Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Tây Tạng - Du lịch tự túc

Du lịch Tây Tạng

Nhóm tư vấn Công ty du lịch Liên Bang
.
 

 

 

 

. Đất nước Tây Tạng được mệnh danh là một trong những xứ sở Phật giáo với lịch sử lâu đời và nhiều ngôi chùa, đền thờ thiêng liêng, huyền bí, hằng năm thu hút rất đông du khách đến đây hành hương. Khi đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác khám phá những kiến trúc, di tích được cả thế giới ngưỡng mộ...
- Về thời tiết, mùa nào đi Tây Tạng thích hợp nhất?
- Khí hậu ở đây rất khô suốt chín tháng trong năm. Vào mùa hè, hầu như khắp lãnh thổ Tây Tạng nắng nhiều, ít mưa, trong khi về mùa đông giá rét, không khí khá loãng. Mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9. Thời điểm thích hợp nhất để du khách đến Tây Tạng vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10.
- Hành hương Phật giáo tại Tây Tạng vào thời gian nào là thích hợp, xin giới thiệu cho tôi một vài ngôi chùa, đền nổi tiếng mà du khách thường đến chiêm bái?
Chùa Jokhang cổ kính.
- Du khách nên đi vào lúc thời điểm Tây Tạng có tiết thuận lợi nhất cho mình. Các tu viện thường được du khách hành hương ghé đến là tu viện Sera, tu viện Drepung, tu viện Tashilhunpo, tu viện Dzongchen, chùa Jokhang.
- Tôi nghe nói thời tiết ở Tây Tạng rất nắng và lạnh, tôi phải chuẩn bị những vật dụng, thuốc uống gì khi du lịch qua đây để không bị bệnh thời tiết?
- Du khách nên mang theo nhiều loại quần áo dày mỏng khác nhau để mặc sao cho phù hợp với sự chênh lệch nhiệt độ. Tuy nhiên du khách phải chuẩn bị cho mình một bộ quần áo thật dày, mũ, vớ (tất) loại dày. Kính đeo mắt cũng là một thứ không thể quên. Phụ nữ tuyệt đối không nên mang váy.
Ngoài ra, du khách cần mang theo các loại thuốc như thuốc kháng sinh, aspirin, các loại thuốc cảm, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, và thuốc chống độ cao, vitamin tổng hợp...
- Tây Tạng là vùng cao nguyên, không khí rất loãng, gia đình tôi có người lớn tuổi và trẻ nhỏ, vậy có thể đi du lịch đến đây được không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Đến Tây Tạng tốt nhất là vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10.
- Do không khí ở đây loãng nên du khách có thể bị đau đầu, ngoài ra còn bị mất ngủ, có thể gặp phải tình trạng tức ngực và khó thở nếu không khí quá loãng. Nếu du khách có bệnh như thiếu máu, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch, bệnh đường hô hấp không nên đi Tây Tạng.
Ngày đầu tiên ở Tây Tạng chỉ nên nghỉ ngơi, không nên chạy hay đi bộ nhanh, cũng không nên nói nhiều, nói lớn tiếng. Không nên ăn quá no vào buổi tối, không hút thuốc, cũng không nên tắm nhiều ở Tây Tạng. Đặc biệt trong đêm đầu tiên, không nên uống thuốc an thần hay thuốc ngủ, chúng sẽ làm giảm lượng ôxy đưa vào cơ thể. Hết sức chú ý, giữ không để bị cảm lạnh, cảm cúm. Ngoài ra, du khách cũng nên uống đủ nước và ăn trái cây giúp bổ sung vitamin, tăng đề kháng cho cơ thể.
- Tôi nghe nói nếu du khách đến Tây Tạng chưa quen với không khí loãng nên mua các túi ôxy ở đây để tạm thời thích nghi với khí hậu, điều này đúng không? Nếu mua thì mua ở đâu, giá bao nhiêu, các công ty lữ hành có trang bị sẵn cho khách không?
Món bánh bao Mo Mo của người Tạng được chế biến từ rau, thịt và gừng, sau đó hấp hoặc chiên lên.
- Các công ty du lịch khi đưa du khách đến Tây Tạng đều chuẩn bị túi ôxy cho du khách. Ngoài ra, ở các sân bay, ga tàu, người dân địa phương cũng có bán các túi ôxy này, du khách nên dùng khi cảm thấy khó thở, giá khoảng 15 NDT/túi (tương đương 50.000 đồng).
- Tây Tạng có những món ăn nào độc đáo?
- Các món ăn thông thường của người Tây Tạng không hợp khẩu vị của phần lớn người Việt. Tây Tạng lại rất hiếm rau quả, loại thịt phổ thông nhất ở xứ này là thịt cừu và thịt bò, thường là hấp lên hoặc ướp muối. Hai món truyền thống của người Tây Tạng là bánh Tsampa và trà bơ cũng khó ăn do có quá nhiều sữa và mỡ trâu.
Hiện nay, ở Tây Tạng đã có rất nhiều nhà hàng, bán các món ăn Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ và một số món ăn Âu Mỹ. Tuy nhiên, du khách nên mang theo một ít lương khô như mì gói, chà bông (ruốc khô) hoặc đồ hộp đề phòng không dùng được những món ăn ở đây.
- Ở Tây Tạng xài loại tiền gì, nên đổi tiền ở đâu là tiện nhất, ở Việt Nam hay sang Tây Tạng?
Món ăn truyền thống Tsampa của người Tạng.
- Ngoài Nhân dân tệ là loại tiền lưu hành chính thức, đôi khi du khách có thể thanh toán bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, du khách vẫn nên quy đổi từ tiền đô la Mỹ sang Nhân dân tệ để tiện hơn cho việc mua bán và trao đổi.
Du khách nên đổi tiền khi còn ở Việt Nam, vì đến Tây Tạng đổi từ đô la Mỹ sang Nhân dân tệ có thể phải chịu phí cao. Xin chú ý, nếu đem theo số tiền trên 5.000 đô la Mỹ (khoảng từ 32.000 Nhân dân tệ trở lên), du khách phải khai báo với hải quan cửa khẩu tại Việt Nam.
- Tôi nên mua những món quà lưu niệm nào? Xin cho biết vài kinh nghiệm mua sắm ở Tây Tạng, có cần trả giá không?
- Một ít đá turquoise, xâu làm vòng đeo. Bạn rất cần (và có quyền) trả giá thoải mái vì người Tạng bán hàng thường nói thách rất cao; có khi thách cao gấp 5 - 7 lần với giá thực!
.








Ngôi đền duy nhất tại hồ Namsto.


- Tôi muốn đi du lịch tự túc sang Tây Tạng, nếu bắt đầu từ Hà Nội thì tôi nên đi thế nào, bắt đầu đi từ đâu để tiết kiệm chi phí nhất?
- Quý khách ở Hà Nội có thể đi xe buýt lên Lạng Sơn, qua của khẩu Hữu Nghị, hoặc tàu Liên vận sang thành phố Nam Ninh, Trung Quốc. Từ Nam Ninh, đáp máy bay khoảng 2 giờ đến sân bay Thành Đô,  tỉnh Tứ Xuyên. Tùy theo các chuyến bay bạn có thể phải ngủ qua đêm mới có máy bay tới  Lhasa. Du khách có thể đặt trước vé chặng nội địa của CA (Air China) ở Việt Nam.
Hồ Namsto trong vắt như gương vào mùa hè.
Nên đi từ 2 đến 4 người, không nên tự đi một mình, đề phòng có thể xảy ra nhiều bất trắc trên đường đi. Du khách phải biết tiếng Anh hoặc tốt nhất là tiếng Trung.
- Tại các điểm tham quan, tôi nghe nói nếu chụp ảnh du khách phải đóng phí, điều này có đúng không?
- Khi đến các điểm tham quan, du khách phải nộp phí khi chụp ảnh cùng (thuê) ngựa, bò Yak, trang phục dân tộc… Ở một số chùa, tu viện… không được chụp ảnh.
- Nếu đi du lịch tự túc tôi cần phải làm một số thủ tục gì để được du lịch ở Tây Tạng, sau khi du lịch ở Tây Tạng, tôi cũng muốn đi một số địa điểm ở Trung Quốc tôi có cần xin lại visa Trung Quốc không, làm thủ tục ở đâu?
- Tây Tạng là một vùng thuộc Trung Quốc nên chỉ cần có visa Trung Quốc là du khách có thể đi du lịch khắp nơi ở đất nước hơn một tỉ dân này. Du khách cần phải xin visa nhập cảnh Trung Quốc và đặt vé máy bay để đến được Tây Tạng. Có thể xin visa tại lãnh sứ quán Trung Quốc ở TPHCM hoặc Hà Nội.
- Ngoài việc tham quan cảnh đẹp, di tích, chùa chiền, ở Tây Tạng còn có các môn giải trí gì hấp dẫn du khách?
- Tây Tạng có nhiều chùa, tu viện và thắng cảnh đẹp. Không có những khu vui chơi, giải trí như các nước khác.
- Từ Lhasa, có thể đi bằng phương tiện gì đến biển hồ nước mặn Nam-tso thuận tiện nhất? Xin giới thiệu về biển hồ này.
- Biển hồ nước mặn Namsto cách Lhasa 112 ki lô mét. Du khách chỉ cần đi xe ô tô, xe máy hay xe buýt là đến được.
Hồ Namtso (tiếng Mông Cổ là Nam Co) nằm trên đỉnh núi có tuyết phủ Nyainqentanglha, rộng 1.948 ki lô mét vuông. Đây là hồ nước mặn lớn thứ hai ở Trung Quốc, nhưng là nồ nước mặn nằm ở độ cao nhất thế giới (4.720 mét trên mực nước biển) nên tránh được tình trạng ô nhiễm của nền văn minh công nghiệp.
Hồ Namtso rất rộng và đẹp. Hai bên đường lác đác những mảng băng trắng xen lẫn trên đồng cỏ xanh. Nằm trong khu vực sa mạc, nhưng nơi đây lạnh nhiều hơn nóng. Vào mùa đông, toàn bộ mặt hồ đông cứng như mảnh ngọc trong vắt giữa những bãi cỏ xanh tuyệt đẹp. Bất kể trời âm u xám xịt, mặt hồ lúc nào cũng xanh trong. Đến tháng 5, băng tan tạo ra những âm thanh như tiếng sấm.
Hồ có 5 đảo, một trong số đó được hình thành từ đá sa thạch. Các đảo này là môi trường sống lý tưởng cho các loại thực vật sống dưới nước. Ở đây động vật hoang dã như các loài thú, chim và cá rất đa dạng, nhất là vào mùa hè. Ngoài ra, hồ Namtso vắng vẻ, hoang sơ, không có người sinh sống, là một trong ba hồ thiêng liêng nhất của đạo Phật ở Tây Tạng. Nơi đây xung quanh toàn cát, đất và núi trọc, chỉ có một ngôi đền.
Thung lũng Gyama, nơi sinh của vua Songtsen Gampo, vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng.
Trước đây, cứ đến cuối đông, hàng nghìn người Tây Tạng hành hương thường đi bộ qua mặt hồ đóng băng sang đảo, phục vụ mục đích tâm linh. Họ mang theo thức ăn để có thể ở lại trên đảo suốt mùa hè, đến mùa đông năm sau mới trở về. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Trung Quốc đã nghiêm cấm vì lý do an toàn. Mặc dù vậy, mùa hè và tết của người Tạng là thời điểm thích hợp nhất để đến thăm hồ Namtso.
- Tôi nghe nói cách Lhasa khoảng 65 km có một ngôi làng của người dân tộc mà các công ty lữ hành thường đưa khách đến tham quan. Xin thông tin thêm về ngôi làng này. Người đi du lịch tự túc có được phép đến đó không?
- Ngôi làng có tên gọi là Gyama - nơi sinh của vua Songtsen Gampo, vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Tây Tạng, người đã thống nhất miền đất này vào thế kỷ XVII.
Làng Gyama nằm tại thung lũng Gyama, phía đông Lhasa. Từ đây, du khách có thể đi bộ khoảng 1 tiếng về phía nam để đến thăm tu viện Rabye Ling. Tu viện có quy mô nhỏ với một vài bức tranh đẹp và một câu thần chú bằng đá được cho là tự nhiên xuất hiện vào ngày sinh của vua Songtsen Gampo.
Nơi này còn có một con suối tự nhiên đánh dấu nơi sinh của vị vua vĩ đại. Các nhà khảo cổ tin rằng, những tàn tích của Jamba Mingyur Ling xung quanh nơi này là cung điện mà cha của Songtsen Gampo xây dựng sau khi rời thung lũng Chongye.
Du khách có thể đi tự túc bằng xe buýt từ Lhasa để đến tham quan nơi này. Ngoài ra, du khách còn có thể đi bằng đường cao tốc Gongkar Gyelpo, cách ngôi làng 2 cây số về phía nam.

Khám phá lễ hội, hành hương Tây Tạng











Múa Zhou, một loại hình múa dân gian của dân tộc Tạng.

Tây Tạng nổi tiếng là xứ sở Phật giáo, là nơi thích hợp cho các du khách muốn hành hương. Ngoài ra, khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội khám phá các lễ hội truyền thống của người dân nơi đây, bao gồm cả những lễ hội cổ xưa. Bên cạnh đó, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng những ngôi chùa cổ, những đền thờ…một nét đẹp nghệ thuật về kiến trúc của đất nước này.
- Xin giới thiệu các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Tây Tạng. Du khách có thể xem ở đâu, vào các ngày nào trong tuần?
- Tây Tạng là nơi giàu bản sắc văn hóa. Có rất nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Du khách có thể xem nhạc kịch cổ truyền Tây Tạng, còn được gọi là Ache lhamo, nghĩa là “Chị em nữ thần” hay “Chị em thiên đàng”, là một sự kết hợp các điệu nhảy, tụng kinh và các bài hát.
Nhạc kịch Ache lhamo.
Các tiết mục thể hiện những câu chuyện về Phật giáo và lịch sử người Tạng. Nhạc kịch Tây Tạng xuất hiện từ thế kỷ XIV do Thangthong Gyalpo, vốn là một vị Lạt ma và nổi tiếng là “người xây cầu”. Ông và bảy thiếu nữ do ông chọn đã tổ chức trình diễn những điệu nhạc kịch Tạng đầu tiên để gây quỹ xây dựng những cây cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông Tây Tạng. Những màn trình diễn thường diễn ra vào các dịp lễ hội khác nhau như Lingka và Shoton trên một sân khấu đơn sơ.
Những chiếc mặt nạ đầy màu sắc cũng được sử dụng để thể hiện các nhân vật; như màu đỏ tượng trưng cho vua, màu vàng thể hiện cho các vị thần và Lạt ma. Màn trình diễn bắt đầu với một cảnh xá tội và khấn Phật. Một người kể chuyện sẽ hát một bản tóm tắt của câu chuyện và buổi diễn bắt đầu. Các nghi lễ tôn giáo khác cũng được tiến hành vào cuối vở kịch. Ngoài ra, còn có nhiều huyền thoại lịch sử hay sử thi bằng văn bản của các vị Lạt ma bề trên về sự tái sinh của “Người được chọn”, người sẽ làm những điều tuyệt vời.
Múa Zhou, một vũ điệu dân gian độc đáo của người Tạng.
Múa Zhou, là một vũ điệu dân gian độc đáo của người Tạng. Múa Zhou trong tiếng Tạng được gọi là “Múa trống cơm”. Zhou có nghĩa là tốt lành. Múa Zhou thường được biểu diễn vào lúc mở màn và kết thúc các hoạt động lễ hội quan trọng. Loại múa này đã có hơn 1.300 năm lịch sử, ngoài việc là một loại hình nghệ thuật múa đặc thù của dân tộc Tạng, cũng là một trong những thể loại múa lâu đời nhất trong văn hóa truyền thống các dân tộc thế giới còn tồn tại.
Trước đây, múa Zhou chỉ có thể biểu diễn trong chùa chiền hoặc các hoạt động lễ hội lớn do chính quyền địa phương tổ chức, các trường hợp khác không được biểu diễn tùy tiện. Nhưng ngày nay, sau khi xong mùa vụ, mọi người lại tổ chức múa Zhou trên bờ ruộng hoặc sân làng, quang cảnh này trở thành một bức tranh tươi đẹp của nông thôn Tây Tạng.
- Xin giới thiệu một vài lễ hội độc đáo ở Tây Tạng. Hiện nay có công ty lữ hành nào tổ chức tour đi Tây Tạng kèm với tham gia các lễ hội không?
Lhasa, vùng đất được mệnh danh “ Đất bùn của dê”.
- Lễ hội lớn nhất trong năm là Losar, ngày đầu năm mới theo lịch âm vào mùa đông; Losar sắp tới sẽ nhằm ngày 05-3- 2012. Vào dịp này, nơi đây được trang trí đầy màu sắc truyền thống và mặt nạ, thể hiện diện mạo tự nhiên, đích thực, không có mua bán và lộn xộn.
Ngoài ra, hàng năm, vào tháng Tư âm lịch, khắp Tây Tạng đều tưng bừng đón mừng kỷ niệm “Tháng lễ hội Lhasa”. Đây là tháng kỷ niệm ngày đức Phật Thích ca đản sinh. Cũng như các tín đồ Phật giáo khắp nơi trên thế giới, vào những ngày kỷ niệm này, người dân Tây Tạng tổ chức nhiều hoạt động rất trọng thể.
Còn lễ hội Shoton kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ 10-8 tại Lhasa. Lễ hội bắt đầu từ lúc bình minh sau ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 8. Lễ hội bao gồm nhạc kịch Tây Tạng, trình diễn nghệ thuật dân gian, đua bò và đua ngựa.
Bên cạnh đó, cứ đến 25-12 hàng năm, theo lịch của người Tạng, các tu viện, đền, chùa lại tưng bừng tổ chức lễ hội đèn bơ để tưởng niệm Tsong Khapa - người đã sáng lập ra giáo phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng.
- Xin giới thiệu một số ngôi chùa cổ. Khi tham quan đền, chùa tôi có phải mua đồ cúng hay thanh toán chi phí gì không? Du khách có được phép chụp ảnh tại các ngôi chùa không?
- Tây Tạng nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa có khu vườn rộng 25.000 mét vuông và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Hành hương Tây Tạng sẽ thiếu sót nếu du khách là phật tử không ghé đến tu viện Dzongchen, một trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng. Có thể coi Dzongchen là một “cõi Phật” thuần khiết. Chùa Tashilumpo, nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma.
Tashilumpo.
Chùa Bạch Mã - ngôi chùa Phật khởi nguyên tại Trung Quốc. Đây là ngôi chùa có kiến trúc rất đặc sắc và mới lạ. Chùa Pecho được xây dựng từ năm 1427. Đây là ngôi chùa rất nổi tiếng của Trung Quốc với kiến trúc mang đậm bản sắc của Phật giáo Tây Tạng. Chùa Lou Bu Lin Ka – ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thế kỷ thứ 6 và là cung điện mẫu hệ của chính giáo hợp nhất. Chùa Sela, chùa Zhebangsi vào thời kỳ hưng thịnh nhất có tới 10.000 vị Bát Lạt Ma.
Khi đi tham quan các di chỉ tôn giáo ở Tây Tạng, du khách nên lưu ý đi theo chiều kim đồng hồ. Không được phép sờ vào tượng Phật, kinh sách hoặc chụp ảnh bên trong các tu viện khi chưa được phép. Ngoài ra, du khách tuyệt đối không hút thuốc lá, không được đứng trên ngưỡng cửa chùa, tu viện, nhà cửa hay lều bạt. Khi vào thăm các đền chùa không nên đội mũ, mà nên chỉnh đốn quần áo, phụ nữ không nên mặc quần áo quá mỏng, quá ngắn… không sờ đầu bất kỳ ai vì đó là điều cấm kị của người Tạng.
- Tại sao lại gọi Lhasa là vùng “đất bùn của dê”?
- Khắp Lhasa, đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Người Tây Tạng giải thích rằng Lhasa là “đất bùn của dê”, bởi từ xa xưa, thành phố được xây dựng trên đất bùn do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hóa nổi tiếng thế giới được xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge với độ cao cách biệt với bề mặt thành phố là 91 mét.
- Xin cho biết một số tập quán giao tiếp của người Tây Tạng.
- Ở Tây Tạng, mọi người không ăn thịt ngựa, thịt chó và thịt lừa. Vì vậy, bạn hãy tôn trọng những thói quen ăn uống của họ, cũng như nên vui vẻ ăn những thức ăn họ mời.
Khi được mời dùng bánh mì nướng, bạn nên dùng đầu ngón áp út (ngón tay đeo nhẫn) nhúng một chút bánh mì, sau đó rắc trong không khí và mặt đất ba lần. Vì người Tạng quan niệm đây là hình thức tạ ơn sự cung cấp thực phẩm của đất, trời và tổ tiên. Sau đó, bạn nên uống một ngụm rượu vang, chủ nhà sẽ rót đầy ly lần nữa. Nghi thức này được lặp lại ba lần cho đến khi bạn được chủ nhà yêu cầu úp ly xuống.
Đua bò Yak trong lễ hội Shoton.
Khi mời trà, rượu, thuốc lá cho ai, bạn nên đưa bằng hai tay và không để ngón tay vào cốc, ly.
Khi gọi tên ai đó, hãy thêm “la” vào sau tên để thể hiện sự tôn trọng.
Trừ khi được mời làm khách đến một lều hoặc nhà, bạn hãy nhớ không được đứng trước ngưỡng cửa. Khi được mời ngồi, bạn nên ngồi bắt chéo chân và không đưa chân ra xa vị trí ngồi.
Nếu được tặng quà, bạn nên nhận bằng cả hai tay. Khi tặng quà cho ai, bạn nên cúi gập người xuống và nâng quà bằng hai tay trên đầu để thể hiện sự tôn trọng.
Không vỗ tay hoặc khạc nhổ sau lưng người Tây Tạng. Hành vi này được xem là bất lịch sự.
- Tại Tây Tạng, có những điều gì cấm kị mà du khách phải tuân theo khi đến đây?
- Ngoài những điều đã nêu trên về văn hóa giao tiếp ở Tây Tạng, khi vào chùa chiền, du khách nên lưu ý, không chụp ảnh nhân viên an ninh, quân đội. Tại hầu hết các nơi tham quan, người dùng máy chụp ảnh thường phải trả tiền từ 20 - 50 nhân dân tệ.
Vì lý do an toàn của bản thân, du khách không nên vào các ngõ phố nhỏ nếu không có hướng dẫn viên đi cùng, tránh hỏi những vấn đề tôn giáo nhạy cảm.
Mua bán hàng lưu niệm có thể mặc cả; nếu có ý định mua thì hãy hỏi, hỏi mà không mua rất dễ gây mâu thuẫn.
Nên đổi tiền ở Việt Nam trước khi đi. Khi đã sang Tây Tạng, bạn không thể đổi lấy nhân dân tệ từ tiền đồng của Việt Nam, còn đổi từ đô la Mỹ sang nhân dân tệ sẽ không có lợi. Có thể thanh toán bằng thẻ Visa nhưng tương đối khó
.

Những điểm đến nổi bật ở Tây Tạng

.








Một góc nhìn thơ mộng của Lhasa.


- Xin giới thiệu vài điểm đến thú vị ở Tây Tạng?
- Muốn tham quan hết Tây Tạng, du khách cần thời gian đến vài tháng và các điểm tham quan đều có bán vé vào cửa. Xin giới thiệu vài điểm tham quan nổi tiếng mà du khách nên tìm hiểu.
Cung điện Potala, theo tiếng Sankrit nghĩa là cung điện của Bồ Tát. Đây là nơi sống và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. Muốn tham quan cung điện Potala, khách phải đăng ký hẹn giờ trước. Nơi đây kiểm tra an ninh như ở sân bay.
Cung điện Potala, Lhasa.
Chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa, có khu vườn rộng 25.000 mét vuông và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng.
Tu viện Dzongchen - “cõi Phật” thuần khiết, đây là một trong sáu tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thủy ở Tây Tạng.
- Cung điện Potala có gì hấp dẫn mà ai đi Tây Tạng cũng muốn đến đó?
- Linh hồn và trái tim của toàn bộ Lhasa nói riêng và Tây Tạng nói chung chính là Potala. Potala có hai tòa chính là cung điện đỏ và cung điện trắng với hơn 1.000 gian phòng, hơn 10.000 Phật điện, hàng ngàn mét vuông tranh tường, hơn 20.000 điêu khắc tượng Phật và các Lạt Ma.
Potala cao 117 mét, gồm 13 tầng chiếm diện tích khoảng 130.000 mét vuông. Toàn bộ kiến trúc lâu đài đều làm bằng đá và gỗ. Tường của lâu đài dày từ 1 mét trở lên, có chỗ dày trên 5 mét, dùng những hòn đá to để khảm vào. Trên những vách của lâu đài đều có các bích họa với những màu sắc rực rỡ, nghệ thuật phong phú và nhiều phong cách.
Phần phía sau của cung điện lại là một không gian lãng mạn, nên thơ với sự hài hòa của bờ cỏ, hồ nước. Du khách có thể ngắm toàn bộ khối công trình nguy nga này trên mặt nước.
- Xin giới thiệu về dòng sông Yarlung Tsangpo; du khách có được phép tắm ở con sông này không?
Dòng sông thần Yarlung Tsangpo.
- Trước khi hạ cánh xuống sân bay Gongkhar, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của dòng Yarlung Tsangpo chảy ra biển Bengai, cùng dòng sông Indus chảy ra vịnh Ai Cập giống như hai vòng tay ôm lấy Hymalaya và bán đảo Ấn Độ. Điểm lạ lùng khiến con sông này nổi tiếng là trên một dòng sông lại có hai dòng chảy xuôi ngược.
Điều thú vị là Ngari (tên gọi miền Tây của Tibet), một miền hoang mạc khô cằn lại là nơi khởi thủy của bốn dòng sông lớn của châu Á, gồm sông Hằng, Indus, Sutlej và Yarlung Tsangpo. Trong khi ba dòng đầu nhanh chóng chảy ra khỏi Tibet ngay tại miền Tây thì Yarlung Tsangpo lại men theo sườn phía tây bắc của Hymalaya và chảy dài đến 2.000 km dọc theo dãy núi khổng lồ này, đem lại sự sống cho toàn miền Trung và cận đông Tibet.
Có thể nói, nếu không có Yarlung Tsangpo, người Tibet chắc sẽ không thể có được một Gyantse với pháo đài sừng sững lưng trời, một Shigatse với tu viện Tashilunpo có một không hai và một Lhasa với Potala kỳ vĩ.
Không có lệnh cấm du khách tắm ở còn sông này, nhưng vì lý do an toàn, du khách không nên tắm ở đây nếu không mặc áo phao, nhất là vào những lúc thời tiết lạnh.
- Có tour đi máy bay ngắm dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) không? Công ty lữ hành ở Việt Nam nào có tổ chức tour đó?
Dãy Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya) hùng vĩ nhìn từ máy bay.
- Những chuyến bay đưa hành khách đi một vòng dãy Hymalaya và xem đỉnh Everest qua cửa sổ máy bay là dịch vụ thường xuyên ở Nepal. Giá vé khoảng 160 đô la Mỹ/người, cho một giờ bay. Thông thường, chi phí này du khách tự trả khi tham gia tour liên tuyến Nepal - Tây Tạng.
- Các công ty lữ hành ở Việt Nam thường đưa khách đến những địa điểm nào ở Tây Tạng?
- Các tour du lịch đến Tây Tạng thường đưa du khách đến Lhasa - thủ phủ Tây Tạng. Đây là nơi tập trung những công trình Phật giáo đồ sộ; trong đó, nổi tiếng nhất là cung điện Potala.
Ngoài Potala, Lhasa còn một ngôi chùa cũng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới là Đại Chiêu tự - ngôi chùa cổ nhất Tây Tạng, là điểm hành hương linh thiêng của các tín đồ Phật giáo khi đến thánh địa Lhasa.
Suối nước nóng ở độ cao nhất thế giới Yangbajain.
Ngoài ra, du khách còn đến với Shigatse - thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng qua cung đường tuyệt đẹp từ Lhasa. Trên đường đi, du khách sẽ ngắm đèo Gangbala hùng vĩ, Yanmdrok Lake rộng lớn và cây cầu lớn bắc qua sông Yarlung Tsangpo. Du khách sẽ tham quan đại cổ tự Tashihunpo tại Shigatse, là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma và có tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất thế giới. Khi đến Shigatse, du khách không thể không tìm đến nơi linh thiêng nhất là Yarlung Tsangpo (vừa nói đến ở câu trên).
- Du khách có thể tắm tại suối nước nóng Yangbajain ở Tây Tạng không? Và có được phép tham quan nhà máy phát điện chạy năng lượng lòng đất ở gần đó không?
- Suối nước nóng Yangbajain cung cấp hầu hết năng lượng cho thủ đô Lhasa. Nơi này hấp dẫn du khách bởi chính nó là suối nước nóng cao nhất thế giới với độ cao hơn 4.267 mét. Nước phun lên khỏi mặt đất ở 28 độ C, cao hơn cả nhiệt độ sôi ở trên độ cao này. Ngày nay, nhiều bể bơi trong nhà và ngoài trời được xây dựng dành cho du khách tận hưởng dòng nước ấm tự nhiên và tốt cho sức khỏe.
Một nhà máy nhiệt điện được xây vào năm 1977 ngay bờ của suối nước nóng này, chiếm diện tích khoảng 20 – 30 km2. Du khách có thể quan sát và chụp ảnh bên ngoài nhà máy.

Không có nhận xét nào: