Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Sala – Loài cây linh thiêng

Chuyện kể rằng, vào năm 563 trước dương lịch, hoàng hậu Ma Da (Mayadevi) khi đó đang mang thai cùng tùy tùng xa giá trên đường từ Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu, nay thuộc đất nước Nepal) trở về cố quốc Thiện Giác quê ngoại để sinh con, ngang qua Lâm Tì Ni (Lumbini, một trấn thuộc Ấn Độ) bấy giờ là một rừng hoa Sala bạt ngàn, dạo chơi đưa tay vịn cành hoa ngay sau đó đã hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni). Khi Ngài trưởng thành, quyết tâm tu hành đã nhiều lần đến ngồi thiền trong rừng Sala dưới những tán cây cổ thụ và năm 80 tuổi đã nhập tịch đi vào cõi Niết Bàn giữa hai gốc cây Sala ở Câu Thi Na (Kusinagara).
Sala do đó đối với những người tu đạo là một loài cây hết sức linh thiêng gắn với những huyền tích tươi đẹp mà trong văn học nghệ thuật được miêu tả rất phong phú, đa dạng. Trên thực tế, đây là một loài cây lớn, có thể cao từ 30 - 40 m, cành lá xum xuê và nở hoa ngát hương. Do chịu đựng được cả mưa lẫn nắng, đặc biệt là điều kiện khô cằn, cây sống thọ và có kích cỡ to nhất trong rừng. Trong thời đại của Đức Phật, Ngài cũng đã gọi Sala là cây chúa (vua của muôn cây rừng – vanaspati). Ngày nay, các nhà nghiên cứu gọi Sala với tên khoa học là Shorea robusta, họ Dầu Dipterocarpaceae. Cây mọc nhiều ở Đông Nam Á, có độ phủ rộng quanh dãy núi Himalaya ở Ấn Độ và Nepal, Sala là loài cây quốc gia nổi tiếng biểu tượng cho xứ sở Ấn Độ và Nepal. Đây cũng là hai nước có Sala mọc thành rừng và giữ được nhiều gốc cổ thụ hàng nghìn năm tuổi nhất. Tại ấn Độ, Sala tập trung ở Uttaranchal và ở Nepal là Terai.

    Sala (Shorea robusta) là cây gỗ cứng, thân dài, mọc thẳng, lá dày to giống tai ngựa, hoa vàng và có chùm lớn. Trong điều kiện ẩm ướt, Sala xanh quanh năm, và nếu khô cằn thì hay rụng lá, vào cuối xuân hoa nở vàng ngọt ngào. Mỗi cây sống hàng trăm năm, khi ngã xuống vẫn tươi nguyên và giữ bền thêm trăm năm. Gỗ tươi, giác gỗ có màu hồng, tiếp xúc với ánh sáng sẽ chuyển dần sang nâu đỏ. Người dân nhiều nước thường lấy lá cây làm đồ đựng, giấy gói hay rổ giá; hoa, lá cây còn được chiết xuất thành nước hoa, kẹo gôm, thuốc hút; nhựa cây dung để đốt cho thơm, hạt cây được ép dung để chữa bệnh trứng cá, viêm tai, động kinh, bép phì hay u mạch, dầu đèn và trám vào đáy thuyền chống thấm… Nhựa cây Sala là thứ nhựa độc đáo nhất các nhà sư tại Lhasa Tây Tạng, một trong những cái nôi Phật giáo của khu vực chuyên dùng làm nhang hương. Nhờ sắc đỏ, mịn, ấm, dai, chắc, không rỗ mục, gỗ Sala rất được yêu thích, và chuyên đóng bàn ghế, giường tủ, cánh cửa, cũng như tạc tượng, chạm khắc làm các tác phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí và thờ phụng. 


Sala còn có ý nghĩa tâm linh cực kỳ to lớn. Nhiều dân tộc tôn thờ cây Sala như vật thần, đặc biệt là những người theo đạo Phật và đạo Hindu luôn xem cây là chỗ an ủi tinh thần, với mong muốn được bình an và giải thoát, đền chùa đều trồng cây Sala. Ở Việt Nam Sala được gọi là cây vô ưu hoặc ngọc kỳ lân, đầu lân hay hàm rồng. Với ý nghĩa cây đem lại niềm vui, hạnh phúc, trai gái thường tổ chức cưới xin dưới gốc cây. Tại các quốc gia coi Sala là biểu tượng đều có lễ hội chào mừng vào mùa hoa nở, chẳng hạn như ở ấn Độ là lễ hội Sarhul của người Mundas, Oraon và Santhal… 

Hiện nay, do nạn chặt phá rừng và khai thác quá mức, Sala đang dần khan hiếm và nằm trong danh sách bảo vệ đặc biệt của thế giới. 

Không có nhận xét nào: