Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Xao xuyến với lâu đài và hầm rượu ở Cognac


Đến thăm vùng sản xuất rượu nổi tiếng vào ngày đầu tiên của mùa xuân, tia nắng ấm áp khiến cảnh vật đang ngủ đông bừng lên sức sống.
Lâu đài cổ Bagnolet vào đầu mùa xuân.
Ngồi tàu điện từ ga Montpartnasse (Paris) chỉ mất 2 tiếng rưỡi, chúng tôi đặt chân đến làng quê thanh bình với những cánh đồng nho nằm trải dài uốn quanh Cognac. Tuy nhiên, vì đi vào thời điểm đầu mùa xuân nên cánh đồng nho chỉ còn trơ trụi cành cây mảnh khảnh. Bù lại điều này, không gian thoáng đãng của thiên nhiên dưới bầu trời cao xanh ngắt cùng ánh nắng đầu xuân cũng khiến cho lòng du khách không khỏi xao xuyến.
Qua cửa kính ô tô, chúng tôi từ từ cảm nhận được vẻ đẹp làng quê của Cognac ở hai bên đường với những hàng cây bắt đầu nhú lên mầm non và thảm hoa dại đang khoe sắc. Con sông Charente chảy êm đềm qua thị trấn, luồn qua rừng cây đang ngủ đông. Đi sâu vào khu phố chính của Cognac, bạn tha hồ ngắm lối kiến trúc cổ của những tòa nhà được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ thứ 18. Ngay cả con đường lát đá cũng trầm ngâm, mang nét cổ kính riêng. Vào dịp cuối tuần, hầu hết các shop hàng hóa ở đây đều đóng cửa, chỉ còn vài quán cà phê là phục vụ khách hàng. Bởi vậy mà trên đường phố có rất ít người qua lại, thi thoảng mới lác đác một vài bóng dáng.
Những khoảng không gian bình yên trong khuôn viên lâu đài.
Điểm nghỉ ngơi của chúng tôi là lâu đài Bagnolet hơn 150 tuổi nằm giữa rừng cây và đồng cỏ xanh mướt. Phía trước lâu đài được xây dựng theo kiểu kiến trúc thế kỷ 19, sông Charente thật yên bình với hàng liễu rủ xuống dòng nước. Hiện tại, lâu đài thuộc về dòng họ Hennessy. Bên cạnh lâu đài cổ còn có tòa nhà màu trắng chỉ có 2 tầng nhưng phía bên trong lại có cách bài trí cổ điển, sang trọng theo phong cách hoàng gia. Nghệ sĩ violin Sarah Chang ngay khi đặt chân đến lâu đài cùng chúng tôi đã không kiềm được lòng mình và phải thốt lên rằng nơi này quá đẹp và nên thơ. Mọi mệt mỏi sau chặng đường dài từ Paris đến Cognac dường như tan biến khi ai nấy đều tranh thủ đi dạo trên thảm cỏ rộng bát ngát, hưởng chút gió lạnh cuối đông và hít hà hương hoa thoang thoảng trong không khí.
Nội thất ấm cúng, sang trọng bên trong lâu đài.
Nói đến Cognac, hẳn ai cũng ít nhiều biết về vùng sản xuất rượu danh tiếng của nước Pháp. Với cư dân trong vùng, không có gì tự hào bằng việc sở hữu một hầm rượu với những thùng rượu chưng cất làm bằng ván gỗ sồi loại thượng hạng (cây sồi hơn 100 tuổi mới được hạ xuống đóng thùng). Thông thường, gỗ sồi sẽ được cưa thành những tấm hình chữ nhật, phơi trong bóng râm 3 năm mới được sử dụng để đóng thùng bán cho các lò rượu. Thứ gỗ sồi này có thớ mịn, không thấm nước và chứa nhiều tannin, chất tạo nên hương vị và màu sắc của rượu vùng Cognac.
Để hiểu hơn về quá trình sản xuất rượu, chúng tôi được ông Cyrille Gautier Aurio, đại diện của một thương hiệu rượu đưa đi thăm quan khu chưng cất, xưởng đóng thùng và hầm rượu. Ông cặn kẽ giải thích từng công đoạn, ví như những thùng gỗ sồi hoàn toàn được thợ làm thủ công trước khi cho rượu vào thùng để ủ ở hầm. Sau khi được ủ trong một niên hạn khá dài, rượu sẽ được đưa ra khỏi thùng và đóng chai. Căn cứ vào số năm ghi trên vỏ thùng, rượu càng lâu năm thì càng đắt giá. Trong hầm rượu chúng tôi ghé thăm, hầu hết các thùng được đánh dấu những 1970, thậm chí có thùng được đánh dấu từ năm 1880.
Nghệ sĩ violin Sarah Chang được ông Cyrille Gautier Aurio đưa đi thăm khu hầm rượu với những thùng rượu được ủ từ vài chục đến hơn 100 năm. Sarah Chang sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 4 tới để tham gia đêm Hòa nhạc Hennessy, trước đó, cô từng đến Hà Nội biểu diễn vào năm 2010.
Trong bữa tiệc tại lâu đài Bagnolet, chúng tôi có cơ hội nếm mùi vị cay nồng của rượu Cognac cùng với những món ăn ngon được đầu bếp David Fransoret chuẩn bị. Vị đầu bếp này từng sang TP HCM vào tháng 9 năm ngoái và cùng ca sĩ Mỹ Linh đi chợ chọn nguyên liệu để nấu cho bữa tiệc. Nếu có dịp đến đây, hẳn du khách sẽ không thể quên giây phút thi vị khi ngồi nhâm nhi ly rượu vang với patê gan ngỗng, pho mát làm từ sữa dê... và ngồi ngắm cảnh thanh bình phía trước lâu đài Bagnolet.
Theo Ngoisao

Không có nhận xét nào: