. 





Du khách tới khu vực này có thể tham gia vào các lộ trình leo núi thăm các thác nước hoặc ấn tượng hơn cả là thăm khu vực bằng máy bay trực thăng để nhìn toàn cảnh “bức tường nước mắt” độc đáo này, đặc biệt là khi trời quang mây tạnh. 







Có rất nhiều lý do khiến Waialeale “hứng” nhiều nước mưa như vậy trong năm. Thứ nhất, Kauai là điểm cực Bắc của quần đảo Hawaii, thuộc khu vực khí hậu nhiều mưa; thứ hai, ngọn núi có hình dáng tròn và chóp nón nhọn, đón gió và độ ẩm từ tất cả mọi mặt. 



Rất ít cây cối lớn có thể chịu nổi lượng mưa khủng khiếp hàng năm của Waialeale, tuy nhiên đây là là địa hình lý tưởng cho nấm và địa y bởi hầu như mây mù lúc nào cũng bao phủ đỉnh núi và hiếm hoi lắm mới có ánh mặt trời. Khung cảnh núi đồi nơi đây luôn phủ trong màn sương mờ ảo, tạo nên một vẻ đẹp mơ màng, huyền ảo, trái ngược với những bãi biển nắng ấm mà người ta luôn tưởng tường về Hawaii. 




Supertramp (Xzone/Tri Thức Thời Đại)

Bức tường nước mắt ở Hawaii

Được mệnh danh là điểm ẩm ướt nhất thế giới, ngọn Waialeale nổi tiếng với những thác nước mảnh, chảy dài, như dòng nước mắt.
Waialeale (Wai’ale’ale) là một miệng núi lửa nằm ở điểm cao thứ hai trên đảo Kauai, thuộc quần đảo Hawaii. Trong ngôn ngữ địa phương, Wai’ale’ale có nghĩa là “dòng nước rỉ” hay “nước tràn”. Nhờ cấu trúc như hình găng tay của người chơi bóng chày, ngọn núi là một cỗ máy làm mưa tự nhiên thần kỳ: hơi ẩm từ đại dương đi qua triền núi phía đông bị chặn lại, bốc hơi bay thẳng lên đến 3.000 feet (gần 1.000 m) cho đến khi gặp không khí mát hơn và tụ lại, tạo thành mưa.
Với lượng mưa trung bình mỗi năm đạt hơn 11,500 mm (kỷ lục 17,300 mm vào năm 1982), ngọn Waialeale được xem như là điểm ẩm uớt nhất trên thế giới. Không ngạc nhiên đây trở thành nơi quần tụ của những thác nước đẹp tuyệt trần. Nước mưa rơi từ trên đỉnh cao 5148 feet (hơn 1.500 m) xuống tạo thành vô số những dòng chảy nhỏ, len lỏi qua từng khe hở giữa các lớp thiên thạch. Từng thác nước màu bạc trắng cuộn chảy dọc theo triền núi ngút ngàn xanh, hệt như những dòng nước mắt. Chính vì thế mà nơi đây còn được gọi là “Bức tường nước mắt”.
waialeale-1-JPG-2830-1388132765.jpg
Dòng nước bạc như nước mắt chảy trên khe núi xanh mướt.
Một vài thác nước khá sâu và chảy xiết, một số lại nông và nhỏ giọt. Khách du lịch chỉ có thể ngắm chung cả quần thể thác mà hầu như không thể ngắm từng thác riêng biệt. 
Những vách núi sừng sững dựng đứng, triền núi phủ đầy cây cối vùng nhiệt đới, lại thêm một lớp dày dương xỉ trên mặt đất khiến cho Waialeale không thể tiếp cận trực tiếp bằng đường bộ.
Những thác còn lại quá bé và ẩn sâu giữa các lớp đá, đến nỗi những nhà khám phá Waialeale sành sỏi nhất cũng khó có thể phát hiện ra. Có rất ít dấu hiệu của người leo núi trong khu vực này. Cách duy nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của "Bức tường nước mắt" là dùng trực thăng. Cho dù vậy, bạn cũng phải cực kỳ may mắn mới có thể nhìn thấy rõ khung cảnh thác nước vì khu vực này luôn luôn bị mây mù bao phủ.
Có nhiều cách lý giải cho việc Waialeale hàng năm đều có lượng mưa rất cao. Thứ nhất, Kauai nằm ở vùng cực bắc quần đảo Hawaii, nơi chịu tác động của hệ thống đối mặt gây ra rất nhiều mưa trên ngọn núi, đặc biệt vào mùa đông. Thứ hai, ngọn núi có dạng hình tròn và chóp nón, có thể đón toàn bộ gió mang hơi ẩm từ tất cả các phía, khiến cho độ ẩm lúc nào cũng được giữ ổn định ở mức cao.
Thứ ba, đỉnh núi nằm ngay dưới luồng gió “mậu dịch ngược” ở độ cao 1.829 m. Luồng mây tạo ra từ gió mậu dịch không thể bay lên phía trên luồng gió “mậu dịch ngược” thì đọng lại bao quanh các đỉnh núi. Cuối cùng, những vách đá dốc của ngọn núi khiến cho không khí ẩm tăng nhanh, tạo ra một lượng mưa cao bất thường tập trung tại một điểm nhất định.
waialeale-4-9870-1388132765.jpg
Thác nước vào những ngày sương mù bao phủ.
Mặc dù lượng mưa nhiều, nhưng đỉnh núi lại khá cằn cỗi. Một trong những lý do đó là độ ẩm trên đỉnh núi quá cao so với mức cần thiết cho cây cối sinh trưởng. Đỉnh núi cũng thường xuyên bị bao phủ bởi mây mù, ánh sáng mặt trời không thể chiếu đến mặt đất đủ cho cây quang hợp. Tuy nhiên môi trường thiếu ánh sáng và nhiều ẩm lại là điều kiện lý tưởng cho các loài nấm và địa y phát triển.

waialeale-2_1388132502.jpg
Waialeale nhìn từ trên cao.
waialeale-3_1388132406_1388132511.jpg
Dòng thác đổi xuống từ đỉnh Waialeale như  nước mắt.
waialeale-5_1388132525.jpg
Khung cảnh ngoạn mục của Waialeale chỉ có thể thấy được từ trực thăng.
waialeale-6_1388132532.jpg
Nơi đây thường xuyên bị che phủ bởi mây mù.
waialeale-7_1388132545.jpg
Quế Kay (Theo Amusing Planet)

Không có nhận xét nào: