Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Bí ẩn dưới rặng Himalaya


Đường đến thiên đường bị bỏ quên

Nepal luôn là một vùng đất ẩn chứa nhiều điều thú vị không chỉ vì nền văn hóa đa màu sắc mà còn là sự bí hiểm sau những ngọn núi của rặng Himalaya.


Mustang, vùng đất được cho là một thiên đàng bị bỏ quên
Trên trang mountainsoftravelphotos.com, Jerome Ryan - một trong những nhà nhiếp ảnh tự do đam mê trekking trên “Nóc nhà thế giới” - sẽ đưa bạn đến một vùng đất được mệnh danh là Tây Tạng đích thực (True Tibet) qua ống kính.
Bạn đã nghe về Mustang? Không phải chiếc xe Ford Mustang nổi tiếng rong ruổi khắp các con đường tận miền viễn tây Hoa Kỳ mà đó là tên gọi thủ đô một thời của vương quốc Lo, nằm cách thủ đô Kathmandu của Nepal 250km về phía tây bắc.
Mustang trong tiếng Tây Tạng là Mun Tan, tiếng Wylie Smon-thang mang nghĩa đồng bằng màu mỡ. Phía trung bắc Mustang giáp cao nguyên Tây Tạng giữa 2 tỉnh của Nepal là Dolpo và Manang.
Nền văn hóa chủ đạo ở đây là văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Vương quốc Lo bao gồm khu vực Mustang vốn có và phần thượng Mustang tạo nên 2/3 diện tích bang Mustang ngày nay.
 
Vùng đất này được mệnh danh là Tây Tạng đích thực ở Nepal
Cuộc sống ở Mustang xoay quanh hoạt động du lịch, nông nghiệp và trao đổi buôn bán sản vật.
Ngày nay Lo Manthang là trái tim của Mustang và vương quốc Lo.
Bản đồ đi bộ của Ryan với điểm cuối Lo Manthang nằm phía xa trên cùng. Để đến được thủ phủ ngày nay của Mustang, Ryan đã phải bay từ Kathmandu (thủ đô Nepal) đến Pokhara và sau đó bay tiếp đến Jomsom. Đi tiếp đến Lo Manthang (độ cao 3.910m) phải đi bộ 4 - 6 ngày tùy theo sức khỏe.
Bắt đầu hành trình dọc theo dòng Kali Gandaki sau khi rời làng Kagbeni, đoàn bỏ lại tháp Nilgiri màu đỏ sau lưng và đỉnh núi tuyết trắng xóa.
Tiếp tục đi bộ đến ngôi làng đầu tiên ở khu vực thượng Mustang mang tên Tangbe (ở độ cao 3.060m). Để đến được thượng Mustang, bạn cần 1 giấy phép đặc biệt và không có nhiều khách đến đây.

Để đến được vùng đất này, bạn cần phải được cấp một giấy phép đặc biệt

Trước làng là nhiều chorten, cách gọi “bảo tháp” theo người Tây Tạng.

Ở độ cao này vẫn có khá nhiều mảng xanh trước những ngôi làng.

Đã có một cây cầu bằng sắt bắc ngang dòng sông Kali Gangadi và những hang động cheo leo trên vách đá kỳ thú.

Ngôi làng Chele với những căn nhà chất đầy gỗ trên mái.

Quang cảnh làng và cuộc sống của người dân ở Chele.

Trên đường đến động Rangbyung. Từ trái sang phải là các đỉnh Yakawa Kang (cao 6.482m), Thorung Peak (6.144m), Annapurna (8.091m), Tilicho Peak (7.134m), và Nilgiri North (7.061m)

Động Rangbyung nằm ở độ cao 3.450m còn có tên Rangchyung trong lòng vách núi.

Những bức bích họa trong động vẽ hình Đức Phật Shakyamuni, Guru Rinpoche (Padmasambhave), Amitabha và Avolokiteshvara.

Một trong 200 hình tượng điêu khắc Guru Rinpoche (Padmasambhava) trong động. Padmasambhava được xem như là hiện thân của Đức Phật, người đã tạo nên Phật giáo Tây Tạng và được thờ trong tất cả các bảo tháp, chánh điện, cung điện.

Đôi khi cả ngày đường đoàn trekking mới gặp một ngôi làng nằm cô quạnh giữa bốn bề núi non trùng điệp, Shyangmochen (3.800m).

Đường lên Shyangmochen La (ở độ cao 3.850m) với một bảo tháp nhiều sắc màu

Một tu viện cổ ở Geiling (ở độ cao 3.570m) với những bích họa trên tường

Đỉnh Thorung (cao 6.144m) phủ đầy tuyết nhìn từ phía bắc của Geiling.

Những thửa ruộng bậc thang ở Ghemi, đây chính là thị trấn đầu tiên được thành lập dưới thời vua Mustang. Để đến Ghemi đoàn phải đi từ Geiling (cao 3.570m) lên Nyi La (4.020m) rồi mới hạ dốc ở độ cao 3.510m.

Căn nhà của Hoàng gia ở Ghemi. Họ hàng của nhà vua Mustang là chủ sở hữu nhà trọ ở đây cho du khách xem một góc thờ ở bảo tháp bên cạnh.

Sau khi nghỉ chân ở Ghemi, đoàn tiếp tục lên đến độ cao 3.820m nơi Drakmar tọa lạc với những chóp đá đỏ lởm chởm. Tất cả các ngôi làng ở Mustang đều có những chorten – bảo tháp ngay lối vào.

Vách đá có những hang động cổ bí hiểm tại Drakmar (3.820m)

Từ Drakmar, đoàn vượt qua những ngọn đèo lộng gió ở độ cao 4.170m, sau đó hạ độ cao đến Ghar Gompa (3940m). Tu viện Ghar được cho là cổ nhất ở Nepal được dựng nên khoảng thế kỉ thứ 8 - năm 775 sau Công nguyên để làm dịu những người biểu tình đang ngăn cản Guru Rinpoche (Padmasambhava) xây tu viện Samye tại Tây Tạng.

Lối vào tu viện Ghar được bảo vệ bởi 4 vị vua. Bên trong là những tác phẩm được vẽ trên tường cũng như nhiều tượng của Guru Rinpoche (Padmasambhava).
Mất 5 ngày để Ryan và nhóm của mình đến được Lo Manthang. Nơi đây họ đã có cuộc diện kiến nhà vua bình dị của xứ Lo, tham gia lễ hội Tiji huyền bí cũng như chứng kiến những nụ cười hạnh phúc ở nơi được gọi là Tây Tạng đích thực.

Sắc màu Mustang

Lo Manthang - trái tim của Mustang, nơi tất cả sự kiện trọng đại của vương quốc Lo diễn ra, cũng là nơi du khách thường ở lâu nhất để ghé thăm vị quốc vương hiền lành, các vị lạt ma uyên bác hay những người dân hiếu khách.


Nhóm của Jerom Ryan đã dành trọn 3 ngày lưu lại Lo Manthang để tham gia một trong những lễ hội lớn nhất ở Mustang.

Công trình dễ nhận thấy đầu tiên sau cổng vào kinh đô Lo Manthang là cung điện của nhà vua màu trắng.

Tác giả Jerome Ryan ghé thăm quốc vương tương lai Jigme S.P. Bista (trái). Nhà vua rất giản dị trong bộ quần jean, áo khoác, đội chiếc nón chơi bóng chày. Nhà vua nói tiếng Anh lưu loát  và mời Ryan uống trà chanh trong khi trò chuyện.

Cô con gái của quốc vương đã 16 tuổi và khi bức ảnh này được chụp, công chúa vừa bước vào lớp A (gần như cấp 3) tại Kathmandu - Nepal, nơi cô sống cùng cha và cậu em trai 7 tuổi. Cô quay trở về Mustang cho lễ hội sắp diễn ra.

Những nhà sư trẻ đội chiếc nón lông công trong lễ hội Tiji đang đi về phía tu viện Chyodi Gompa.

Vị lạt ma Lodu Tenzin thân thiện trong căn phòng giản dị tại tu viện Gompa với vài tấm bảng ghi lời cảm ơn, hình chụp, bàn làm việc và chiếc rương đã cũ.

Tiji Festival ở Lo Manthang là lễ hội vinh danh một vị thánh mang tên Dorje Jono. Thánh đã phải chiến đấu với người cha hung bạo của mình để cứu vương quốc Mustang khỏi bị tiêu diệt. Truyền thuyết kể lại rằng cha của Dorje Jone là một quỷ dữ, ông đã rút giận lên Mustang bằng cách làm cho cả vùng đất chìm trong hạn hán và gây ra nhiều thiên tai khiến dân chúng rơi vào cảnh lầm than, đàn gia súc chết vì đói khát. Dorje Jone cùng tùy tùng đã phải thi triển 52 điệu nhảy thần thông nhằm chống lại cha mình. Lễ hội diễn ra ngay trung tâm Lo Manthang.

Đàn ông và phụ nữ thường ngồi đối diện nhau. Trong ảnh là người đàn ông đang quay bánh xe cầu nguyện mani.

Ngày đầu tiên lễ hội, nhóm những sư cả bắt đầu ca hát và đi thành vòng tròn. Một nhà sư sẽ đóng vai Dorje Jono trong 3 ngày liên tiếp và 12 vị khác bước ra từ cung điện hoàng gia với chiếc nón hình chũm chọe có gắn lông đuôi công trên đầu.

Ngày 2 của lễ hội Tiji mang sắc màu giải trí hơn với những màn nhảy múa truyền thống đến tận 16 giờ 30. Quảng trường hôm nay đông hơn hẳn với du khách nước ngoài và cả những người dân làng khác tề tựu về.

Nhiều phụ nữ Tạng chọn mặc bộ trang phục đẹp nhất của họ và diện những trang sức nhiều màu trong ngày lễ hội thứ hai. Người phụ nữ này còn có cả những viên đá xanh kết trên chiếc nón đội đầu.

Dễ dàng nhận ra các vị sư trẻ và phụ nữ ngồi bên tay phải quảng trường, và thế giới hiện đại đã lan tỏa khi kẹo cao su và Pepsi cũng xuất hiện.

Nhà vua và cô con gái 16 tuổi trong trang phục truyền thống cùng các vị quyền chức dự lễ hội. Ông có phong thái của một vị vương quyền, luôn chào hỏi lịch sự dân chúng và du khách.

Hài kịch cũng được biểu diễn trong lễ hội với các đạo cụ của thế giới phương Tây hiện đại như máy ảnh, chai Pepsi… nằm trong ba lô các kịch sĩ.

Sau tiếng tù và dài của ngày thứ 2, mọi người vội vã trở về nhà trong cơn mưa đá lúc 17 giờ 45. Trời sẽ lạnh rất nhanh khi chiều xuống. 

Ngày thứ 3 của lễ hội, Dorje Jono bắt đầu nhảy múa và cầu nguyện.

Dorje Jono dùng cung tên, súng cao su bắn vào quỷ dữ. Ông cầu nguyện trước mỗi mảnh xác quỷ và ném xuống đống đất đá. Đó là phần kết của câu chuyện về Dorje Jone, vị thánh vì dân làng, vì Mustang mà phải ra tay giết cha.

Cuối ngày, mọi người tập trung bên ngoài cổng kinh đô Lo Manthang. Những ngày ở Mustang thế mà cũng đã trôi qua thật nhanh.
Khi bạn đọc những dòng này, tác giả Ryan có lẽ lại đang trekking ở nơi một chân trời mới. Người Mustang vẫn đang sống thanh bình trên cao nguyên Tây Tạng.
Một ngày nào đó nếu có cơ hội, xin mời bạn thử một lần đến Lo Manthang. Với hành trình đi bộ qua những ngọn núi trùng điệp, tận mắt ngắm nhìn kinh đô của xứ Lo, diện kiến nhà vua đôn hậu hay những vị lạt ma điềm đạm chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên với những ai mê phiêu lưu và trót yêu văn hóa Tây Tạng. 
Nam Trần(Theo lời kể hành trình của Jerome Ryan tạihttp://www.mountainsoftravelphotos.com/index.html)

Không có nhận xét nào: