Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Hồ nước lợ lớn nhất châu Á hồi sinh


SGTT.VN - Đến Orissa, Ấn Độ, sau khi đã choáng ngợp với những đền đài cổ hoành tráng, tôi nhảy lên chuyến xe đi hồ Chilika, xem như là đổi gió, sưu tập thêm một chữ “nhất” vào hành trình lang bạt. Nào ngờ, không chỉ được chiêm ngưỡng một cái hồ đẹp, lại thấy nhiều điều thú vị khác.
Vùng đầm phá nước cạn với những hàng đăng bắt tôm ở Chilika. Ảnh:
Orissa, vừa mới được đổi tên thành Odisha tháng 11.2011, là bang có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đền thờ thần mặt trời Konark, đền Lingaraja, đền Jaganath… và cả bãi biển nằm thuận tiện ngay kề phố xưa Puri. Do vậy, khách đến đây thường ít nhớ đến Chilika. Nhất là cứ nghĩ, hồ nước lợ chẳng tắm táp phơi nắng gì được…, càng ít hợp với khách Âu – Mỹ thường thích vui đùa cùng sóng biển sau khi dang mình trong cái nắng và bụi mù Ấn Độ. Với tôi, thật ra danh tiếng hồ nước lợ lớn nhất châu Á của Chilika vẫn chưa đủ lôi kéo. Cho đến khi đọc kỹ, biết được loài cá heo nước ngọt Irrawady mà tôi từng mê đi ngắm ở vùng Siphandon – Lào, Kratie – Campuchia đang tung tăng bơi lội ở đây, tôi mới tìm đến.
Xem cá heo nước ngọt sắp tiệt chủng
Được gọi là hồ (lake) nhưng thực chất Chilika đúng hơn là cái phá, vì vùng nước lợ này thông ra biển chứ không hoàn toàn tách biệt trong đất liền. Diện tích dao động khoảng 1.000km2 tuỳ mùa, sâu từ 0,38m – 6,2m. Là nơi cư ngụ của hàng triệu chú chim, Chilika còn là điểm dừng chân đông đảo của những đàn chim trên đường trú đông hàng năm. Không chỉ vì phù hợp đường bay mà nơi đây còn đông đúc các loài tôm cá, với gần 350 loài khác nhau, là mồi ngon cho chúng dưỡng sức sau những dặm bay dài. Dĩ nhiên, loài cá heo nước ngọt Irrawady to đùng kia chẳng thể là mồi, mà đôi khi còn là bạn, thi thoảng tí tởn nhảy tung toé làm lũ chim, lũ vịt gần đó giật mình chao chát bay.
Chẳng lạ gì “danh tiếng” bụi, bẩn vây quanh các di sản văn hoá ở đất nước này, tôi ngạc nhiên trước ngôi làng sạch sẽ Satapada, cũng là đảo nhỏ ven hồ. Hơn thế nữa, các bảng biểu với thông tin chi tiết, yêu cầu ngư dân và du khách nên, không nên làm gì được bày biện gọn, rõ khắp nơi. Cũng tưởng nói suông, đến lúc leo lên chiếc đò động-cơ-không-tiếng-ồn đi ngắm cá heo Irrawady, thấy những người lái đò giữ khoảng cách khi phát hiện bầy cá hụp lặn, nhắc du khách không nô đùa lớn tiếng… mới hiểu được chúng đã đi vào cuộc sống. Có lẽ đó cũng là lý do số lượng cá heo nước ngọt Irrawady đang trên đà diệt vong, với chỉ còn khoảng 900 cá thể trên toàn thế giới, hiện có đến 138 con (thống kê năm 2008) sinh sống và tăng trưởng ở đây. Do đó, ở đây có thể thấy chúng rờ rỡ từng nhóm bơi lội, nô nghịch.
Để bà con mãn nhãn với cá heo, anh lái đò hướng thẳng ra cửa biển, giới thiệu đôi lời, làm tăng thêm sự tò mò của du khách: Ngày xa xưa lắm, Chilika là vịnh biển, rồi phù sa từ 52 con sông và phụ lưu đổ về lấp dần, biến nó thành phá. Rồi cửa biển còn lại cũng bị bồi lắng, làm hồ cạn dần và lượng cá tôm sụt giảm đáng kể. Các nhà khoa học nghiên cứu đường đi dòng nước, dòng biển… cuối cùng cho đào phá và nổ mìn tạo cửa biển mới vào năm 2000. Cùng lúc với sự tăng cường giáo dục người dân – Chilika trở lại với sức sống mới. Nuôi sống 200.000 ngư dân ven hồ, lượng cá tôm thu hoạch vốn chỉ còn khoảng 1.746 tấn những năm 1999 – 2000 đã tăng lên gấp sáu lần, đến 10.051 tấn giai đoạn 2007 – 2008 và vẫn trên đà đăng trưởng. Nhưng, chúng tôi không bị hấp dẫn lắm bởi những con số mà bởi cái cửa biển mới, nơi được anh lái đò giới thiệu là đẹp và lạ khó thấy ở Ấn Độ.
Chilika đã có sóng, có cá tôm
Chỉ đủng đỉnh ven bờ mà có thể bắt được bầy cá đối to bằng cườm tay.
Và đúng là đẹp và lạ thật. Cái lạ đầu tiên là sự thay đổi màu nước xanh lục lờ lợ của đầm phá thành trong, xanh biếc của biển cả, dù cửa biển còn xa. Nhưng đó không phải là cái chính. Cái chính là những tiếng ầm ầm của những con sóng cao ngút đập vào cửa biển mà chúng tôi nghe thấy từ xa trước khi nhìn thấy; tương phản với con vịnh bên trong cát trắng muốt, nước trong xanh êm đềm. Không chỉ tăng thêm nước cho hồ, những con sóng từ Bengal luân chuyển thay đổi môi sinh lại tặng thêm cho hồ Chilika những bãi biển đẹp. Hết ồ tới oà, những du khách Ấn lao mình vào dòng nước trong xanh.
Tôi tản bộ men theo mép nước về hướng cửa biển, chợt thấy một người đàn ông, bó lưới nhỏ gọn vắt trên vai đang đứng nhìn con nước. Bất chợt thấy ông nhún người quăng lưới cái rẹt, lôi lên bờ tấm lưới mỏng với những con cá đối to cỡ cườm tay người lớn giãy đành đạch. Té ra, ông là ngư dân không có thuyền, tự đánh bắt gần bờ. “Hồi trước hổng có đâu, gần đây mới được vậy đó chú. Tôi làm vườn, lâu lâu tranh thủ kiếm ít cá cho vợ”, ông chia sẻ với khách lạ, rồi đủng đỉnh ngồi xuống làm điếu thuốc, sau khi đã vùi lũ cá dưới ụ cát lạnh ven bờ, cắm lên khúc cây nhỏ làm dấu. Tôi thấy xung quanh đó có nhiều ụ cát kiểu đó. Những gì anh lái đò nói về sự hồi sinh của hồ Chilika, giờ tôi tận mắt thấy.
Tôi sực nhớ về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè quê nhà đã nên đẹp đẽ, khang trang; dòng nước kênh cũng đang trên đà hồi sinh. Nhưng đến bao giờ nước trong xanh, nước thơm mùi không khí(?). Hy vọng, không xa nữa sẽ có nhiều thị dân vác cần ra bờ kênh hóng mát, thả câu như một thú vui tao nhã mỗi buổi chiều... Bởi có sự quan tâm của con người đến môi trường thì thiên nhiên không bao giờ phụ.
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN
Từ Việt Nam, có thể bay đến Bangkok, Kuala Lumpur để bay tiếp sang Ấn Độ bằng các hãng hàng không giá rẻ. Từ Kolkata có xe tàu đến thành phố Puri, bang Orrisa (khoảng 12 – 15 giờ) nơi có nhiều di tích văn hoá xưa cổ. Ít khách nước ngoài đi Chilika nên bạn có thể tham gia tour một ngày của các công ty địa phương, khoảng 150.000đ/ngày. Hoặc tự đi bằng xe buýt đến hồ rồi mua vé đò tham quan.

Không có nhận xét nào: