Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Mứt - Món đặc trưng của Đức


Nói đến mứt thì đầu tiên phải nói qua cách ăn bánh mỳ của dân Đức. Người Đức vốn là một dân tộc thích ăn bánh mỳ. Có thể nói, nó đối với người dân ở đây giống như cơm của người Việt, ngày có thể ăn 2-3 bữa, học sinh mang đồ ăn thêm đi học cũng là một lát bánh mỳ kẹp xúc xích hoặc pho-mát, từ người lao động đến người tri thức đều rất "nghiền"!


Người Đức đặc biệt thích ăn bánh mỳ phết mứt. Nhiều gia đình người Đức  thậm chí còn dậy sớm để tự tay nhào bột làm bánh mỳ, người có vườn thì hay tự làm mứt theo hoa quả từng mùa. Mỗi lần, họ làm tới cả chục lọ, rồi đem tặng cho bạn bè, làng xóm. Ở Đức, người ta phân biệt các kiểu mứt qua lượng hoa quả. Mứt ở Đức có rất nhiều kiểu dáng, hình dạng và thể loại.
Loại Marmelade



Marmelade (tiếng Anh là "marmalade", bắt nguồn từ từ "marmelo", nghĩa là quả mộc qua, tiếng Đức là Quitte) là chỉ chung các loại mứt, nhưng theo đúng tiêu chuẩn EU thì đó chỉ là các loại mứt chế biến từ trái cây thuộc họ cam, quít - như món mứt cam đắng rất được ưa chuộng ở Anh là một loại mứt "cổ điển" - và trong mỗi cân Marmelade phải chứa ít nhất 200 gram hoa quả.


                                                                                  Loại Konfitüre

Konfitüre (bắt nguồn từ "conficere" của tiếng La-tinh, tiếng Anh là "confection", nghĩa tương đương như là "pha chế đồ ngọt") lại bao gồm nhiều mức độ khác nhau: "Konfitüre extra" là loại mứt được chế biến phần lớn từ thịt trái cây (pulp), đã bỏ vỏ và bỏ hạt, đem thái nhỏ hạt lựu hoặc nghiền nát (nhưng còn miếng chứ không xay nhuyễn, ngoại trừ các loại hoa quả như táo gai, mâm xôi, việt quất, quả lý chua ... ), nấu cùng đường và nước. Trong mỗi cân mứt "Konfitüre extra" phải chứa ít nhất 450 gram thịt hoa quả. Các loại mứt Konfitüre bình thường thì chỉ cần tới 350 gram là đủ tiêu chuẩn qui định.

 
Loại Gelee
Gelee (tiếng Anh là jelly, bắt nguồn từ tiếng La-tinh "gelare", nghĩa là "làm đông cứng lại") được chế biến từ nước hoa quả, đường và chất làm đông đặc, thành một loại thạch mềm có thể phết lên bánh mỳ, và kiểu mứt Mus (tiếng Pháp là "purée", nghĩa là món ăn nấu nhuyễn) gồm hoa quả nấu nhuyễn và đặc, không có miếng lổn nhổn, như món Pflaumenmus (mứt mận nhuyễn) hoặc Apfelmus (mứt táo nhuyễn).

Ba thành phần chủ yếu để nấu mứt gồm hoa quả, đường và nước. Ở Đức có loại đường chuyên dùng để nấu mứt vì nó có khả năng làm đông đặc gọi là Gelierzucker (tiếng Anh là "preserving sugar"). Nó không ngọt lắm, mà có vị hơi chua, là hỗn hợp đường và chất làm đông đặc, và tùy theo từng kiểu mứt bạn muốn nấu, bạn sẽ chọn tỉ lệ đường là 1:1, 2:1 hoặc 3:1 (con số đầu là chỉ tỉ lệ của phần thịt hoa quả cần nấu).

Ở Đức người ta thường bán những lọ thủy tinh chuyên dùng đựng mứt tự nấu ngoài siêu thị, kèm theo cả nhãn mác để có thể tự ghi chú loại mứt, ngày "sản xuất" và thời hạn sử dụng.
Theo yeudulich

Không có nhận xét nào: