Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Báu vật trong chùa Pháp Môn


Thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, Pháp Môn là ngôi chùa đặt xá lỵ thật của Thích Ca Mầu Ni. Tháng 4/1987, những người làm công tác văn vật đã phát hiện một cung điện dưới lòng đất với nhiều văn vật quý. Đây được coi là một sự phát hiện quan trọng sau lăng Tần Thủy Hoàng.
Chùa Pháp Môn.
Chùa Pháp Môn.
Chùa Pháp Môn cách thành phố Tây An 120 km về phía tây, bắt đầu xây dựng vào thời kỳ Bắc Ngụy (khoảng năm 499). Thế kỷ 7 đời Đường là thời kỳ thịnh vượng nhất của chùa Pháp Môn. Triều đình tốn rất nhiều sức người, sức của cho việc xây mở rộng chùa Pháp Môn. Cuối cùng hình thành một chùa quy mô gồm 24 sân vườn. Tăng lữ trong chùa lên tới hơn 5.000 người, là chùa quy mô nhất tại kinh thành lúc bấy giờ.
Theo ghi chép kinh điển Phật giáo, để tôn dương phật pháp, vua A Dục của Ấn Độ đã lần lượt đặt xá lỵ thật của Phật Tổ và xây dựng 84.000 ngôi tháp tại các nơi trên thế giới. Tại Trung Quốc có 19 chùa được chọn đặt xá lỵ và Pháp Môn là một trong số đó.
Do dưới tháp có chôn cất xá lỵ Phật nên chùa Pháp Môn nổi tiếng khắp nơi. Theo ghi chép của sử sách nước này, 8 vị vua của đời Đường từng nhiều lần rước cốt phật về cúng trong cung vua, đồng thời ban rất nhiều của quý chôn trong cung điện dưới lòng đất của chùa Pháp Môn. Về sau do các nguyên nhân như chiến tranh, động đất…, chùa không còn thịnh vượng nữa.
Năm 1981, tháp chùa Pháp Môn gồm 13 bậc đã bị sụp do mưa. Năm 1987, tỉnh Thiểm Tây thành lập đội khảo cổ chùa Pháp Môn, triển khai việc khai quật và chỉnh lý nền tháp, nhờ đó cung điện dưới lòng đất trong chùa Pháp Môn của đời Đường nằm nghỉ trong suốt 1.113 năm mới được lộ diện.
Cung điện dưới lòng đất trong chùa Pháp Môn dài 21,4 m, rộng 31,48 m2, gồm 6 khu vực như: đường bộ, sân chơi, đường hầm, tiền thất, trung thất và hậu thất. Trong cung điện tàng trữ hàng loạt văn vật đời Đường như xá lỵ phật chỉ, các loài văn vật quý dâng cho lễ rước xá lỵ như vàng bạc, ngọc châu, đồ lưu ly, đồ sứ, áo dệt tơ… với khoảng 900 kiện.
Cung điện dưới lòng đất chùa Pháp Môn là nơi khai quật ra hàng tơ lụa đời Đường với số lượng và chủng loại nhiều nhất, giá trị cao nhất tiếp sau phát hiện hang động tàng kinh Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc, được coi là kho báu hàng dệt tơ đời Đường. Theo sự ghi chép của tư liệu khảo cổ, những hàng tơ lụa khai quật trong cung điện dưới lòng đất chùa Pháp Môn hết sức tinh tế, đường kính bình quân của chỉ khâu chỉ có 0,1 mm, sợi nhỏ nhất là 0,66 mm, còn nhỏ hơn sợi tóc. Quần áo tơ gấp trong chiếc rương đan mây trong cung điện dưới lòng đất chỉ dày 23 mm, nhưng gấp đến 780 tầng.
Trong cung điện dưới lòng đất chùa Pháp Môn còn khai quật ra hàng trăm đồ vàng bạc và đồ lưu ly óng ánh rực rỡ. Sứ Mật Sắc gồm 16 kiện thất truyền từ lâu khiến các chuyên gia nghiên cứu đồ sứ Trung Quốc hết sức phấn khởi. Sứ Mật Sắc là đồ sứ dùng riêng trong cung đình Đường. Công nghệ này đã thất truyền từ lâu, thực ra nó chỉ được nhắc qua trong sử sách còn thế hệ sau đời Đường chưa bao giờ trông thấy. Theo ghi chép, sứ Mật Sắc với chất liệu men hảo hạng, khiến người ta có cảm giác như trong bát có đựng nước, trông óng ánh trong suốt.
Chính quyền địa phương đã xây dựng viện bảo tàng để bảo vệ và trưng bày văn vật quý hiếm khai quật trong cung điện chùa Pháp Môn. Các chuyên gia bảo tồn văn vật Trung Quốc còn hợp tác với Đức, tiến hành bảo vệ bằng khoa học kỹ thuật cao đối với hàng dệt tơ khai quật trong cung điện dưới lòng đất.
(Theo China Broadcast)

Không có nhận xét nào: