Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Tới Jeolla nghe 'Nước mắt Mokpo'


Thành phố Mokpo ở Nam Jeolla (Hàn Quốc) là nơi con sông Youngsan bắt nguồn. Con sông này đổ ra biển Hoàng Hải, sau khi chảy qua các cánh đồng phì nhiêu của vùng Honam, và nuôi dưỡng các sản vật phong phú của vùng này.
Lối vào cảng Mokpo.
Lối vào cảng Mokpo.
Ngày 1/10/1897, Hàn Quốc đã mở cửa cảng Mokpo để tiếp nhận trào lưu cận đại hóa đang xâm nhập một cách nhanh chóng vào đất nước. Cảng Mokpo là nơi đầu tiên của tỉnh Nam Jeolla mở cửa để du nhập văn hóa hiện đại. Văn minh hiện đại được du nhập nơi đây khiến thành phố cảng yên tĩnh trở thành một thế giới mới, thoát ra khỏi xã hội truyền thống của Hàn Quốc.
Giáo sư Goh Seok Kyoo, giảng viên khoa Lịch sử và Văn hóa đại học Mokpo, cho biết: “Trong thời kỳ cận đại, văn minh hiện đại nước ngoài tràn vào. Người ta đã bị mê hoặc bởi những thứ như tàu chạy bằng hơi nước, ánh đèn sáng rực rỡ, các kiểu thời trang mới…Mokpo là nơi đầu tiên ở khu vực phía nam Hàn Quốc được tiếp nhận các sản phẩm đó. Mọi người rất hứng khởi với văn minh phương Tây”.
Khi Hàn Quốc mở cửa cảng biển đầu tiên tiếp nhận văn minh phương Tây, Mokpo là một thành phố cảng đẹp và rực rỡ như Tokyo, Thượng Hải với những đường phố hàng đêm sáng ánh đèn.

Ngay từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Nhật đã bị mê hoặc bởi sự giàu có của Mokpo. Sau khi thôn tính xong bán đảo Hàn Quốc năm 1910, Nhật đã biến nơi đây trở thành cơ sở cho sự phát triển của mình, tiến hành xuất khẩu gạo và bông nguyên liệu từ khu vực miền Nam bán đảo sang Nhật. Vì thế, Mokpo đã phát triển trở thành cảng biển lớn thứ 3 của bán đảo Triều Tiên, với dân số hơn 60.000 người vào những năm 1930. Nhưng sự phồn thịnh của cảng biển chỉ làm giàu có thêm cho tầng lớp cai trị người Nhật.
Sau khi Hàn Quốc được giải phóng, Mokpo bắt đầu suy thoái khi bị buộc phải đóng cửa tuyến đường biển thông sang Trung Quốc. Mokpo đã phải chịu cả sự đàn áp về chính trị trong cả một thời gian dài, khi nhà cầm quyền coi đây là thành phố của đảng đối lập. Trong suốt thời gian đó, người dân Mokpo đã thăng hoa cuộc sống đầy nỗi đau và nước mắt của mình khi hát lên bài ca Nước mắt Mokpo.
Nước mắt Mokpo đã được người dân nơi đây hát lên ở khắp nơi để thể hiện tâm tình của họ. Nó đã trở thành bài ca đấu tranh trong quá trình đấu tranh đòi dân chủ, được sử dụng như là bài ca cổ vũ cho các đội bóng chày của khu vực. Như vậy,Nước mắt Mokpo không chỉ đơn thuần là một bài hát nổi tiếng mà nó còn mang cả màu sắc chính trị.
Toàn cảnh thành phố Mokpo.
Toàn cảnh thành phố Mokpo.
Trong suốt một thời gian dài, Nước mắt Mokpo đã luôn được người dân ở đây yêu mến, người ta còn gọi nó gọi là Quốc ca của Mokpo. Bia kỷ niệm bài hátNước mắt Mokpo nằm ở giữa dốc núi Yoodal. Bài hát ra đời từ năm 1935, và tấm bia được dựng năm 1969. Đây là công trình đầu tiên của Hàn Quốc được xây dựng để kỷ niệm một bài hát nổi tiếng.
Tháng 10/1935, nhằm khơi dậy những tình cảm dân tộc đang dần bị mai một dưới sự đàn áp, bóc lột của Nhật, một cuộc thi "Tuyển chọn lời bài hát đậm chất quê hương" đã được một tờ báo đứng ra tổ chức. Khi đó, đã có hơn 3.000 bài dự thi được gửi tới từ các địa phương trên khắp cả nước. Trong đó, Nước mắt Mokpođã giành được giải nhất.
Lời bài hát Nước mắt Mokpo miêu tả những cảnh đẹp của Mokpo cùng nỗi buồn đau của những con người mất nước. Bài ca mang đậm chất quê hương đó cùng với Mokpo đã được cả Hàn Quốc biết đến qua giọng hát của một ca sĩ xuất thân từ chính vùng đất này, ca sĩ Lee Nan Young.
Những năm 1930, Nước mắt Mokpo qua giọng hát của Lee Nan Young nghe thật da diết. Những con người thời đó coi đây là bài hát của quê hương. Họ nghe và hy vọng một ngày nào đó sẽ được đến Mokpo, nơi bắt nguồn của bài hát.
Chính vì vậy mà đến tận bây giờ, ca sĩ Lee Nan Young vẫn chiếm một vị trí hết sức đặc biệt ở Mokpo - quê hương nơi đã sản sinh ra rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ như Park Hwa Seong, nữ tác giả đầu tiên của văn học Hàn Quốc; Huh Gun, một họa sĩ lớn theo trường phái tranh thủy mặc Trung Hoa (Nam Tống họa)...
(Theo KBS Vietnamese)
 

Không có nhận xét nào: