Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

“Rợn tóc gáy” tục lệ thả xác người trôi sông


Rất nhiều xác chết với chỉ một phần thi thể được hỏa táng được thả trôi sông Hằng như một nghi lễ linh thiêng, và người dân quanh đó vẫn dùng dòng nước ô nhiễm đậm đặc này để ăn uống và sinh hoạt một cách bình thường.

Với biểu tượng thiêng liêng cho đạo Hindu, sông Hằng từ lâu đã được người dân Ấn Độ coi như dòng sông mẹ của đất nước này. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra tại dòng sông này cũng sẽ làm cho những người can đảm nhất phải thấy rợn mình.
Dòng sông linh thiêng
Với chiều dài 2.510km, trải dài từ sườn tây của dãy Himalaya ở bang Uttarakhand đến vùng châu thổ Sunderbans và đổ ra vịnh Bengal, sông Hằng từ lâu vẫn được coi là dòng sông thiêng của hơn 1,2 tỉ dân Ấn Độ. Sự nổi tiếng và tầm quan trọng của sông Hằng từng được cố thủ tướng Jawaharlal Nehru mô tả trong cuốn sách Khám phá Ấn Độ của mình: “Sông Hằng, trên hết thảy các dòng sông khác, là nơi cầm giữ trái tim của Ấn Độ, nơi đã đón nhận bao triệu người tới bờ sông của mình kể từ thời bình minh của lịch sử. Câu chuyện về sông Hằng, từ cội nguồn ra đến biển khơi, từ xưa tới nay chính là câu chuyện của văn minh và văn hóa Ấn Độ, của sự thăng trầm và suy vong của các đế chế, sự vĩ đại và kiêu hãnh của các thành phố”.
Một xác chết chuẩn bị thả trôi sông Hằng
Đối với Bà-la-môn giáo, sông Hằng là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hóa mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi. Với một niềm tin sâu đậm từ huyền thoại trên, tín đồ Bà-la-môn giáo ngày xưa hay Ấn giáo ngày nay thường hành hương đến năm địa điểm quan trọng của con sông này. Khi đến những nơi ấy, người ta thường tắm rửa, uống nước, lễ bái và cầu nguyện. Hàng triệu người đến tắm trên sông Hằng mỗi ngày. Tín đồ Ấn giáo luôn tin rằng những ai được tắm, hoặc thậm chí thấy tận mắt con sông này sẽ tiêu trừ được tội lỗi và tiến gần đến bờ giải thoát. Những ai không đến được dòng sông này thường hành lễ với nước sông được những người hành hương mang về.
Rợn người với lệ thả xác trôi sông
Không chỉ là nơi để thể hiện tâm nguyện của người sống, sông Hằng còn là nơi người chết được trả trôi sông với mong muốn nhanh chóng về với đất Phật để sớm siêu thoát. Tại thành phố Ba-la-nai, một trong những thành phố thiêng cạnh sông Hằng, hàng năm người ta hành hương về đây rất đông. Thường thì người dân Ấn Độ ở khắp nơi đổ về thành phố này để làm lễ hỏa táng cho người thân. Theo tục lệ tử thi được quấn trong những lớp vải trắng hoặc đỏ, và được đưa lên đài hỏa táng đốt bằng củi sau vài lời cầu nguyện ngắn của người dự lễ. Người dự lễ không tỏ ra đau xót hay than khóc, vì họ tin rằng sau khi hỏa táng, tro cốt của người chết sẽ được rải trên sông Hằng và nhờ đó họ được giải thoát. Nhiều người Ấn Độ khác thì tin rằng nước sông Hằng có thể làm sạch linh hồn khỏi những tội lỗi của quá khứ...
Một xác chết thả trôi sông
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi giá củi tại Ấn Độ liên tục tăng cao khiến cho một số gia đình nghèo không đủ củi để hỏa táng hết xác của người thân. Vì thế để mong cho người thân của mình nhanh chóng siêu thoát để lên được cõi Phật, nhiều gia đình chỉ hỏa thiêu một số bộ phận thân thể rồi đem thả trôi sông. Cũng có trường hợp có hàng ngàn người không được hỏa táng mà chỉ được gói xác trong tấm vải niệm và thả xuống sông Hằng như một nghi lễ linh thiêng nhằm giữ gìn xương cốt một cách hoàn thiện nhất.
Để nói về sự kinh dị trong việc ném xác người xuống sông, trong tài liệu hướng dẫn du lịch của một địa phương nằm dọc trên sông Hằng có ghi: “Những người phải thật giàu mới có tiền mang xác hỏa thiêu. Người nghèo thì đổ tro vào nhánh con nào đó của sông Hằng gần nhà mình nhất. Tro của người Hindu nào cũng được đổ xuống sông Hằng. Nhưng cũng có một số người được thả thẳng xác xuống sông Hằng mà không cần phải thiêu thành tro. Đó là trẻ con còn ngây thơ, các bậc hiền triết và những người chết do... trúng độc (!?). Nếu như đi thuyền trên sông Hằng mà gặp xác người trôi thì các bạn cũng không nên lấy đó làm kinh hoàng".
Trước đây, sông Hằng nổi tiếng linh thiêng là còn bởi vì dòng sông này có khả năng tự lọc khi hầu hết các loại vi khuẩn trong nước như tả hay lị thường bị tiêu diệt. Không những thế nước ở đây cũng có tỉ lệ giữ oxy hòa tan cao gấp nhiều lần so với các con sông thông thường, điều này đặc biệt tốt đối với sức khỏe con người. Nhưng ngày nay, các chuyên gia cho rằng, nước sông Hằng đã không những không thể dùng ăn uống, tắm giặt mà còn không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp. Các nghiên cứu cũng phát hiện tỉ lệ các kim loại độc trong nước sông khá cao như thủy ngân, chì, crôm và nickel- những chất gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và ung thư.
Cũng theo một số xét nghiệm được diễn ra tại Ấn Độ trong những năm gần đây, người ta đã thông báo rằng: “Khi tiến hành xem xét một số mẫu nước lấy từ dòng sông này đã phát hiện ra vi khuẩn Ecoli. Được biết, tỷ lệ ô nhiễm đã lên cao 50.000 con/100 ml, cao hơn 10.000 % so với mức tiêu chuẩn an toàn để được tắm của Chính phủ Ấn Độ. Và vì thế theo số liệu thống kê trong những năm gần đây, 80% ca tử vong tại đất nước này đều có nguyên nhân chung là sử dụng nước sông Hằng.
Theo tính toán của các chuyên gia, hiện có 29 thành phố lớn, 70 thị xã và làng mạc nằm quanh khu vực dòng sông linh thiêng này. Vì thế số người sử dụng nước sông Hằng hàng ngày cũng đạt tới con số khủng khiếp: 300 triệu người. Không những thế, theo chính phủ Ấn Độ, số người phụ thuộc vào sông Hằng cho đến năm 2020 sẽ lên tới 1 tỷ người. Điều đó cũng có nghĩa, nếu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông không được cải thiện thì hàng năm sẽ tiếp tục có vài triệu người Ấn Độ sẽ chết do mắc các bệnh liên quan tới bệnh tả, gan, thương hàn...
Hành động của chính phủ
Mặc dù ô nhiễm là vậy nhưng trước những năm 80 của thế kỷ trước, người dân sống xung quanh sông Hằng dường như không quan tâm bởi lý do tôn giáo linh thiêng. Vào năm 1985, đứng trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước quá nghiêm trọng, chính phủ Ấn Độ đã cho xây dựng một nhà máy lọc nước sông mang tên Varanasi với kinh phí lên tới 3, 3 tỷ USD. Tuy nhiên do công tác quản lý yếu kém cộng với tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên khiến nguồn nước ô nhiễm của sông tràn vào các bể lọc nước nên công trình này sau đó đã phải đóng cửa.
Người dân sống quanh khu vực sông Hằng hàng ngày vẫn sử dụng nguồn nước ô nhiễm
Sau nhiều nỗ lực của Chính phủ nhằm tuyên truyền cho người dân về việc bảo vệ sông Hằng, vào năm 1986 những người Ấn Độ theo đạo Hindu đã thiết lập nên một hội với tên gọi là “Quỹ bảo vệ sông mẹ”. Những người trong hội này thường xuyên tổ chức các buổi... vớt xác động vật và xác người trên sông và tiến hành xây dựng các đường ống dẫn nước thải trước khi xả trực tiếp ra sông Hằng. Cũng từ năm 1986, quỹ này đã hoạt động một cách khá hiệu quả khi chính phủ Ấn Độ cung cấp thêm khoảng 33 triệu USD tiền duy trì.
Vào năm 1987, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục phát động kế hoạch “Hành động sông Hằng”, một chương trình giảm ô nhiễm cho sông Hằng ở 40 thành phố ở các bang Uttar Pradesh, Bihar, và Tây Bengal. Theo kế hoạch này, nước thải được chặn lại đưa qua các nhà máy xử lý. Các lò thiêu điện cũng được xây dựng và nhiều khu vực hai bên bờ sông đã được quy hoạch lại. Sau một thế kỷ triển khai kế hoạch hành động này, mức độ ô nhiễm sông Hằng đã được giảm xuống phần nào.
Trong thời gian gần đây, chính phủ Ấn Độ còn kêu gọi nhiều tổ chức nước ngoài cùng bắt tay vào việc làm sạch sông Hằng. Vào năm 2009, Ngân hàng thế giới (WB) đã duyệt chi 1 tỷ USD trong việc giảm ô nhiễm môi trường sông Hằng. Một loạt các dự án mà WB thực hiện như hạng mục xây dựng hệ thống xử lý nước thải mới, thay mới hệ thống cống, đường ống dẫn nước cùng một loạt biện pháp khác nhằm cải thiện chất lượng nước tại con sông thiêng này sau đó đã được triển khai rộng khắp.
Hải Hiền (theo Xinhua)

Không có nhận xét nào: