Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Du Xuân Cambodia


(CAO) Tết 2013 được nghỉ dài nên tính đi lang thang mấy thành phố biển Cambodia. Tuy Tết Nguyên Đán không phải là Tết của dân Cambod nhưng các điểm du lịch cũng chật ních du khách: du khách người Việt, người Hoa đi nghỉ Tết đã đành, người Cambodia cũng “ăn theo” … Ở Cambodia không cấm đốt pháo, nghe pháo nổ ran lòng người cũng náo nức …
Koh Kong
Trưa dừng xe nghỉ ăn trưa ở ngoại ô cách Phnom Penh 19 km, một chợ ẩm thực rất náo nhiệt. Khá nhiều xe hơi từ Phnom Penh chở gia đình, bạn bè ra đây ăn uống. Chợ bán rất nhiều món ăn đủ loại, có thể chọn mua món ăn về sạp ngồi ăn chung. Giá thuê 1 sạp ngồi 10 người khoảng 20.000 Riel~ 30.000 R (= 5~ 7,5 USD). Bãi đỗ xe ken đầy chật cứng xe hơi…Ngồi xe trên đường đi từ Phnom Penh đến Sihanoukville, tôi liên tục gọi điện đến các khách sạn quen ở Sihanoukville thì đều “cháy phòng”. Dịp này giá tiền phòng ở các khách sạn cũng lên vù vù. Nếu ngày thường chỉ 15 USD/phòng đôi thì bây giờ là 35~40 USD. Đến Miếu thờ Dì Mao (Bà Đen), thấy khả năng nghỉ tối ở Sihanoukville là “phiêu lưu” và … tốn tiền (mục tiêu của dân “phượt” luôn là tiết kiệm chi phí tối đa), tôi quyết định thay đổi kế hoạch, cho xe chuyển hướng về Koh Kong. Điều này nghĩa là hành trình hôm nay sẽ kéo dài thêm khoảng hơn 1 giờ. Koh Kong là một tỉnh nhỏ xa xôi hẻo lánh, ít du khách Việt, Hoa, nên chắc giá phòng không leo thang nhiều…
Tỉnh Koh Kong nằm ở phía tây nam của Cambodia, phía tây bắc của Sihanoukville, cách biên giới Cambodia-Thailand khoảng 7 km. Koh Kong cách Phnom Penh khoảng 300 km, cũng ít xe khách đến đó. Hàng ngày chỉ có khoảng 2 chuyến xe khách từ Phnom Penh của hãng Sorya (6g30AM, 12g), 2 chuyến của Virak-Buntham Express (7g30AM, 12g30), hành trình đến Koh Kong khoảng từ 5-7g, giá vé 12-13 USD. Có lẽ vì vậy ít du khách quan tâm đến Koh Kong. Từ ngã ba giao lộ QL 4 và đường 48, ngoài 1 km đường đang sửa hơi xấu, còn lại đường đẹp. Quãng đường đi thỉnh thoảng mới gặp 1 khu dân cư thưa thớt, còn lại 2 bên là rừng nguyên sinh và đường đèo uốn lượn quanh co rất đẹp. Dọc đường đi 160 km thỉnh thoảng mới gặp 1 chiếc xe trên đường … Xe đi về hướng tây nên mặt trời hoàng hôn luôn “treo” trước mặt, trông rất thú vị …

Thành phố Koh Kong và cửa biển nhìn từ cầu Koh Kong. Xe chở dân qua Thái
Do nghỉ ăn trưa ở ngoại ô Phnom Penh khá lâu nên đến Koh Kong thì đã 20g tối. Loanh quanh tìm vài khách sạn, cuối cùng chọn Asian Koh Kong Hotel, giá 20 USD phòng đôi. Phòng ở cũng tốt, free wifi, giá cũng mềm. C ó một cửa hàng mini shop bán 24/24 ngay tầng trệt, cũng tiện. Phòng đôi thế này giá 20USD/ngày, có thể ở 4 người. Thành phố Koh Kong, nằm trên sông Kah Bpow, nơi được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan đẹp đến choáng ngợp và một hệ động thực vật đa dạng. Cảng Koh Kong trước đây từng là điểm tập kết của giới buôn hàng lậu, được mệnh danh là miền Viễn Tây của Cambod, nay đã thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng với những khu bảo tồn thiên nhiên như khu bảo tồn động vật hoang dã Peam Krasaop và Vườn quốc gia Botum Sakor. Đến Koh Kong còn bị cuốn hút bởi nhiều bãi biển hoang sơ trên đảo Koh Kong và những khu du lịch nằm xen kẽ xen lẫn trong rừng đước ven biển, dọc theo sông Ta Tai. Những người thích phiêu lưu có thể đi ngược dòng sông để khám phá làng Chi Phat xa xôi, chinh phục dãy núi Cardamom và rừng nhiệt đới, một trong những khu du lịch hoang dã còn sót lại của Đông Nam Á. Koh Kong là tỉnh chỉ mới được phát hiện như một điểm đến còn khá mới lạ, chưa được khám phá nhưng lại chứa đựng tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm. Chiếc cầu Koh Kong dài 1,6 km bắc ngang sông còn được gọi là Cầu Thái vì đi khoảng 7 km sẽ đến cửa khẩu Cham Yeam của Cambodia nối sang cửa khẩu Khlong Yai và thị trấn Had Lek thuộc tỉnh Trat của Thailand. Thành phố Koh Kong và cửa biển nhìn từ cầu Koh Kong. Xe chở dân qua Thái. Koh Kong là tỉnh lỵ nhỏ, ít cửa hàng, chủ yếu phục vụ người Cambodia và ngư dân Thailand, chỉ có một số ít du khách nước ngoài. Buổi tối phần lớn đóng cửa sớm, khoảng 22g. Ở Koh Kong có một số quán Café – Bar và Restaurant mà du khách thường ghé: Aqua Sunset Bar & Café, Baan Peakmai, Neptune Adventures Pub & Restaurant, … có các món ăn Âu, Thái và Khmer. Nổi tiếng nhất là quán Café Laurent đối diện khách sạn Asian Koh Kong nơi tôi ở. Quán Café Laurent nằm ở một vị trí đẹp trên bờ biển, view đẹp, mở cửa từ 7:00 AM đến nửa đêm. Ngồi đây có thể vừa ăn uống vừa ngắm nhìn cửa biển và cây cầu Koh Kong, tận hưởng làn gió biển, nhất là ngắm hoàng hôn trên biển. Quán có thiết kế khá đẹp, từng lô riêng cho mỗi nhóm khách. Lounge bar sang trọng, có máy lạnh, free wifi. Tại đây có phục vụ các món ăn Âu, Hoa, Khmer … Đặc biệt là có rất nhiều loại café
và cocktail … Nhà WC cũng được thiết kế vui mắt theo gu trang trí của các điểm du lịch nổi tiếng ở các nước phát triển… WC dành cho nam được treo những hình khá “ấn tượng” (bên WC nữ tôi không có dịp “tham quan” nên không biết trang trí thế nào).

Koh Kong đồng tiền sử dụng thông dụng là đồng Baht (Thailand). Đồng USD hoặc Riel cũng sử dụng bình thường nhưng quy đổi giá thấp hơn. Đổi tiền ở xung quanh chợ chính, tỷ giá 1USD = 29,97 baht. Chỉ có ATM ở ACLEDA Bank góc giao đường số 3 và Lộ 48 là chấp nhận thanh toán VISA Card. Koh Kong là một tỉnh “vùng sâu vùng xa” của Cambodia nên hoạt động du lịch ở Koh Kong còn khá sơ khai. Có thể liên hệ một vài tour đi thuyền trên sông Ta Tai khám phá rừng nguyên sinh nhiệt đới, tham quan khu bảo tồn thiên nhiên, núi Cadamom và một số thác: thác Ta Tai (20km về hướng tây thành phố), Koh Por, Kbal Chhay, … hoặc thuê canô đi tham quan các đảo. Koh Kong Kroah là đảo lớn nhất tại Cambodia, nằm cách thành phố Koh Kong khoảng 22km về phía nam. Phía tây đảo có 6 bãi biển nhiệt đới còn hoang sơ, cùng các đầm phá nước ngọt tự nhiên do những dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi. Phía bắc đảo là một trong 3 căn cứ hải quân của Hải quân Hoàng gia Cambodia. Ở Kong Kroah có duy nhất một làng chài Alatang ở góc Đông Nam. Koh Russei - đảo Tre (Bamboo Island) nằm cách bờ biển Sihanoukville 10km, là hòn đảo nhỏ, hoàn toàn tách biệt, thanh bình và yên tĩnh. Để ra đảo, mất khoảng 1 tiếng và phải đi theo tour khám phá 3 đảo: Koh Ta Kiev, Koh Craloh, and Koh Russei. Trên đảo, chỉ có duy nhất Ko Ru Resort với những bungalow nhỏ hướng ra biển, giá khoảng 10 USD/bungalow/đêm. Koh Ta Kiev là 1 trong những hòn đảo gần nhất đến Sihanoukville. Koh Ta Kiev có nhiều bãi biển đẹp. Koh Ta Kiev đã được 1 công ty Malaysia thuê với hợp đồng 99 năm để phát triển thành khu nghỉ mát du lịch sinh thái. Koh Sdach - nằm giữa Koh Kong và Sihanoukville. Nếu là một người thích khám phá những nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương thì không nên bỏ qua Koh Sdach, nơi có một ngôi làng đánh cá trải dài. Bao quanh Koh Sdach là những hòn đảo nhỏ. Nơi đây chưa phát triển nhiều về du lịch, ít người dân nói được tiếng Anh ! Không có khách sạn, một chỗ ngủ bình dân giá dao động từ 10~15USD.
Một tô hủ tiếu hải sản giá 3USD cũng ngon. Cái tô thiết kế đặc biệt lần đầu tôi thấy, có khoét 2 lỗ và 2 chỗ khuyết để … gác đũa. Rất sáng tạo
Koh Kong giáp biên giới Thailand nên một cái thú là “vượt biên” đi chợ Thái. Từ thành phố qua cầu Koh Kong ra cửa khẩu Cham Yeam chỉ cách 7 km, có thể đi taxe hoặc xe ôm. Như mọi cửa khẩu Cambodia khác, sát đường biên là những casino rất hoành tráng. Khách nơi này phần lớn là du khách hoặc người Thái từ bên kia biên giới sang đánh bạc (bên Thái cấm viên chức không được đánh bạc nên họ thường sang các casino biên giới Cambodia chơi). Người dân gọi đây là “những lò thiêu người”, vì nhiều con bạc sau khi thua trắng tay thường chọn cái chết để … thoát nợ. Cạnh casino cũng có khu giải trí Koh Kong Safari World với giá vé người lớn 12 USD, trẻ em 9 USD. Tương tự các khu giải trí, trong này có biểu diễn xiếc cá sấu, cá heo, sư tử, … và một số trò chơi giải trí khác, nhưng quy mô nhỏ, chỉ như khu Đầm Sen hay Suối Tiên ở TP.HCM. Chi phí dịch vụ đóng dấu cửa khẩu Cham Yeam (Cambod) qua Thailand là 30.000 R (7,5 USD) cho 2 lượt đi về. Nhưng nhân viên hải quan Cambodia nói với tôi không biết bên Thái có cho nhập cảnh không ? Họ bảo tôi cầm hộ chiếu sang cửa khẩu Khlong Yai (Thailand) hỏi xem có được nhập cảnh không rồi quay về đóng dấu xuất cảnh và nộp tiền. Sang cửa khẩu Thái thì nhân viên “hét giá” dịch vụ một người là 300 baht (10 USD). OK, “dân chơi đâu sợ mưa rơi”, chi phí chỉ bằng mua 1 vé xem ca nhạc ở VN ! Quay lại cửa khẩu Cambodia đóng dấu xuất cảnh rồi lại quay sang Thailand, được đóng dấu nhập cảnh vào Thailand chơi tới 30 ngày (tới 14/3/2013).
Thị trấn biên giới Had Lek của Thái cũng nhỏ, chợ đường biên không lớn, hàng hóa đủ loại: Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Quy mô thua xa chợ biên giới cửa khẩu Poi Pet (Cambodia) - Aranyapr (Prachinburi – Thailand) mà tôi đã từng qua.
Thị trấn Had Lek (tỉnh Trat - Thailand) Nếu thích đi Pattaya - Bangkok chơi có thể đi bằng xe bus hoặc thuê xe bên Thái đi Bangkok (450 km) chơi vài ngày. Đây cũng là cung đường mà các đoàn tour carnavan Việt Nam đi Cambodia – Thailand thường chọn: TP.HCM – Hà Tiên – Kampot – Bokor – Sihanoukville – Koh Kong – Pattaya – Bangkok – Poi Pet – Siem Reap – Kampong Thom – Phnom Penh – TP.HCM. Dọc đường tôi cũng gặp khá nhiều dân “phượt” Tây ba lô. Họ thuê xe mô tô và đi lang thang mấy thành phố biển Cambodia. Buổi tối tại Koh Kong khá buồn tẻ vì hàng quán đóng cửa sớm (trước 22g). Muốn chơi tối chỉ có ghé các quán bar – café – karaoke dọc bờ biển, hoặc đi dạo công viên ven cầu Thái ăn hàng rong, nhậu hải sản các quán hậu nhỏ ven sông, … Bia Angkor khoảng 3.000R-4.000R/lon (1 USD). Món bánh kẹp bình dân khá lạ với đủ hương vị tự chọn ở công viên (2.000R=0,5 USD=10.000ĐVN).

Tại Koh Kong cũng có khá nhiều người Việt Nam sinh sống. Họ chọn nơi này vì là vùng đất làm ăn buôn bán được. Giá cả bình dân. Ăn tối no nê khoảng 12.000R/người (3USD). Ăn sáng phở, hủ tiếu,… 6.000R/tô (1,5USD). Tuy nhiên phở ở đây không có vị đúng như phở VN. Sau 2 đêm ở Koh Kong, tôi đoán du khách ở Sihanoukville đã vãn vì hết “căng” dịp nghỉ, giá phòng khách sạn đã xuống trở lại bình thường nên quyết định trở lại Sihanoukville …
  Sihanouk Ville và Bokor
 Từ Koh Kong về Sihanoukville 260 km mất khoảng 4 giờ chạy xe. Đúng như tôi dự đoán, lượng du khách tại Sihanoukville đã giảm đáng kể. Giá phòng “tụt xuống” còn 17USD/phòng đôi, chấp nhận được. Khách sạn gần chợ, tiện mua sắm, ăn uống,…

Dạo một vòng quanh các điểm tham quan: Cảng Sihanoukville, khách sạn 5 sao Independence (trước là dinh thự của Quốc vương Sihanouk, sau giao lại khai thác khách sạn du lịch), khách sạn 5 sao Bokha Beach Resort của tỷ phú người Cambodia gốc Việt (ông này là chủ thầu khai thác khu đền Angkor và rất nhiều khách sạn 5 sao ở Phnom Penh và các tỉnh). Nói thêm về ông tỷ phú gốc Việt nổi tiếng Cambodia này. Ông tên thật là Sok Kong, sinh năm 1952 tại tỉnh Prey Veng (cách bến phà Neak Leoung 30 km về phía bắc). Cha mẹ của ông là người Việt Nam. Năm 1975 (23 tuổi), ông về Đồng Tháp làm ruộng. Năm 1979 ông quay lại Cambod với tài sản là 1,5 chỉ vàng. Nghe lời người bạn, ông nhảy vào kinh doanh cao su… rồi phát triển dần sản xuất đúc vỏ xe, dép râu, cung cấp quân nhu cho quân đội CPC. Năm 1989, quân đội VN rút về nước, ông thầu cung cấp quân nhu cho quân đội CPC bằng cách … sang VN mua rồi bán lại cho quân đội. Năm 1991, ông trúng thầu cung cấp xăng dầu cho chính phủ CPC, bằng cách … sang Singapore mua về bán lại cho Bộ Thương Mại. Năm 1992, UNTAC vào CPC, đặt hàng ông cung cấp toàn bộ xăng dầu luôn. Năm 1993, ông thành lập công ty Sokimex và phát triển cho tới Tập đoàn Sokimex bây giờ với hàng nghìn cây xăng trong toàn quốc. Tập đoàn Sokimex còn đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác nữa, kể cả … đầu tư ở Việt Nam. 

Khách sạn 5 sao Sokha ở Sihanoukville với cái đầu rồng trong khách sạn và đuôi rồng ở cuối bãi biển
Khu đền Angkor ở Siem Reap trước đây chính phủ CPC chỉ thu được 200.000USD/năm. Năm 1999, ông Sok Kong trúng thầu đầu tư tôn tạo và bán vé khu đền Angkor với giá trả cho chính phủ CPC 1 triệu USD. Ông thu được 2,5 triệu USD, lời 1,5 triệu USD. Thấy vậy, năm 2000 chính phủ CPC tăng tỷ lệ ăn chia 70/30, ông được 30%. Năm 2001, tỷ lệ là 75/25, ông phải bỏ tiền ra tu sửa tôn tạo đền, nhưng lượng du khách đến tham quan Đền Angkor ngày một tăng nhanh chóng nên ông trở thành … tỷ phú. Ông tiếp tục đầu tư lĩnh vực khách sạn với hệ thống khách sạn Sokha 5* trên toàn quốc, và cả một hãng hàng không Sokha Airlines.

Ông Sok Kong được chính phủ CPC giao cho 140.000 ha trên núi Bokor (tỉnh Kampot) để đầu tư thực hiện dự án Bokor Mountain Resort, với hàng nghìn biệt thự, khách sạn cao cấp 4* - 5*, casino, sân golf, hệ thống cáp treo, … và đặc biệt là biến núi Bokor thành một khu giải trí và trung tâm hội nghị triển lãm cao cấp nhất CPC. (Tôi sẽ trở lại hướng dẫn mọi người tham quan khu Bokor ở phần sau).

Nhà thờ cổ và những dấu tích còn lại
Từ người nghèo trở thành tỷ phú từ 1,5 chỉ vàng vốn ban đầu, ông Sok Kong không quên những người nghèo. Ông tài trợ cho Chính phủ CPC hàng chục triệu USD xây trường học, đường xá, chùa chiền … Ông là người Việt Nam duy nhất đến nay được Quốc Vương Sihanouk ban tặng tước hiệu Oknha (Công tước) vì những cống hiến cho xã hội và cộng đồng. Điều đặc biệt là ông vẫn giữ 2 quốc tịch Việt Nam và Cambodia và giữ hộ khẩu ở … TP.HCM. Ông có 6 người con, 3 trai 3 gái. Con trai đầu làm việc tại TP.HCM, 2 con trai quản lý doanh nghiệp ở CPC, còn 3 con gái đi du học…. Ghé bãi biển Victory, bãi biển Sokha, bãi Ochheuteal, … hầu hết còn lại là du khách Tây. Các quán bar – café vẫn nườm nượp khách Tây…Sau một buổi chiều dạo chơi, tắm biển, ăn hải sản và nghỉ ngơi ở Sihanoukville, sáng hôm sau xe trực chỉ núi Bokor thẳng tiến. Từ Sihanoukvlle trở ngược lại đường Quốc lộ số 4, đến ngã ba Véal Rénh, rẽ sang Quốc lộ số 3 đi Kampot. Còn cách thành phố Kampot 10 km là tới ngã ba dẫn lên núi Bokor.

Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1924
Con đường lên núi Bokor dài 45 km đã được Tập đoàn Sokimex đầu tư xây dựng và cải tạo rất đẹp. Đường đèo ngoằn nghèo với nhiều cua gấp khủyu tay nhưng xe chạy vẫn êm ru. Bên phải có thể nhìn thấy bắc đảo Phú Quốc, gần tưởng như có thể ném một hòn đá qua tới bờ bên kia. Trời nắng đẹp nên có thể nhìn rõ toàn cảnh vùng biển Phú Quốc, mảnh đất của Tổ Quốc than yêu ngay bên cạnh. Phía trước mặt là thành phố Kampot, xa xa là thành phố Krong Kep. Xa hơn chút nữa là Hà Tiên. Điện thoại mạnh có thể bắt sóng điện thoại của Việt Nam.

Công viên quốc gia Bokor

Bokor Hill Station nằm trên núi Bokor là một quần thể các tòa nhà kiến trúc thời thuộc Pháp trên đỉnh núi bao gồm một phức hợp các khách sạn, sòng bạc, nhà thờ, dinh thự hoàng gia, do Pháp xây dựng vào đầu những năm 1920 . Trong những năm 1990, người ta đã ví Bokor như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và "thành phố ma" vì vẻ hoang tàn và kì bí của nó, danh tiếng đó vẫn tồn tại cho đến nay. Do bị bỏ hoang nhiều năm nên nơi đã đã bị đổ nát nghiêm trọng - vết tích của các thời kỳ khác nhau nay bị bao phủ trong mây. Bokor vào thời thịnh vượng đã từng là nơi nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và du khách nước ngoài ở Đông Dương. Đó là một khu nghỉ dưỡng trên đồi với khí hậu ôn hòa tránh cái nóng nhiệt đới. Nơi đây bị bỏ hoang nhiều năm nên đã bị đổ nát nghiêm trọng.

Tượng Bà Đen trên đỉnh núi Bokor
Tại Bokor Hill Station hiện nay đã có thêm một khu giải trí nghỉ dưỡng phức hợp mới là Thansur Bokor, mang phong cách Khmer hiện đại, nép mình trên cao nguyên núi Bokor lịch sử. Quy mô khu nghỉ dưỡng ấn tượng có diện tích trên 60.000 m², nằm trên độ cao 1.080 m so với mực nước biển, với hơn 412 phòng nghỉ tiêu chuẩn và cao cấp. Khu ẩm thực phong phú với tổ hợp 12 nhà hàng, khu giải trí quốc tế với các trò chơi đa dạng, không gian hội nghị, phòng tiệc rộng lớn và nhà hát được trang bị hiện đại với sức chứa hơn 6.000 người. Khu giải trí đêm sang trọng với các phòng KTV, disco được thiết kế đặc biệt. Bên cạnh đó là khu spa đẳng cấp kết nối với phòng tập thể hình và hồ bơi hiện đại. Sân golf 18 lỗ được thiết kế bởi bởi golf thủ nổi tiếng Arnold Palmer và khu giải trí giáo dục dành cho trẻ em với diện tích hơn 200m2. 

Không chỉ đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, casino, sân golf, … phục vụ nghỉ dưỡng mà ông tỷ phú Sok Kong này còn “chơi chiêu” rất thông minh, là xây dựng một nơi tâm linh cho dân Cambodia. Ông cho dựng tượng Dì Mao (tiếng Khmer nghĩa là: Bà Đen) cực lớn trên đỉnh núi, dưới Quốc lộ 3 cũng có thể nhìn thấy. Đây là một biểu tượng tâm linh của người Khmer nên khách hành hương lên cúng kiếng rất đông. Ngoài dân bản địa, tôi còn thấy nhiều chuyến xe từ An Giang, Hà Tiên chở người Việt Nam sang đây lên núi để cúng Bà Đen. Họ coi đây cũng linh thiêng như Bà Chúa Xứ vậy.
Họa sĩ Nhím

Không có nhận xét nào: