Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Tiếng còi trong sương sớm trên dòng Kwai

SGTT.VN - Thực ra tôi cũng muốn một khuya ra dòng Kwai để nghe tiếng còi trong sương đêm. Nhưng nào có được. Trên con đường sắt huyền thoại ngang qua dòng Kwai giờ chỉ có những chuyến tàu ban ngày. Cũng may, Kanchanaburi sáng tháng giêng sương vẫn giăng mờ mịt nên những tiếng còi trong sớm mai như vướng vào màn sương. Nghe khắc khoải ngậm ngùi… như câu chuyện về dòng sông xưa, cây cầu cũ này.

Tàu đang đi ven theo sông Kwai với những cây cầu gỗ gần giống như ngày cũ.
Kanchanaburi nằm ở phía tây Bangkok, không xa lắm, 128km – chỉ hơn hai giờ đi xe. Có lẽ do ấn tượng quá mạnh về vùng rừng núi thâm u hoang dã trong bối cảnh của bộ phim nổi tiếng năm xưa của thế kỷ trước – Cầu sông Kwai mà khi tôi nói sẽ đến đó, vài người còn hỏi: “Có cần uống thuốc ngừa sốt rét?”
Nhưng, Kanchanaburi bây giờ đã là thành phố, thủ phủ của tỉnh cùng tên, lớn nhất khu vực miền Trung Thái Lan. Phố thị sầm uất với những con đường thênh thang, công viên xanh ngắt, những tượng đài, ngôi chùa vàng đỏ… đó đây. Hầu như đều mới, chỉ khác chăng là cây cầu cũ, chuyến tàu xưa. Dù là xây lại, nó cũng chỉ “trẻ” hơn cây cầu gốc chừng mươi năm, nên cũng xưa cũ lắm rồi.
Nghe chuyện trên đường sắt tử thần
Chẻ dọc nhiều núi đá hiểm hóc, bắc ngang nhiều dòng sông, trong đó có Kwai, cung đường sắt Thái – Miến ngày đó chủ yếu nằm sâu trong rừng rậm bỗng được nhiều người biết đến khi bộ phim kinh điển Cầu sông Kwai ra đời. Cung đường còn được gọi là Đường sắt tử thần vì những hy sinh mất mát quá lớn của những tù nhân đồng minh cũng như những lao động, phục dịch người châu Á trong quá trình xây dựng. Bị đánh sập ở năm cuối Thế chiến 2, được xây dựng lại những năm 50 thế kỷ trước, cùng lúc bộ phim nổi tiếng ra mắt, chiếc cầu xe lửa số 277 bắc qua dòng Mae Nam Kwai trở thành nơi thăm viếng của nhiều du khách. Nhất là khách người Anh, Úc, Hà Lan… đến xem nơi những đứa con, người cha, người anh, người bạn của mình ngã xuống trong chiến cuộc và công cuộc xây dựng cây cầu.

Cầu sông Kwai sớm mai còn lãng đãng sương dù nắng đang lên.
Cũng đã từng xem đi xem lại bộ phim nhiều lần, nên vừa xuống chuyến xe sáng từ Bangkok, tôi nhảy lên xe song-thẻo đến ngay ga Kanchanaburi. Vừa kịp chuyến tàu trưa Kanchanaburi – Namtok, ga cuối cùng trên đất Thái được phục hồi từ con Đường sắt tử thần ngày trước. Rời ga Kanchanaburi, con tàu ì ạch chạy. Tàu cũ kỹ, toa tàu ghế gỗ cọc cạch, trống huơ hoác như tàu chợ xứ mình. Khách lưa thưa vài người dân quê gồng gánh. Ngờ đâu khi vừa dừng ở ga Kwai, cách Kanchanaburi 2km, cách cây cầu 20m, khách du lịch ùa lên chật kín cả đoàn tàu. Nhiều người phải đứng, nhưng vẫn thấy rõ sự hứng khởi dù cái nóng hừng hực buổi trưa miệt này rất oi bức. Té ra phần lớn du khách đến thăm thú cây cầu trước, rồi mới lên tàu đi tiếp.
Cũng nhờ những du khách theo đoàn, có cả hướng dẫn viên này, tôi được nghe ké thêm về câu chuyện bi hùng của Cầu sông Kwai ngày nào. Tỷ như, nhiều sách truyện phim ảnh đề cao vai trò của những tù binh đồng minh, nhưng trong số 330.000 người lao động bị quân Nhật sử dụng để làm cầu có đến hơn 250.000 người châu Á, mà chủ yếu là người Java rồi mới đến người Thái, Miến. Rồi có đến 90.000 nhân công người Á đã nằm xuống so với số 16.000 tù binh người Anh, Úc… nhưng họ ít khi được nhắc đến, chẳng có nghĩa trang nào cho họ; trong khi có hai nghĩa trang lớn cho người da trắng ở đây… Những câu chuyện làm không khí trầm lại. Chỉ đến khi con tàu chạy theo dòng Kwai xanh thẳm hút xa bên dưới, lúc gần những hang động được giới thiệu nơi ngày trước các tù binh đào thoát trốn nấp… không khí mới sôi động trở lại. Nhất là khi trong toa, một bác già tóc bạc phơ hào sảng huýt sáo vang điệu nhạc quen thuộc The River Kwai March, nhận được bao tiếng vỗ tay cùng lời ngợi khen của các du khách trẻ.
Tiếng còi trong sương mai
Biết tàu lửa chỉ chạy ban ngày, tôi không quay lại cầu sông Kwai buổi tối. Đến bữa tán dóc với cậu bạn Hà Lan ở cùng nhà nghỉ Nita Rafthouse, “tám” về bản nhạc nổi tiếng xứ mình Tiếng còi trong sương đêm cũng gần ngang tuổi với cây cầu, chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng, lại mong được nghe tiếng còi trong sương đêm trên dòng Kwai. Điều không thể! James chợt nói “Nhưng mà tôi thấy sáng sớm ở đó sương nhiều lắm, sao ông không ra thử”...
Sáng hôm sau tôi lóc cóc đạp xe trong buổi sớm chập choạng, lạnh ngắt để ra sông. Vừa kịp chuyến tàu rời ga Kanchanaburi lúc 6 giờ 7 phút. Sương mờ cầu, mờ kín dòng sông dù ánh ban mai đã dần lên nơi xa. Cây cầu mà lúc giữa ngày luôn đông đầy du khách giờ vắng ngắt. Cũng như mọi khi, tàu chậm lại và kéo những hồi còi dài trước khi qua cầu, ngang sông. Trong sớm mai vắng vẻ không tiếng lao xao ồn ã mua bán kêu réo, dưới màn sương lãng đãng vây mờ như níu kéo, tiếng còi tàu nghe như ngân dài hơn mọi bữa, và vang hơn, rồi mới chầm chậm tan, như vướng víu cây cầu, lưu luyến dòng sông. Bên kia bờ, dưới triền sông nắng đã nhuốm hồng pho tượng Phật Quan Âm đang lặng lẽ đứng nhìn cây cầu bắc qua sông. Như ở mấy miền trải qua nhiều tang thương trên đất nước này, cũng như ở xứ mình… ngôi chùa, pho tượng Phật được xây bên cây cầu như để cầu mong cho người xấu số về nơi bình yên. Và hồi lâu, sau tiếng còi tàu, tôi nghe tiếng chuông chùa thanh thoát ngân, lan nhẹ trong gió mai dịu dàng. Chợt thấy lòng nhẹ bâng.
Sài Gòn giờ hiếm còn thấy sương. Cũng không còn vắng vẻ dù nửa đêm hay sớm mai. Một trưa tháng 3 nắng đổ lửa, kẹt cứng trong dòng xe nặng chịch tiếng động cơ lẫn tiếng còi, đục ngầu khói lẫn bụi, tôi bỗng thèm nghe lại tiếng còi tàu, tiếng chuông ngân bình yên trên dòng sông Kwai...
bài và ảnh: Trần Thái Hoãn

Từ bến xe Nam Bangkok hay từ đường Khaosan (giống khu Tây balô ở mình) có nhiều xe đi Kanchanaburi, hai giờ, trên dưới 80.000 đồng tuỳ xe. Cũng có thể đi tàu, từ ga Bangkok Noi, rẻ hơn tí nhưng chậm. Các điểm du lịch đều có thể đi bằng xe buýt, song-thẻo (giống xe lam ở mình), rẻ nhưng hơi chậm và phải chờ chuyến, nên sẽ khó đi được nhiều nơi trong ngày. Thuê xe gắn máy 140.000 đồng/ngày, xe đạp 20.000 đồng/ngày. Phòng nghỉ bình dân từ 120.000 đồng, ăn uống rẻ, chỉ 20.000 – 40.000 đồng/phần.
Cầu sông Kwai, cố đô Ayutthaya

Chuyến bay TK69 của Turkish Airlines đưa chúng tôi đến Thái Lan với tâm trạng có chút lo âu bởi làn sóng biểu tình vẫn đang tiếp diễn, nhưng khi đến sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, mọi người đều ngộ ra chẳng có gì phải lo lắng cả, bởi đồng hành cùng đoàn là nườm nượp du khách quốc tế trong tâm trạng háo hức bước vào chuyến khám phá các điểm đến đầy hấp dẫn nơi đất Thái.

Du khách tham quan cầu sông Kwai
Rời sân bay vào trung tâm Bangkok, dễ nhận thấy sự bình yên ở mỗi ngả đường, góc phố, chúng tôi chẳng gặp chút trở ngại nào từ đoàn người biểu tình. Thay vào những nỗi lo ban đầu về chuyện bạo động, tâm trạng của cả đoàn giờ là sự an tâm để nghĩ tiếp cho hành trình mới trên đất Thái. Đó sẽ là những giây phút lắng đọng theo từng nhịp của cây cầu sông Kwai huyền thoại ở Kanchanaburi, và ngược dòng thời gian để tìm lại một thuở vàng son trong quá khứ của miền cố đô Ayutthaya, nghe phế tích trăm năm kể chuyện dài lịch sử.Đường đến sông Kwai
Đây là một hành trình khác biệt hẳn với những chuyến khám phá trước trên đất Thái mà chúng tôi từng được trải nghiệm. Từ Bangkok, theo hướng tây, chúng tôi đi qua một địa danh hẳn còn khá xa lạ với khách lữ hành Việt, đó là tỉnh Nakhon Pathom, chỉ cách Bangkok chưa đầy 60km.
Ở Thái Lan, Phật giáo là quốc đạo, và Nakhon Pathom được xem là nơi xuất phát đạo Phật ở Thái, cũng là một trong những thành phố cổ nhất ở Thái Lan, với biểu tượng là bảo tháp Phra Pathom cao 127m ở ngay trung tâm thành phố, do vua Rama IV xây nên ở thế kỷ XIX (1860). Bên cạnh bảo tháp có một điểm đến khác không thể bỏ qua khi đến Nakhon Pathom, đó chính là Bảo tàng sáp về hình tượng người Thái (The Thai Human Imagery Museum). Ở đó, người xem được thấy những hình ảnh sống động về các nhân vật lịch sử như các vị vua ở triều đại Chakri, về sinh hoạt thường ngày của người dân Thái..., tất cả được điêu khắc trông rất sinh động.
Toàn cảnh cầu sông Kwai nối hai đất nước Thái Lan - Myanmar
Rời Nakhon Pathom, hành trình tiếp nối đến phim trường Prommitr ở tỉnh Kanchanaburi, bối cảnh của bộ phim sử thi Hoàng hậu Suriyothai 2001, kể lại tích truyện vua xứ Ayutthaya là Maha Chakkraphat cùng vợ là hoàng hậu Suriyothai cầm quân xung trận năm 1549 chiến đấu với kẻ thù. Trong trận chiến ấy, vì cứu nguy cho chồng, hoàng hậu Suriyothai đã bị chặt mất cánh tay và hy sinh.Kanchanaburi cũng sở hữu một điểm đến được mong đợi khác, chính là cây cầu sông Kwai. Chúng tôi hiểu hơn về cây cầu huyền thoại này khi đi qua nghĩa trang Kanchanaburi, nơi yên nghỉ của 6.982 tù binh đồng minh, những người thi công tuyến đường sắt bắc qua cầu sông Kwai trong thế chiến thứ II. Lịch sử ghi lại chỉ trong 3 năm phát xít Nhật xây dựng tuyến đường sắt nối từ Thái Lan đến Myanmar (1943 - 1945), ước tính có khoảng 16.000 tù binh đồng minh và 70.000 lao động cưỡng bức, chủ yếu là người châu Á, Úc và Tây Âu, thực hiện công trình, nhiều người trong số họ đã ngã xuống và yên nghỉ mãi mãi ở nơi này.
Không xa nghĩa trang, cây cầu sông Kwai năm xưa cùng tuyến đường sắt vẫn còn đó, nhưng được tôn tạo từ một nơi điêu tàn nay trở thành điểm đến của du khách khắp thế giới. Với những ai đã từng xem bộ phim nổi tiếng Cầu sông Kwai hẳn sẽ có thêm sự trải nghiệm mới khi dạo bước trên cây cầu vững chãi hôm nay, nghe tiếng vọng của một quá khứ buồn trong lịch sử nhân loại.
Ayutthaya - Nhớ thời hoa lệ
Giấc ngủ bình yên trong Kohkorya Resort ở Kanchanaburi giúp chúng tôi lấy lại năng lượng cho hành trình về miền cố đô Ayutthaya chỉ
Wat Mahathat từng là tu viện hoàng gia khi xưa ở Ayutthaya
cách Bangkok độ 80km theo hướng bắc. Màu gạch nâu đỏ từ những phế tích kiến trúc dày đặc, đan xen nhau trong suốt các ngả đường miền cố đô đưa chúng tôi về một thời huy hoàng của năm 1351 - năm Ayutthaya được vua U Thong thành lập, định đô và phát triển thành một kinh thành thịnh vượng, là điểm thuận tiện trên con đường giao thương huyết mạch sang các vùng xứ Ấn nối đến tận châu Âu. Ayutthaya bắt đầu tàn phế từ tháng 4/1767, chiến tranh liên miên, và hào quang một thời của Ayutthaya dần chìm vào quên lãng. Các đền tháp bằng gạch nung dần bị bào mòn bởi vết cắt thời gian.Ayutthaya nay trở thành cố đô, chỉ còn lại phế tích đền, chùa, tuy cùng chất liệu xây dựng nhưng mỗi ngôi đền, mỗi khối kiến trúc lại mang nét rất riêng, để lữ khách tha hồ khám phá và chiêm nghiệm sự độc đáo ấy. Đó là chùa Phra Mongkhon Bophit, trung tâm vùng cố đô, nơi lưu giữ pho tượng Phật lớn nhất Thái Lan, cao đến 12m, bề ngang 9m, tương truyền được xây trong giai đoạn từ 1448 - 1602; đó là ba bảo tháp cao vút của chùa Phra Si Sanphet; là tượng Phật khổng lồ nhập niết bàn ở Wat Yai Chaimongkhon hay Wat Lokayasutha...
Tượng Phật khổng lồ ở chùa Wat Lokayasutha
Có tổng cộng 96 di tích và danh thắng ở Ayutthaya, trong đó, Wat Mahathat, một tu viện hoàng gia khi xưa với kiến trúc gồm hơn 200 tháp lớn, nhỏ liên hoàn, đang là nơi lưu giữ nét đẹp độc đáo là một cội bồ đề buông rễ phủ lấy phần gương mặt tượng Phật. Du khách khi đến nơi này thường tìm đến chiêm bái vẻ đẹp trầm mặc của pho tượng được xem là tiêu biểu cho vẻ đẹp của hình thái tượng Phật ở Ayutthaya.Ayutthaya hôm nay, với những nét trầm mặc, cổ kính, dẫu là phế tích nhưng vẫn như đưa chúng tôi lạc vào cõi hư vô giữa nhịp đời náo nhiệt.

NGUYỄN ĐÌNH

Nếu đã đến cầu sông Kwai...

Đến “cầu trên sông Kwai” để thấy cách người Thái ứng xử với lịch sử thông qua cách khai thác di tích để làm du lịch của họ.
Nếu đã đến cầu sông Kwai...
Cảm giác “tử thần” sẽ đến ở những cung đường cheo leo vách núi như thế này
Cầu sông Kwai, như trong bộ phim nổi tiếng cùng tên của Mỹ, chỉ là một lát cắt của lịch sử nhưng có giá trị dẫn dụ ghê gớm đối với du khách. Dẫu vậy, không có mấy khách du lịch Việt ghé đến nơi này, dù Thái Lan là một trong ba nước hàng đầu mà người Việt Nam chọn làm điểm đến, dù tỉnh Kachanaburi biên giới - nơi có cây cầu đường sắt Kwai nổi tiếng - đón tới 10 triệu du khách mỗi năm. Cũng giống chuyện lữ hành Việt trên đất Campuchia, những nơi ghi dấu quá khứ chưa xa và gần gũi với nước mình như Cánh đồng chết, nhà tù Tuol Sleng… thường chỉ nhỏ lẻ người thăm viếng!
Với một đất nước mà lịch sử gần như gắn liền với những cuộc chiến tranh như Việt Nam, có lẽ những thứ gắn với chiến tranh - trong con mắt hoặc suy nghĩ của nhiều người - là chuyện nên quên, có gì phải xem nữa? Nhưng ở cầu trên sông Kwai, cái tên mang tính biểu tượng cho Kachanaburi, điều đọng lại trong lòng du khách không chỉ là dấu vết chiến tranh, là lịch sử mà chính là cách người Thái ứng xử với lịch sử thông qua cách họ khai thác di tích phục vụ du lịch.
Trên cầu sông Kwai được làm mới này, người Thái tổ chức liên tục những chuyến tàu qua lại hai bên đầu cầu để thu hút khách
Tại bảo tàng chiến tranh mang tên “Jeath”, dòng chữ “Forgive but not forget” (tạm dịch: Tha thứ nhưng không lãng quên) được viết nổi bật. Người Thái “không quên” nhưng “tha thứ” cho tội ác mà quân đội Nhật Bản đã gây ra với tù binh và dân phu khi xây dựng tuyến đường sắt nhằm vận chuyển khí tài để đánh chiếm Ấn Độ. Cái tên “Jeath” được viết tắt từ tên của Nhật Bản đứng cạnh tên bốn nước đồng minh Anh, Úc, Thái Lan, Hà Lan không phân biệt bạn - thù cũng có vẻ… đại đồng. Kachanaburi thì như một thành phố “Liên hiệp quốc” với tên đường, thậm chí tên các cửa hiệu, là tên của các quốc gia từng có quân lính tham chiến và chết tại đây. Cái tên Việt Nam cũng hiện diện ở Kachanaburi, nhắc nhớ kiếp dân phu đi dễ khó về.
Để hoàn thành tuyến đường 415 km (hơn 2/3 độ dài con đường này nằm trọn trên đất Thái) trong thời gian dự kiến năm năm nhưng sau đó rút xuống còn 16 tháng, gần 17 ngàn quân đồng minh và 100 ngàn dân phu nhiều nước đã ngã xuống, trong đó có cả người Việt. Có một nghĩa trang dành cho những người lính - thợ ở xứ này. Không biết đó có phải là lý do khiến du khách đến đây từ các nước thuộc quân đồng minh thưở trước chiếm tỉ lệ áp đảo?
Ở Bangkok, từ nhà ga Thonburi, bạn có thể đi đến cầu trên sông Kwai tại Kachanaburi bằng đường sắt. Hằng năm, từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12, lễ hội âm thanh và ánh sáng tái hiện lịch sử cầu sông Kwai được những người làm du lịch Thái tổ chức, để thu hút khách, rất chuyên nghiệp và hiệu quả.
Cầu sông Kwai nguyên gốc không còn nữa. Sau khi hoàn thành vào năm 1943, nó đã bị bom đồng minh đánh sập. Người Thái làm lại cây cầu hiện nay để duy trì hoạt động của một phần đường sắt tử thần xưa, phục vụ du lịch là chính, với lộ trình xa nhất tới ga Namtok, cách cầu sông Kwai khoảng 80 cây số và cách biên giới Myanmar khoảng 170km. Nhiều du khách cứ tưởng con đường sắt tử thần xưa đến đó là hết. Thật ra, nó còn chạy đến biên giới, băng qua đó sang tận Myanmar một đoạn rất xa. Sau 1945, đoạn đường sắt từ Namtok đến biên giới Myanmar đã bị phá bỏ theo thoả ước giữa Thái Lan - Myanmar. Có lẽ vì muốn xóa bỏ một phần ký ức đau thương trên cung đường này.
Trước đền Hòa Bình do Thái Lan - Nhật Bản lập năm 2002, còn lưu giữ đoạn đường sắt cuối cùng của tuyến đường sắt “Tử thần” trên đất Thái
Giờ đây, du khách đến cầu sông Kwai, nếu chỉ đủ thời gian để cưỡi ngựa xem hoa thì nên lên những chuyến tàu cực ngắn, cực chậm, chỉ chạy qua chạy lại liên tục giữa hai… đầu cầu để hình dung chuyện xưa. Nhiều thời gian hơn, đi bộ trên cầu là lựa chọn hay vì du khách có thể thong thả chụp ảnh lưu niệm. Trong khi đang rảo bước, bạn có thể phải dừng lại khi điệu nhạc nổi tiếng trong bộ phim Cầu sông Kwai cũng rất nổi tiếng trên bất chợt vang lên. Tiếng violon, và nhất là tiếng huýt sáo, của một anh chàng nhạc sĩ đường phố tóc dài lãng tử, nghe thật là da diết. Anh ta cũng sẽ là người chỉ cho bạn vết bom đạn của không trận năm nào còn lưu trên những thanh sắt xưa được tận dụng để làm lại chiếc cầu nay.
Từ cầu trên sông Kwai, bạn có thể lên tàu đi tiếp đến Namtok, điểm cuối hiện hữu của “đường sắt tử thần”, để cảm nhận chút xíu cảm giác “tử thần” khi xe lửa băng qua cung đường nằm cheo leo trên vách núi của đèo Hỏa Ngục, cũng chính là nơi “độc chiếm” những góc máy ấn tượng nhất. Đến Namtok, nếu còn muốn theo dấu con đường tử thần, bạn có thể đón taxi để tiếp tục lên đường, đến tận biên giới Myanmar. Tại đây, ngay trước đền Hòa Bình do Thái Lan - Nhật Bản lập năm 2002, một phần rất ngắn của đường sắt xưa còn được lưu giữ, như một bảo tàng ngoài trời, bên cạnh đó là tấm bia ghi dòng chữ “Tuyến đường sắt cũ Myanmar - Thái Lan - Nhật Bản năm 1942”. Bên đất Myanmar, cũng có một đoạn đường sắt được lưu giữ như vậy.
Sau giai đoạn căng thẳng vì chuyện tị nạn, nhập cư từ Myanmar (do xung đột vũ trang tại nước này), hiện nay, cư dân hai bên biên giới qua lại khá dễ dàng. Trên đất Thái Lan, cách biên giới khá xa đã có thể nhìn thấy những người đàn ông Myanmar mặc váy và ăn trầu đi lại, mua bán. Còn tại cửa khẩu Phayathonzu phía Myanmar, tấm bảng thông báo du khách từ Thái Lan có thể vào Myanmar trong một khu vực giới hạn với mức phí 10 USD.
Bang Karen nằm trên đất Myanmar phía bên kia cửa khẩu là đất của người Karen - một sắc dân của Myanmar, được biết đến trong phim Cầu sông Kwai qua hình ảnh em bé du kích giúp người tù binh vượt ngục thoát khỏi sự truy đuổi của lính Nhật. Trong lịch sử nội chiến của Myanmar, Karen là vùng đấu tranh đòi quyền tự trị từ những năm 1949 và chính quyền dân sự nước này chỉ mới vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn từ đầu năm 2012. Ngay sau đó, tháng 5.2012, chính quyền Myanmar tuyên bố sẽ khôi phục lại 105km của tuyến đường sắt tử thần trên đất mình để phát triển kinh tế vùng biên.
Chưa biết đến khi nào việc khôi phục mới xong và cũng không biết Thái Lan có ý định khôi phục tương tự để tuyến đường sắt tử thần trong quá khứ lại được liên thông trong sứ mạng mới - sứ mạng hòa bình, hợp tác giữa hai nước - hay không, nhưng với du khách, hẳn có nhiều người rất mong sẽ được đi lại trọn vẹn 415 km của tuyến đường sắt lịch sử này trong một ngày không xa.
Thúy Phượng

Không có nhận xét nào: