Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Năm ngày trên đất nước Chùa Tháp

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Bình An
.
.
Cửa khẩu Bavet, tỉnh Svay Rieng,Campuchia.
(TBKTSG Online) - Mong muốn thực hiện một chuyến "đi bụi" sang Campuchia được manh mún từ lâu lắm, khi tôi còn là thư ký cho một văn phòng tư vấn xây dựng và bất động sản. Hồi đó, công việc cũng chẳng mấy bận rộn nên tôi có thời gian đọc nhiều. Chỉ làm vài tháng ở đó nhưng đã có biết bao tác phẩm văn học, blog... được tôi “nghiền ngẫm”. Một ngày tôi tình cờ “mò” ra bài viết của chị Ô Mai Già. Chị ấy kể lại chuyến đi Campuchia một mình. Càng đọc tôi càng mê, và quyết tâm, sẽ có ngày tôi sang đó xem người Campuchia sống thế nào.
Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, Campuchia là một nơi xa xôi cách trở và luôn tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Khi biết tôi sắp đi Campuchia một mình, má tôi hỏi "Con có biết tiếng Campuchia không mà đi?"; (mặc dù nhiều người Campuchia, nhất là người trẻ, nói tiếng Anh rất tốt, với chất giọng dễ nghe và hay dù nhiều người trong số họ không phải là người dân ở những nơi tập trung nhiều khách du lịch), vài người bạn khác thì lộ vẻ lo lắng thực sự khi hỏi nhiều thứ liên quan đến chuyến đi sắp tới của tôi, mà các bạn ấy cũng là dân trí thức như ai, cũng lên mạng đọc tin tức hàng ngày, cũng hay "tám" chuyện thế sự...
Lên đường
Sau nhiều lần tra khảo thông tin trên mạng, tôi quyết định đi xe của Sapaco Tourist vì nhiều người khen chất lượng xe và phục vụ tốt. Tôi có mặt tại điểm hẹn (325 Phạm Ngũ Lão, quận 1) trước 6 giờ. Lên xe, phụ xe kiểm vé, mượn hộ chiếu và điền giúp thông tin xuất cảnh, khách chả phải làm gì cả. Trên xe, ngoài người Việt, người Campuchia, còn có vài khách Tây. Vì thế mà các phụ xe nói cả ba thứ tiếng: tiếng Việt, Campuchia và tiếng Anh.
Khoảng 6g 10 phút, xe lăn bánh. Hai tiếng sau, xe tới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Hành khách được mời xuống xe làm thủ tục xuất cảnh. Thực ra mọi việc đã có phụ xe lo rồi, chỉ việc chờ nhân viên xuất nhập cảnh đóng dấu vào hộ chiếu, rồi đọc tên ai thì người nấy nhận lại hộ chiếu, đi theo lối hướng dẫn, đưa cho một nhân viên xem lại, nhìn mặt xem đúng không, rồi đi ra. Hành lý vẫn để trên xe, không sao cả.
Lại lên xe, chạy thêm một đoạn chừng mươi mét là đã ở trên đất Campuchia rồi; hành khách lại xuống xe một lần nữa để làm thủ tục nhập cảnh. Lần này khách tự xếp hàng, đưa hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh Campuchia đóng dấu. Tôi thấy lạ là tại sao phía Campuchia không kiểm tra hành lý của du khách.
Một sòng bạc nhỏ ở bên kia cửa khẩu Bavet.
Dường như bên phòng xuất nhập cảnh Campuchia tân tiến hơn khi ngay bàn làm thủ tục có chiếc camera nhỏ, chụp ảnh lại, khi được đóng dấu rồi, đi theo lối dẫn, lại có người cầm camera chụp thêm một lần nữa. Trong lúc chờ tới lượt, tôi ngắm khuôn mặt ngăm đen đúng chất Campuchia cực nghiêm nghị của anh nhân viên làm thủ tục. Thỉnh thoảng anh ta cũng nhìn lại tôi, còn tôi cũng cứ nhìn anh trân trân. Vậy rồi... thôi!
Một buổi chiều mưa
Qua cửa khẩu Bavet chừng mươi mét là "căn cứ địa" của các sòng bài. Hai bên đường đầy rẫy sòng bài lớn nhỏ đủ kiểu. Xe dừng ngay một quán ăn không xa Bavet, dường như có hợp đồng lâu dài với hãng xe hay sao đó mà hai bên tường treo đầy banner của Sapaco.
Và đây là một sòng bạc lớn, có cả khách sạn, nhà hàng phục vụ dân mê đỏ đen suốt đêm ngày.
Biết là còn cả chặng đường dài phía trước, tôi xuống xe, gọi một phần bánh mì bò kho. Không khó khăn lắm vì nhân viên phục vụ ở đây cũng biết ba thứ tiếng: Việt, Campuchia, Anh. Vừa ăn, vừa mở điện thoại, tôi ngạc nhiên khi thấy sóng Mobifone bị đổi tên thành Vinaphone. Tuy nhiên, tôi vẫn gửi tin nhắn được. Đây là tình trạng thường thấy tại biên giới, nơi có thể dùng nhiều mạng của cả hai nước.
Xe lại lên đường. Hai bên đường lúc này đã có thể thấy được phong cảnh đặc trưng của Campuchia. Những cánh đồng, tuy không khác mấy so với Việt Nam, nhưng có vẻ ít màu mỡ hơn, và luôn có những cây thốt nốt thẳng đứng giữa mênh mông. Đi chừng hai tiếng là đến bến phà Neak Loeung, thuộc tỉnh Kandal. Qua phà, xe đi qua tỉnh Prey Veng.
Khoảng 12g trưa, xe đến Phnom Penh. Hôm đó là ngày thứ Tư. Đang thời điểm ít khách đi Siem Reap nên Sapaco chỉ bán vé khách lẻ kết hợp với khách đi tour (thường là thứ Năm hàng tuần). Do đó, tôi mua vé đi Siem Reap thì chỉ nhận được vé đi Phnom Penh; sang tới Phnom Penh, xe sẽ đỗ ngay trước văn phòng Sapaco, khách nào đi tiếp thì vào văn phòng, giao biên nhận, lấy vé và lên xe trung chuyển (12 chỗ) tới bến xe ở gần đó (cạnh bờ sông), lên xe đi Siem Reap.
Một góc phố ở Phnom Penh, ngay trước văn phòng Sapaco.
Xe từ Phnom Penh đi Siem Reap là xe của hãng Sokha Campuchia mà Sapaco hợp tác chia sẻ khách với nhau. Xe này không chuyên dành cho khách du lịch, mà phục vụ cả người địa phương nên xe không đẹp bằng, không êm ái bằng xe của Sapaco. Khi qua những đoạn đường xấu, hành khách cứ như đang cưỡi... ngựa. Xe có máy lạnh, nhưng nhiệt độ trong xe và ngoài trời... giống nhau. Tôi nhìn khắp lượt, trên xe chỉ có mỗi tôi là người Việt. Ngoài bác tài, phụ xe, vài khách người Campuchia, số còn lại là đều là Tây.
Xe chạy khoảng 3 tiếng và dừng ở nhà hàng khách sạn Arunras (tỉnh Kampong Thom) cho khách ăn chiều lúc... 15g 30. Tôi xuống xe, nhưng không vào nhà hàng mà đến một tiệm tạp hóa gần đó mua sim điện thoại. Tôi hỏi một bác gái đã lớn tuổi, rằng tôi muốn mua sim. Bác này không hiểu tiếng Anh, nên quay vào trong, nói gì đó. Một anh con trai hơi thấp nhưng khá điển trai đi ra.
Anh chàng bán sim nói tiếng Anh rất tốt, giọng hay, phát âm rõ. Tôi hỏi anh ta bao nhiêu tiền một cái sim Metfone (chính là sim của hãng Vietel Việt Nam đặt tại Campuchia); anh ta nói 4 đô la Mỹ. Tôi lại hỏi có trong tài khoản bao nhiêu; anh ta nói bao nhiêu riel (tiền Campuchia) đó, tôi nghe loáng thoáng là sáu mươi mấy ngàn hay sáu ngàn mấy gì đó. Tôi chưa quen việc nhẩm ra là bao nhiêu tiền Việt nên gật đầu mua luôn, định bụng sẽ mua card sau; cũng quên hỏi giá cước gọi một phút mất bao nhiêu, nhắn tin mất bao nhiêu...
Anh chàng đưa cho tôi một đống sim card và bảo tôi lựa số, rồi hỏi mượn hộ chiếu của tôi. Anh ta đưa hộ chiếu, thẻ sim mà tôi đã lựa và ít tiền lẻ cho một con bé chừng 3 tuổi (cởi trần, đang đùa giỡn với một thằng nhóc lớn hơn trong nhà), ý bảo đi photocopy hộ chiếu của tôi. Có vẻ như con bé đã quen với việc này, nó cầm lấy và chạy đi.
Những người bán gương sen ở bến phà Neak Loeung, tỉnh Kandal. Có nhiều người Việt bán hàng rong ở bến phà này.
Trong lúc đợi con bé kia, tôi nhận thấy bầu trời đột nhiên tối sầm, và bắt đầu nổi gió. Anh chàng bán sim hỏi tôi "Where do you go?" (Cô đi đâu?). Tôi ngạc nhiên mất chừng hai giây, nghĩ thầm sao anh ta không hỏi tôi từ đâu đến (quên mất là mình vừa đưa hộ chiếu Việt Nam cho anh ta), nhưng rồi cũng trả lời "Go to Siem Reap" (Đi Siem Reap).
Đợi một lúc, tôi thấy bác gái với con bé đi về. Bác gái nói gì đó, chắc là la anh chàng vì sai con bé đi làm việc này, trong khi trời sắp mưa. Anh ta trả hộ chiếu lại cho tôi, cài sim, hỏi tôi muốn dùng tiếng Anh phải không, rồi kích hoạt cho tôi (các bạn du lịch sang Campuchia chú ý là sim Campuchia phải kích hoạt mới xài được, không phải như bên mình, bỏ vào là xài được ngay). Tôi hỏi cách kiểm tra tài khoản, anh ta bấm *097# rồi gọi, thì tôi thấy trong tài khoản có 0,2 đô la. Sau đó lại có tin nhắn báo được 3,8 đô gọi và nhắn tin nội mạng.
Tôi cảm ơn anh ta, vừa định bước ra ngoài thì trời đổ mưa tầm tã. Tôi đành đợi một lúc, sẵn nhắn tin cho Narin, cô bạn làm cho một công ty du lịch ở Siem Reap - đối tác của công ty tôi đang làm, người tôi hẹn tối sẽ gặp. Narin gọi lại ngay, nhưng vì trời đang mưa to, nên tôi bấm tắt, rồi nhắn lại tình hình, bảo khi nào tới sẽ cho cô ấy biết.
Anh chàng bán sim đi ra ngoài đứng cùng với tôi, tôi hỏi anh ta còn bao xa nữa thì tới Siem Reap. Anh ta nghĩ một lúc rồi trả lời còn 146 km nữa. Tôi hỏi, nghĩa là hơn hai tiếng nữa? Anh ta gật đầu. Một lúc mưa ngớt, tôi chào anh ta rồi chạy ra xe, thấy bác tài và phụ xe cầm những chiếc dù che nắng trước nhà hàng đi khắp các cửa để đón khách, nhưng đa số khách nào lên xe cũng bị ướt ít nhiều.
Xe lại bắt đầu chạy. Mưa cũng ngớt dần rồi tạnh hẳn. Càng về chiều, một màu hoàng hôn ửng vàng trùm khắp chân trời, khắp không khí xung quanh. Tôi nhìn ra ngoài, thấy thật thích vì có cảm giác con đường dài tít tắp, hai bên không có nhiều nhà cửa hay cây to che khuất để có thể ngắm hoàng hôn trải dài.
Cảnh tuy đẹp, nhưng cũng gợi nên nét gì đó buồn làm sao! Có lẽ tôi đã bắt đầu “ngấm” cảm giác cô đơn của việc đi “bụi” một mình.
.

Đêm đầu tiên trên đất Campuchia



.
Phố đêm Siem Reap.
(TBKTSG Online) - Ngồi trên xe, tôi chợt nhớ ra là mình không ghi lại địa chỉ của nhà nghỉ ở Siem Reap, nơi tôi đã đặt phòng qua email trước đó. Giá phòng đã bao gồm tuk tuk đón từ bến xe, nhưng khi đó tôi chỉ mới có vé đi Phnom Penh, và chưa biết chuyến xe từ Phnom Penh đi Siem Reap sẽ đi vào giờ nào, nên chưa thông báo cho nhà nghỉ để họ cho người đón, mà tôi chỉ gửi email nhắn là sẽ đi bằng xe của Sapaco.
.
Sau khi nhắn tin cho Narin, tôi xem lại tài khoản và biết được rằng một tin nhắn ngoại mạng có giá tính ra tiền Việt khoảng 800 đồng. Cước một cuộc gọi sẽ đắt hơn nhiều. Trong khi số tiền trong tài khoản còn rất ít, có lẽ không thể gọi về nhà nghỉ (tôi có lưu số điện thoại nhà nghỉ trong máy). Tôi chậc lưỡi, nghĩ khi nào tới bến sẽ kêu đại chiếc tuk tuk nào đó chở về, hy vọng là bác tài biết nhà nghỉ đó nằm ở đâu.
Đang đi, Narin lại gọi tôi. Cô ấy nói khi nào tới hãy cho cô ấy biết, cô ấy sẽ đi đón, nhưng tôi không muốn làm phiền. Một lát sau, khi xe đến gần đến trung tâm Siem Reap (tôi biết điều đó khi nhìn ra bên ngoài thấy quang cảnh sầm uất hẳn lên, lại có những tấm biển báo mang đầy chữ "Angkor"), trời bỗng mưa lắc rắc; Narin lại gọi, xin lỗi vì mưa nên không thể gặp tôi được. Tôi đồng ý, vì nghĩ không sao, tôi còn hai đêm ở đây nên sẽ còn thời gian gặp cô ấy.
Đến Siem Reap
Siem Reap là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên, nằm về phía tây bắc Campuchia. Khung cảnh bên ngoài lúc này tối đen, trời lại mưa, ít đèn, lại thêm ánh đèn đường vàng vọt, đường xá vắng người qua lại, khiến tôi cảm thấy thất vọng. Bao háo hức chờ đến nơi có quần thể di sản Angkor đi đâu hết cả.
Xe đi vào một bến nhỏ, trong một con đường tối, khiến tôi bỗng hơi lo. Nhìn ra ngoài đã thấy lố nhố các bác tài xe ôm, xe tuk tuk cầm bảng đón khách, hoặc chờ kiếm khách. Vừa bước xuống xe, tôi ngạc nhiên quá đỗi vì đập vào mắt mình là tấm bảng "Welcome C. An". Tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ nhà nghỉ dựa vào thông tin sẽ đi bằng xe Sapaco mà cho người chờ sẵn để đón tôi hay sao, như thế thì hay quá!
Tiến đến trước mặt anh chàng lái xe tuk tuk (lúc này phần do trời tối, phần do anh ta ăn vận hơi nhếch nhác nên tôi cứ tưởng là một chú đã lớn tuổi) đang cầm tấm giấy welcome kia, tôi hỏi "Are you from My Home?" (My Home là tên nhà nghỉ tôi đã đặt chỗ). Anh ta gật đầu, rồi nói tôi đưa hành lý anh ta xách cho. Tôi đưa cái ba lô, anh ta hỏi "Only one?", có vẻ ngạc nhiên lắm.
Tôi tưởng anh ta còn đón nhiều khách khác nữa, nhưng không, khi theo anh ấy ra xe, tôi nhận ra chỉ có mình tôi. Tôi thắc mắc điều đó thì anh ta nói chỉ đón mình tôi thôi, rồi hỏi tôi đi du lịch một mình sao. Anh ta lại hỏi giờ đưa tôi về đâu, hay là muốn về văn phòng Sapaco trước. Tôi ngờ ngợ, chẳng lẽ anh ta là do Sapaco nhờ đón? Vậy sao lúc nãy tôi hỏi anh ta đến từ My Home, anh ta lại gật đầu?
Hay là Sapaco nhờ đón thật, vì vé đi Phnom Penh mua ở Sài Gòn ghi “C. An”, tức “chị An” do chị bán vé viết tắt, nên lúc lấy vé ở văn phòng Phnom Penh, cô bé bán vé bảo tôi ghi đầy đủ họ tên vào biên nhận, là để nhờ người đón tôi chăng? Nhưng rồi tôi cũng trả lời, cho tôi về My Home. Anh ta không hỏi My Home ở đâu, tôi nghĩ chắc anh ta biết, vì nghĩ Siem Reap cũng tương đối nhỏ. Coi như tôi tạm tin anh ta, giao toàn bộ tính mạng và tài sản của mình cho một người lạ. Trong trường hợp này, tôi đâu còn sự lựa chọn nào khác.
Nhà nghỉ My Home
Sảnh tiếp khách ở nhà nghỉ My Home.
Chiếc tuk tuk lắc lư đưa tôi qua những con đường nhỏ đầy ổ gà, rồi dừng lại trước một ngôi nhà cũng nhỏ, phía trước đầy cây cối mà tôi nhìn hoài chẳng thấy tấm biển nào liên quan đến hai từ "My Home" (qua hai ngày sau tôi mới để ý thấy tấm biển đó ở trên cao, phải ngước đầu lên mới thấy, lúc này đã bị khuất vào chỗ tối). Vì thế tôi cứ tưởng anh ta ghé vào nhà ai đó vì việc riêng của anh ta.
Khi thấy tôi ngồi yên trên xe, vẻ lơ ngơ, anh ta xách ba lô của tôi vào và bảo tôi xuống. Vào bên trong khoảng sân, đằng sau hàng trúc trước cổng mới thấy bàn ghế và lối bài trí của một một nhà hàng. Vào tiếp nữa là hành lang, anh chàng lái xe tuk tuk cởi dép để ngoài, đi vào, cười nói với anh chàng tiếp tân (làm như quen thân đâu từ trước vậy). Tôi cũng cởi dép ra, đi vào theo. Tôi dần hiểu ra, rằng cái nơi tôi đặt chỗ chỉ là một nhà nghỉ; thì đây, nhà nghỉ đó chứ đâu?! Nhà nghỉ mà, đâu phải khách sạn mà tưởng tượng nó rộng rãi, hoành tráng!
Trông thấy tôi, anh chàng tiếp tân nở nụ cười và chào. Tôi mở ba lô, lấy hộ chiếu đưa cho anh ta. Anh ta xem rồi xác nhận lại với tôi rằng có phải ở ba đêm không, rồi lấy chìa khóa phòng.
Khi biết tôi định đi xem Angkor vào ngày mai, anh chàng lái xe tuk tuk hỏi tôi có cần xe không. Tôi bảo tôi muốn đi bằng xe đạp điện. Anh ta vẫn cười, nói mấy câu nài nỉ. Trong khi đó, anh chàng tiếp tân nhà nghỉ cười đùa với anh lái xe tuk tuk, ý rằng cô ấy đi xe đạp, không cần xe của anh đâu.
Tôi phần vì muốn nhanh chóng vào phòng tắm rửa, nghỉ ngơi, phần vì không thích bị đeo bám như thế, bèn hỏi xin số di động của anh ta, rồi nhá máy qua. Anh ta cầm máy tôi, lưu số anh ta là Leap. Đó là tên anh. Tôi bảo, nếu cần xe lát nữa tôi sẽ gọi. Khi đi theo chàng tiếp tân để nhận phòng, tôi còn nghe anh nói với theo "If you don't call me, I will call you" (Nếu cô không gọi, tôi sẽ gọi cho cô).
Anh chàng tiếp tân mở cửa phòng ở cuối dãy (cũng không xa sảnh cho lắm). Tôi chọn phòng dùng quạt, giá 12 đô la Mỹ. Đang là mùa mưa nên tôi không cần máy lạnh. Ở đây, phòng máy lạnh dành cho một người tới 17 đô la, phòng đôi máy lạnh chỉ có 20 đô la Mỹ. Anh chàng tiếp tân giới thiệu sơ về phòng, nơi ăn sáng (chính là nhà hàng phía trước sảnh, sau mấy bụi trúc trước cổng), hồ bơi... Ồ, trông nhà nghỉ nhỏ thế này mà có hồ bơi nữa sao? Nhưng rồi cũng chẳng bận tâm vì tôi không biết bơi, không có nhu cầu bơi cũng như đâu có nhiều thời gian ở đây lâu đâu mà bơi. Tôi chỉ thắc mắc, sao phòng đơn mà có hai cái giường. Anh chàng tiếp tân nói không sao, tôi có thể ngủ bên giường này, hôm sau lại chuyển qua giường kia. Có lẽ là nhà nghỉ đã hết phòng đơn.
Khi anh chàng ra ngoài rồi, tôi phát hiện thêm trong phòng còn có máy lạnh, chỉ có điều là công tắc không hoạt động, chắc đã được tắt rồi. Điều này có nghĩa là căn phòng có đủ hết các dịch vụ, tùy yêu cầu của khách (thỏa thuận giá cả) mà cung cấp dịch vụ. Đa năng như thế cũng hay đấy chứ.
Tôi sắp xếp lại hành lý, rồi nhắn tin cho Narin, rằng tôi đã ở nhà nghỉ rồi. Narin gọi lại, bảo giờ muốn gặp tôi. Cô ấy hẹn tôi ở chợ, nửa tiếng sau sẽ tới. Tôi đồng ý luôn, tò mò không biết cô bạn này là người thế nào mà hay đổi ý thế.
Chợ Đêm Siem Reap
Con phố cạnh khu chợ Đêm Siem Reap.
Tôi hỏi anh chàng tiếp tân lối đi ra chợ mới biết ở Siem Reap có tới hai chợ. Một cái là chợ Cũ (Old market - sau này được biết nơi đó chỉ toàn người có nhiều tiền mua, kiểu như chợ Bến Thành ở Sài Gòn vậy); cái thứ hai là chợ Đêm (Night market) và hai chợ nằm sát với nhau. Sẵn tiện, tôi hỏi từ nhà nghỉ đi Angkor mất bao lâu, anh tiếp tân bảo 15 km, mất khoảng một tiếng đồng hồ nếu đi bằng xe đạp, và chỗ anh ta chỉ cho thuê xe đạp (1 đô Mỹ/ngày), chứ không có xe đạp điện.
Từ nhà nghỉ đến chợ chừng 8 phút đi bộ. Đi được một quãng, tới ngã ba, tôi mất... phương hướng, bấm máy gọi Narin, chưa thủng câu chuyện thì "tít... tít... tít". Máy hết tiền!
Narin gọi lại, bảo đứng đâu đi, cô ấy sẽ tới. Tôi bảo sẽ đợi ở chợ Cũ, tới đó tôi xem chỗ nào rồi mới nói cô ấy biết được. Rồi tôi vừa hỏi đường, vừa mò mẫm  rồi cũng đến nơi. Tôi vừa đi vừa ngó quanh quất tìm chỗ bán card điện thoại. Một anh lái xe tuk tuk hỏi có cần giúp gì không, tôi hỏi biết chỗ nào bán card điện thoại không, anh ta bảo xa lắm, lên xe anh ta chở đi mua. Tôi đang chờ Narin, nghĩ thế nào cô ấy cũng gọi lại nên không đồng ý, mà cũng vì tôi không tin anh chàng cho lắm. Ở ngay giữa chợ, sao lại không có bán card điện thoại chứ?
Tôi tiến tới ngã ba, nơi có anh công an giao thông đang "tám" điện thoại với ai đó, đứng chờ. Anh chàng lái tuk tuk cũng đi theo, nhìn xem tôi định làm gì. Rồi Narin gọi lại, tôi lại nhìn quanh quất, phát hiện ra tấm bảng "Siem Reap Night Market", và nói với Narin. Cô ấy bảo biết chỗ đó rồi.
Vừa bấm mấy tấm ảnh thì thấy một chiếc xe máy đỗ xịch lại chỗ tôi. Tôi kêu lên "Narin, right?" (Narin, đúng không?). Chúng tôi đã nhìn thấy hình của nhau nên tôi nhận ra ngay nhưng vẫn hỏi lại cho chắc. Cô bạn tỏ vẻ vui mừng khi gặp tôi. Tôi hỏi Narin ăn tối chưa. Cô ấy bảo ăn rồi, nhưng nói sẽ đưa tôi đi ăn tối. Narin đưa tôi đến một nhà hàng tên Khmer, nơi chuyên bán thức ăn Campuchia ngay trong khu chợ Cũ.
Tôi bảo cô ấy gọi món giùm tôi. Cô ấy hỏi tôi ăn món cá gì đó (tên lạ hoắc) chưa, tôi nói chưa và bảo tôi cũng thích ăn cá. Vậy là cô ấy gọi món đó, một hồi, sau khi ngắm nghía quyển thực đơn, cô ấy lại đổi ý, hỏi tôi ăn cà ri nhé. Tôi cũng ừ luôn. Tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi bảo Narin, ở ngoài cô ấy dễ thương và trẻ hơn trong ảnh.
Massage chân bằng cá ở chợ đêm Siem Reap. Ảnh: TL
Vì món cà ri nhiều quá, lại quá béo, dễ ngán, nên tôi chỉ ăn với một ít cơm và để lại hơn phân nửa. Narin nghĩ tôi không thích ăn cà ri, nhưng tôi phân trần là nhiều quá nên tôi ăn không hết. Tôi nói với Narin tôi muốn mua card điện thoại, vậy là cô ấy chở tôi đến một quán nhỏ ngay trong chợ, chuyên bán card. May mà tôi không nghe lời anh lái xe tuk tuk ban nãy chứ không thì suýt dính vố lừa đầu tiên trên đất Campuchia rồi.
Sau đó Narin đưa tôi dạo chợ Đêm. Tôi thấy hàng hóa ở đây cũng giống ở chợ Bến Thành. Vài cô bán hàng trong chợ nói với Narin rằng họ cứ nghĩ tôi là người Campuchia.
Ở chợ Đêm này, các điểm massage chân bằng cá rất đông khách. Tôi không thích massage, vả lại cũng nghe nói dễ bị lây nhiễm bệnh từ việc massage bằng cá nên đã không thử. Hơn mười giờ, Narin chở tôi về nhà nghỉ. Cô ấy nói sáng mai nếu tôi rảnh, chúng tôi sẽ gặp nhau và cùng ăn sáng. Tôi hẹn ngày mai sẽ trả lời.
Vào phòng, tôi gọi cho Leap, anh chàng lái xe tuk tuk, nhưng anh ta không nghe máy (sau này anh ta cho biết khi đó anh đang ngủ). Tôi bèn nhắn tin hẹn mai đón tôi sớm đi Angkor nguyên ngày, khi đang nhắn thì anh ta gọi lại. Tôi hỏi, giá một ngày bao nhiêu? Anh ta nói 12 đô la Mỹ; tôi trả giá 10 đô (vì những bạn “phượt” trước có chia sẻ như thế) và anh ta đồng ý. Tôi hỏi vậy tôi muốn đi xem bình minh, thì mấy giờ đi được. Anh ta hẹn sẽ đón tôi lúc 5g00. Tôi chỉnh đồng hồ báo thức lúc 4g30 và đi ngủ.
Đêm đầu tiên ở Siem Reap, cũng là đêm đầu trên đất Campuchia, tôi đã có một giấc ngủ thật ngon, cho đến bốn giờ hai mươi lăm phút sáng hôm sau, tôi chợt giật mình tỉnh giấc.

Angkor Wat - háo hức và thỏa nguyện

.
 

 

 

 


Angkor Wat
(TBKTSG Online) - Còn 10 phút nữa mới đến 5 giờ, tôi xách ba lô đi ra ngoài, định sẽ ngồi đợi. Chàng tiếp tân ca đêm (là một người khác) đang ngủ vùi trên ghế sofa ở sảnh. Tôi lên tiếng chào, anh chàng bừng tỉnh, chào lại tôi và lấy chìa khóa mở cửa. Bước ra, tôi thấy Leap đã đứng trước sân.
.
Trời vẫn còn rất tối. Siem Reap lúc sáng tinh mơ thật vắng lặng, có lẽ tất cả vẫn đang chìm trong giấc ngủ. Tuy nhiên, tôi cũng gặp vài cửa hàng, quán bar, đèn phía trước vẫn sáng, trên đường những ngọn đèn đường vẫn mở, hắt ánh sáng vàng vọt xuyên suốt chặng đường đến Angkor. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy, tuk tuk khác chở khách tham quan sớm như tôi lướt qua. Không khí buổi sáng sớm đúng là trong lành.
Đường đến Angkor
Một chiếc tuk tuk ở Campuchia.
Tiết trời Siem Reap lúc này giống như ở Sài Gòn, sáng sớm trời không quá lạnh, tôi tận hưởng cảm giác dễ chịu. Lúc này tôi đã quen với việc cơ thể lắc lư qua lại vì xe tuk tuk nên không còn sợ như đêm hôm qua, khi lần đầu Leap đưa tôi về nhà nghỉ. Trên xe tôi nhắn tin báo cho Narin biết là tôi đi ngắm bình minh Angkor sớm, nên không ăn sáng cùng cô được.
Tuk tuk Campuchia khác với xe lam của Việt Nam. Tôi để ý thấy đa số làm từ chiếc xe máy, phần sau  xe máy gắn với thân xe tải nhỏ, bỏ ghế lên, xung quanh là những tấm màn chắn gió, chắn mưa bằng polyme dày, khi trời hanh khô thì được cuộn lên. Nhưng có một điều thú vị mà mãi đến lúc chiều tối, khi trời mưa thì tôi mới phát hiện ra, là xe của Leap khác với những chiếc tuk tuk khác, vì có cửa sổ hình... trái tim (cửa sổ các xe tuk tuk khác hình chữ nhật). Chắc anh chàng cũng là người cá tính lắm đây!
Du khách đang chờ chụp ảnh in lên vé.
Chừng hai mươi phút thì đến cổng phía nam khu Angkor, nơi du khách mua vé tham quan trong ngày. Nếu không vì muốn ngắm bình minh, có lẽ tôi đã tiết kiệm tiền bằng cách đi xe đạp rồi. Trên đường đến đây, càng gần tới Angkor tôi càng gặp nhiều du khách, Tây có, Á có, nam có, nữ có đang cưỡi xe đạp thành từng nhóm. Tôi nghĩ thầm, lần sau sang đây tôi sẽ đến Angkor bằng xe đạp.
Leap bảo tôi vào mua vé. Tôi hỏi, có phải người địa phương được miễn phí không, anh ta gật đầu. Không phải mùa du lịch cao điểm và cũng còn sớm nên khu bán vé chưa có nhiều du khách. Tôi xếp hàng, chỉ phải đợi một vị khách. Đến lượt tôi, cô bé bán vé cười rất tươi, chào và hỏi tôi từ đâu tới. Rồi cô bé bảo tôi đứng vào chỗ chụp ảnh để in lên vé luôn. Tôi nhận vé, đưa tờ 100 đô la Mỹ và được nhận lại 80 đô, kèm lời nhắc kiểm tra kỹ trước khi rời khỏi quầy. Tôi hỏi nơi lấy bản đồ, đứng ngó nghiêng một hồi với đống giấy tờ quảng cáo một nhà hàng có biểu diễn múa Apsara bởi những trẻ em có số phận bất hạnh, rồi tôi lấy bản đồ khu Angkor và đi ra.
Vé tham quan Angkor Wat trong một ngày.
Leap bảo tôi giữ vé cẩn thận trong suốt quá trình tham quan nếu không muốn mua vé một lần nữa. Điều này tôi có được đọc qua, nghe nói ở từng ngôi đền sẽ có người kiểm tra vé. Ngay gần nơi bán vé đã có nhiều người soát vé đứng đó, tôi đưa vé cho một cô xem, rồi lên xe.
Sức hút Angkor!
Angkor là một quần thể những đền đài nằm trong rừng sâu. Muốn thăm từng đền đài phải đi từ vài trăm mét đến cả cây số. Đó là lý do chẳng ai đi bộ thăm Angkor cả. Tuy nhiên, vì là nơi tham quan nổi tiếng  nên hệ thống đường xá đi vào khá tốt, trải nhựa thẳng tắp, canh lề, phát quang cây cỏ hai bên rộng rãi. Đây là điều thứ hai mà du lịch Việt Nam muốn phát triển cần học hỏi nước bạn, sau ngạc nhiên về khả năng nói tiếng Anh rất tốt của nhiều người Campuchia... Mà chất giọng của họ, đa số đều trầm ấm, dễ nghe, khả năng luyến láy, lên giọng xuống giọng rất hay.
Sơ đồ vị trí các đền, tháp trong quần thể Angkor Wat.
Đền Angkor Wat là điểm dừng chân đầu tiên, và cũng là đáng tham quan nhất, muốn nhìn thấy nhất của hầu hết du khách. Trước khi đi tôi không đọc thông tin gì nhiều về khu Angkor, vì có quá nhiều thông tin thuộc về lịch sử, các vị vua, tên đền... Tôi không phải là nhà lịch sử học, càng không phải dân khảo cổ để mà cần đọc hết những thông tin đó. Mà nếu có đọc, tôi nhớ được cũng là lạ khi nơi ấy mình chưa từng đến. Nếu muốn đọc và hiểu, mường tượng về nó cũng khó. Vả lại, tôi rất hay tưởng tượng về những gì mà tôi đọc được, tôi sợ rằng sự tưởng tượng sai lệch của mình sẽ mang lại cảm giác không tốt cho chuyến tham quan.
Cũng như bao du khách khác, tôi đến Campuchia là để đến được nơi này là chính. Tôi chỉ cần thấy được cảnh mặt trời dần hiện lên đằng sau những khối đá khổng lồ và kỳ vĩ tồn tại cả ngàn năm kia, khung cảnh mà mỗi khi xem ảnh của những người đi trước đã khiến tôi chuếnh choáng đến nghẹt thở, là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Trên con đường dẫn vào Angkor Wat là hai hồ nước xanh trong hai bên, đầu lối cổng vào được đặt các tượng đá rắn thần Naga bảy đầu.
Leap dừng xe ở ngoài đợi tôi. Anh còn chỉ dẫn nơi tôi có thể ăn sáng ở bên trong vì có nhiều nhà hàng phục vụ sớm. Nhưng nghĩ tới việc mới sớm như thế mà ăn cái gì đó, lại nghĩ tới món cà ri béo ngậy hôm qua, tôi chả còn cảm giác muốn ăn gì nữa.
Trời không phụ lòng người, vì đó là một buổi sáng đẹp. May là trời không mưa sớm!
Tôi thấy có nhiều du khách đang đứng lố nhố trước con đường dẫn vào Angkor chờ mặt trời lên. Tôi rẽ phải, đứng trước một hồ nước, chờ ngắm bình minh đang hồng rực đằng sau Angkor Wat. Một anh chàng (sau đó tôi mới biết anh ta là người Đức) cũng tiến lại gần chỗ tôi, loay hoay với cái chân máy ảnh chuẩn bị chụp ảnh. Tôi nói "Hi" và mỉm cười. Xen lẫn những tiếng tách tách chụp ảnh của cả hai chúng tôi là cuộc trò chuyện ngắn. Khi biết tôi từ Việt Nam tới, anh ta nói anh ta sẽ đến Hà Nội vào tuần sau, từ đó đi Lào, Thái Lan. Rồi anh ta hỏi tôi cuộc sống ở Sài Gòn thế nào. Tôi cười, bảo tốt đối với người nước ngoài, nhưng nếu ở lại lâu, anh sẽ thấy khác. Anh ta cười lớn vì câu trả lời đó của tôi. Anh ta lại hỏi lát nữa tôi có vào bên trong không, tôi nói có, chắc anh ta định rủ tôi đi chung.
Cô đơn giữa đám đông
Hồ nước bên trong Angkor Wat. Mặt nước cao hay thấp tùy thuộc vào mùa nắng hay mưa. Lúc này Siem Reap vừa bắt đầu vào mùa mưa.
Nhưng một lát, trời bắt đầu lất phất mưa, thấy anh ta vẫn chưa chịu rời đi, tôi bèn chào anh ta để đi trước. Lúc đó anh ta mới chịu rời đi, nhưng mỗi người lại lo chụp những góc khác, nên tôi cũng chẳng thể theo lời đề nghị đi cùng của anh ta. Thật là tiếc, vì tôi cũng muốn có một bạn đồng hành để trò chuyện.
Phải ở trong Angkor, đứng giữa những khối đá, rừng cây, giữa nhiều con người xa lạ, bạn mới thấm thía được nỗi cô đơn khi du lịch một mình là thế nào, giống như ý nghĩa của cái tên sách Lonely Planet mà tôi từng đọc được trong blog của một cô bạn.
Hôm đó mặt trời lên trễ, chúng tôi chỉ chụp được ảnh bầu trời hừng đỏ thôi, nhưng tôi tự nhủ đó đã là khoảnh khắc mãn nguyện của đời mình rồi. Sau này trở về, tôi có đọc thêm thông tin thì được biết Angkor Wat là công trình được xây dựng vào nền cực thịnh của cả khu Angkor, là một thành tựu kiến trúc huy hoàng.
Ngay từ con đường dẫn vào trong Angkor Wat, vài người soát vé đền trong bộ đồng phục đã đứng sẵn. Sau khi trình vé, tôi đi sâu vào bên trong, thấy gì là lạ, hay hay, là đứng lại chụp ảnh. Lúc này bên trong đã khá đông du khách.
Rồi thì nắng cũng dần lên…
Một ngôi đền trong Angkor Wat.
Tôi nhìn thấy vài cây phượng đang nở hoa đỏ rực, nên vội chạy đến xem phượng Campuchia có khác gì không, nhưng rồi cụt hứng vì chúng cũng như hoa phượng Việt Nam thôi.
Trên đường ra khỏi Angkor Wat, tôi gặp nhiều người dân địa phương mời chào ăn sáng hoặc mua sách về Angkor. Trong suốt chuyến tham quan Angkor tôi vẫn thắc mắc là tại sao sách đẹp như thế, dày như thế, giấy cũng tốt như thế, lại chỉ có giá 1 đô la. Trong khi đó thức ăn dành cho du khách thì đắt kinh khủng, từ 2,5 cho đến 7 đô một món.
Một anh chàng hỏi "Where are you from" (Cô từ đâu đến?), tôi trả lời "Vietnam", ngay lập tức anh ta phì cười theo kiểu rất lạ. Tôi hỏi "Why do you smile?" (Tại sao anh cười?) thì anh ta vẫn cứ cười cười, và dù tôi lắc đầu trước lời mời chào thì anh ta vẫn đeo bám tôi, còn nói cho một người địa phương khác biết tôi là người Việt Nam nữa.
Ra khỏi Angkor Wat, tôi lấy điện thoại gọi cho Leap. Một lát anh ta chạy xe tới, hỏi tôi ăn sáng chưa, tôi nói chưa muốn ăn, và chúng tôi đi tiếp.

Lơ ngơ giữa những pho tượng mặt cười

.
.
Những pho tượng đá mặt cười.
(TBKTSG Online) - Chúng tôi qua những con đường dài thẳng tắp, hai bên là những cây cổ thụ to lớn, như đã nhắc đến, Angkor nằm trong rừng sâu. Leap dừng lại trước một chiếc cổng đá bắc ngang cuối một chiếc cầu. Đó chính là cổng vào khu đền Angkor Thom, nơi tập trung nhiều ngôi đền và trong mỗi ngôi đền lại có nhiều đền nhỏ nữa. Vẫn là lối kiến trúc quen thuộc như Angkor Wat, nhưng khung cảnh bên này có vẻ oai hùng hơn, với dãy tượng đá dọc chiếc cầu.
..
Xe lại đi tiếp. Lúc này, những tia nắng rực rỡ xuyên qua những kẽ lá, chiếu xuống hai bên đường, tạo nên khung cảnh thật đẹp mà tôi vẫn hay nhìn thấy trong những bức ảnh về rừng.
Lối vào cổng đền Bayon.
Điểm đến tiếp theo là đền Bayon, một nơi tôi chờ đợi được nhìn thấy sau Angkor Wat và Ta Prohm vì những bức ảnh khuôn mặt đá lớn nhìn bốn hướng mà tôi đã được xem qua trên các phương tiện truyền thông. Theo đó, có tới 216 gương mặt đá quay theo 4 hướng cả thảy, một con số thật ấn tượng.
Lúc này du khách còn vắng, ngoài tôi ra chỉ có một, hai người nữa đang tham quan đền. Bayon đúng là không làm người ta thất vọng. Thật vậy, đứng giữa những khối đá to lớn ấy, tôi thấy mình nhỏ bé, và một lần nữa sự cô độc xâm chiếm lấy tôi.
Khi về lại Sài Gòn tôi mới đọc thêm được thông tin cái khối đá dài dài này đây là rắn thần Naga 7 đầu, vậy mà lúc ở Campuchia tôi cứ tưởng là chân của con phượng hoàng nào đó trong truyền thuyết, nếu biết sớm tôi đã lựa góc chụp để nhìn cho rõ 7 chiếc đầu rồi!
Nhà sư đứng ở cửa đền.
Điều tôi ước ao đã thành hiện thực, đó là hình ảnh các nhà sư trong sắc phục da cam chói lòa xuất hiện bên những khối đá uy nghi như thế này... Khung cảnh mà mỗi lần xem ảnh của người đi trước tôi đã mong mỏi được tận mắt thấy ngoài đời...
Thấy một nhà sư đang đứng ở một cửa đền, tôi hỏi xin chụp ảnh. Nhà sư không nói tiếng nào, chỉ có khuôn mặt hiền từ, và đôi chân như bất động, đứng yên thay cho lời đồng ý. Một anh khách Tây thấy thế bấm máy ảnh liên hồi, rồi cười "Thank you!".
Nói về nụ cười bí ẩn của những khuôn mặt đá khổng lồ kia, có giải thích thuyết phục nhất đó là "vị bồ tát mà dân Campuchia gọi là Lokesvara đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh". Cười mà thương cảm sao? Triết học của Phật giáo to lớn quá, “chúng sinh” là tôi đây không biết bao giờ mới hiểu được.
Vì say sưa chụp ảnh, sau một lúc leo lên leo xuống những khối đá, tôi đã bắt đầu thấm mệt và đói, đành tìm nơi ngồi nghỉ, lôi nước ra uống và nhấm nháp ít bánh ngọt.
Lúc đó đã hơn 8g sáng nhưng tại đền Bayon vẫn chưa có nhiều khách tham quan. Thỉnh thoảng mới có vài khách Tây, Á đi lên, đứng ngắm nghía, nói cười với nhau, chụp ảnh, rồi ngó nghiêng chỗ khác. Tôi ngồi một mình, ăn bánh và suy nghĩ. Tôi nghĩ đến cuộc sống của mình ở Sài Gòn. Nghĩ đến công việc, đến bạn bè. Tự dưng cảm giác chán nản và bực bội lại đến.
Rồi tôi lại nghĩ, vì muốn thoát khỏi những cảm giác đó, tôi mới đến đây. Tôi đi du lịch để thực hiện kế hoạch, để thỏa nỗi mong ước, để chụp ảnh, để nhìn thấy và tìm hiểu, học hỏi những điều mình chưa biết. Thì đây, tôi đã và đang dần thực hiện được điều đó thôi, tại sao lại phải để cảm giác không đáng có đó làm tôi phải bận tâm và phá hỏng chuyến đi?
Có lẽ, đi một mình hơi buồn, cộng với mục đích chính là đã đến được Angkor Wat, được nhìn thấy mặt trời ửng hồng đằng sau những khối đá tồn tại hàng ngàn năm, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, nên những điều khác tôi không quan tâm nhiều đến nữa. Tôi không muốn đi loanh quanh nhìn ngắm kỹ từng tảng đá, với muôn hình vạn trạng bức phù điêu khắc lên trên ấy. Tôi không muốn chụp ảnh đi chụp ảnh lại khi xung quanh đâu đâu cũng toàn là đá, xung quanh đâu đâu cũng là những ngôi đền với kiến trúc giống nhau (hay trong mắt của người ngoại đạo như tôi chỉ thấy chúng giống nhau?!).
Khi đã ở đây rồi, được nhìn thấy tận mắt những khuôn mặt cười bằng đá sừng sững trên cao, thử thách thời gian, bão giông, tôi mới thấy sự may mắn của đất nước Campuchia khi sở hữu tài sản vô giá đến vậy, mới thấy cái giá vé tham quan một ngày 20 đô la Mỹ là hoàn toàn xứng đáng (ở Việt Nam, giá vé tham quan di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long - chỉ có 4 đô la), mới cảm thông và thấu hiểu nổi khổ của người dân Campuchia ngày xưa trong những ngày làm việc cực nhọc và có thể tủi nhục, rơi máu và nước mắt để xây dựng nên những đền đài hoành tráng và tuyệt đẹp này, cho lớp người hiện tại và tương lai được chiêm ngưỡng, tự hào.
Đền Baphuon.
Lúc đi ra, nhìn thấy mấy đứa trẻ (chắc con của các chị nhân viên đền) đang chơi gần đó, tôi bèn gửi cho một chị bịch kẹo và ra hiệu cho mấy đứa bé, chị cảm ơn tôi cùng nụ cười thật ấm.
Men theo khoảng sân rộng trước đền, tôi rẽ trái và thăm đền Baphuon kế tiếp. Ở đây có một tượng phật to đùng, đang được nhang khói nghi ngút.
Đến quảng trường Voi, tôi vừa mệt vừa đói, nên thử nhìn quanh xem có hàng quán ăn uống gì chăng, nhưng không thấy.
Tôi đành phải gọi Leap, nhờ anh ta đưa đến khu đối diện với quảng trường Voi, nơi có nhiều quán ăn. Cũng như ở Sài Gòn, có nhiều người phục vụ cầm những bảng thực đơn ra trước sân chào mời khách. Đó là các quán ăn được dựng tạm bợ bằng cây lá như lán trại dã chiến. Một chị phục vụ đưa thực đơn cho tôi, xong chạy ra mời mấy vị khách Tây vào. Chị tự nhiên trò chuyện với họ, hỏi họ từ đâu đến, đã có vợ chưa... Có lẽ đây là câu trả lời vì sao đa phần người Campuchia mà tôi từng tiếp xúc, từ trẻ em ba, bốn tuổi đến thanh niên đều nói tiếng Anh hay thế. Bởi vì họ không e ngại, không mặc cảm, không giấu dốt như tâm lý học ngoại ngữ chung của người Việt Nam.
Quảng trường Voi.
Đối diện dãy hàng ăn là những gian hàng bán đồ lưu niệm. Những món đồ treo trên đó có thể được tìm thấy khắp nơi ở các chợ Siem Reap. Vì thế nếu bạn có đi trên đường phố Campuchia mà thấy nhiều khách Tây, Á, thậm chí người Campuchia vận những chiếc váy trông nhưng những tấm khăn trải bàn thì cũng đừng thắc mắc tại sao...
Tôi gọi hai lon Red Bull (vì nghĩ cần cái gì đó cho lại sức), một cho Leap, một cho tôi, và một phần mì xào bò với rau củ (vì Leap bảo đã ăn rồi). Tôi mường tượng trong đầu chắc là món mì kiểu Campuchia (trong thực đơn ghi là beef noodle with mixed vegetable), nhưng phần mì ăn liền xào được mang ra làm tôi thất vọng quá. Nếu biết thế này tôi đã gọi món nào khác của Campuchia, dù thú thực là khẩu vị không hợp với tôi cho lắm, vì chúng quá ngọt và quá béo, nhưng tôi vẫn muốn thử nhiều hơn các món ăn của đất nước này.
"Đền Bayon nằm trong khu phức hợp quần thể Angkor Thom, còn được gọi là thành Yaxodarapura. Đây là ngôi đền ấn tượng nhất của kiến trúc đền núi Campuchia do sự hùng vĩ về quy mô cũng như về cảm xúc mà nó đem lại cho người xem. Ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ, trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara, hay còn gọi là thần Avalokitesvara, tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về 4 hướng của Campuchia...". (Nguồn: Wikipedia)

Lan man về đất và người “Angkor”

.(TBKTSG Online) - Vừa có cảm giác thỏa nguyện đã đặt chân đến Angkor vừa thấy có gì đó không nhẹ nhàng trong lòng chỉ sau mấy giờ loanh quanh giữa những ngôi đền toàn đá với đá. Tôi chợt nhớ lại việc gặp anh chàng lái xe tuk tuk trong đêm mưa đầu tiên đặt chân đến Siem Reap.
.
Lái xe tuk tuk ở Angkor
Tôi kêu Leap lại ngồi cùng bàn với mình, mời anh uống nước. Tôi hỏi, có phải anh làm việc cho hãng Sapaco không? Leap cho biết mình có hợp đồng đón khách đi xe của Sapaco đưa về nơi họ muốn nhưng anh không nhận  lương của Sapaco mà chỉ từ đó có mối chở khách đi tham quan và nhận thù lao từ việc này.
Ồ, ra thế! Vậy là, nếu hôm nay tôi không thuê xe của anh thì có nghĩa tối hôm qua anh đã mất không công chở tôi từ bến xe về nhà nghỉ. Trước kia tôi có đọc thông tin về mức lương cực kỳ bèo bọt của những anh lái xe tuk tuk làm việc cho các khách sạn Campuchia, nhưng không ngờ giờ mới được xác minh, mà thực tế có khi còn bèo bọt hơn.
Đền Ta Kev.
Tôi hỏi Leap, hôm nay anh có phải đón ai nữa không. Anh bảo, có cả thảy 12 lái xe cho Sapaco, và lúc đón tôi, anh là người cuối cùng. Như vậy có nghĩa anh phải 
 ...
chờ tới 11 lượt đón nữa, rồi mới được đón khách mới, mới "kèo nài" tiếp "con mồi"... Giờ nghĩ lại, tối qua anh nói với tôi câu "give me job…" để nài nỉ tôi dùng xe tuk tuk của anh đi tham quan cũng là vì thế.
Quả đúng là phải đi đây đi đó mới thấy tận mắt, chứ cứ ngồi ở nhà mà tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet thì chưa tưởng tượng được sự thật nó như thế nào.
Giờ ngồi đối diện Leap, nhìn thẳng vào anh tôi mới nhận ra anh ta… đẹp trai thật. Trên khuôn mặt ngăm đen rắn rỏi, từng nét nam tính hiện lên rõ ràng, nét nào ra nét đó. Tôi hỏi Leap bao nhiêu tuổi, anh nói 34; tôi bảo trông anh còn trẻ quá, anh lại nói anh già rồi. Leap hỏi lại tôi còn đi học hay đã đi làm rồi. Khi tôi khen Leap nói tiếng Anh hay, anh kể rằng anh từng học tiếng Anh vài tháng rồi nghỉ, rồi học lại vài tháng, rồi lại nghỉ. Giờ anh vẫn muốn tiếp tục học. Điều đó thật đáng khích lệ.
Quả thật, chỉ cần có quyết tâm đi và khoác ba lô lên vai, đi khỏi ngôi nhà và môi trường sống quen thuộc, chẳng những được ngắm những khung cảnh lạ và đẹp mà tôi còn học được bao nhiêu điều hay từ những con người xa lạ được gặp trong mỗi chuyến đi.
Vì đĩa mì quá ngán, tôi lại bỏ dở phân nửa. Thật là phí phạm vì hôm qua đến giờ tôi đã hai lần bỏ dở đồ ăn, nhưng biết làm sao khi tôi không thể ăn nổi nữa. Thật phí với 5,5 đô la Mỹ cho phần ăn sáng (gồm cả nước uống). Nhưng người đi trước đã viết, bảo phải trả giá các món ăn trong Angkor; nhưng tôi nghĩ, giá đã ghi sẵn trong thực đơn, trả giá là trả giá thế nào?! Với lại, so với giá thức ăn bên ngoài khu Angkor, giá ở đây cũng vậy, không cao hơn. Ai bảo chúng ta là người… nước ngoài, ráng chịu vậy!
Ăn sáng xong thì đã hơn 10 giờ. Leap chở tôi đi tiếp đến mấy ngôi đền nữa, nhưng phần vì mệt, phần vì thấy đền nào cũng như đền nào, quanh đi quẩn lại cũng chỉ đá và đá, nên tôi chỉ ngồi yên trên xe mỗi khi xe dừng, chụp vài bức ảnh, rồi bảo Leap đi tiếp.
Nổi tiếng nhờ... phim Tây?
Trong Angkor, ở trước mỗi ngôi đền đều có bảng hướng dẫn, trong đó ghi rõ thông tin cơ bản của đền, như xây dựng vào đời vua nào, và hiện đang được bên nào giúp đỡ trùng tu. Chẳng hạn ở Bayon là Nhật giúp trùng tu, ở Chau Say Tevoda là Trung Quốc, còn ở Ta Prohm là Ấn Độ.
Ngoài lề một chút, việc viết ra ký sự này thật khiến tôi tổn hao tâm sức, khi phải thức khuya làm ảnh, lấy cảm hứng để viết, mà muốn viết thì phải dựa trên nền tảng kiến thức nào đó, chứ không thể chỉ quăng khơi khơi mấy bức ảnh được. Nhất là như đã nói trước khi đi tôi chỉ đọc sơ thông tin về Angkor, lại đi một mình, không có hướng dẫn viên, và lại không chịu "nhồi nhét" mớ kiến thức về khảo cổ, lịch sử, địa lý, văn hóa của những khối đá đã được người xưa thổi hồn vào kia. Do đó, tôi tốn thêm kha khá thời gian để đọc và chắt lọc thông tin liên quan đến những điều mình chứng kiến và suy nghĩ cá nhân của mình. Tôi không thích lối viết góp nhặt thông tin, dữ liệu về điểm đến, cứ việc copy từ các nguồn khác rồi cho vào bài viết. Bởi ngày nay, mọi người đều có thể dễ dàng truy cập Internet để tìm ra thông tin họ cần, do đó, người viết đâu cần phải chép lại những thông tin đó.
Gốc cây bám rễ chắc lên đống đá có khoảng trống bên dưới trông thật ấn tượng.
Sở dĩ dông dài như vậy, là vì tôi phải tìm thông tin về đền Ta Prohm này, khi chỉ biết duy nhất một chi tiết về nó, đó là đã được làm bối cảnh của bộ phim nổi tiếng Tomb Raider (Bí mật ngôi mộ cổ) với sự tham gia của diễn viên Agelina Jolie. Thường khi nhắc đến Ta Prohm, các nhà kinh doanh lữ hành luôn nhắc đến chi tiết “nơi từng làm bối cảnh của bộ phim nổi tiếng Tomb Raider” để quảng cáo cho tour của họ. Có lẽ Ta Prohm nhờ bộ phim này mà được khách tham quan chú ý nhiều hơn, và trở nên nổi tiếng hơn chăng?
Ta Prohm không lớn lắm, nhưng lại rất dễ lạc, phần vì cây cối um tùm, to lớn xung quanh, phần vì mỗi một đền nhỏ lại có nhiều gian, nhiều cửa, nhiều ngóc ngách, thêm nữa là đền nào, gian nào cũng toàn bằng đá, với kiến trúc như nhau... Có những ngóc ngách rất tối, do đó những ai đi một mình nên cẩn thận. Tốt nhất nên chú ý cửa mà bạn đã đi vào, để nếu có bị lạc bạn còn quay lại mà tự tìm được lối ra. Tuy lúc nào cũng có thể tìm thấy người địa phương trong đền, như lao công, bảo vệ, cảnh sát du lịch, hay công nhân đang trùng tu đền, nhưng biết đâu đấy, cẩn thận vẫn hơn. Chính tôi cũng nhiều phen lo lo khi bất ngờ đi lạc vào những gian tối om, nơi mà ở chính giữa gian chỉ có hai vật biểu tượng “linga” và “yoni” bằng đá. Đi lòng vòng một hồi lại phải quay ra đường cũ, tìm đường, phải vài lần hỏi người địa phương, tôi mới tìm ra được cổng phía đông.
Tham quan... tốc hành
Quán bán hàng lưu niệm trong khu đền tháp.
Trên đường ra tôi gặp ba đứa trẻ đang chơi dưới trời nắng gắt. Phải nói thêm là nhiều nhà dân vẫn sinh sống và làm việc trong khu Angkor, vì thế du khách thường bắt gặp những đứa trẻ như thế này. Tôi dừng lại, cho chúng cây bánh ngọt cuối cùng mang theo của ngày hôm nay và thấy hơi tiếc vì lười mang vác nặng nên đã không mang theo nhiều bánh hơn để cho bọn trẻ.
Ở cổng phía đông, khi có khách đi ra, ban nhạc dân tộc sẽ chơi tiễn khách... Ban nhạc này đặc biệt ở chỗ các nhạc công là những người tàn tật. Khi thấy tôi đi ra ngoài và nhìn quanh quất tìm Leap, hai đứa trẻ chừng bốn, năm tuổi và một người phụ nữ đi theo nài nỉ tôi mua nước uống, hoặc bưu thiếp và quà lưu niệm.
Leap bảo chỉ còn một ngôi đền cuối cùng trong “tour nhỏ” thăm Angkor của tôi (“tour lớn” là bao gồm cả việc thăm một số ngôi đền ở xa hơn, như Preah Khan, Neak Pean..., nhưng phải mua thêm vé vào tham quan, khoảng 10 đô la nữa). Nhưng theo cá nhân tôi, tour nhỏ như thế này cũng đã đủ cho những ai muốn được nhìn thấy kỳ quan thứ bảy của thế giới rồi. Lúc đó đã gần 12 giờ, nhưng vì mới ăn sáng, bụng vẫn còn no, và thật sự tôi không có hứng thú gì với thức ăn ở đây, nên tôi đề nghị Leap đưa đến điểm tham quan cuối cùng luôn.
Thật ra trước sang đây tôi đã định sẽ tham quan Angkor hai ngày, một ngày đi bằng tuk tuk xem bình minh, một ngày đi bằng xe đạp để tha thẩn dạo chơi, khám phá. Nhưng đi từ sáng sớm đến giờ tôi thấy như vậy là quá đủ cho mình, và đổi ý ngày mai không đi nữa, tuy tôi cũng chưa biết ngày mai sẽ làm gì!

Du lịch kiểu... lang thang

.........

 

 

 

 

Mặt hồ yên ả.
(TBKTSG Online) - Thông thường, du khách đi "tour nhỏ" ở Angkor, điểm tham quan cuối cùng sẽ là ngôi đền Banteay Kdei. Sau đó đi ngược đường cũ, trở lại hướng Angkor Wat để lên ngọn đồi Bakheng chờ ngắm hoàng hôn, kết thúc một ngày dạo chơi, thăm một kỳ quan kiến trúc của thế giới.
.
Tôi nói với Leap là mình không muốn ăn trưa, nên sẽ ở lại trong đền, và hẹn gặp anh lúc 16 giờ. Leap bảo ngôi đền này nhỏ, không có nhiều chỗ tham quan mà phải ở tới bốn tiếng 

đồng hồ, nếu muốn anh sẽ đưa tôi thăm những ngôi đền khác (phải trả thêm tiền vé tham quan), hoặc đưa tôi quay lại Angkor Wat, cho tôi ở đó nghỉ ngơi, chờ lên Bakheng ngắm hoàng hôn luôn. Nhưng tôi thấy phiền anh quá, tôi bảo không sao, những nơi đi rồi tôi không muốn thăm lại, nhất là chỉ trong một ngày, huống hồ đền nào cũng như nhau, xem vài cái là chán.
Một kiểu "gài độ" hay hay
Vậy là Leap đỗ xe trước cổng chờ, còn tôi đi vào trong đền. Vừa lớ ngớ bước tới chỗ bảng thông tin hướng dẫn thì một cậu bé chừng bảy, tám tuổi chạy đến mời tôi mua hàng. Cũng như những lần bị chèo kéo trước, tôi cười, nói "No, thank you", và cậu bé này cũng không chịu buông tha, lảng vảng bên cạnh tôi. Cậu hỏi tôi từ đâu đến, rồi khi nghe tôi nói từ Việt Nam, cậu lấy một chiếc vòng tay tết bằng dây, đeo vào tay tôi, bảo là tặng tôi.
Chiếc vòng tay bằng dây tết cậu bé tặng cho tôi trước khi mời mua hàng.
Tôi hơi nghi ngờ, vì cái kiểu tặng này tôi đã có kinh nghiệm một lần ở Sa Pa, Việt Nam. Tôi được một bà cụ người H'Mông đeo vòng tay vào tay tôi với thái độ âu yếm, làm tôi yên lòng, mặc dù tôi lắc đầu nói không mua. Khi đeo xong, bà cụ xòe tay xin tiền với bộ mặt rất "da diết", khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa không thể không lấy tiền ra trả.
Tôi định trả lại chiếc vòng đeo tay, nhưng nhìn thấy cậu bé không có vẻ gì muốn đòi tiền tôi, mà vẫn đứng bên cạnh, tiếp tục mời tôi mua hàng. Vì chuyện này mà tôi không thể không bận tâm, tôi không muốn nhận cái gì miễn phí từ người lạ, huống hồ lại từ đứa trẻ Campuchia phải sớm bươn chải như thế này, bèn nhìn thử xem rổ hàng của cậu có gì. Như những đứa trẻ bán hàng rong khác trong khu Angkor, rổ của cậu cũng chỉ bán bưu thiếp về đất nước và con người Campuchia, vài cái móc khóa, vòng tay. Tôi cũng muốn mua giúp cho cậu, nhưng nhìn khắp lượt chẳng tìm được thứ gì tôi thực sự muốn mua cả.
Tôi lại lắc đầu, nói không có gì cho tôi mua cả, trong đầu bận nghĩ xem trong ba lô của mình còn thứ gì để tặng cậu không, nhưng rất tiếc tôi cũng chẳng có gì để có thể đáp lại tấm lòng của cậu. Cậu bé bỗng lôi ra một xấp bưu thiếp. Đập vào mắt tôi là hình ảnh hai em bé Campuchia đang ở giữa một đầm hoa súng bán ngát, khung cảnh thật bình yên và gần gũi, khiến tôi thích ngay. Tôi bèn cầm lên xem. Cậu bé giới thiệu bằng vốn tiếng Anh rành rọt, dễ nghe, rằng đây là ảnh về những vùng quê của Campuchia.
Tôi hỏi bao nhiêu, cậu bé bảo 2 đô la Mỹ (trong khi đi từ sáng giờ, tôi toàn thấy những em khác bán 1 đô la thôi). Tôi nói, một đô nhé! Cậu bé bảo không được, những cửa hàng khác toàn bán 4 USD (có thật không?). Tôi nghĩ tới chiếc lắc tay cậu tặng tôi, rồi bảo, vậy thì 1,5 đô, vì em tặng chị chiếc vòng mà chị mới mua giúp em đấy. Trong lòng thì tôi vừa thích thú vừa thầm phục cái cách bán hàng đáng học hỏi này: tặng đồ cho khách trước (nhỏ thôi), rồi khách sẽ tự động mua hàng của mình, dù không muốn.
Trả tiền xong, vì muốn tránh một chị Campuchia khác đã trông thấy tôi mua hàng cho cậu bé nên chị ta cầm mấy quyển sách thông tin du lịch về Campuchia bước tới, tôi bước vào đền thật nhanh, đến nỗi anh soát vé ở gần đó bảo đưa xem vé mà tôi không nghe thấy luôn và bị anh ta đi theo đòi xét vé.
Bỗng dưng... lười!
Đền Banteay Kdei.
Đền Banteay Kdei cũng như những ngôi đền khác với kiến trúc và vật liệu như nhau, khác chăng chỉ là cách bố trí từng cụm, tùy vào khuôn viên của đền.
Trước đây tôi có đọc thông tin rằng nhà vệ sinh trong Angkor tương đối sạch sẽ, nhưng chắc không có nhiều, hoặc nằm ở góc khuất nào đó nên không để ý thì không nhìn thấy. Nhưng có một điều, toàn bộ những nơi tôi đi qua trong Angkor, như trên đường, trong các đền đều không thấy có rác. Có lẽ vì các thùng rác được đặt sẵn khắp nơi trong đó và luôn có nhân viên vệ sinh dọn dẹp. Điều này thật khác xa với các điểm du lịch đông khách ở Việt Nam.
Dù không hề mệt, nhưng bống dưng tôi không muốn đi lòng vòng tham quan khu đền đài này nữa. Lúc này, khu đền cũng đã thưa khách, nên tôi chọn một chỗ mát, ngồi xuống các tảng đá ngay cửa chính, rồi lôi quyển sổ nhỏ ra ghi chép. Được một lát, có nhiều người địa phương đi qua đi lại (có thể là bảo vệ, cảnh sát du lịch, hoặc bán hàng) nhìn tôi rồi chào hỏi. Cảm thấy hơi phiền phức, tôi lần mò vào bên trong đền xem có gì hay không, sẵn tìm một chỗ khác "trú ẩn".
Dọc theo các cột đá, tôi cũng tìm được một chỗ vừa ý. Chỗ này như một cái cửa sổ, bệ cửa là một phiến đá dày, nơi tôi có thể ngồi tựa lưng thoải mái, tha hồ suy nghĩ. Tôi cứ ngồi một chỗ đó và viết cảm nghĩ, mặc cho bao lượt khách qua lại, vì càng qua giờ trưa, khách lại đến càng đông. Ở đó có một cậu thanh niên Campuchia làm nhiệm vụ giới thiệu thông tin đền cho khách. Trước chỗ tôi ngồi là các cột đá có khắc các điệu múa truyền thống của Campuchia.
Vào đền ngồi..."tám"
Những viên đá vuông vắn xếp lên thành cột nhưng có vẻ bị lệch, không biết do thời gian hay bởi người xưa làm ẩu hoặc cố ý chăng?!
Ngồi được một lát, một anh chàng Campuchia khác đi qua, thấy tôi, cậu ấy chào "Hello". Lát sau, anh chàng đó trở lại ngang qua, nhìn tôi cười. Một lát sau nữa, cũng cậu ta đi qua, nhìn thấy tôi vẫn ngồi ở đó (chắc lần này thấy lạ rồi đây) cậu ta hỏi "Are you tired?" (Cô mệt à?). Trời, tự dưng giữa một nơi xa lạ, đang chán và cô đơn, bỗng nhận được một câu nói quan tâm bằng chất giọng ấm áp và nhẹ nhàng, lòng tôi chợt thấy thoải mái hẳn.
Tôi bỗng muốn trò chuyện. Tôi nói tôi không sao, chỉ là buồn ngủ và đang suy nghĩ. Vậy là rất tự nhiên, cậu ta ngồi xuống nói chuyện với tôi. Cậu ta tên là Chan. Tôi tự giới thiệu tên rồi xin chụp ảnh cậu ta và hỏi địa chỉ email để gửi ảnh. Cậu ta hỏi tôi còn đi học hay đi làm, rồi hỏi tôi ở Việt Nam có dễ kiếm việc làm không. Cậu ta nói lương ở đây rất thấp, bảo vệ như cậu ta (làm giờ hành chính) mỗi tháng chỉ có 40 đô la Mỹ.
Một anh nhân viên khác đi ngang qua, thấy tôi nói chuyện với Chan, cũng dừng lại nghe. Chan nói, anh này không biết nói tiếng Anh, nhưng có thể giới thiệu về ngôi đền này bằng... tiếng Anh cho du khách. Thấy tôi ngạc nhiên, Chan giải thích, vì anh này làm ở đây lâu, hay nghe hướng dẫn viên giới thiệu với khách, nghe riết rồi nhớ vanh cách luôn (?!).
Anh chàng kia nói với Chan bằng tiếng Campuchia, Chan dịch lại rằng, anh chàng đó cũng hỏi những câu như Chan hồi nãy đã hỏi, là ở Việt Nam có khó kiếm việc làm không, lương tháng bao nhiêu. Dường như vấn đề lương bổng (chỉ dám mơ là đủ sống) luôn là một điều trăn trở của người dân ở các nước nghèo. Chính người Việt Nam ta cũng hay hỏi bạn bè quốc tế về việc làm, lương bổng đó thôi. Thật là một vấn đề mệt mỏi!
Tôi "tám" với Chan nhiều lắm. Cậu ta cho biết, đa phần du khách đến Angkor là người nước ngoài, nhưng riêng trong tháng 4 (tết của Campuchia) thì khách nội địa rất đông. Chan hỏi tôi, ở Việt Nam người ta còn dùng trâu để cày ruộng không, tôi bảo không hoặc rất ít. Cậu ta nói ở chỗ cậu ở, người ta toàn phải cày ruộng bằng trâu.
Hoa văn một điệu múa chạm trên cột đá được nhân viên trong ngôi đền thuyết minh cặn kẽ cho du khách.
Nhờ gặp Chan mà thời gian trôi qua nhanh hơn, tôi tạm biệt cậu để ra ngoài, đi ngắm hoàng hôn như đã định. Lúc đi ra, tôi ghé vào một cửa hàng lưu niệm để nhờ đổi tiền lẻ. Tôi cần tiền nhỏ hơn để lát nữa trả tiền xe cho Leap. Tôi đưa ra tờ 50 đô la, nhưng cô bé trong cửa hàng lắc đầu nói không có.
Ra bên ngoài, tôi ghé qua khu Srah Srang đối diện. Đó chỉ là một khu đất, với ít đá bao bọc xung quanh thành khu vuông vức trên một vùng đất cao. Từ đó nhìn ra sông, cảnh khá đẹp, có vài người dân đang câu cá bên dưới.
Một chuyện không vui
Trong lúc đi lên khu đó để chụp ảnh, một cô bé Campuchia đi theo tôi, nài nỉ mua nước uống. Vẫn là chất giọng tiếng Anh dễ nghe, ấm, kéo dài gặp từ sáng đến giờ, cô bé hỏi tôi từ đâu tới, rồi cứ nhắc đi nhắc lại câu "When you go back, please come to my shop". Nhưng tôi cũng cứ lắc đầu, nói "No, thanks", và hỏi em bao nhiêu tuổi. Cô bé bảo 5 tuổi. Lúc chụp ảnh xong, tôi quay ra, vẫn là cô bé đó đi theo nài nỉ tôi có muốn uống thứ gì đó lạnh không, cô bé sẽ mang tới. Tôi thấy những người bán hàng Campuchia tuy cũng kèo nài, năn nỉ, đi theo khách gạ mua hàng, nhưng không có chuyện giành giật khách hay làm khách sợ. Một điều đáng học hỏi nữa từ du lịch nước bạn.
Tôi vẫn lắc đầu và đi, nhưng một câu nói của cô bé làm tôi dừng lại, "Buy one cold drink for your driver". Lúc này tôi mới sực nhớ ra anh Leap đợi tôi từ trưa đến giờ, tôi bèn gật đầu và đi theo cô bé. Có lẽ cô bé làm "cò" cho cửa hàng đó. Đó là cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm trong khu cửa hàng phía tay phải của Srah Srang. Tôi nghe cô bé nói gì đó với người phụ nữ to con trong cửa hàng, có nhắc đến từ Vietnam, chắc là đang giới thiệu nguồn gốc của tôi.
Tôi hỏi giá một lon Coca Cola bao nhiêu, người phụ nữ nói 1 đô la. Tôi lấy 2 lon, và đưa cho cô ta tờ 50 đô. Cô ta đi vào trong lấy tiền thối, rồi đi ra, đưa lại tôi 3 dô la. Tôi ngơ ngác, bảo lúc nãy tôi đưa 50 đô la kia mà. Cô ta nói chỉ có 5 đô thôi. Tôi xòe mớ tiền còn lại của mình cho cô ta xem và giải thích, vì tôi cần tiền lẻ nên mới đưa tờ 50 đô la để lấy tiền thối, rồi yêu cầu cô ta kiểm tra lại. Có lẽ thấy tôi bắt đầu cao giọng, và khuôn mặt lộ vẻ bực mình, người phụ nữ thay đổi tà ý chăng? Cô ta vào trong, mở túi, lấy tờ 50 đô trả lại tôi, bảo tôi đưa tờ 5 đô và thối lại 3 đô la cho tôi. Cô ta bảo là không có đủ tiền lẻ để thối tờ 50 đô.
Thật là bực bội, tự nhiên tôi thấy mất đi cảm giác tốt lành về người Campuchia một chút. Tuy nhiên, tôi cũng chào cô bé nhỏ kia một cách vui vẻ rồi đi, cố lấy lại vẻ bình tĩnh. Tôi nghĩ ở đâu mà chả có người tốt kẻ xấu. Kinh nghiệm này giúp tôi cảnh giác hơn trong vấn đề tiền bạc về sau.

Ngắm chớp trên đền Bat Chum

.
 

 

 

 

Từ đền Bat Chum nhìn ra chung quanh.
(TBKTSG Online) - Bầu trời đầy mây xám, âm u, có vẻ như sắp mưa đến nơi; tuy nhiên, tôi vẫn muốn đi ngắm cảnh hoàng hôn. Leap bảo sẽ đưa tôi đến một ngôi đền khác, vì đền Phnom Bakheng đông khách lắm.
.
Tôi gật đầu đồng ý, thầm khen anh chàng này mà chuyên làm về du lịch thì tốt quá. Nhờ có anh tôi mới biết ở Angkor không chỉ có Bakheng là nơi duy nhất có vị trí đẹp để ngắm hoàng hôn; và cũng vì thế mà lúc nãy Chan mới hỏi tôi sẽ ngắm hoàng hôn ở đâu. Có lẽ Bakheng kề bên Angkor Wat nổi tiếng nên du khách thường tập trung về đó để ngắm hoàng hôn nhiều hơn những ngôi đền khác. Do đó mà các tour du lịch Angkor thường đưa khách đến ngắm hoàng hôn trên đồi Bakheng.
Leap đưa tôi đến đền Bat Chum. Không hiểu sao nơi này lại vắng khách đến thế. Tôi xuống xe, đưa lon Coca cho Leap, rồi đi vào.
Ngôi đền trên cao
Đền Bat Chum.
Leo lên mấy bậc thang cao ngất, tôi thầm nghĩ, không biết tổ tiên người Campuchia - những người đã xây nên các ngôi đền này có vóc người như thế nào, chân dài lắm hay sao mà bậc thang lên xuống vừa cao vừa hẹp, rất khó đi. Chỉ có mấy anh Tây cao kều mới bước đi bình thường, chứ gặp ai chân ngắn, chỉ có nước bò lên. May mà chân tôi không đến nỗi ngắn lắm, nhưng lên được đến nơi cũng muốn đứt hơi!
Lúc lên tới nơi, tôi chỉ thấy vài du khách đang ngồi chờ, không kể mấy người địa phương bán hàng và quà lưu niệm. Tôi đi lòng vòng chụp vài bức ảnh, rồi tìm chỗ ngồi đợi.
Càng lúc càng có nhiều khách đi lên (nhưng cũng không đông như trong mấy bức ảnh chụp cảnh xem hoàng hôn ở Bakheng mà tôi đã xem trên Internet). Vài người sốt ruột, đi lòng vòng; vài du khách ngồi đợi cùng với tôi. Một cô gái người Hàn Quốc lên ngồi kế chỗ tôi; hai chúng tôi đã trò chuyện với nhau. Cô cho biết, vừa ra trường và đã sang Việt Nam 3 tuần trước, tham quan Hà Nội; sau đó cô sang Lào, Thái Lan và giờ là ở Campuchia. Vài ngày nữa cô ấy lại sang Sài Gòn, rồi từ đó đi Malaysia, Singapore...
Bậc thang cao và hẹp nên rất khó khăn để lên đền Bat Chum.
Cô bé hỏi tôi có thông tin gì về Sài Gòn không, tôi bảo có, nhưng để ở Việt Nam rồi. Tôi nói cô ấy cho tôi email đi, tôi sẽ gửi thông tin du lịch Sài Gòn sau. Tôi hỏi cô ấy đến đây với ai, cô ấy đưa tay chỉ một anh chàng đang đứng bên dưới, mang lỉnh kỉnh đồ nghề chụp ảnh. Lúc sau trò chuyện, tôi mới biết anh ta là người Indonesia, cũng mới quen cô bé Hàn Quốc kia và hai người rủ nhau đi thăm Angkor bằng xe đạp.
Ngắm hụt cảnh hoàng hôn Angkor
Chúng tôi cùng kiên nhẫn ngồi đợi hoàng hôn. Tôi không biết diễn tả như thế nào cho các bạn hiểu cảm giác khi ngồi trên ngôi đền cao cao, xung quanh là những đền đài, những bức tượng, phù điêu bằng đá, cùng với những con người xa lạ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tựu về... Cái cảm giác lúc đó vừa thiêng liêng, vừa thỏa nguyện. Cảm giác bỗng dưng nhận thấy trong cuộc sống không còn điều gì tuyệt bằng, cứ muốn được đi mãi như thế này, được trải nghiệm những điều như thế này nhiều hơn nữa.
Bức ảnh chụp được trong lúc ngồi chờ cảnh mặt trời lặn. Chỉ lát sau, mây đen ập đến, sấm sét ầm ầm.
Đợi được một lúc lâu, chúng tôi vẫn chẳng thấy mặt trời đâu cả. Có lẽ nó đã bị đám mây mờ xám xịt che phủ. Xa xa cuối chân trời chỉ có ánh nắng vàng nhạt, rồi mây đen bắt đầu kéo tới, gió bắt đầu thổi ầm ầm.
Một số khách không chờ đợi được nữa, lục tục bỏ ra về (đa số là khách đi theo đoàn), còn lại vẫn kiên nhẫn đợi. Cô bé Hàn Quốc và anh chàng nhiếp ảnh gia kia chào tôi và đi về sớm, vì họ đi bằng xe đạp, vả lại tôi nghe anh chàng Indonesia nói muốn quay lại Angkor Wat để chụp những tia nắng cuối ngày. Tôi quyết tâm ngồi lại, vì ngoài bình minh trên Angkor Wat, việc ngắm hoàng hôn từ trên cao thế này cũng là một cơ hội không thể bỏ qua khi đến Angkor.
Một lúc trời nổi sấm chớp. Tôi nghĩ không có hoàng hôn thì chụp chớp vậy. Tuy nhiên, thực sự chụp chớp rất khó, nói chính xác hơn là nhờ may rủi. Một vị khách Tây ngồi kế bên tôi liên tục chớp được khoảnh khắc chớp rạch giữa trời, còn tôi chẳng được tấm nào.
Tại đây, tôi gặp lại mấy khách Tây đã đi chung chuyến xe từ Phnom Penh tới Siem Reap, nhưng tôi không nói chuyện với người nào cả. Và có lẽ bọn họ cũng không nhận ra tôi.
Lúc này, khách đã lần lượt về gần hết, chỉ còn chừng năm, sáu người ở lại. Gió mỗi lúc một thổi mạnh. Có hai bạn trẻ Trung Quốc trong số khách đến từ lúc đầu đứng lên, tôi cũng đứng lên theo và đi về.
Leap chạy một lúc thì bắt đầu mưa, ban đầu nhỏ, sau lớn dần. Anh phải dừng lại kéo hai tấm bạt che xe xuống, nhờ đó tôi mới thấy cửa sổ hình trái tim khác lạ của xe anh. Trong mưa, cảnh vật thật là đẹp. Tôi cố hít căng cái không khí trong lành của mưa Campuchia. Nói thêm là không khí mà tôi cảm nhận ở Campuchia cũng như ở Sài Gòn, nhưng có lẽ ở Campuchia ít dân cư hơn, ít xe hơn, nên không khí ở đây có vẻ trong lành, dễ chịu hơn.
Mưa lớn trên đường từ Angkor về trung tâm thành phố Siem Reap.
Mưa càng lúc càng lớn, khi về đến nội thành thì tôi bắt gặp cảnh tượng như ở Sài Gòn: ngập đường, kẹt xe... Thật là chán!
Chia tay anh lái xe đáng mến
Leap dừng xe ở nhà hàng Angkor Mondial. Đây là một địa chỉ được dân làm du lịch và cả các bạn “phượt” giới thiệu là nơi uy tín để ăn bữa tối (buffet) và xem điệu múa Apsara nổi tiếng của Campuchia. Tuy nhiên, sau một ngày dung nạp quá nhiều điều khiến phải suy nghĩ, tôi cảm thấy không muốn ăn, không đói và cũng không còn hứng thú để thưởng thức điệu múa Apsara quyến rũ như đã từng dự định trước khi sang đây. Tôi bảo Leap chở về luôn.
Về đến nhà nghỉ, tôi đổi tiền từ anh chàng tiếp tân ca chiều, đưa Leap 12 đô la Mỹ. Thật ra, trước khi đi, chúng tôi đã thỏa thuận số tiền là 10 đô, nhưng thấy anh rất nhiệt tình, vui vẻ nên tôi tặng thêm 2 đô. Anh ta bảo tôi, nếu có muốn đi đâu nữa thì cứ gọi anh, rồi anh vội vã ra xe để chở một khách khác mà anh “bắt” được khi đến cổng nhà nghỉ. Vậy là tôi tạm biệt luôn anh chàng từ đó.
Chỉ một trận mưa ngắn, Siem Reap cũng ngập đường như ở Sài Gòn, Hà Nội...
Nếu bạn nào sang Campuchia, có cần thuê tuk tuk (thật ra trước nhà nghỉ nào cũng có vài anh lái xe tuk tuk chờ sẵn - nhưng quan trọng là có một anh tài xế chân thành, phục vụ tốt, lại "ưa nhìn" như anh Leap này) thì đây là số điện thoại của anh ấy, luôn sẵn sàng phục vụ bạn: (855) 128.048.71 - (855) 888.387.484. Khi sang đó rồi thì không cần bấm 855, và nhớ thêm số 0 đằng trước số cần gọi).
Tối đó, sau khi liên hệ Sonan (tiếp tân ở nhà nghỉ My Home) mua vé xe về lại Phnom Penh (vào sáng ngày mốt, cũng đi bằng xe Sokha - không biết có liên quan gì đến công ty Sokha đang quản lý khu Angkor và đồng sở hữu các resort cùng tên ở Phnom Penh và Siem Reap hay không), tôi về phòng ăn bánh ngọt rồi đi ngủ sớm.
Vé xe Sokha từ Siem Reap về Phnom Penh chỉ có 8 đô la Mỹ, đã bao gồm xe trung chuyển đưa từ nhà nghỉ ra bến (mua ở nhà nghỉ nên chắc chắn đã bị tính thêm tiền hoa hồng), không hiểu tại sao Sapaco lại bán những 10 đô la?!

Điều ngạc nhiên ở nhà nghỉ My Home

.
 

 

 

 
Dù chỉ là mộ nhà nghỉ nhỏ, giá cả bình dân nhưng cũng có hồ bơi trong một khu vườn nhiều cây xanh mát.
(TBKTSG Online) - Sáng hôm sau tôi tỉnh giấc khi nắng đã lên cao. Tôi gọi cho Davy, anh bạn đồng nghiệp ở Siem Reap và hẹn gặp anh ấy tối nay. Nói chuyện xong, tôi đi ra nhà hàng ở phía trước để ăn sáng (đã bao gồm trong giá phòng). Sau khi lướt qua lướt lại tờ thực đơn sáng nghèo nàn các món, tôi chọn bánh mì với bơ và mứt.
.
Thật khổ, tôi không làm sao nuốt nổi ổ bánh mì có lớp đáy cứng ngắc, nên phải bỏ dở phần lớn. Mỗi lần buộc phải bỏ dở thức ăn là tôi lại cảm thấy có lỗi quá. Quay về phòng, tôi định ngủ tiếp, nhưng nằm mãi vẫn không ngủ được nữa, tôi bèn cầm máy ảnh đi lòng vòng nhà nghỉ khám phá xem có gì hay ho hay không.
Khi lên kế hoạch cho chuyến đi, tôi đã gửi vài cái email dò tìm giá phòng thông qua các diễn đàn du lịch, các bài viết hướng dẫn của người đi trước. Tôi biết được ở Siem Reap giá phòng đắt hơn ở Phnom Penh, tuy nhiên vẫn có nhiều nhà nghỉ gần chợ, gần khu phố Tây, rất tiện đường, dịch vụ cũng được, mà giá chỉ dao động từ 5-8 đô la Mỹ cho phòng đơn thôi (không có ăn sáng và xe đón về).
Bảng hiệu nhà nghỉ My Home dựng bên lề đường, khá khiêm tốn.
Bẵng đi một thời gian sau, khi gần đến ngày đi, tôi nhận được một email yêu cầu xác nhận thông tin có giữ phòng hay không, là từ cái My Home này. Tự nhiên tôi cảm nhận được sự quan tâm, thể hiện cách làm ăn có uy tín của nhà nghỉ này, nên dù giá phòng có cao hơn những chỗ khác, tôi vẫn chọn ở đây. Mỗi khi sử dụng bất cứ dịch vụ gì, cái tôi quan tâm thứ hai sau chất lượng chính là thái độ phục vụ, mà thậm chí có nhiều khi thái độ phục vụ tốt giúp cho tôi quên đi chất lượng dịch vụ tệ.
"Khu vườn nhiệt đới" tuyệt vời
Sáng nay, khi ra phía trước ăn sáng tôi mới nhìn thấy tấm bảng ghi tên nhà nghỉ. Và thật ngạc nhiên...
Dù tôi không có nhu cầu dùng hồ bơi nhưng khi nhìn thấy nó, tôi nhận thấy giá cho căn phòng máy quạt 12 đô của mình là một cái giá rất đáng "đồng tiền bát gạo".
Một điều khiến tôi thích thú nữa là khuôn viên sân sau tuy không rộng, nhưng tất cả lối vào phía trước và những khoảng đất trống phía sau đều được trồng cây. Màu xanh mát của bụi trúc trước cổng, màu hồng, đỏ của các loại hoa, thêm vài cây ăn trái nho nhỏ như lựu, mãng cầu... khiến cho nơi này luôn xanh mát, nhìn rất thích, đúng như slogan của nhà nghỉ là "khu vườn nhiệt đới" (tropical garden).
Món amok, nấu cá với các loại rau và nước cốt dừa, rất lạ với khẩu vị của người Việt.
Sau khi chụp ảnh chán, tôi lên sảnh dùng Internet (cũng miễn phí), gửi mail thông tin du lịch Sài Gòn cho cô bé Hàn Quốc gặp trên đền Bat Chum (chưa kịp hỏi tên cô) như đã hứa, và gửi mail cho nhà nghỉ sắp đến ở Phnom Penh để người ta sắp xếp ra đón tôi. À, tôi gặp Davy trên mạng, anh nói sẽ mời tôi đi ăn buffet đồ nướng hot port (anh giải thích là được nướng trên đĩa kim loại).
Gần trưa, cảm thấy đói lả người (vì lúc sáng chỉ có ăn chút xíu bánh mì), tôi lại ra nhà hàng phía trước gọi đồ ăn. Tôi chọn một món ăn Campuchia có tên là Amok, tất nhiên sau khi đã đọc sơ nguyên liệu xem có gì, có thể ăn được không.
Lần đầu tiên sau hai ngày có mặt trên đất Campuchia tôi mới được thưởng thức một món ăn hợp khẩu vị đến thế. Đó giống như món cà ri, nhưng đỡ ngán hơn, được nấu từ cá (đã lọc hết xương), hành tây, một loại rau như rau cải, ớt chuông, đậu phộng, nước cốt dừa, và chắc có thêm gia vị nào đó của Campuchia. Tuy vậy, tôi cũng không ăn hết, vì càng ăn thì càng ngán do vị béo của nước cốt dừa. À, chị phục vụ (không nói được tiếng Anh) dễ thương lắm, khi tôi đang ăn thì chị đi tìm cái máy quạt rồi mở lên cho tôi (dù thật sự tôi không thấy nóng).
Một am thờ trong khu vườn của nhà nghỉ được chạm trổ và sơn mạ vàng rất cầu kỳ.
Phần ăn trị giá 2,75 đô la, tôi đưa luôn 3 đô. Lẽ ra tôi được một bữa ăn miễn phí vì trong thời điểm tôi ở đó, My Home đang có khuyến mãi ở từ 3 đêm trở lên được chọn một trong hai ưu đãi: 1 bữa ăn trưa hoặc tối, hoặc 1 tour ngắm hoàng hôn Angkor nửa ngày (không bao gồm giá vé), nhưng Angkor tôi đã đi rồi, không cần phải đi nữa, còn bữa ăn thì tôi quên mất, mà sau đó lại không còn cơ hội sử dụng, nên thôi.
Địa chỉ nhà nghỉ khiến tôi hài lòng đây: My Home Tropical Garden Villa. #142, Road to Psar Krom (chừng 600 mét về phía nam Old Market & Pub Street), Siem Reap. Mobile Phone: (855)- 12 971 016, (855)-17 601 909 - Tel/Fax: (855)- 63 76 00 35. E-mail: info@myhomecambodia.com; myhome.rep@mail.com. Website: www.myhomecambodia.com. Dù chỉ là nhà nghỉ nhưng website này rất dễ dàng tìm thấy qua Google.
Trong phòng nhà nghỉ có đầy đủ khăn tắm, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng tắm và nước suối hàng ngày. Chỉ không có dầu gội đầu thôi. Điều này cũng hơn hẳn các nhà nghỉ giá rẻ khác, là thường không có gì trong phòng cả.
Một buổi tối thú vị
Sau khi ăn trưa, tôi về phòng ngủ. Đang ngủ thì nghe tiếng mưa, mỗi lúc một mạnh. Giờ mới thấy ý định "nằm vùng" của tôi là đúng đắn, vì trước đó tôi đã định thuê xe đạp đi lòng vòng khám phá Siem Reap.
Thức dậy, tôi sửa soạn chuẩn bị gặp Davy. Trong lúc chờ anh đến, tôi đứng ở bàn tiếp tân hỏi chuyện Sonan - anh chàng tiếp tân ca chiều mà tôi đã gặp mấy hôm nay, không quên gửi cho cậu một hộp bánh. Thì ra cậu cũng chính là người trả lời email đặt phòng của tôi. Câu hỏi quen thuộc mà tôi nhận được là còn đi học hay đi làm, và ở Việt Nam có dễ tìm việc làm không. Sonan nói cậu đang học quản trị kinh doanh vào buổi sáng, còn chiều thì làm ở đây.
Một lát Davy đến. Anh nói "Chào em", tôi "Chào anh" lại. Anh chàng này từng làm cho vài công ty du lịch có chi nhánh ở Việt Nam và Campuchia, hoặc do người Việt quản lý, nên có biết chút ít tiếng Việt. Tôi quen anh ta cũng nhờ hay hỏi thông tin du lịch về Campuchia, nói chung là liên quan đến công việc, tuy nhiên chúng tôi đã khá thân nhau trên mạng, nhờ chia sẻ nhiều chuyện về cuộc sống, và tôi cũng từng "điều tra" anh chàng nhiều chuyện riêng. Có lẽ vì vậy mà gặp anh chàng ngoài đời lần đầu tiên, tôi không có cảm giác e ngại, mất tự tin như thường ngày.
Davy chở tôi đến một nhà hàng buffet có lẽ dành cho khách địa phương, dù cũng có một số khách nước ngoài đang dùng bữa. Anh bảo tôi ngồi đi, anh sẽ phục vụ tôi, rồi anh ta đi chọn đồ nướng.
zQuán Hansa BBQ seafood.
Dù ở xa biển, Siem Reap cũng có bán các loại sò, ốc, hải sản nướng.
Chưa bao giờ tôi thấy cái đĩa nướng như thế này cả. Nó bằng kim loại (chắc là nhôm), ở giữa lồi lên để nướng, còn xung quanh sẽ bỏ rau, cá và thêm nước lạnh vào. Một dạng bếp kết hợp giữa nấu lẩu và đồ nướng vậy.
Cô phục vụ hỏi tôi uống gì, bằng tiếng Campuchia (chắc lại tưởng tôi là người Campuchia đây mà), tôi bảo cho bia Angkor đi, vì tôi nghe nói đây là bia của Campuchia, nên phải uống thử mới được.
Davy bảo tôi ăn thử tráng miệng là một món giống như chè, được nấu từ đường thốt nốt, lá dứa và bột. Tôi chỉ ăn vài muỗng cho biết thôi, vì thực sự là không ngon lắm.
Địa chỉ quán mà tôi tìm được trên trang www.phuot.com: Quán Hansa BBQ seafood - 175 Wat Bo, Siem Riep. Nếu bạn muốn tìm nơi mang không khí Campuchia, dưới ánh đèn vàng hiu hắt thì mời bạn đến đây. Trên bảng hiệu ghi giá 3,5 đô la Mỹ, không biết có đúng không nhỉ, vì tôi không phải trả tiền.
Ăn tối xong, Davy đưa tôi đi dạo một vòng Siem Reap, ghé chỗ người bạn già người Pháp - nơi anh ấy muốn đến để luyện tiếng Pháp, "tám" vài câu, rồi về.
Buổi tối hôm đó chỉ có vậy, sau một ngày chán chường "nằm vùng", nhưng dư âm mà nó để lại là hết sức gần gũi và dễ chịu. Tôi thích lắm!

Một ngày ở Phnom Penh

.
 

 

 

 

Lối đi bộ dọc bờ sông, nơi nhiều người thích đi hóng mát.
(TBKTSG Online) - Buổi sáng, tôi trả phòng, bỏ vào thùng đựng tiền tip cho nhân viên nhà nghỉ (đặt trên bàn tiếp tân) 2 đô la Mỹ - một khoản tiền ít hơn tôi muốn nhưng "túi hẹp" nên không thể mạnh chi hơn - rồi ra ngoài ăn sáng. Lần này tôi chọn bánh mì ốp la, và cũng chỉ ăn hết có một nửa.
.
Trong lúc ăn sáng, tôi phát hiện ra dòng chữ trên chai nước tương ghi sản xuất tại Campuchia. Như vậy ngoài bia Angkor, một số loại nước giải khát mà tôi nhìn thấy người dân địa phương uống, quần áo (bán ở chợ, có mác "made in Cambodia") thì Campuchia còn sản xuất nước tương. Vậy là cần phải xem lại thông tin cho rằng Campuchia không sản xuất gì, toàn nhập hàng từ Việt Nam và Thái Lan.
Đợi đến hơn 7 giờ mới có xe trung chuyển của hãng Sokha đến đón ra bến xe (dù giờ ghi trên vé là 6g40 phút). Sonan giúp tôi mang ba lô ra xe, niềm nở chào tạm biệt.
Sau khi chạy vòng vèo qua các con phố để đón khách khác, xe chạy vào một bến đậu khá lớn. Trên vé xe ghi là 7g30 phút xe xuất phát, nhưng mãi đến 8g xe mới chạy. Giờ cao su giống bên mình ghê! Vì là xe của Campuchia nên phần lớn khách là người địa phương.
Khu chợ Cũ ở Phnompenh.
Tôi ngồi bên cạnh một phụ nữ Campuchia chừng 50 tuổi và một đứa bé (chắc là cháu). Thấy tôi, bà ta cười thật tươi, rồi xổ một tràng tiếng Campuchia. Tôi cười lại, bảo tôi là người Việt Nam. Bà ta không biết tiếng Anh, nhưng tôi nghĩ bà ta hiểu tôi muốn nói gì, nên gật gật đầu, cười lại với tôi.
Đến tỉnh Kompong Thom, xe cũng dừng ngay nhà hàng lần trước đã dừng (nơi tôi đã mua thẻ sim gần đó). Lần này tôi xuống xe ăn thử, vì cũng đói quá rồi. Tôi thấy những người khách Campuchia khác cùng chuyến xe thì xuống các quán ăn gần nhà hàng. Có lẽ chỉ có người nước ngoài không biết mới vào đây!
Cô bé phục vụ lại hỏi tôi ăn gì, tất nhiên, bằng tiếng Campuchia. Sau nhiều lần như thế này, tôi đã quá quen với việc bị nhầm là người Campuchia. Khi biết tôi là người Việt, cô bé mỉm cười, sau đó tôi thấy cô bé đứng "tám" với các đồng nghiệp khác, thỉnh thoảng lại liếc nhìn tôi, những người khác cũng thế. Chắc là họ đang nói về tôi, nhưng tôi mặc kệ, cứ nhìn lại và cười thôi!
Thật thích vì phần ăn chỉ có 2,5 đô la mà được một đĩa bò xào rau thập cẩm tươi ngon thật to với nhiều thịt bò và một thố cơm đầy, tha hồ ăn; khác hẳn những nhà hàng khác, thường chỉ cho đúng một chén cơm úp lên đĩa. Dường như càng về sau thì tôi càng được thưởng thức những thứ thức ăn Campuchia ngon thì phải, hay là lưỡi tôi đã bắt đầu dung hòa cho phù hợp với khẩu vị của người dân đất nước láng giềng này (?!).
Đến 2 giờ chiều thì xe đến Phnom Penh, vừa bước xuống xe tôi đã thấy một anh chàng cầm tấm bảng đề tên "Ms Nguyen Thi Binh An". Sau khi vào văn phòng hãng xe Sokha lấy ba lô, tôi đến trước mặt và cười với anh chàng ra đón tôi. Sau khi trò chuyện tôi mới biết anh ta chính là Ly (tên giống người Việt nhỉ?), người đã trả lời email của tôi, cũng là chủ nhà nghỉ Diamond, kiêm lễ tân, kiêm... đón khách luôn.
Từ bến xe tới nhà nghỉ rất gần, chừng bảy, tám phút đi bộ thôi. Nhà nghỉ cũng ở ngay đối diện Old Market, gần đó không xa cũng là Night Market. Vậy là ở Phnom Penh lẫn Siem Reap đều có các chợ cùng tên.
Nhà nghỉ Diamond.
Không hiểu đất thủ đô đắt đỏ hay sao mà phòng ốc nhà nghỉ này khá chật hẹp, nói chung là tôi không thích lắm vì có cảm giác tù túng. Phòng có cửa sổ nhưng lại nhìn ra một bức tường (wall view!). Với lại giá cả thế này thì cũng hơi đắt, vì tôi biết giá phòng ở Phnom Penh rẻ hơn so với ở Siem Reap. Phòng tôi ở là phòng đơn máy quạt mà tới 8 đô la, lại không tiện nghi, đẹp đẽ nữa. Cả căn nhà nghỉ cũng nhỏ, chỉ như căn hộ của khu chung cư nhiều tầng, khá cũ nát, xập xệ. Ngoài chi tiết gần chợ, gần sông, gần điểm tham quan hoàng cung... và anh chủ thân thiện, rất hay hỏi chuyện khách thì nhà nghỉ này chẳng để lại ấn tượng gì cho tôi cả.
Địa chỉ đây: Diamond Guest House & Restaurant. 54Eo, street 13, Sangkat Phsar Kandal I, Khan Doun Penh, Phnom Penh. Handphone: 012 697 971 - 092 597 377 - 092 291 934. Email: hi_diamond2002@yahoo.com.
Chính vì sự tù túng mà vừa nhận phòng xong tôi đi ra ngoài dạo chơi ngay. Khi xuống dưới, anh Ly đưa tôi danh thiếp nhà nghỉ vì sợ tôi đi lạc.
Cảm nhận Phnom Penh
Một đoạn sông Tonlé Sap.
Khu vực xung quanh nhà nghỉ có vẻ đông đúc, xô bồ (vì ở ngay chợ), nhưng được cái quy hoạch đường xá rất ổn, đâu ra đó, không có hẻm nhỏ, nên không sợ đi lạc. Tôi lần theo đường ra sông, rồi cứ dọc bờ sông mà đi. Nhiều anh lái xe tuk tuk liên tục mời chào, có anh chàng còn đoán tôi là người Việt Nam, khi biết chính xác rồi, liền trò chuyện vui vẻ, hỏi tôi ở Hà Nội hay TPHCM... Có vẻ như người Campuchia rất thích trò chuyện với người Việt Nam.
Trước khi sang đây, một anh bạn cũng vừa đi tour Campuchia về có nói với tôi rằng anh thích không khí ở Siem Reap hơn, nó bình yên, dễ chịu. Còn ở Phnom Penh, nói chung là sao sao đó. Một vài bạn phượt cũng viết rằng Phnom Penh nhỏ và buồn, chẳng thể ở lâu. Khi đó tôi chỉ nghĩ rằng mỗi người một cảm nhận, tôi phải đi thử mới biết thế nào. Nhưng quả thực, Phnom Penh là một thành phố không để lại nhiều ấn tượng cho lắm. Tôi cũng không biết phải nói thế nào để mô tả về thành phố thủ đô này.
Khu buôn bán sầm uất ở Phnompenh.
Phnom Penh vừa có vẻ gì đó rất vững mạnh, cứng cáp và sang trọng qua các con đường sạch đẹp, thẳng tắp, qua những tòa nhà cao tầng, hàng quán (ngay khu vực tập trung nhiều khách du lịch) rực rỡ ánh đèn. Nhưng cũng trên những con đường đó, trước những cửa hiệu đó, là những người dân hoặc ăn mặc giản dị, hoặc rách rưới, với khuôn mặt chân thành và hiền lành.
Nếu ai đó hỏi tôi nhớ gì ở Phnom Penh, có lẽ tôi sẽ nhớ những con người xa lạ mà tôi tiếp xúc. Tôi nhớ những lời mời chào đi xe của các anh lái xe tuk tuk. Tôi nhớ bên bờ sông, tôi đã gặp một chị gái bế một đứa bé chưa tới hai tuổi đang đi đối diện. Cả hai đều đen, nhếch nhác và tội nghiệp. Thấy tôi, đứa bé giơ tay xin tiền. Có lẽ đó là hành động quen thuộc đã trở thành quán tính của nó. Tôi lắc đầu, và lôi bịch kẹo cuối cùng ra cho đứa bé. Chị gái nói "Thank you" bằng giọng rất chân thành. Tôi nhớ ông già địa phương đi ngược chiều, nói với tôi rằng trời sắp mưa rồi đấy.
Hoàng cung Vương quốc Campuchia.
Tôi cũng nhớ khoảnh khắc đứng trú mưa trong một gian nhà xây ngay bên bờ sông (đối diện là hoàng cung), nhìn những người dân địa phương vô tư cười nói, trò chuyện. Nơi đó, tôi nhìn ra sông và thắt lòng với những con thuyền chòng chành trên sóng nước, trong gió và mưa lạnh... Phnom Penh là những mặt đối nghịch như thế! Có lẽ vì vậy mà du khách tham quan chỉ cần một đêm trải nghiệm Phnom Penh là đủ.
Sau khi trú mưa vì cơn mưa bất chợt, tôi cố lang thang chụp một số bức ảnh rồi về nhà nghỉ, ngủ một giấc đến tối mới dậy.
Buổi tối, tôi lại lòng vòng ra chợ đêm (Night market). Chợ đêm Phnom Penh rộng hơn chợ đêm Siem Reap, nhưng có vẻ dành cho người địa phương nhiều hơn. Không biết có phải vì đêm đó là thứ Bảy hay không, mà giữa chợ có dựng sân khấu có ca sỹ biểu diễn. Các bài hát đa phần là dịch lời từ nhạc nước ngoài, vì tôi nghe ra được một số bài hát có nhạc giống y như mấy bài nhạc trẻ đang thịnh ở Việt Nam.
Những cảnh xô bồ làm tôi chóng chán. Tôi đi dọc ra bờ sông, nơi tập trung nhiều người địa phương, người lớn thì hóng mát, trò chuyện, trẻ con thì nô đùa và những cặp đôi tình tự... Khung cảnh giống như ở Việt Nam. Bỗng dưng, tôi thấy nhớ nhà. Tôi muốn về.
Về nhà nghỉ, tôi nhờ anh Ly xác nhận với Sapaco ngày mai đến đón tôi, đi chuyến 10 giờ như tôi đã gọi điện đặt trước, rồi tôi thanh toán tiền phòng và đi ngủ, chả thiết ăn uống gì nữa. Sáng hôm sau tôi gọi điện chào tạm biệt Narin, Chan và Davy. Rồi tôi xuống dưới ngồi đợi xe trung chuyển. Lòng không hề vương vấn hay bồi hồi với ý nghĩ sắp rời xa nơi này..
.

Đôi điều chia sẻ

.
 

 

 

 

Xe lôi, ô tô và ... voi cùng dạo phố thủ đô.
(TBKTSG Online) - Không hiểu sao lúc đi về thời gian trôi nhanh thế, loáng cái đã tới chỗ ăn trưa gần biên giới. Lần này tôi quyết định ăn thử món hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng cho biết, cũng khá ngon với giá 1,5 đô la Mỹ. Từ đó đến cửa khẩu Mộc Bài cũng nhanh, thế là tôi đã về lại Việt Nam. Có lẽ vì có quá nhiều điều khám phá được còn đọng lại trong đầu, trong tim mà tôi chưa có cảm xúc gì khi xa một nơi tuyệt vời như thế.
.
Phần cuối loạt bài này xin chia sẻ với bạn đọc vài thông tin, nhận xét chủ quan của tôi sau chuyến đi một mình đến đất nước Angkor:
1. Tổng chi phí cho chuyến đi 5 ngày ở Campuchia: 3.300.000 đồng (160 đô la). Trong đó có khoản tiền sim và card điện thoại đã mất 10 đô la. Có thể nói từ Việt Nam du lịch sang nước ngoài thì đi Campuchia là tốn ít chi phí nhất (dù không tránh khỏi việc bị "chặt chém" đối với du khách y chang như ở Việt Nam).
Sách hướng dẫn du khách được phát không ở các nhà nghỉ, khách sạn.
2. Thời tiết ở Campuchia tương tự như ở miền Đông Nam bộ của Việt Nam, nghĩa là tầm tháng 5, tháng 6 thì bắt đầu vào mùa mưa, theo kiểu sáng nắng nhẹ, trưa nắng đậm, chiều gió thổi ù ù, sấm chớp đùng đoàng, rồi mưa tuôn xối xả. Vì thế, nếu bạn nào không muốn có những khoảnh khắc buồn bã, phải "nằm vùng" trong nhà nghỉ như tôi, thì tốt nhất nên chọn tháng 1, tháng 2 mà đi chơi cho thỏa.
3. Không cần mua nước uống mang theo (trừ khi bạn là người uống nhiều nước) vì tất cả các xe buýt đi Campuchia đều có phát khăn và nước suối, trong nhà nghỉ cũng có tiêu chuẩn mỗi ngày 1 chai nước uống miễn phí rồi.
4. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các tập sách nhỏ (hoàn toàn miễn phí) cung cấp thông tin về nhà hàng, khách sạn, bản đồ... như một quyển Lonely Planet thu nhỏ về Siem Reap hay Phnom Penh tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Nếu bạn chưa hề có bất cứ thông tin gì về nơi ăn uống, đi chơi... thì có thể lấy các quyển này và tự tìm hiểu.
5. Câu hỏi nhận được nhiều nhất từ những người Campuchia xa lạ mà tôi có dịp trò chuyện: "Ở Việt Nam có dễ kiếm việc làm hay không?".
6. Có một điều khó hiểu là khi tôi đi dạo ngoài đường, hay đang tham quan một điểm nào đó, người địa phương nhìn dáng dấp mà đoán tôi là du khách và tới hỏi chuyện, rằng tôi từ đâu tới. Vài lần, khi tôi vừa bảo từ Việt Nam, là nhận ngay được nụ cười phì ra, phá lên, vừa bí hiểm, vừa lạ lùng, như thể "À, tao biết mày là ai rồi đấy!".
Ngôi đền Ta Prohm.
7. Theo nhận xét của cá nhân tôi, người Campuchia khá ưa nhìn. Có thể họ có vẻ bề ngoài nghèo nàn, xác xơ, khắc khổ, hay thậm chí là... dơ dơ, nhưng tôi vẫn thấy họ đẹp. Cái đẹp thể hiện ở nước da ngăm đen rắn chắc, ở đôi mắt sâu và hút hồn mà nếu thử một lần nhìn thẳng vào, bạn sẽ thấy nghị lực, niềm lạc quan ở trong đấy.
8. Trước khi đi, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin, tuy nhiên đừng để trí tưởng tượng cùng sự mơ mộng của bạn đi quá xa, bởi nếu cảnh vật, con người... mà bạn thấy không như bạn từng tưởng tượng hay mong đợi, bạn sẽ không phải thất vọng, vẫn còn cảm hứng để khám phá và có những trải nghiệm khác.
9. Trước khi muốn mua món đồ gì ở Campuchia (nhất là hàng điện tử) bạn nên tìm hiểu kỹ, xem món đồ đó có được phép đem về Việt Nam hay không. Lúc về, qua cửa khẩu Mộc Bài đã có một hành khách đi chung xe với tôi bị giữ lại vì có mang theo một linh kiện điện tử cấm nhập. Có lẽ đây là lý do mà lúc đi, phía cửa khẩu Mộc Bài Việt Nam không hề xét hành lý, nhưng lúc về lại phải mang toàn bộ hành lý qua máy soi (trong khi đó bên phía cửa khẩu Bavet trên đất Campuchia, cả lúc qua hay về lại không cần kiểm tra hành lý gì cả).
10. Đi chơi thoải mái, nghĩ lại công việc đang chờ mình ở nhà, tôi muốn stress nặng. Tôi cứ muốn đi như thế này hoài, được ở một nơi xa xôi và giữa những con người xa lạ...
Và để kết thúc loạt bài này, tôi xin gửi đến bạn đọc thêm một số hình ảnh về đất nước và con người Campuchia, nơi mà theo tôi, sẽ phát triển nhanh chóng ngành du lịch và tôi tin là đã và sẽ luôn để lại ấn tượng tốt đẹp cho bất cứ du khách nào đã đến đây.
Một khu phố thương mại khá khang trang ở Phnompenh.
Một tiệm phở Hà Nội ở thủ đô Phnompenh, Campuchia.










Không có nhận xét nào: